Chương 2 CÁC TỈNH ỦY Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG LÃNH ĐẠO
2.1.1. Khái quát về nông thôn đồng bằng sông Cửu Long
* Đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội
Đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng châu thổ lớn nhất cả nước, là một bộ phận của châu thổ sông Mê Kông gồm 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ.
Đồng bằng sông Cửu Long có dân số khoảng 18 triệu người, diện tích tự nhiên toàn vùng gần 40 nghìn km2, trong đó có khoảng 65% diện tích đất được dùng để sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, đất phù sa chiếm khoảng 30%, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Địa hình của vùng tương đối bằng phẳng, là một trong những đồng bằng châu thổ lớn và phì nhiêu ở Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam [135].
Đồng bằng sông Cửu Long nằm trong khu vực rất quan trọng trong giao lưu quốc tế, có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế giữa Nam Á và Đông Nam Á, cũng như với châu Úc và các quần đảo khác trong Thái Bình Dương.
ĐBSCL có vị trí như một bán đảo với 3 mặt Đông, Nam và Tây Nam giáp biển Biển Đông và vịnh Thái Lan, với bờ biển dài 750 km, chiếm 23% chiều dài bờ biển quốc gia; có hơn 360 ngàn km2 vùng biển và đặc quyền kinh tế, có gần 200 đảo và quần đảo. ĐBSCL nằm gần tuyến hàng hải Đông - Tây, luồng hàng hải quốc tế sôi động nhất, hiện diện nhiều nền kinh tế lớn của thế giới bên cạnh khu vực kinh tế năng động và phát triển, nằm trong khu vực có đường giao thông quốc tế quan trọng, có hơn 340 km đường biên giới trên bộ giáp Campuchia [3].
Đồng bằng sông Cửu Long có khí hậu cận xích đạo vùng nên thuận lợi phát triển ngành nông nghiệp (mưa nhiều, nắng nóng) đặc biệt là phát triển trồng lúa nước và cây lương thực; có một nền nhiệt độ cao, ổn định, có hai mùa rõ rệt là mùa nắng và mùa mưa, ít xảy ra thiên tai, nhất là bão. Sông Mêkông chảy vào ĐBSCL với chiều dài là 225km, chia thành 2 nhánh là sôngTiền và sông Hậu, đổ ra biển Đông. ĐBSCL bị ngập lũ gần 50% diện tích từ 4,5 tháng tạo nên một đặc điểm nổi bật của vùng, một mặt hạn chế lớn đối với canh tác, trồng trọt và gây nhiều khó khăn cho đời sống của dân cư, mặt khác cũng tạo nên những điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và bổ sung độ phì nhiêu cho đất. Các yếu tố khí hậu, thời tiết của ĐBSCL thích hợp cho các sinh vật sinh trưởng và phát triển, là điều kiện thuận lợi cho thâm canh, tăng vụ các loại cây trồng [3].
Dưới tác động của môi trường biển và sông đã hình thành hệ sinh thái tự nhiên độc đáo và đa dạng sinh học, đặc biệt là hệ thống rừng ngập mặn ven biển, trong đó hệ thống rừng ngập mặn Mũi Cà Mau được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, bên cạnh đó là những cánh rừng tràm ở U Minh Cà Mau, Đồng Tháp với một hệ thống sinh học rất đa dạng.
Đây là vùng có các triển vọng về dầu khí trong thềm lục địa như bể trầm tích Nam Côn Sơn khoảng 3 tỉ tấn dầu quy đổi. Ngoài khơi vịnh Thái Lan có nhiều đảo và quần đảo như Nam Du, Thổ Chu, lớn nhất là đảo Phú Quốc, phía biển Đông có Hòn Khoai. Trên các đảo có núi, rừng với nhiều gỗ quí và khoáng sản. Sông rạch chằng chịt tạo thành mạng lưới giao thông thủy rất thuận lợi.Vùng biển bao quanh rất giàu thủy, hải sản, cùng các ngư trường lớn như Phú Quốc, Rạch Giá, Cà Mau.
Ngoài ra, ĐBSCL còn có các khoáng sản vật liệu xây dựng như đất sét gạch ngói, cát sỏi... [3].
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL(gồm các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và thành phố Cần Thơ) Theo đó, đến năm 2020, vùng kinh tế trọng điểm này sẽ là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước. Ngoài ra, vùng kinh tế này còn đóng vai trò quan trọng
trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng ĐBSCL.
Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa, tài nguyên sinh học đa dạng cho phép phát triển nền nông nghiệp toàn diện. Đó là lợi thế sẽ phát huy tác dụng khi có sự đầu tư đúng mức của khoa học, công nghệ với các chính sách vĩ mô được xác định rõ ràng và thông thoáng. Vùng ĐBSCL có nguồn lao động dồi dào, có khả năng tiếp thu nhanh những thành tựu khoa học, công nghệ mới, có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Điểm mạnh này mang nặng tính chất tiềm năng và cũng sẽ phát huy tác dụng khi được đầu tư để nâng cao chất lượng lao động nông thôn.
Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ, hải sản của cả nước, mà còn được xác định là vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, làvùng có tiềm năng, thế mạnh phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp thực phẩm và là vùng có tiềm năng du lịch sinh thái tâm linh rất lớn thu hút đông đảo khách du lịch và hành hương.
Toàn vùng có 131 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 14 thành phố trực thuộc tỉnh, 11 thị xã, 5 quận, 106 huyện. Có 1.611 đơn vị hành chính cấp xã gồm:
1.305 xã, 182 phường, 124 thị trấn [Xem Phụ lục 1].
Nông thôn vùng ĐBSCL là vùng có điều kiện phát triển kinh tế, sớm tiếp cận với kinh tế thị trường trong thời chống Mỹ. Nông thôn vùng ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực cho vùng; cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu; xây dựng cơ sở vật chất, tạo thêm việc làm; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, mở rộng thị trường, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường, tạo ra cơ sở vững chắc và có lợi nhất để thực hiện CNH, HĐH đất nước. Nhờ có lợi thế về điều kiện tự nhiên; sự tinh thông am hiểu về nghề của nông dân và giao thông thuận lợi, hằng năm ĐBSCL gieo xạ khoảng 4 triệu ha lúa, chiếm 53% diện tích sản xuất, chiếm 51% sản lượng lúa cả nước và cung cấp trên 95% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam [4].
Toàn vùng có 13 triệu dân nông thôn với 26.000 km² diện tích đất nông nghiệp mật độ cư trú là 432 người/km2 (gấp 1,7 lần mật độ bình quân cả nước). Dân số trong độ tuổi lao động chiếm 65%, nhưng tỷ lệ lao động có trình độ kỹ thuật còn ở mức thấp: 13,4% (cả nước là 21,2%). Dân số vùng ĐBSCL thuộc loại trẻ, phân theo nhóm tuổi: khoảng 53% dân số trong vùng có độ tuổi dưới 20, có 23,4% dân số có độ tuổi từ 20 đến 34, chỉ có 22,7% dân số trên 35 tuổi. Đây là điều kiện thuận lợi cho vùng trong việc đào tạo, sử dụng, phát huy nguồn lực trẻ đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH [135].
Dân cư ĐBSCL bao gồm nhiều dân tộc khác nhau, trong đó có 4 dân tộc chính là: Kinh, Hoa, Khmer và Chăm. Người Kinh chiếm đại đa số, sống ở hầu hết các nơi trong vùng. Người Hoa có khoảng 210.000 người tập trung nhiều ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng. Người Khmer có khoảng 1,3 triệu người sống ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang. Người Chăm có khoảng 14.000 người sống chủ yếu ở An Giang [135].
Nông thôn của vùng ĐBSCL là một trong những thị trường rộng lớn của cả nước nói chung, của các tỉnh phía Nam nói riêng. Với khoảng 18 triệu người sinh sống trong vùng, ĐBSCL là một thị trường tiềm năng trong tương lai. Trong điều kiện nền kinh tế thế giới đang phải gánh chịu những tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước ta thì thị trường
“nội địa” càng có ý nghĩa quan trọng. Kinh tế của vùng muốn phát triển bền vững phải dựa vào thị trường trong vùng, trước hết là thị trường nông thôn. Có thể nói, thị trường nông thôn có vai trò rất quan trọng đối với quy mô và tốc độ phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Nông thôn là nơi cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho CNH, HĐH vùng.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ, cũng là quá trình chuyển lao động từ ngành nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp (công nghiệp và dịch vụ), theo xu hướng lao động công nghiệp, dịch vụ tăng và lao động nông nghiệp giảm. Nông dân vùng ĐBSCL thông minh, sáng tạo, khéo léo, cần cù lao động là nguồn nhân lực tốt bổ sung cho nền kinh tế.
Nông thôn ĐBSCL là một địa bàn có thế mạnh trong việc giữ gìn và tô điểm cho môi trường sinh thái không chỉ của Việt Nam mà còn cho cả khu vực, là một trong những “lá phổi và trái tim” của sự sống trên trái đất. Có thể nói, nông thôn là một không gian tự nhiên rộng lớn, có kinh tế và đời sống phát triển, tại đó con người được sống gắn bó, hài hòa với thiên nhiên, cây cỏ, chim muông, sông núi,...
thoát khỏi sự ngột ngạt của đô thị.
Nông thôn ĐBSCL là địa bàn có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng.
ĐBSCL có 340 km biên giới đất liền với Camphuchia trải dài từ Long An, Đồng Tháp, An Giang đến Kiên Giang, lại có hải phận liền kề với vịnh Thái Lan, có bờ biển dài bao bọc cả ba phần Đông, Nam, Tây và vùng hải phận rộng lớn tiếp giáp với nhiều nước ở phía Đông và Nam ĐBSCL. Cùng với thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và hệ thống vòng cung đảo, quần đảo tiền tiêu như: Phú Quốc, Thổ Chu, Côn Đảo và Trường Sa tạo cho ĐBSCL thế chiến lược an ninh, quốc phòng rất thuận lợi nhưng cũng là nơi xung yếu.
Hiện nay, ĐBSCL vẫn là một trong những trọng điểm tấn công, chống phá của các thế lực thù địch, nằm trong chiến lược “Ba Tây”, các thế lực thù địch luôn kích động gây hằn thù dân tộc, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc và lịch sử vùng đất Nam bộ để chia rẽ khối đoàn kết toàn dân. Tuyến biên giới Việt Nam - Camphuchia đã được phân định, cắm mốc, song vẫn là tâm điểm chống phá của các thế lực phản động.
Bên cạnh đó, nông thôn ĐBSCL còn đóng vai trò trong việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống (vật thể và phi vật thể) của dân tộc. Do đó, nông thôn ĐBSCL sẽ là điểm đến du lịch có giá trị, một nơi nghỉ ngơi, giải trí phong phú gắn với môi trường tự nhiên, thanh bình để con người khôi phục và tăng cường sức khoẻ. Trong giai đoạn mới, tiến tới sự phát triển bền vững theo chiều sâu, nông thôn không chỉ được xem như là nơi diễn ra hoạt động chủ yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại và bền vững mà nó còn là nơi gắn kết với nhiều hoạt động KT-XH khác.
Nông thôn ĐBSCL có quy mô dân số, diện tích nông thôn không đồng đều, vùng đồng bằng đất hẹp người đông, vùng rừng, núi đất rộng người ít, có thể phân
chia thành các loại hình như: các xã ở ven đô; các xã có đông đồng bào Khmer; các xã biên giới; các xã ven biển, hải đảo;... và các xã còn lại.
Nông thôn ven đô thường có kết cấu hạ tầng phát triển, thuận lợi chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân cao.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng có điều kiện phát triển thuận lợi hơn các nơi khác, song cũng có nhiều phức tạp về quản lý xã hội, phòng chống các tệ nạn xã hội, về quản lý đất đai, quản lý xây dựng, vệ sinh môi trường.
Vùng có đông đồng bào Khmer, sống quần tụ trong các phum, sóc, sinh hoạt cộng đồng tập trung tại các chùa, ít có tệ nạn xã hội. Tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt còn lạc hậu, chưa có thói quen sản xuất hàng hóa, dễ bị các phần tử xấu lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo để phá hoại. Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền xã phải uôn đề cao cảnh giác cách mạng với bọn phá hoại, đồng thời phải ứng xử khôn khéo, linh hoạt, kiên trì vận động, hướng dẫn đồng bào thay đổi tập quán, thói quen lạc hậu.
Nông thôn ven sông Tiền, sông Hậu và vùng ngọt hóa thuộc bán đảo Cà Mau đất đai màu mỡ, thuận lợi phát triển nông nghiệp, nhất là trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, giao thông đường thủy phát triển. Song cũng chịu tác hại nặng nề của mùa lũ, cư dân sống phân tán theo kênh rạch nên công tác quản lý cũng gặp không ít khó khăn.
Đối với các xã nằm sâu trong vùng Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, đất rộng, người thưa, mùa lũ có nhiều nguồn lợi thủy sản, thuận lợi tích tụ ruộng đất để đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, công tác quản lý hành chính chưa có nhiều phức tạp. Song, đất chua phèn còn nhiều, sản lượng sản xuất nông nghiệp chưa cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gặp nhiều khó khăn, còn nhiều tập tục lạc hậu, kết cấu hạ tầng thấp, đòi hỏi cấp ủy và chính quyền các cấp phải có những chủ trương, kế hoạch mang tính đột phá để phát triển.
Đối với các xã còn lại, nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển KT-XH, chủ yếu là trồng lúa, cây ăn trái, nuôi thủy sản nhỏ, lẻ, kết cấu hạ tầng thấp kém, đời sống nhân dân còn thấp.
Nông thôn biên giới được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nên những năm gần đây kết cấu hạ tầng phát triển khá nhanh, thuận lợi phát triển du lịch, dịch vụ, giao thương với nước bạn Camphuchia, có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, công tác tuần tra bảo vệ chủ quyền, quản lý người qua lại biên giới cũng gặp không ít khó khăn, còn nhiều tệ nạn xã hội, tình trạng buôn lậu qua biên giới còn diễn biến phức tạp tạo áp lực lớn cho cấp ủy, chính quyền địa phương.
Nông thôn ven biển, hải đảo, thuận lợi phát triển diêm nghiệp, ngư nghiệp, đánh bắt hải sản, giao thương đường biển, phát triển du lịch, có vai trò quan trọng bảo vệ hải phận của Tổ quốc. Tuy nhiên, việc sản xuất muối, nuôi trồng, đánh bắt hải sản cũng còn nhiều khó khăn, nước mặn xâm lấn hàng năm với diện tích ngày một rộng, trực tiếp chịu ảnh hưởng của bão, việc quản lý, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân khi ra khơi còn nhiều bất cập.