Khái niệm, phân loại các trường trung học chuyên nghiệp công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt nam

Một phần của tài liệu Hoàn thiện kế toán trong các trường trung học chuyên nghiệp công lập Việt Nam (Trang 82 - 101)

CHƯƠNG 2: THỰC TRANG KẾ TOÁN TRONG CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP CÔNG LẬP VIỆT NAM

2.1 TỔNG QUAN VỀ CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP CÔNG LẬP VIỆT NAM

2.1.1 Khái niệm, phân loại các trường trung học chuyên nghiệp công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt nam

Theo qui định tại Điều lệ trường trung cấp chuyên nghiệp được ban hành trong Thông tư số 54/2011/TT-BGD&ĐT ban hành ngày 15/11/2011 có hiệu lực từ ngày 31/12/2011 và Thông tư số 47/2016/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành từ 15/2/2017:

Trường trung học chuyên nghiệp là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trường trung học chuyên nghiệp được tổ chức theo các loại hình công lập và tư thục.

a) Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên;

b) Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước. [100].

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Trường trung học chuyên nghiệp (còn được gọi là trung cấp chuyên nghiệp) là cơ sở giáo dục – đào tạo nghề nghiệp bậc trung cấp. Trường đào tạo từ 3 đến 4 năm đối với học viên đầu vào đã có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, và từ 1 đến 2 năm đối với học viên đầu vào có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.” [101].

Có thể đưa ra khái niệm chung về trường trung học chuyên nghiệp công lập là cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện giáo dục đào tạo nhân lực có kỹ năng hành nghề tương ứng với trình độ nghề nghiệp bậc trung cấp, có đạo

đức, trách nhiệm nghề nghiệp phục vụ trực tiếp cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Để phục vụ mục đích nghiên cứu của đề tài, và xác định phạm vi không gian khi nghiên cứu, tác giả lựa chọn các căn cứ phân loại các trường THCNCL như sau:

* Căn cứ theo tiêu chí đơn vị quản lý cơ sở đào tạo trung học chuyên nghiệp, hệ thống trung học chuyên nghiệp bao gồm:

- Trường trung học chuyên nghiệp độc lập trực thuộc quản lý của Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố (trước năm 2017) hay thuộc Sở lao động thương binh xã hội tỉnh, thành phố (từ sau 2017)

- Hệ đào tạo trung học chuyên nghiệp trong trường cao đẳng

- Hệ đào tạo trung học chuyên nghiệp trong trường Đại học (Học viện) - Cơ sở đào tạo trung học chuyên nghiệp khác ngoài các đơn vị trên

Bảng 2.1: Số lượng cơ sở đào tạo trung học chuyên nghiệp công lập theo tiêu chí đơn vị chủ quản trong năm học 2014-2015, 2015-2016

Chỉ tiêu 2014-2015 2015-2016

Tổng số 485 412

Trường THCN độc lập 185 175

Đào tạo THCN trong Trường CĐ 209 194

Đào tạo THCN trong Trường ĐH 64 43

(Nguồn: Bộ Giáo dục và đào tạo. [98].)

* Căn cứ theo tiêu chí đơn vị ra quyết định thành lập, các cơ sở đào tạo trung học chuyên nghiệp bao gồm:

- Trường trung học chuyên nghiệp Trung ương do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ) ra quyết định thành lập.

- Trường trung học chuyên nghiệp địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định thành lập.

Bảng 2.2: Số trường – số học sinh chính qui – số giáo viên trung học chuyên nghiệp công lập độc lập ba năm học: 2013-2014, 2014-2015, 2015-2016

SỐ LIỆU 2013-2014 2014-2015 2015-2016

Số trường 174 185 175

Qui mô học sinh 108.910 93.570 83.052

Số HS chính qui tuyển mới 56.900 45.816 45.309

Số HS chính qui tốt nghiệp 40,219 35,305 34.421

Số giáo viên 6.131 5.656 5.130

(Nguồn: Bộ Giáo dục và đào tạo. [98].)

Là một bộ phận trong hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục trung học chuyên nghiệp công lập ra đời khá sớm. Xuất phát từ nhu cầu cần cán bộ trung cấp kỹ thuật cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước giáo dục đào tạo trung học chuyên nghiệp chính thức được hình thành tháng 12 năm 1951. Trong tiến trình cải tổ giáo dục, so với các cấp đào tạo nghề nghiệp còn lại (sơ cấp, đại học), trung cấp chuyên nghiệp luôn chịu tác động mạnh và trên nhiều mặt bởi khi mở rộng ào ạt, khi thu hẹp đột ngột. Song không thể phủ nhận sự phát triển của giáo dục chuyên nghiệp công lập với mạng lưới các cơ sở đào tạo bao phủ hầu hết các địa phương và các ngành kinh tế - xã hội - văn hóa - y tế … Nhìn chung, các trường THCNCL cung cấp hàng triệu nhân lực có trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật cho hầu hết các ngành kinh tế trong cả nước, góp phần nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện thành công từng giai đoạn của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

2.1.2 Vai trò của các trường trung học chuyên nghiệp công lập Việt nam Các trường THCNCL giữ vai trò then chốt trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hiện nay. Cụ thể:

Thứ nhất, trường THCNCL là một “kênh đào tạo nghề” thực hiện phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông, giúp những thanh niên không có điều kiện theo học các chương trình đại học có thể tiếp tục theo học để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng lao động trong đó có kỹ năng sống. đáp ứng được

nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề cho xã hội, đặc biệt là cho các vùng kinh tế trọng điểm và các ngành kinh tế mũi nhọn.

Thứ hai, với phương châm “đào tạo theo địa chỉ”, và mạng lưới phân bố tương đối hợp lý ở khắp các vùng miền, chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế của các địa phương và các doanh nghiệp, nội dung đào tạo bao phủ mọi ngành nghề, không chỉ tập trung đào tạo năng lực nghề nghiệp mà còn coi trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện sức khoẻ; nên khá phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế xã hội từng địa phương.

Thứ ba, các trường THCNCL có vai trò tư vấn cho Chính phủ, các Bộ ban ngành giúp hoàn thiện các chính sách đào tạo nghề nghiệp, quy mô đào tạo tại các trường THCNCL nói chung, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động v.v…

Thứ tư, với vai trò nhà cung cấp lao động qua đào tạo, bằng các hoạt động liên kết với các tổ chức kinh tế- xã hội trong và ngoài nước, các trường giữ vai trò

“cầu nối” giữa người học và nhà đầu tư, giúp phát triển các dự án khởi nghiệp của học sinh THCNCL. Trong Báo cáo tổng kết Hội nghị các trường THCNCL các tỉnh phía bắc tháng 11/2017 do Bộ Tài chính chủ trì trình bày kết quả đánh giá sơ bộ của các doanh nghiệp khoảng thời gian 2010-2015, có khoảng 60%-75% số lao động qua đào tạo THCNCL được sử dụng đúng trình độ đào tạo; 30% có kỹ năng nghề từ khá trở lên, hơn 60% học sinh THCNCL có việc làm sau khi tốt nghiệp. Ở một số nghề (nghề hàn, nghề dịch vụ nhà hàng, nấu ăn….) kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế. Hiện tại, Việt Nam đã được một số nước có trình độ cao về đào tạo nghề bậc trung cấp như Cộng hòa liên bang Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia…. lựạ chọn làm đối tác liên kết chiến lược.

Thứ năm, với vai trò là bên sử dụng lao động, các trường THCNCL thu hút tuyển dụng số lượng lớn người lao động tốt nghiệp đại học các chuyên ngành, và thợ lành nghề, nghệ nhân …vv…. làm giáo viên, cán bộ giảng dạy tại trường nhằm cung cấp dịch vụ đào tạo nghề tốt nhất cho xã hội. Đồng thời, cùng định hướng tăng cường tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các trường THCNCL đóng góp không nhỏ vào nguồn thu NSNN.

2.1.3 Những yếu tố chi phối kế toán tài chính trường trung học chuyên nghiệp công lập Việt nam vận dụng cơ sở kế toán

2.1.3.1 Đặc điểm hoạt động

Các trường THCNCL Việt Nam hoạt động theo qui định tại Điều lệ trường trung cấp chuyên nghiệp (Thông tư số 54/2011/TT-BGD&ĐT ban hành ngày 15/11/2011 có hiệu lực từ ngày 31/12/2011 và Thông tư số 47/2016/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành từ 15/2/2017).

a) Các lĩnh vực hoạt động cơ bản:

* Lĩnh vực đào tạo:

Trường THCNCL đào tạo nhân lực trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đối tượng tuyển sinh là học sinh đã tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở, sau thời gian đào tạo tại các trường trung học chuyên nghiệp từ 1đến 2 năm họ sẽ trở thành lực lượng lao động có tay nghề bậc trung cấp.

Cách thức tuyển sinh là xét tuyển điểm các môn học như toán, văn, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ … căn cứ học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học.

Các loại hình đào tạo gồm: đào tạo dài hạn cấp văn bằng và đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ. Hệ thống đạo tạo dài hạn cấp văn bằng được tổ chức thành các hệ chính qui và vừa học vừa làm; với hình thức đào tạo chủ đạo là tập trung theo các chỉ tiêu tuyển sinh của Nhà nước. Hệ thống đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ rất đa dạng tùy theo nhu cầu của xã hội. Hiện nay do nguồn tuyển sinh dài hạn khan hiếm nên các trường THCNCL rất chú trọng đào tạo chứng chỉ, đào tạo theo đơn đặt hàng, đây là một đặc điểm khác biệt trong đào tạo nghề giữa các trường THCNCL với các trường đào tạo nghề nghiệp khác như cao đẳng hay đại học.

Các bậc trình độ đào tạo gồm: đào tạo trình độ sơ cấp để người học có năng lực thực hiện được các công việc đơn giản của một nghề; đào tạo trình độ trung cấp để người học có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ sơ cấp và thực hiện được một số công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc, làm việc độc lập, làm việc theo

nhóm; đào tạo trình độ cao đẳng để người học có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ trung cấp và giải quyết được các công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công việc, hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc.

Căn cứ mục tiêu và qui mô của từng trường, hoạt động đào tạo được thực hiện ở các phạm vi ngành nghề khác nhau. Thí dụ, trường Trung cấp Bách khoa Hà nội là một trường trung cấp chuyên nghiệp đa ngành, nơi đào tạo theo hình thức tập trung các chuyên ngành: kế toán doanh nghiệp, điện công nghiệp và dân dụng, hành chính văn thư, công nghệ sinh học, tin học ứng dụng, sư phạm mầm non. Hoặc như trường Trung cấp Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, đào tạo tập trung đa ngành gồm: tin học ứng dụng, kế toán doanh nghiệp, tài chính ngân hàng, quản lý doanh nghiệp, y sỹ, dược sỹ trung cấp, xây dựng dân dụng, thư ký văn phòng. Trường Trung cấp Kinh tế Hà nội đào tạo hai chuyên ngành: kế toán doanh nghiệp, kế toán hành chính sự nghiệp, hoặc trường Trung cấp Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đào tạo 2 chuyên ngành: kế toán doanh nghiệp và xây dựng dân dụng.

* Lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ:

Đây là hoạt động còn yếu tại các trường THCNCL. Hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn trong các trường THCNCL chủ yếu tập trung ở các trường lớn với đội ngũ giáo viên có trình độ và học vị cao, có xu hướng nghiên cứu ứng dụng. Nguồn tài chính khá hạn hẹp và chưa được phân bổ và sử dụng có hiệu quả cũng khiến hoạt động nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng được nhu cầu. Tại một số trường có đào tạo chuyên ngành thực hành, hàng năm có tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, hoặc đề tài theo đơn đặt hàng của nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp chủ yếu là tập trung tăng cường hiệu quả ứng dụng kỹ thuật trong thực tế. Các hoạt động này nhằm gắn kết giữa lý thuyết và thực tế, nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu khoa học cho giáo viên để từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế về lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Hội đồng khoa học thường chú trọng đánh giá chất lượng giảng dạy thông qua dự giờ hoặc các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi, thay đổi nội dung

chương trình các môn học. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo thì chỉ có 48,5% số trường có hội đồng chuyên biệt này, 32,3% trường để hội đồng này do phòng đào tạo kiêm nhiệm, còn lại là các trường không thành lập hội đồng khoa học hay bộ phận tương tự.

Đặc điểm này cũng là sự khác biệt với các đơn vị nghiên cứu như viện nghiên cứu hoặc các trường cao đẳng, đại học, ảnh hưởng đến hoạt động kế toán tài chính khi theo dõi phản ánh các nghiệp vụ liên quan lĩnh vực này.

* Các lĩnh vực khác ngoài hai lĩnh vực trên

Ngoài ra, bên cạnh hoạt động đào tạo các trường còn được thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ, đầu tư tài chính ... theo qui định pháp luật. Phần lớn các trường tận dụng ưu thế ngành nghề đào tạo để hoạt động kinh doanh, ví dụ trường Trung cấp nấu ăn và nghiệp vụ khách sạn Sài Gòn mở nhà hàng kinh doanh sản phẩm do thầy và trò thực hiện, trường Trung cấp cơ điện Thanh Hóa mở cửa hàng sửa chữa điện lạnh…vv… với điều kiện hoạt động kinh doanh không lấn sang hoạt động đào tạo làm sai chức năng nhiệm vụ trong quyết định thành lập nhà trường, hoạt động kinh doanh giúp tăng nguồn thu bổ sung để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, chi cho các hoạt động giáo dục đặc biệt là chi cho người lao động, giảm bớt phụ thuộc vào NSNN.

Nhà trường được huy động các nguồn lực theo quy định của pháp luật để sử dụng cho hoạt động kinh tế như sử dụng cơ sở vật chất dư thừa, vốn góp của các đối tượng trong và ngoài nhà trường hoặc vay tín dụng... Trường THCNCL còn liên kết với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hoá, thể dục, thể thao, y tế, nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, gắn đào tạo với sử dụng và việc làm, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, bổ sung nguồn lực cho nhà trường.

b) Quan hệ với các đơn vị nhà nước có liên quan

Các trường THCNCL mặc dù được giao phó nhiệm vụ chức năng đào tạo ở các ngành nghề khác nhau nhưng xét về mặt bản chất hoạt động của các trường và mối quan hệ trong tổng thể các hoạt động quản lý nhà nước nói chung đều chịu sự quản lý và chi phối của các đơn vị có liên quan như: cơ quan quản lý tài chính (Sở Tài chính tỉnh / thành), kho bạc nhà nước nơi trường mở tài khoản, cơ quan chủ

quản trực tiếp (Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh/ thành trước năm 2016 hoặc Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh/ thành từ 2016 trở đi), theo tác giả mối quan hệ giữa trường THCNCL và các đơn vị chức năng khác trong hệ thống quản lý nhà nước được thể hiện qua sơ đồ 2.1.

Sơ đồ 2.1: Quan hệ giữa trường THCNCL với các cơ quan chức năng

Mối quan hệ với các đơn vị nhà nước trên có ảnh hưởng đến các kế toán các hoạt động tạo lập và sử dụng các nguồn lực bị nhà nước kiểm soát như kinh phí hoạt động từ NSNN, kinh phí chương trình dự án do cơ quan chủ quản phân phối, kinh phí nhận trực tiếp từ chính quyền …vv…

2.1.3.2 Qui trình quản lý tài chính

Trường THCNCL là đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nguồn lực tài chính gồm hai bộ phận: từ NSNN và từ các khoản thu học phí, khoản thu thực hiện dịch vụ…vv. Theo hướng dẫn của Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (gần nhất là Nghị định số 16/2015/NĐ-CP được Chính phủ đã ban hành ngày 14-2-2015) quy định các trường THCNCL tuân thủ qui chế tự chủ tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, cũng như tự chủ tài chính từng phần hoặc toàn phần chi hoạt động và chi đầu tư.

Cơ chế này đã phát huy được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường trong đa dạng hoá nguồn lực phát triển giáo dục, đa dạng hoá và nâng cao

Một phần của tài liệu Hoàn thiện kế toán trong các trường trung học chuyên nghiệp công lập Việt Nam (Trang 82 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(361 trang)