Chất lượng thông tin BCTC

Một phần của tài liệu Tác động của QTCT đến chất lượng thông tin BCTC tại các công ty niêm yết ở Việt Nam (Trang 125 - 131)

CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN

4.2. Một số kết luận và nguyên nhân tồn tại

4.2.1 Chất lượng thông tin BCTC

Mức độ chất lượng thông tin BCTC phụ thuộc vào chất lượng của từng đặc tính chất lượng thông tin BCTC. Từ kết quả phân tích trên cho thấy, mặc dù Bộ tài chính có quy định về nội dung công bố thông tin trên BCTN, nhưng chỉ dừng ở mức độ hướng dẫn, do đó chất lượng trình bày của mỗi doanh nghiệp là khác nhau, cụ thể như sau:

4.2.1.1 Đặc tính thích hợp

- Thông tin định hướng tương lai: hầu hết các doanh nghiệp niêm yết chỉ dừng ở mức độ công bố dự kiến, kế hoạch trong tương lai mà không phân tích phương thức sử dụng những nguồn lực nào trong quá trình thực hiện cũng như chưa đánh giá cơ hội rủi ro tác động đến quá trình thực hiện những kế hoạch này, từ đó chưa định lượng khả năng thực hiện của những dự kiến này. Như vậy, với mức độ công bố như hiện nay về nội dung này không giúp cho người sử dụng xác lập được kỳ vọng trong quá trình ra quyết định.

- Thông tin về cơ hội và rủi ro của những thông tin phi tài chính. Các thông tin phi tài chính liên quan đến sự phát triển bền vững của công ty bao gồm 3 nhóm nội dung : Kinh tế bền vững, môi trường bền vững và xã hội bền vững. Mặc dù có 21 doanh nghiệp chiếm trên 10% mẫu nghiên cứu nhận thức được vấn đề này, nhưng hầu hết các doanh nghiệp không hoặc ít trình bày nội dung này. Bên cạnh trình bày đầy đủ các yếu tố liên quan đến ba nội dung về sự phát triển bền vững, nhằm giúp cho người sử dụng có giá trị xác lập cũng như dự báo thì các thông tin trên cần phải được phân tích về những cơ hội và rủi các yếu tố phi tài chính này để gia tăng tính hữu ích của thông tin.

- Thông tin liên quan đến giá trị hợp lý: chế độ kế toán Việt Nam ghi nhận theo nguyên tắc giá gốc. Điều này có nghĩa là những con số mà người sử dụng thông tin thấy trên các báo cáo tài chính của các công ty đã không phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp. Do vậy, các nhà đầu tư không thể hoàn toàn dựa vào thông tin công bố trên các báo cáo tài chính của doanh nghiệp để quyết định mua hay bán cổ phiếu của doanh nghiệp mà mình đang nắm giữ, cũng như là mua hay

bán với giá bao nhiêu là đảm bảo có lời. Thông thường thì doanh nghiệp có thể được định giá dựa vào nhiều nguồn thông tin khác nhau. Tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế nước ta như hiện nay, thiếu hẳn một hệ thống cơ sở có khả năng và uy tín trong việc định giá doanh nghiệp thì việc căn cứ vào các BCTC mà cụ thể hơn là Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp để xác định giá trị doanh nghiệp là cách duy nhất. Các báo cáo này lại chưa được điều chỉnh theo giá trị hiện tại thì các nhà đầu tư khó có thể có căn cứ để đưa ra quyết định.

- Thông tin phản hồi: Hầu hết các doanh nghiệp chiếm 58% mẫu, đặc biệt các doanh nghiệp không đạt kế hoạch đề ra trước đó, khi phân tích nguyên nhân thường chỉ phân tích ở mức độ định tính, mà không định lượng từng nguyên nhân đó ảnh hưởng bao nhiêu so với mức không đạt được.

- Thông tin bộ phận: theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 28: “Báo cáo bộ phận”, yêu cầu doanh nghiệp cần có thông tin liên quan đến lĩnh vực kinh doanh và khu vực địa lý. Tuy nhiên, đối với những tập đoàn có những công ty con, những công ty con góp phần tạo nên các chỉ tiêu tài chính của tập đoàn, vì vậy đây được xem là bộ phận và nó cần được phân tích nhằm giúp cho người sử dụng có thêm thông tin nhằm dự báo cũng như xác lập những kỳ vọng trước đây. Qua thống kê, cho thấy mức độ công bố những thông tin này của các công ty niêm yết là rất thấp.

Có tới 77,5% mẫu nghiên cứu chỉ dừng ở mức độ liệt kê và không phân tích.

Qua phân tích trên, cho thấy các thông tin BCTC mà các doanh nghiệp niêm yết công bố trên báo cáo thường niên chưa đạt đến mức độ trung bình về tính thích hợp. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ trình bày ở mức độ theo yêu cầu về những khoản mục theo quy định của thông tư 52.

4.2.1.2 Đặc tính trình bày trung thực

- Công bố về những lý do lựa chọn các chính sách và ước tính kế toán: Hầu hết trên Bảng thuyết minh BCTC, các doanh nghiệp niêm yết khi lựa chọn chính sách và ước tính kế toán như đúng yêu cầu của chuẩn mực, nhưng không giải thích vì sao phải lựa chọn. Đặc điểm hoạt động, phương thức kinh doanh, quy mô… của

mỗi doanh nghiệp là khác nhau, do đó việc lựa chọn các chính sách và ước tính là khác nhau. Việc lựa chọn này đảm bảo các khoản mục trên BCTC phản ảnh tính trung thực của số liệu kế toán. Do đó khi lựa chọn chính sách và ước tính kế toán cần phải giải thích lý do nhằm mục đích cho người sử dụng đánh giá được sự phù hợp của chúng và qua đó có thể đánh giá được tính trung thực của số liệu kế toán.

Vấn đề lựa chọn chính sách và ước tính kế toán có liên quan đến hành vi quản trị lợi nhuận (đã trình bày trong chương 1), vì vậy giải thích lý do lựa chọn chính sách và ước tính kế toán góp phần đảm bảo tính trung thực của số liệu kế toán.

- Công bố thông tin không thiên lệch: như trong chương 2 đã trình bày, công bố thông tin không thiên lệch bao gồm những thông tin tài chính và phi tài chính.

Tuy nhiên, thông tin tài chính có thể định định lượng thông qua số liệu kế toán mà cụ thể là chỉ tiêu lợi nhuận. Trong khi đó, thông tin phi tài chính là khó đo lường, việc đánh giá phụ thuộc vào sự cảm nhận mang tính chủ quan. Không trình bày thiên lệch thông tin phi tài chính nó thể hiện sự trung lập trong công bố, có nghĩa không chỉ trình bày nội dung tốt hoặc nội dung xấu nhằm hướng người đọc theo hướng đã định nào đó. Theo kết quả thống kê cho thấy có đến 71,8% mẫu đạt điểm 2, nghĩa là Ban điều hành các doanh nghiệp niêm yết khi đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp chỉ thiên về nói những điểm mạnh, tích cực mà không trình bày những khó khăn cũng như nguyên nhân yếu kém từ quản lý hay bất lợi của doanh nghiệp nhằm tạo ra bức tranh đẹp cho doanh nghiệp.

- Ý kiến của kiểm toán viên độc lập: là nhân tố góp phần đánh giá về tính trung thực của số liệu kế toán. Qua thống kê cho thấy có 136 doanh nghiệp chiếm gần 70% mẫu nghiên cứu có ý kiến kiểm toán viên chấp nhận toàn phần, trong đó có 18 doanh nghiệp được kiểm toán bởi nhóm Big4. Không có doanh nghiệp nào công bố thư quản lý của kiểm toán viên vì theo quy định hiện nay của Việt Nam không bắt buộc phải công bố nội dung này.

- Công bố thông tin về QTCT: Theo yêu cầu tại mục V trong BCTN theo thông tư 52 các doanh nghiệp niêm yết cần công bố thông tin về QTCT bao gồm:

HĐQT, BKS, các giao dịch, thù lao, lợi ích của HĐQT, Ban giám đốc, BKS. Trong từng nội dung, cần diễn giải từng chi tiết, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp công bố không đầy đủ. Qua thống kê cho thấy có trên 70% mẫu trình bày ở mức độ dưới trung bình. Đặc biệt, thiếu các thông tin về thành viên độc lập, trình độ, kinh nghiệm, các đánh giá các thành viên trong HĐQT, BKS về hoạt động trong năm.

Nhìn chung, các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam chỉ dừng ở mức độ trình bày trung thực về các thông tin liên quan đến số liệu kế toán, thông qua ý kiến của kiểm toán viên độc lập. Các thông tin phi tài chính chỉ dừng ở mức độ tuân thủ những yêu cầu của thông tư 52 về mặt hình thức, nhưng về bản chất còn sơ sài, phiến diện.

4.2.1.3 Đặc tính có thể hiểu được

Để đảm bảo đặc tính này, về mặt lý thuyết yêu cầu người sử dụng phải có kiến thức nhất định nào đó, các thuộc tính sau đây góp phần gia tăng khả năng có thể hiểu được của người đọc.

- BCTN được diễn giải, phân loại và bố cục rõ ràng: nội dung này muốn đề cập đến hình thức của BCTN giúp cho người đọc có cái nhìn bao quát về báo cáo.

Yêu cầu đầu tiên BCTN phải có mục lục nhằm giúp người đọc dễ truy tìm thông tin mà họ quan tâm. Trong mỗi mục cần phải có đoạn kết luận để người đọc nắm được ý chính cần thiết. Bên cạnh đó, một số nội dung cần được diễn giải để giúp người đọc dễ hiểu hơn. Tuy nhiên, qua thống kê, cho thấy đa số các báo cáo của doanh nghiệp niêm yết chưa đảm bảo được nội dung này.

- Trình bày các biểu đồ: bên cạnh thông tin tài chính thông qua các con số, trong báo cáo cần biểu hiện số liệu dưới dạng các biểu đồ. Thông qua thị giác sẽ giúp người đọc dễ hiểu hơn là đọc các con số. Nội dung này, các doanh nghiệp niêm yết cho thấy gần 70% mẫu không có biểu đồ nào trong báo cáo.

- Các chú thích về từ chuyên ngành và chữ viết tắt: người đọc chỉ có thể có một số kiến thức chuyên ngành về một lĩnh vực nhất định nào đó, vì vậy, thông qua các chú thích về những từ chuyên ngành, chữ viết tắt sẽ góp phần gia tăng khả năng

hiểu được của người đọc. Qua thống kê số liệu, cho thấy mức độ chú thích của các doanh nghiệp niêm yết trong BCTN rất ít.

Như vậy, nhìn chung đặc tính dễ hiểu của các báo cáo được đánh giá là thấp, các doanh nghiệp niêm yết hầu như không quan tâm đến hình thức và diễn giải những nội dung cần thiết, hình thức trình bày chủ yếu là các con số.

4.2.1.4 Đặc tính có thể so sánh

- Số lượng năm trước so sánh với năm hiện hành: nhằm mục đích đánh giá hoạt động của doanh nghiệp qua các thời kỳ. Do đó để cho người sử dụng thông tin đánh giá về xu hướng các kết quả hoạt động của doanh nghiệp, doanh nghiệp cần công bố các chỉ tiêu tài chính của năm hiện hành với nhiều năm trước. Qua thống kê, cho thấy hầu hết các doanh nghiệp (trên 70% mẫu) chỉ so sánh với năm trước liền kề, đảm bảo mức yêu cầu tối thiểu của thông tư 52, vì vậy chưa thật sự hữu ích đối với người sử dụng.

- Số lượng các tỷ số tài chính trong báo cáo: các tỷ số này giúp cho người sử dụng thông tin có thể so sánh và qua đó có thể đánh giá hiệu quả, thực trạng tài chính của những doanh nghiệp mà nhà đầu tư quan tâm. Vì mỗi doanh nghiệp có quy mô, đặc điểm ngành nghề khác nhau, thông qua các tỷ số tài chính giúp người đọc dễ dàng so sánh và lựa chọn doanh nghiệp mà mình quan tâm. Qua thống kê cho thấy số lượng tỷ só tài chính các doanh nghiệp niêm yết công bố cũng chỉ dừng ở mức độ theo quy định của thông tư 52 là 10 tỷ số. Tuy nhiên, với quy định này đảm bảo chỉ tiêu này đạt mức độ trung bình so với thông lệ quốc tế.

Như vậy, đặc tính có thể so sánh, các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam chỉ dừng ở mức độ tuân thủ luật pháp nhiều hơn là công bố thông tin hướng tới người sử dụng thông tin BCTC.

4.2.1.5 Đặc tính kịp thời

Theo thống kê có trên 70% mẫu công bố đúng hạn và sớm hơn theo quy định. Theo thông tư 52, yêu cầu các công ty niêm yết cống bố BCTN trong vòng

100 ngày kể từ ngày kết thúc niên độ. Tuy nhiên, nếu so sánh với mức chất lượng chung về thông tin BCTC đã trình bày phần trên thì thời gian công bố như vậy là chưa phù hợp.

Từ phần diễn giải như trên cho thấy các doanh nghiệp niêm yết tại Việt nam chỉ mới làm tốt những thông tin tài chính mà cụ thể là lập, trình bày và công bố các số liệu kế toán thông qua các con số đã được kiểm toán. Tuy nhiên, đối với các thông tin phi tài chính các doanh nghiệp chỉ mới dừng ở mức độ công bố nhưng không diễn giải, từ đó dẫn đến chất lượng thông tin BCTC thấp.

Như mục 2.2.2.3 đã trình bày, kết quả của BCTN có chất lượng là kết quả của ba hoạt động lập, trình bày và công bố bao gồm cả thông tin tài chính và phi tài chính. Trong đó thông tin tài chính phụ thuộc chất lượng của quy trình lập các thông tin liên quan đến con số kế toán tuân thủ các chuẩn mực kế toán hiện hành, thông tin phi tài chính phụ thuộc rất nhiều vào khả năng và thiện chí của doanh nghiệp. Mặt khác, để đạt được điều này cần phải có cơ chế định hướng và giám sát của những yếu tố QTCT bên trong của doanh nghiệp. Nội dung này sẽ được phân tích trong phần tiếp theo về các yếu tố QTCT từ số liệu thống kê, phân tích ở mục 4.2.2 dưới đây.

Một phần của tài liệu Tác động của QTCT đến chất lượng thông tin BCTC tại các công ty niêm yết ở Việt Nam (Trang 125 - 131)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)