CHƯƠNG 1: CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CHẤT LƯỢNG THÔNG TIN BCTC VÀ QTCT
1.3 Tổng quan kết quả nghiên cứu và xác định khoảng trống nghiên cứu
Sau khi tìm hiểu những công trình nghiên cứu khoa học trong cũng như ngoài nước có liên quan tương đối đến đề tài của luận án, tác giả có một số nhận xét cơ bản như sau:
- Khái niệm chất lượng thông tin BCTC, được các nghiên cứu xem xét ở nhiều góc độ khác nhau, mang tính chất riêng lẻ như các thông tin tài chính và thông tin công bố bắt buộc cũng như tự nguyện. Từ đó việc đo lường chất lượng thông tin BCTC chỉ ở mức độ các thông tin tài chính và mức độ công bố, chưa phản ánh được chất lượng thông tin BCTC toàn diện theo hướng tính hữu ích của thông tin nhằm giúp người sử dụng thông tin BCTC ra quyết định.
- Các nghiên cứu trong nước cho thấy chưa có công trình đánh giá chất lượng các thông tin BCTC dựa trên các đặc tính chất lượng của FASB và IASB với mẫu nghiên cứu lớn, theo hướng hữu ích cho người sử dụng. Hầu hết các nghiên cứu trong nước sử dụng phương pháp định tính, ở nhiều góc độ khác nhau xem xét ở hai góc độ là hoàn thiện quy trình kế toán và chuẩn mực kế toán Việt Nam theo hướng hội nhập chuẩn mực kế toán quốc tế. Trong khi đó, phương pháp đo lường chất lượng thông tin BCTC của Ferdy van Bees, Geert Braam theo tác giả được xem là phương pháp đo lường toàn diện hơn và hướng vào tính hữu ích của thông tin. Tuy nhiên, việc đo lường này được thực hiện ở các nước phát triển. Vì vậy, đối với Việt nam là nước đang phát triển do đó còn khoảng trống để nghiên cứu.
- Các nghiên cứu về QTCT được sự quan tâm rất lớn của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới và chủ yếu bằng nghiên cứu thực nghiệm. Các nghiên cứu trên thế giới đã khám phá và giải thích khá đầy đủ về sự tác động của QTCT đến chất lượng thông tin BCTC. Mặc dù có những ý kiến trái chiều do sự ảnh hưởng môi trường kinh tế, chính trị văn hóa của từng quốc gia, nhưng qua các nghiên cứu này cho thấy bằng chứng về sự ảnh hưởng của các yếu tố QTCT đến chất lượng thông tin BCTC.
Tuy nhiên, các tác giả chỉ nghiên cứu sự tác động của QTCT đến các khía cạnh riêng lẻ của chất lượng thông tin BCTC như: quản trị lợi nhuận, công bố lại BCTC, gian lận BCTC, công bố tự nguyện, công bố bắt buộc…. Riêng tại Việt Nam, chưa có công trình nghiên cứu chính thống về sự tác động của QTCT đến chất lượng thông tin BCTC.
1.3.2 Xác định khoảng trống nghiên cứu
Thứ nhất, trong khi tại Việt Nam chưa có nghiên cứu về sự tác động của QTCT đến chất lượng thông tin BCTC, thì các nghiên cứu nước ngoài chỉ xem xét sự tác động của QTCT đến chất lượng thông tin BCTC ở những khía cạnh khác nhau.
Thứ hai, chất lượng thông tin BCTC, các nghiên cứu tại Việt Nam tập trung vào xem xét quy trình kế toán và chất lượng chuẩn mực kế toán được thiết lập tại Việt Nam, từ đó đưa ra những kiến nghị liên quan đến việc hoàn thiện quy trình kế toán và xây dựng các chuẩn mực kế toán theo hướng hòa nhập chuẩn mực kế toán quốc tế, chưa có công trình nào nghiên cứu chất lượng thông tin BCTC theo hướng hữu ích cho quá trình ra quyết định.
Thứ ba, trong khi các nghiên cứu trong nước chủ yếu sử dụng phương pháp định tính để đo lường chất lượng thông tin BCTC, thì các nghiên cứu nước ngoài sử dụng phương pháp định lượng để đánh giá sự tác động của QTCT đến chất lượng thông tin BCTC.
Từ những khoảng trống trong nghiên cứu đã trình bày, trên quan điểm kế thừa và kết hợp các mô hình nghiên cứu, luận án sẽ nghiên cứu sự tác động của QTCT đến chất lượng thông tin BCTC tại thị trường chứng khoán tại Việt Nam.
Kết luận chương 1
Nội dung chính của chương này nhằm đánh giá một cách tổng quan về bức tranh tổng thể của các nghiên cứu khác nhau trong cũng như ngoài nước có liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đến những nội dung của luận án mà tác giả thực hiện. Từ đó, giúp tác giả nhận thấy khoảng trống cần nghiên cứu và làm nền tảng để thực hiện các bước tiếp theo của luận án.
Việc tổng hợp và đánh giá các công trình nghiên cứu được tác giả trình bày theo hai phần lần lượt trong nước và ngoài nước trên cơ sở chọn lọc các công trình tiêu biểu đã công bố có liên quan đến những nội dung của luận án. Qua những nội dung đã trình bày trong chương này cho thấy nội dung nghiên cứu chất lượng thông tin BCTC và những yếu tố QTCT tác động đến nó là vấn đề mới và cần thiết.