ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP CÔNG LẬP VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Hoàn thiện kế toán trong các trường trung học chuyên nghiệp công lập Việt Nam (Trang 160 - 163)

CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN KẾ TOÁN TRONG CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP CÔNG LẬP VIỆT NAM

3.1 ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP CÔNG LẬP VIỆT NAM

Cạnh tranh kinh tế giữa các quốc gia hiện nay trên thế giới thực chất là cạnh tranh giáo dục bởi “Giáo dục phát triển, kinh tế sẽ mạnh”. Hầu hết các quốc gia dù là chậm phát triển, đang phát triển hay phát triển đều tiến hành đổi mới hoặc cải cách giáo dục với những mức độ khác nhau tùy theo từng khu vực và từng quốc gia.

Đây là xu thế mang tính toàn cầu, một trào lưu đang trở thành phổ biến, nổi bật trên thế giới mà Việt nam muốn phát triển kinh tế tất yếu phải nhanh chóng hội nhập trào lưu này. Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng về giáo dục đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, tạo cơ hội thuận lợi cho Việt nam tiếp cận với các tri thức mới, những mô hình giáo dục hiện đại, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, tạo thời cơ để phát triển giáo dục.

Nước ta đã tiến hành ba cuộc cải cách và đổi mới giáo dục: Cải cách giáo dục lần thứ nhất vào năm 1950 nhằm xây dựng một nền giáo dục mới do dân và vì dân. Cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai năm 1956 nhằm đào tạo,bồi dưỡng thế hệ thanh niên và thiếu nhi trở thành những người phát triển về mọi mặt, những công dân tốt trung thành với Tổ quốc, những người lao động tốt, cán bộ tốt của nước nhà, có tài đức để phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đồng thời để thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ. Cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba bắt đầu từ 1979, tiến hành trên cả ba mặt: hệ thống giáo dục, nội dung và phương pháp dạy học.

Sau gần 30 năm đổi mới, giáo dục của chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, rất có ý nghĩa trong việc thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Nằm trong nỗ lực cải cách triệt để nền giáo dục nước nhà, từ ngày 01-7-2015 Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời và chính thức có hiệu lực. Theo đó, hợp nhất giáo

dục chuyên nghiệp với giáo dục nghề, gọi chung là giáo dục nghề nghiệp. Cùng với giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo của các trường trung học chuyên nghiệp công lập nói riêng đều tập trung vào nhiệm vụ quan trọng là đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nói chung và giáo dục tại các trường tung học chuyên nghiệp công lập nói riêng, trong mười năm tới khối đào tạo này sẽ có định hướng như sau:

Một là, đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, mở rộng đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp cho người lao động. Cơ cấu lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, chuyên ngành, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng thực dạy, thực học. Khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài mở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo; xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo với thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động và nhu cầu giải quyết việc làm.

Hai là, tạo sự thống nhất trong các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, tránh tình trạng cắt khúc, chồng chéo; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các nghị định hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm cơ sở triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện thống nhất đầu mối quản lý giáo dục; xây dựng khung các trình độ quốc gia, các tiêu chuẩn định mức trong giáo dục trung cấp chuyên nghiệp.

Ba là, xây dựng bộ tiêu chí tổ chức đánh giá định mức kỹ thuật vị trí việc làm của người lao động và nhu cầu nhân lực trình độ chuyên nghiệp. Tiếp tục mở rộng quy mô, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, các hình thức đào tạo, các hệ đào tạo và các loại hình trường trung cấp chuyên nghiệp, gắn với bảo đảm chất lượng đào tạo, phù hợp với khả năng cung ứng nhân lực của cơ sở đào tạo và quy hoạch phát triển nhân lực của các bộ, ngành và địa phương. Rà soát, quy hoạch

mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo cơ cấu ngành nghề phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, và nhu cầu người học; đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong nước và tham gia thị trường lao động trong khu vực và quốc tế.

Bốn là, các sở chủ quản tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện để các trường trung cấp chuyên nghiệp đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học gắn với chuẩn năng lực và đánh giá sự tác động của chuẩn đầu ra đối với cải thiện chất lượng và hiệu quả đào tạo. Tăng cường quản lý chất lượng đầu ra, chuẩn hóa đầu ra và các điều kiện bảo đảm chất lượng; công khai về chất lượng, các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và tài chính.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động thành lập trường, thực hiện quy chế đào tạo, mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp, kịp thời chấn chỉnh và công khai xử lý nghiêm các sai phạm trong đào tạo trung cấp chuyên nghiệp. Thực hiện xã hội giám sát đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục chuyên nghiệp thông qua công khai các hoạt động giáo dục chuyên nghiệp.

Sáu là, tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp, trong đó tập trung tổ chức tuyên truyền, tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện các giải pháp để phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp theo Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05-12-2011, của Bộ Chính trị về phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Mỗi cơ sở giáo dục chuyên nghiệp cần thành lập trung tâm hoặc bộ phận chuyên trách tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, xây dựng chương trình tích hợp các môn văn hóa với các môn học cơ sở và chuyên môn để nâng cao hiệu quả phân luồng sau trung học cơ sở trong giáo dục chuyên nghiệp.

Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục chuyên nghiệp, trong đó triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục chuyên nghiệp ở các cấp và cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, đưa các nội dung công khai về giáo dục lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và của cơ quan quản lý.

Tám là, tiếp tục thực hiện Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020, trong đó tập trung vào việc tổ chức rà soát, bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho giáo viên tiếng Anh trung cấp chuyên nghiệp, tổ chức dạy thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường cho một số ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp. Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục chuyên nghiệp. Khuyến khích các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp trong nước hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài để nâng cao năng lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ khoa học, quản lý giáo dục chuyên nghiệp.

Định hướng đào tạo của khối các trường trung học chuyên nghiệp ngày càng sâu – rộng đòi hỏi thông tin kinh tế về hoạt động của trường cung cấp cho người quản lý phải có chất lượng và thực sự hiệu quả, đó chính là đòi hỏi đối với kế toán các trường trung học chuyên nghiệp công lập trong bối cảnh mới.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện kế toán trong các trường trung học chuyên nghiệp công lập Việt Nam (Trang 160 - 163)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(361 trang)