CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ KẾ TOÁN ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
1.2 VAI TRÒ, NHIỆM VỤ, YÊU CẦU CỦA KẾ TOÁN TÀI CHÍNH ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
1.2.1 Vai trò của kế toán tài chính đơn vị sự nghiệp công lập
Mỗi đơn vị dù hoạt động trong khu vực tư hay khu vực công đều hướng đến mục tiêu cung ứng đa dạng sản phẩm, dịch vụ với chất lượng tốt, chi phí tối thiểu trong điều kiện hạn chế về nguồn lực. Kế toán không phải là công cụ quản lý duy nhất nhưng luôn được xem là công cụ quản lý tối ưu nhất bởi chủ thể quản lý ở cấp vi mô và vĩ mô cũng như các đối tượng có liên quan không thể ra các quyết định quản lý hay quyết định kinh tế nếu thiếu thông tin của kế toán.
Với đặc thù được thành lập bởi Nhà nước, được Ngân sách nhà nước đảm bảo một phần hoặc toàn bộ kinh phí để thực thi hoạt động, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng quyền hạn thực thi các nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó. Kế toán đơn vị
sự nghiệp công lập là một trong những công cụ quản lý sắc bén được sử dụng trong các đơn vị sự nghiệp công lập để quản lý tài sản, quản lý quá trình tiếp nhận và sử dụng các nguồn kinh phí.
Theo nghiên cứu của các giảng viên khoa Kế toán – kiểm toán, Đại học Kinh tế quốc dân, năm 2005:
Kế toán công trong đơn vị hành chính sự nghiệp là một bộ phận cấu thành hệ thống kế toán nhà nước, có tổ chức hệ thống thông tin (đã kiểm tra) về tình hình tiếp nhận và sử dụng, quyết toán kinh phí, tính hình quản lý và sử dụng các loại vật tư, tài sản công, tình hình chấp hành các dự toán thu chi và thực hiện các tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước ở các đơn vị hành chính sự nghiệp. [34, tr.14].
Theo định nghĩa trong giáo trình Kế toán hành chính sự nghiệp, Học viện Tài chính, năm 2009:
Kế toán hành chính sự nghiệp là công việc tổ chức hệ thống thông tin bằng số liệu để quản lý và kiểm soát nguồn kinh phí, tình hình sử dụng và quyết toán kinh phí, tình hình quản lý và sử dụng các loại vật tư, tài sản công, tình hình chấp hành sự toán thu chi và thực hiện các tiêu chuẩn, định mức thu, chi tại các cơ quan đơn vị. [38, tr.5].
Kế toán đơn vị sự nghiệp công lập là kế toán chấp hành NSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập, đây là công việc tổ chức hệ thống thông tin bằng số liệu để quản lý và kiểm soát nguồn kinh phí, tình hình sử dụng quyết toán kinh phí, tính hình quản lý và sử dụng các loại vật tư, tài sản công, tình hình chấp hành dự toán thu – chi và thực hiện các tiêu chuẩn, định mức thu, chi tại các đơn vị.
Trong điều kiện quản lý kinh tế hiện nay, các hoạt động tổ chức và quản lý nền kinh tế quốc dân, tổ chức và quản lý các hoạt động kinh tế tài chính trong các đơn vị muốn đạt hiệu quả cao, có được những quyết định đúng đắn, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc dân và của từng đơn vị, cần thiết phải có những thông tin về các hoạt động kinh tế tài chính một cách đây đủ, kịp thời, chính xác và có hệ thống. Những thông tin như vậy chỉ có thể có được thông qua kế toán.
Thông tin do kế toán cung cấp có độ tin cậy cao, mô tả được thực trạng hoạt động kinh tế tài chính trong đơn vị, là một bộ phận cấu thành rất quan trọng trong hệ thống thông tin kinh tế tài chính của đơn vị, giúp cho các cơ quan quản lý, các nhà kinh tế, các nhà quản lý ở các đơn vị có cơ sở để hoạch định các chính sách, đường lối phát triển kinh tế xã hội, phương hướng hoạt động của đơn vị phù hợp với phạm vi toàn xã hội và trong từng đơn vị. Cụ thể là:
- Thuyết minh rõ ràng và chính xác các chiến lược cũng như các kế hoạch phát triển lâu dài của đơn vị;
- Hỗ trợ việc phân bổ các nguồn lực của đơn vị một cách hợp lý và có hiệu quả nhất;
- Lập kế hoạch chi phí và kiểm soát chi phí, kiểm soát chi phí đối với các mặt hoạt động và các quá trình trong tổ chức;
- Lập các báo cáo theo qui định của chế độ kế toán Nhà nước
Một hệ thống kế toán tại đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thiện sẽ phát huy vai trò sau:
Thứ nhất, kế toán đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý vĩ mô của Nhà nước. Đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước hình thành nhằm thực hiện nhiệm vụ thực hiện dịch vụ công mà Nhà nước giao. Thông tin kế toán đơn vị sự nghiệp công lập giúp Nhà nước kiểm tra giám sát tình hình thực hiện luật pháp, cơ chế chính sách ở đơn vị. Đồng thời, cung cấp số liệu thống kê phục vụ đánh giá, lập và điều chỉnh cơ chế chính sách, chương trình mục tiêu phát triển ở từng giai đoạn.
Thông qua thông tin kế toán đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ các loại tài sản, nguồn kinh phí của đơn vị, giúp cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nguồn kinh phí trong các đơn vị, đồng thời tổng hợp thông tin xác đáng cho tổng kế toán nhà nước.
Thứ hai, kế toán đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý vi mô của người điều hành đơn vị. Thông tin đầu ra của kế toán cung cấp là sản phẩm của quy trình kế toán giúp nhà điều hành kiểm soát đánh giá các nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực cũng như trách nhiệm của nhà quản lý tại đơn vị. Chất lượng thông tin kế toán cung cấp sẽ chi phối và quyết định tính đúng đắn, phù hợp, chất lượng, hiệu quả và
hiệu suất trong các quyết định của nhà quản lý và giúp họ đánh giá tình hình tài chính, tình hình hoạt động quá khứ cũng như hiện, phục vụ việc lập, thực hiện và điều chỉnh dự toán.
Thứ ba, kế toán đơn vị sự nghiệp công lập hỗ trợ cho các công cụ quản lý khác. Kế toán không phải công cụ có tác dụng điều chỉnh như Luật pháp, cũng không phải công cụ điều tiết như đòn bẩy kinh tế mà kế toán thuộc nhóm cung cấp thông tin hiện thực. Thông tin mà kế toán cung cấp là thông tin phản hồi về đối tượng quản lý. Nếu không có thông tin này cả hệ thống quản lý kinh tế sẽ bị đình trệ, đồng thời kế toán còn hỗ trợ đắc lực cho các công cụ quản lý khác phát huy tốt nhất tác dụng của chúng.
Đặc điểm khác biệt nổi bật giữa đơn vị sự nghiệp công lập so với các đơn vị kinh doanh vì lợi nhuận (doanh nghiệp) là các đơn vị sự nghiệp công lập thường được trang trải chi phí bằng nguồn kinh phí từ NSNN cấp, nguồn thu sự nghiệp và một phần nhỏ từ thu nhập của các hoạt động dịch vụ. Mọi khoản thu, chi ở đơn vị này đều phải được lập dự toán một cách có cơ sở khoa học. Với chức năng thông tin mọi hoạt động kinh tế phát sinh trong quá trình chấp hành NSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập, kế toán đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước sử dụng như một công cụ kiểm soát việc sử dụng các nguồn vốn mà chủ yếu là vốn Ngân sách một cách tiết kiệm và hiệu quả. Rõ ràng, khi công tác kế toán vận dụng có hiệu quả các chính sách, chế độ, thể lệ về kinh tế tài chính của nhà nước và thực hiện công bố thông tin bằng các báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật đồng nghĩa với việc kế toán thực hiện tốt yêu cầu, chức năng và nhiệm vụ của mình trong hệ thống các công cụ quản lý, thể hiện vai trò là công cụ thúc đẩy và hỗ trợ các công cụ quản lý khác. Như vậy, công tác kế toán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quản lý ở các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong điều kiện hiện nay, một yêu cầu đặt ra với công tác kế toán là phải không ngừng đổi mới và hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý của bản thân đơn vị cũng như phù hợp với các chính sách, chế độ, thể lệ về kinh tế, tài chính của nhà nước. Để phát huy tốt nhất vai trò của công tác kế toán, các đơn vị sự nghiệp công lập cần phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu cơ bản và thực hiện tốt nhiệm vụ công tác kế toán.
1.2.2 Nhiệm vụ, yêu cầu của kế toán tài chính đơn vị sự nghiêp công lập
Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển, cùng với quá trình hội nhập của nền kinh tế, các hoạt động sự nghiệp ngày càng phong phú và đa dạng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, công tác kế toán trong các đơn vị sự nghiệp công lập phải có kế hoạch tổ chức hệ thống thông tin bằng số liệu để quản lý và để kiểm soát nguồn kinh phí;
tình hình sử dụng quyết toán kinh phí; tình hình quản lý và sử dụng các loại vật tư tài sản công; tình hình chấp hành dự toán thu, chi và thực hiện các tiêu chuẩn định mức của nhà nước ở đơn vị. Đồng thời, kế toán với chức năng thông tin mọi hoạt động kinh tế phát sinh trong quá trình chấp hành NSNN được nhà nước sử dụng như một công cụ sắc bén trong việc quản lý NSNN, góp phần đắc lực vào việc sử dụng vốn một tiết kiệm và hiệu quả cao.
Kế toán đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp thông tin kế toán vừa phục vụ quản lý trong đơn vị, vừa phục vụ việc ra quyết định kinh tế của Nhà nước và những đối tượng có liên quan. Muốn đảm bảo tính hiệu lực trong công tác quản lý, kế toán đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Ghi chép và phản ánh một cách chính xác, kịp thời, đầy đủ và có hệ thống tình hình luân chuyển và sử dụng tài sản, vật tư, tiền vốn, quá trình hình thành kinh phí và sử dụng nguồn kinh phí, tình hình và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị.
- Thực hiện kiểm tra, kiểm soát tình hình chấp hành kế hoạch thu, chi; tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế tài chính và các tiêu chuẩn, định mức của nhà nước;
kiểm tra việc quản lý, sử dụng các loại vật tư tài sản ở đơn vị; kiểm tra việc chấp hành kỷ luật thu, nộp ngân sách, chấp hành kỷ luật thanh toán và chế độ chính sách của nhà nước.
- Theo dõi và kiểm soát tình hình phân phối kinh phí cho các đơn vị dự toán cấp dưới, tình hình chấp hành dự toán thu, chi và quyết toán của các đơn vị cấp dưới.
- Lập và nộp đúng hạn các báo cáo tài chính cho các cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan tài chính theo quy định, cung cấp thông tin và tài liệu cần thiết phục vụ cho
việc xây dựng dự toán, xây dựng các định mức chi tiêu; phân tích và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí ở đơn vị.
Kế toán đơn vị sự nghiệp công lập cần tuân thủ yêu cầu cơ bản nhằm bảo đảm quá trình xử lý thông tin một cách thống nhất, cung cấp các thông tin kinh tế tài chính của đơn vị trung thực, hợp lý, kịp thời, dễ hiểu, có thể so sánh giúp người sử dụng ra các quyết định kinh tế có tính hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể gồm:
- Phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác và toàn diện mọi khoản vốn, quỹ, kinh phí, tài sản và mọi hoạt động kinh tế, tài chính phát sinh ở đơn vị.
- Chỉ tiêu kinh tế phản ánh phải thống nhất với dự toán về nội dung và phương pháp tính toán.
- Số liệu trong báo cáo tài chính phải rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo cho các nhà quản lý có được những thông tin cần thiết về tình hình tài chính của đơn vị.
- Tổ chức công tác kế toán gọn nhẹ, tiết kiệm và có hiệu quả.