CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN KẾ TOÁN TRONG CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP CÔNG LẬP VIỆT NAM
3.2 NGUYÊN TẮC HOÀN THIỆN KẾ TOÁN TRONG CÁC TRƯỜNG
3.3.1 Nhóm giải pháp hoàn thiện kế toán tài chính theo cơ sở tiền mặt
Kế toán theo cơ sở tiền mặt tại các trường THCNCL nhằm cung cấp thông tin tương thích với kế toán chi NSNN. Do vậy kế toán theo cơ sở tiền mặt được ứng dụng tại các trường có tiếp nhận và sử dụng kinh phí từ NSNN, hoặc tiếp nhận và sử dụng kinh phí ngoài NSNN nhưng phải quyết toán với cơ quan chủ quản; điều này có nghĩa nhà trường không cần thiết thực hiện kế toán theo cơ sở tiền mặt nếu không tiếp nhận và sử dụng kinh phí từ NSNN, hoặc không có yêu cầu phải quyết toán việc tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí khác với cơ quan chủ quản.
Sơ đồ 3.1: Các phần hành kế toán theo cơ sở tiền mặt tại các trường trung học chuyên nghiệp công lập
Theo đó, kế toán theo cơ sở tiền mặt phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến tiếp nhận (thu) và sử dụng (chi) kinh phí ngân sách nhà nước cấp hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước dựa trên cơ sở tiền mặt.
Với mỗi nội dung công việc kế toán thường bao gồm đối tượng kế toán, chứng từ, tài khoản (sổ), phương thức ghi nhận giao dịch vào tài khoản, báo cáo.
Với phần kế toán NSNN tại các trường THCNCL tuân thủ qui định quản lý và sử dụng NSNN nên hệ thống chứng từ kế toán và hệ thống báo cáo ngân sách phải tuân thủ theo qui định của cơ quan nhà nước (chế độ của Bộ tài chính) và chịu sự kiểm
soát của kho bạc nhà nước. Nhất là khi việc vận dụng mô hình tổng kế toán nhà nước được hiện thực hóa, hệ thống báo cáo ngân sách phải được xây dựng thống nhất giữa đơn vị thụ hưởng NSNN như các trường THCNCL và đơn vị quản lý, đơn vị giám sát thực hiện thu chi NSNN; các thông tin phản ánh trên báo cáo phải được mã hóa phù hợp với thông tin trên chứng từ kế toán để thông tin được cung cấp nhất quán giữa đơn vị sử dụng ngân sách và cơ quan quản lý ngân sách. Hệ thống báo cáo ngân sách của trường THCNCL cần tuân thủ qui định chung của cơ quan quản lý tài chính nhà nước và đảm bảo đối chiếu được với số liệu của kho bạc nhà nước.
Vì vậy tác giả không đưa ra giải pháp hoàn thiện nội dung chứng từ kế toán ngân sách, và báo cáo kế toán ngân sách.
Xuất phát từ đặc điểm hoạt động của các trường THCNCL có thể chia kế toán theo cơ sở tiền mặt thành các phần hành như mô tả ở sơ đồ 3.2. Dựa vào đây, tác giả đưa ra các giải pháp cụ thể hoàn thiên đối tượng kế toán, tài khoản và phương thức ghi nhận giao dịch vào tài khoản kế toán.
3.3.1.1 Tăng cường nhận thức của kế toán về khung cơ sở kế toán tiền mặt và bộ nguyên tắc đi kèm
Có thể ở giai đoạn hiện tại, việc xây dựng bộ chuẩn mực kế toán dành cho khu vực công nói chung và các đơn vị dịch vụ công như các trường THCNCL nói riêng khá khó khăn, nhưng trong tương lai gần để hoàn thiện công tác kế toán tài chính đơn vị dịch vụ công như các trường THCNCL cần thiết phải có bộ chuẩn mực kế toán công, tại đó khung cơ sở tiền mặt và bộ nguyên tắc kèm được ban hành chính thức theo để kế toán các trường tuân thủ một cách thống nhất.
Cụ thể cơ sở tiền mặt được sử dụng cho kế toán theo dõi biến động của những đối tượng là nguồn lực bằng tiền hoặc khoản tương đương tiền có gốc NSNN hoặc nguồn quỹ do nhà nước kiểm soát. Giúp thu nhận – xử lý và cung cấp thông tin phục vụ kiểm soát NS quốc gia.
Hệ thống nguyên tắc cơ bản đi kèm gồm: nguyên tắc thực thu – thực chi, nguyên tắc giá gốc (với điều kiện giả định hoạt động liên tục tồn tại).
Khi thực hiện kế toán theo cơ sở tiền mặt rất cần đối tượng làm kế toán phải nhận thức rõ ràng khung cơ sở tiền mặt và bộ nguyên tắc tương ứng. Kế toán cần
chú ý việc tuân thủ cơ sở tiền mặt trong phần kế toán cung cấp thông tin cho kế toán NSNN quốc gia là nội dung kế toán tiếp nhận và sử dụng NSNN tương ứng với chi NSNN quốc gia.
3.3.1.2 Hoàn thiện việc xác định đối tượng kế toán và cách thức ghi nhận đo lường đối tượng kế toán cụ thể tuân thủ cơ sở tiền mặt
Xuất phát từ cơ sở tiền mặt nên đối tượng kế toán bao gồm:
a/ Tiền: Các loại tiền gốc NSNN, tiền do chủ đầu tư cấp để thực hiện hoạt động cần quyết toán, để ở quĩ tiền mặt, để tại tài khoản mở ở kho bạc.
b/ Nguồn: phản ánh các nguồn hình thành tiền hoặc tương đương tiền kinh phí của các hoạt động có gốc NSNN là: Nguồn kinh phí hoạt động (chi tiết theo năm, loại thường xuyên và không thường xuyên), Nguồn kinh phí chương trình dự án, Nguồn kinh phí thực hiện đơn đặt hàng nhà nước, Nguồn kinh phí xây dựng cơ bản hoặc nguồn kinh phí ngoài NSNN do chủ đầu tư cấp cần quyết toán với chủ đầu tư.
c/ Tạm chi: phản ánh các khoản chi chưa xác định thuộc nguồn nào trang trải hoặc chưa xác định số chi được trang trải của từng nguồn là bao nhiêu…( ví dụ: chi nhưng chưa được kho bạc duyệt vì chưa đủ chứng từ…)
d/ Tạm thu: phản ánh các khoản thu chưa đến thời điểm xác định số để lại được ghi tăng Nguồn kinh phí tương ứng (theo qui chế tài chính phải nộp lại NSNN một phần), ví dụ: thu học phí chỉ để lại 70% hoặc nhận viện trợ không hoàn lại chưa ghi thu ghi chi…
e/ Chi: phản ánh số kinh phí được cấp có gốc NSNN đã được chi dùng phục vụ cho các hoạt động của trường, hạch toán chi tiết theo từng hoạt động như: Chi hoạt động sự nghiệp (chi tiết theo năm, loại thường xuyên và không thường xuyên), Chi chương trình dự án, Chi thực hiện đơn đặt hàng của nhà nước, Chi sửa chữa TSCĐ và XDCB.
3.3.1.3 Hoàn thiện bộ tài khoản kế toán phản ánh các đối tượng kế toán tuân thủ cơ sở tiền mặt
Hệ thống tài khoản kế toán cơ sở tiền mặt phản ánh các đối tượng kế toán tài chính liên quan đến tiếp nhận và sử dụng kinh phí từ NSNN – Tuân thủ cơ sở kế toán tiền mặt. [Phụ lục 3.2]
- Tài khoản Tiền: tài khoản tài sản phản ánh các khoản tiên có gốc NSNN của đơn vị bảo quản tại két, tài khoản kho bạc. Hoặc tiền ngoài NSNN do chủ đầu tư cấp và phải quyết toán. Kết cấu tăng nợ, giảm có, dư nợ.
- Tài khoản Nguồn: chi tiết theo từng nguồn kinh phí của từng loại hoạt động được tiếp nhận từ NSNN. Kết cấu tăng có, giảm nợ, dư có.
- Tài khoản Chi: chi tiết theo từng hoạt động có nguồn kinh phí được nhận. Kết cấu tăng Nợ, giảm có, dư nợ.
- Tài khoản Tạm thu phản ánh các khoản thu chưa đến thời điểm xác định số để lại được ghi tăng Nguồn. Kết cấu tăng có, giảm nợ, không có số dư cuối kỳ.
- Tài khoản Tạm chi phản ánh các khoản chi chưa xác định thuộc nguồn. Kết cấu tăng nợ , giảm có, cuối kỳ không số dư.
3.3.1.4 Hoàn thiện cách thức phản ánh giao dịch vào tài khoản kế toán theo phương pháp ghi kép để dễ dàng nhìn nhận đối ứng tài khoản và giúp đối chiếu khi hợp nhất báo cáo tài chính của kế toán nhà nước
Nguồn kinh phí NSNN cấp cho đơn vị và các khoản chi tiêu từ NSNN được theo dõi riêng và hạch toán ngay khi nghiệp vụ thu, chi phát sinh để đảm bảo số liệu phản ánh trung thực, phục vụ cho mục tiêu quyết toán ngân sách nhà nước.
Việc tiếp nhận kinh phí và sử dụng kinh phí từ NSNN được ghi nhận khi thực thu, thực chi. Khoản chi ngân sách nhà nước nếu chưa đủ hồ sơ, thủ tục thanh toán được hạch toán vào tài khoản “Tạm chi”, khi đủ hồ sơ, thủ tục thanh toán mới được kết chuyển vào tài khoản chi hoạt động tương ứng. Các khoản thu chưa đủ điều kiện ghi nhận tăng nguồn kinh phí (thu phí chưa đến thời điểm xác định phần nộp NSNN và phần để lại tăng nguồn kinh phí, khoản viện trợ chưa hoàn thành thủ tục ghi thu, ghi chi …) kế toán ghi tăng vào tài khoản Tạm thu, sau khi có đủ bằng chứng tin cậy xác định số thu để lại được ghi tăng Nguồn kinh phí hoặc có xác nhận ghi thu ghi chi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về khoản viện trợ kế toán ghi giảm trên tài khoản Tạm thu và ghi tăng tài khoản Nguồn kinh phí tương ứng. Để đảm bảo nguyên tắc hạch toán ngân sách theo niên độ, khi đơn vị nhận dự toán ứng trước của ngân sách nhà nước hạch toán vào tài khoản nguồn kinh phí năm sau, khi chi từ dự toán ứng trước hạch toán vào tài khoản chi năm sau, khi được giao dự toán
chính thức mới được kết chuyển từ tài khoản nguồn kinh phí năm sau vào tài khoản nguồn kinh phí năm nay đồng thời số đã chi được kết chuyển từ tài khoản chi năm sau vào tài khoản chi năm nay. [Phụ lục 3.3].