Sự tác động các yếu tố QTCT đến chất lượng thông tin BCTC

Một phần của tài liệu Tác động của QTCT đến chất lượng thông tin BCTC tại các công ty niêm yết ở Việt Nam (Trang 131 - 137)

CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN

4.2. Một số kết luận và nguyên nhân tồn tại

4.2.2 Sự tác động các yếu tố QTCT đến chất lượng thông tin BCTC

Thành viên HĐQT độc lập nắm giữ vai trò giám sát các hoạt động của Ban điều hành trong mọi hoạt động của công ty, trong đó có quá trình lập, trình bày và công bố thông tin BCTC. Qua phân tích hồi quy cho thấy tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập càng cao sẽ góp phần chất lượng thông tin BCTC càng cao. Tuy nhiên trong thực tế qua khảo sát cho thấy tỷ lệ bình quân chung chỉ chiếm 10,27% (phụ lục 8) thấp hơn mức quy định của quy chế QTCT Việt nam yêu cầu có ít nhất tỷ lệ thành viên HĐQT không điều hành chiếm ít nhất 1/3 trên tổng số thành viên HĐQT. Qua khảo sát định tính thông qua các ý kiến chuyên gia tại phụ lục 15, cho thấy nguyên nhân này chủ yếu là do:

- Hầu hết doanh nghiệp đều nhận thức được vai trò của các thành viên độc lập trong vấn đề minh bạch thông tin nhưng xu hướng doanh nghiệp muốn tìm kiếm thành viên HĐQT ngoài việc đảm bảo tính độc lập theo quy định thì các thành viên này cần phải có năng lực chuyên môn có liên quan đến lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động và điều này là khó trong thực tế trong giai đoạn hiện nay.

- Thành viên HĐQT độc lập cần phải được đào tạo về QTCT, nhưng hiện nay số lượng người có kiến thức và đã được đào tạo về QTCT là rất ít.

Từ những lý do trên, để đảm bảo số lượng tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập đạt và hơn mức yêu cầu của luật pháp cần có thời gian và sự nổ lực của nhiều phía:

nhận thức của Công ty niêm yết, cơ sở đào tạo, nhà lập pháp, các hội nghề nghiệp.

4.2.2.2 Sự hiện diện của chuyên gia kế toán tài chính của thành viên HĐQT độc lập

Bên cạnh đặc tính độc lập của thành viên HĐQT, yếu tố góp phần tăng cường khả năng định hướng và giám sát của thành viên HĐQT là kiến thức về chuyên môn kế toán tài chính. Vừa độc lập vừa có chuyên môn giúp các thành viên này có hiểu biết sâu từ đó đưa ra những định hướng nhằm yêu cầu Ban điều hành có những hành động nhằm tăng cường hệ thống kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro liên quan đến quá trình lập, trình bày và công bố thông tin BCTC. Qua phân tích hồi quy cho thấy, yếu tố này có tác động mạnh nhất đến chất lượng thông tin BCTC so với các biến QTCT khác. Tuy nhiên, trong thực tế chỉ có 25 doanh nghiệp, chiếm 12,8% mẫu có số lượng thành viên độc lập có chuyên môn (phụ lục 10). Điều này cũng tương tự như trên, việc tìm kiếm các thành viên độc lập đã khó thì việc tuyển dụng các thành viên vừa độc lập vừa có chuyên môn về kế toán tài chính càng khó hơn.

4.2.2.3 Kiêm nhiệm hai chức danh

Mục tiêu việc tách rời hai chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc là giảm nguy cơ tập trung quyền lực vào một người. Vấn đề xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu mà HĐQT là người đại diện với Ban điều hành là một tất yếu đã được đề

cập trong thuyết ủy quyền. Nhiệm vụ của Ban điều hành là xây dựng và đảm bảo tính hữu hiệu và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, tuy nhiên vì vấn đề xung đột lợi ích như trên đã đề cập, Ban điều hành sẽ có xu hướng cung cấp thông tin ít và không trung thực từ đó tạo ra tình trạng thông tin bất cân xứng, do đó HĐQT sẽ là yếu tố giám sát quá trình này để giảm nguy cơ thông tin bất cân xứng. Mặc dù nhận thức được điều này, QCQTCT đã yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết phải tách hai chức năng này, nhưng lại có ngoại trừ nếu ĐHCĐ chấp thuận thì doanh nghiệp vẫn được kiêm nhiệm. Với quy định này đã dẫn đến QCQTCT đã thực hiện không triệt để. Thực tế cho thấy vẫn còn 63 doanh nghiệp, chiếm 32,3% mẫu vẫn còn kiêm nhiệm hai chức danh. Qua phân tích hồi quy mặc dù với độ tin cậy chưa cao khoảng 85%, nhưng sự tác động của biến này vào chất lượng thông tin BCTC là có ảnh hưởng. Với = - 0.051 cho thấy việc kiêm nhiệm có tác động ngược chiều với chất lượng thông tin BCTC. Mặt khác, nếu xét riêng về đặc tính trình bày trung thực thì việc kiêm nhiệm sẽ dẫn đến chất lượng thông tin BCTC thấp. Qua ý kiến các chuyên gia cho thấy, sự tương quan giữa nội dung kiêm nhiệm hai chức danh và chất lượng thông tin BCTC của các công ty niêm yết tại Việt Nam không cao là do:

- Nếu HĐQT có khả năng giám sát tốt và tính độc lập cao, mặc dù công ty kiêm nhiệm hai chức danh thì khả năng che dấu thông tin sẽ bị hạn chế.

- Để minh bạch trong quản trị thì chức năng giám sát định hướng và điều hành doanh nghiệp là 2 chức danh riêng biệt. Việc công bố thông tin là phải hoàn thiện dần theo yêu cầu của UBCK…

- Hiện nay, hầu hết cách doanh nghiệp niêm yết lập và công bố thông tin chỉ mới dừng ở mức độ tuân thủ luật pháp của nhà nước, nên chất lượng thông tin công bố chưa cao, do đó sự tương quan này không rõ nét là điều tất yếu.

- Mặt khác, cũng theo ý kiến chuyên gia, mặc dù sự kiêm nhiệm 2 chức danh chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc không tương quan nhiều đến chất lượng thông tin, tuy nhiên sự kiêm nhiệm này rất dễ dẫn đến việc tập trung quyền lực, từ đó có thể dẫn đến việc Ban giám đốc cố tình làm sai lệch thông tin theo xu hướng tạo nên

bức tranh đẹp cho công ty nhằm đến mục đích nào đó có lợi cho giám đốc, do đó nhà nước cần nghiêm cấm triệt để việc kiêm nhiệm này.

4.2.2.4 Số lượng cuộc họp

Cuộc họp của HĐQT giúp cho các thành viên HĐQT, đặc biệt các thành viên HĐQT độc lập thu thập nhiều thông tin về hoạt động của công ty. Thông qua cuộc họp HĐQT, các thành viên HĐQT có cơ hội thảo luận và qua đó giám sát hoạt động của Ban điều hành. Qua phân tích hồi quy cho thấy biến số lượng cuộc họp của HĐQT có quan hệ thuận chiều với chất lượng thông tin BCTC, điều này cho thấy doanh nghiệp có số lượng cuộc họp của HĐQT càng nhiều thì chất lượng thông tin BCTC càng cao. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng rất thấp. Qua ý kiến các chuyên gia (Phụ lục 15) cho thấy nguyên nhân của hiện tượng này là do:

- Các thành viên HĐQT chỉ thông qua các chỉ tiêu tài chính trước khi trình cho đại hội cổ đông mà không thông qua các nội dung BCTN. Thông tin BCTN do Ban điều hành lập và được Chủ tịch HĐQT duyệt trước khi công bố ra bên ngoài.

- Trong các cuộc họp của HĐQT thường chỉ quan tâm đến các hoạt động kinh doanh và đầu tư mà ít qua tâm đến hoạt động định hướng và giám sát quá trình lập và công bố thông tin.

- Nhiệm vụ của HĐQT thường không được đánh giá mức độ hoàn thành thông qua các cuộc họp của HĐQT, do đó chưa nâng cao trách nhiệm và tính cẩn trọng của từng thành viên HĐQT.

- Trong HĐQT không có sự phân công trách nhiệm, đặc biệt chuyên về công bố thông tin và quá trình lập BCTC, do đó rất ít ý kiến trong cuộc họp HĐQT về lĩnh vực này.

4.2.2.5 Tỷ lệ thành viên độc lập BKS

Sự độc lập của thành viên BKS là yếu tố rất quan trọng để ban này thực thi nhiệm vụ một cách tốt nhất. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của BKS là thẩm định BCTC hằng năm. Tuy nhiên, qua phân tích hồi quy cho thấy sự độc lập

của BKS hoàn toàn không tương quan gì với chất lượng thông tin BCTC. Điều này đồng nghĩa với việc: sự độc lập và nhiệm vụ của BKS, hay nói cách khác, vai trò BKS trong thực tế rất mờ nhạt. Nguyên nhân được các chuyên gia cho rằng:

- Nguyễn Viết Thịnh, Giám đốc bộ phận tư vấn, Công ty Pricewaterhouse Coopers Việt Nam nhận định “Trên thực tế, các cổ đông lớn có cổ phần chi phối tại ĐHCĐ thường nắm giữ hoặc cử người đại diện nắm giữ các chức vụ cao cấp nhất tại HĐQT. "Những người này phần là những người có cả tiền (bản thân họ là cổ đông góp vốn) và quyền (do số lượng cổ phiếu mà họ nắm giữ)". "Trong khi đó các thành viên của BKS về danh nghĩa là do ĐHCĐ bầu ra nhưng bản chất cũng là do các cổ đông có cổ phần chi phối quyết định. Do vậy các thành viên của BKS rất khó có thể “kiểm soát” được các thành viên HĐQT vì đó là những người có cả “tiền” và

“quyền” và có tác động rất lớn đến việc bổ nhiệm các thành viên BKS". Đồng quan điểm này, tác giả Bùi Xuân Hải cho rằng: “Thiết chế về BKS với các nhiệm vụ, quyền hạn qui định tại Điều 123 của Luật Doanh nghiệp 2005 khá ‘hoàng tráng’, đầy đủ và mạnh mẽ. Song, tiếc thay, trong thực tiễn BKS đã bị vô hiệu hoá bằng quá nhiều thủ đoạn, cách thức khác nhau, vừa công khai hợp pháp vừa ngấm ngầm lặng lẽ. Vì vậy, một số cổ đông lớn, thành viên HĐQT, Ban điều hành coi BKS như một thứ ‘đồ trang sức rẻ tiền’, để đưa vào đó những nhân vật mà HĐQT và Ban điều hành đều biết chỉ ‘ngồi cho vui’, cho đầy đủ cơ cấu bộ phận theo luật định mà thôi”.

- Các thành viên BKS được bầu chọn, mặc dù so với luật doanh nghiệp không vi phạm về tính độc lập, tuy nhiên trong thực tế họ phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp về lợi ích, quan hệ nhân thân với các thành viên HĐQT hoặc Ban điều hành, vì vậy tính độc lập của BKS cũng chưa cao.

- Quy định hiện tại không nêu rõ trách nhiệm mà BKS phải gánh chịu nếu như không làm tròn vai trò của mình. Theo đó, Luật Doanh nghiệp mới chỉ đưa ra các trách nhiệm nếu các thành viên BKS vi phạm các vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Chính vì vậy, khi có vấn đề xảy ra đối với các doanh nghiệp do HĐQT

hoặc Tổng giám đốc gây ra thì gần như các công ty, cổ đông không xem xét đến trách nhiệm của BKS.

- BKS thường chỉ tập trung thẩm định số liệu kế toán - một sản phẩm cuối cùng của quy trình kế toán, không tham gia giám sát những thông tin phi tài chính mà Ban điều hành công bố trên BCTN.

- Với vai trò giám sát BCTC, đặc biệt là tính trung thực của số liệu kế toán, tuy nhiên trong thực tế nhiều doanh nghiệp cho thấy BKS bị rất nhiều hạn chế khi tiếp cận với kiểm toán viên độc lập như: lựa chọn công ty kiểm toán độc lập, xem xét, thảo luận về kế hoạch kiểm toán, đánh giá tính độc lập của kiểm toán viên độc lập, tham dự cuộc họp về những đánh giá của kiểm toán viên độc lập trong quá trình kiểm toán.

- Với nhiệm vụ là giám sát các hoạt động của HĐQT và Ban điều hành, đặc biệt là chương trình chiến lược quản trị rủi ro và cải tiến hệ thống kiểm soát nội bộ cũng như hệ thống kế toán, nhưng hầu hết BKS không đảm bảo được vai trò này.

- ĐHCĐ chỉ thông qua tiền thù lao BKS và kinh phí đi lại, hội họp mà không có kinh phí để thuê tư vấn khi có những nội dung trong quá trình thực thi nhiệm vụ vượt quá mức hiểu biết và năng lực của BKS.

4.2.2.6 Sự hiện diện thành viên BKS có chuyên môn kế toán tài chính

Nhiệm vụ chính của BKS là thẩm định BCTC, do đó thành viên BKS phải là những người có chuyên môn sâu về lĩnh vực kế toán tài chính. Qua phân tích hồi quy phần trên cho thấy tỷ lệ thành viên BKS có chuyên môn càng nhiều thì góp phần nâng cao chất lượng thông tin BCTC, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng chuẩn hóa = 0.246 là rất ít, điều này có nghĩa tỷ lệ % thành viên BKS có chuyên môn tăng lên 100% thì chất lượng thông tin BCTC tăng 0.246 điểm. Điều này cho thấy trong thực tế năng lực kiểm soát của BKS là chưa cao. Mặt khác cũng cần phải hiểu rằng bên cạnh nhiệm vụ trực tiếp là thẩm định BCTC, BKS cần phải có năng lực xem xét hệ thống kiểm soát nội bộ và quy trình lập, trình bày công bố thông tin BCTC. Do đó, trong thành phần BKS cần phải có những thành viên có năng lực kiểm toán.

4.2.2.7 Sự hiện diện kiểm toán nội bộ

Qua phân tích hồi quy cho thấy, chức năng KTNB có tác động đến chất lượng thông tin BCTC, tuy nhiên từ phụ lục 10, cho thấy chỉ có 32 doanh nghiệp có bộ phận KTNB, chiếm 16,4% mẫu nghiên cứu. Đặc biệt, chức năng KTNB có tác động mạnh đến hai đặc tính cơ bản là thích hợp và trình bày trung thực của thông tin BCTC. Mặt khác, theo thống kê tại phụ lục 10 cho thấy điểm trung bình chất lượng thông tin BCTC của các công ty có chức năng KTNB là 50,09, cao hơn nhiều các công ty không có bộ phận KTNB là 33,07.

Một phần của tài liệu Tác động của QTCT đến chất lượng thông tin BCTC tại các công ty niêm yết ở Việt Nam (Trang 131 - 137)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)