Những thành tựu, ưu điểm

Một phần của tài liệu Các tỉnh uỷ ở đồng bằng sông cửu long lãnh đạo xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay (Trang 55 - 69)

Chương 3 NÔNG THÔN MỚI VÀ CÁC TỈNH ỦY

3.1.1. Những thành tựu, ưu điểm

- Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng nhanh, cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực, thị trường lao động - việc làm phát triển, chính sách giảm nghèo và bảo trợ xã hội được quan tâm thực hiện khá tốt.

Kinh tế các tỉnh ĐBSCL phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, môi trường đầu tư được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân toàn vùng giai đoạn 2010-2015 đạt khoảng 11,5%/năm. Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước) [4]. Môi trường đầu tư vùng ĐBSCL ngày càng tốt hơn, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của các tỉnh, thành trong vùng các năm qua nhìn chung được cải thiện khá tốt, hầu hết đều nằm trong nhóm khá, tốt và rất tốt.

Vùng ĐBSCL có 3 đến 6 tỉnh trong nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu hằng năm [100].

Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng năm 2015 (GRDP) ước đạt 7,8% (đạt 99,4% kế hoạch). Sản lượng lúa ước đạt 25,7 triệu tấn, tăng khoảng 500 ngàn tấn hằng năm. Năng suất lúa tăng từ 54,3 tạ/ha năm 2010 lên trên 90 tạ/ha năm 2015.

Năm 2015, toàn vùng xuất khẩu trên 6,24 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 2,65 tỷ USD, chiếm 92% kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước [4].

Nông, lâm, ngư nghiệp phát triển toàn diện, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của vùng (lúa gạo, thủy sản, trái cây), thể hiện vai trò trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của cả nước. Hiệu quả thu nhập trên mỗi ha đất sản xuất nông nghiệp trong vùng tăng từ 38,2 triệu đồng/ha vào năm 2008 lên gần 78 triệu đồng/ha năm 2015 [4]. Sản xuất lúa, trái cây, thủy sản phát triển nhanh về sản lượng, là các ngành hàng chủ lực của vùng. ĐBSCL đã hình thành các mô hình tập

trung chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, áp dụng công nghệ cao, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn. Các Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu tại vùng ĐBSCL đã tham gia tích cực vào việc lai tạo, cung ứng cây, con giống, vật nuôi và sản xuất các chế phẩm sinh học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ nông nghiệp.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi, đánh bắt thủy sản lớn nhất nước, chiếm 70% diện tích nuôi, 58% sản lượng thủy sản cả nước. Trong đó, cá tra, tôm trở thành sản phẩm chủ lực quốc gia. Sản lượng tôm chiếm 80%, đóng góp 60%

kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Khai thác thuỷ sản chuyển từ gần bờ sang chủ động nuôi trồng, kết hợp đánh bắt xa bờ [4].

Hầu hết các địa phương đều thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về tạo việc làm năm 2015, tạo việc làm cho khoảng 323,5 nghìn lao động. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: năm 2015 ngân sách Trung ương đã hỗ trợ cho vùng 275,5 tỷ đồng (chiếm 5,84% so tổng vốn cả nước). Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm còn 3,54% (cả nước là 4,5%) [4].

Công tác an sinh xã hội được các địa phương quan tâm thực hiện. Trong năm đã trợ cấp thường xuyên cho gần 500 nghìn người. Năm 2015 hỗ trợ cho khoảng 135.000 đối tượng bảo trợ xã hội, gần 82.000 hộ nghèo với kinh phí khoảng 87 tỷ đồng. Hỗ trợ 248,65 tấn gạo, 15,237 tỷ đồng cứu trợ đột xuất. Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát vay vốn cho hộ nghèo, gặp khó khăn trong sản xuất với tổng số tiền gần 14.000 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành Ngân hàng còn tài trợ kinh phí thực hiện an sinh xã hội cho vùng với số tiền 443 tỷ đồng tập trung vào các lĩnh vực là giáo dục (52,5%), y tế (18,9%) và hỗ trợ hộ nghèo (18,9%). Riêng đối với các chương trình do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vận động, ngành Ngân hàng đã tài trợ 143 tỷ đồng [4].

- Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn cải thiện rõ rệt

Thu nhập bình quân đầu người hộ nông dân tăng từ 5,7 triệu đồng/người năm 2009 lên khoảng 13,8 triệu đồng/người năm 2015. Từ năm 2010 đến 2015, tích lũy để dành của hộ nông thôn tăng lên gấp 2,1 lần, bình quân từ 3,2 triệu đồng/hộ lên 6,7 triệu đồng/hộ. Đến năm 2015 38% cư dân nông thôn được khám chữa bệnh, gần 60% cư dân nông thôn có bảo hiểm y tế. Chương trình bảo hiểm xã hội cho

nông dân đã được triển khai tại một số điểm. Tỷ lệ cư dân trên 10 tuổi biết chữ ở nông thôn đã lên đến 85% năm 2015 [4].

Các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao được tăng cường, nâng cao mức hưởng thụ về văn hoá cho nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” khơi dậy tinh thần đoàn kết ở cộng đồng dân cư. Hàng năm, nhân dân đóng góp hàng ngàn tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá và tổ chức trên 8.450 lễ hội. Nhiều hình thức văn hoá dân gian truyền thống được duy trì, phục dựng, góp phần bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống của các dân tộc ở cộng đồng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc [4].

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã có những biến chuyển tích cực, đạt được những kết quả quan trọng như: trạm y tế xã có bác sĩ làm việc đạt 91,4% (cả nước là 82,4%), xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 56,4% (cả nước là 52,2%), tỷ suất chết trẻ em dưới 01 tuổi giảm còn 11,6‰ (cả nước 14,9‰), tỷ lệ suy dinh dưỡng (cân/tuổi) giảm còn 13% (cả nước 14,3%), tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 26,2 (cả nước 25) [4].

Mạng lưới y tế cơ sở được duy trì, củng cố và phát triển, nhiều trạm y tế được xây mới hoặc nâng cấp. Công tác giải ngân vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia được thực hiện đúng tiến độ. Qua đó đã góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe của người dân. Hoạt động y tế dự phòng được tăng cường, giám sát dịch chặt chẽ, khống chế và dập dịch kịp thời, ứng phó được các vấn đề sức khỏe liên quan đến thiên tai, dịch bệnh.

Các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Tiền Giang được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 05 tuổi. Tất cả các tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi. Mạng lưới cơ sở dạy nghề tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển.

Việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình, dự án phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại những kết quả quan trọng. Ý thức tự lực, tự cường vượt qua đói nghèo trong đồng bào được nâng lên, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên đủ ăn, có hộ trở thành giàu có, nhiều nơi xuất hiện mô hình tập thể, cá nhân dân tộc thiểu số làm

kinh tế giỏi. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được các cấp ủy, chính quyền quan tâm nhiều hơn. Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đều được tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi, chính sách, pháp luật về tôn giáo từng bước được hoàn thiện.

Hầu hết các tôn giáo trong vùng hoạt động đúng luật pháp; nhiều cơ sở thờ tự, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện.

- Kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn được tăng cường làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn

Đầu tư thuỷ lợi đang hướng sang phục vụ đa mục tiêu, góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất, sản lượng và chất lượng các loại cây trồng. Tăng khả năng cung cấp nước sinh hoạt nông thôn và đô thị, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cấp thoát nước phục vụ công nghiệp và phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao. Hệ thống quản lý, vận hành hệ thống thuỷ lợi được củng cố và tăng cường năng lực. Nhiều công trình thuỷ lợi kết hợp với phòng chống, tránh lũ được đầu tư xây dựng góp phần tích cực vào công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai. Toàn vùng đã xây dựng hơn 754 km đê sông và đê biển và nhiều công trình thủy lợi đã phát huy tác dụng, mở rộng diện tích khai hoang, tăng vụ, hình thành những vùng sản xuất mới [4].

Giai đoạn 2010-2015, tổng kinh phí Trung ương đầu tư cho các công trình giao thông đường bộ, đường thủy, hàng hải, hàng không đã hoàn thành trên địa bàn là 58.778 tỷ đồng. Nhiều công trình trọng yếu đã được đưa vào sử dụng như: cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Đầm Cùng, cầu Mỹ Lợi, tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, tuyến đường Nam sông Hậu, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc,... Các công trình này, cùng với hơn 44.000 km đường và 19.877 cầu giao thông nông thôn do chính quyền và nhân dân các địa phương chung sức xây dựng (tổng vốn đầu tư gần 24.380 tỷ đồng) đã phá thế ngăn sông cách trở giữa các tỉnh, thành trong vùng với nhau, với thành phố Hồ Chí Minh, nhiều địa phương trong nước và thế giới; thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng [4].

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông có nhiều chuyển biến, gắn kết với thủy lợi. Hạ tầng giao thông, thủy lợi có bước phát triển, gắn kết giao thông liên vùng, góp phần làm thay đổi nhanh diện mạo nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bước đầu đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển và an sinh xã hội. Hệ thống giao thông huyết mạch, nhiều cầu vượt sông lớn giảm ách tắc giao thông liên tỉnh, liên vùng.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, giao thông nông thôn có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhất là việc xóa trên 90% cầu khỉ.

Đến nay, hầu hết các huyện, cụm xã và nhiều xã xây dựng được chợ [4].

Hiện vùng có 99,3% số xã có trường tiểu học, 90,8% số xã có trường trung học cơ sở, có 54,5% số xã có lớp mẫu giáo, 16,1% số xã có nhà trẻ. Đến nay, cả vùng có 45% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 99,3% xã có trạm y tế. Khu vực nông thôn có 44% trạm y tế xây dựng kiên cố [4].

Đến năm 2015, tỷ lệ số hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh lên tới 75%. Chương trình 135 đã tập trung xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cơ bản phục vụ dân sinh cho các vùng sâu, vùng xa, hải đảo và vùng miền núi. Mặc dù chất lượng của các công trình kết cấu hạ tầng ở nông thôn còn thấp so với đô thị nhưng những nỗ lực của Nhà nước và nhân dân thời gian qua đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn [4].

- Tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị xã hội và chính quyền địa phương được củng cố và phát triển

Toàn vùng có 8.412 tổ chức cơ sở đảng với 543.128 đảng viên. Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đại hội đảng bộ các cấp đã tiến hành thành công [4].

Năm 2015, có 89% số ấp có tổ chức đảng, bình quân có gần 32 đảng viên/10.000 dân, có 50% tổ chức cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh;

hầu hết cán bộ chủ chốt cấp xã đạt trình độ văn hoá cấp trung học trở lên; đa số đã qua đào tạo về chính trị với trình độ phổ biến là trung cấp [4]. Đa số các tổ chức đảng ở cơ sở, các đảng viên phát huy tốt vai trò giữ vững sự ổn định về tư tưởng

chính trị; định hướng, vận động tổ chức nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng cuộc sống mới trên địa bàn.

Đến năm 2015, có 72,6% cán bộ, công chức đang làm việc ở xã đạt chuẩn theo qui định; bình quân có 23 cán bộ, công chức cấp xã/10.000 dân. Có 56% cán bộ và công chức cấp xã được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó chủ yếu về nông, lâm, ngư nghiệp và quản lý nhà nước. Các cuộc vận động như “ngày vì người nghèo”, “hỗ trợ người neo đơn, cơ nhỡ…” do Mặt trận Tổ quốc chủ trì và các phong trào của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh...

cũng đã góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống, ổn định chính trị, xã hội ở nông thôn [4].

Đến năm 2015, có 100% xã đã triển khai và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở [4]. Chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” tập trung trên một số mặt như: công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng; chuyển dịch cơ cấu sản xuất; huy động sự đóng góp của người dân; hỗ trợ nhân dân khi bị lũ lụt, bão, tai nạn; phát triển văn hoá, tinh thần của người dân ở nông thôn... bước đầu phát huy sức sáng tạo, động viên sức mạnh vật chất và tinh thần của nhân dân trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, từng bước cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, ổn định chính trị, tăng cường đoàn kết, xây dựng đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn và khắc phục tình trạng suy thoái, quan liêu, tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên và các tệ nạn xã hội. Nhờ sự phối hợp hoạt động của toàn HTCT và nhân dân, trật tự xã hội nông thôn được đảm bảo, giữ vững an ninh chính trị, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.

- Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới đoạn 2010-2020

Đến hết năm 2015, toàn vùng đã có 65% số xã được phê duyệt quy hoạch NTM. Năm 2015 ngân sách Trung ương hỗ trợ cho vùng xây dựng NTM là 42 tỷ đồng. Đồng thời, các địa phương đã giải ngân được hơn 1.300 tỷ đồng, chủ yếu

tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Bên cạnh nguồn vốn 220 tỷ đồng đầu tư qua kênh khuyến nông Trung ương cho các xã NTM, các địa phương còn dành gần 112 tỷ đồng cho các mô hình phát triển sản xuất để đẩy mạnh tiêu chí về thu nhập cho các xã. Đến nay, toàn vùng 04 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Bình quân mỗi xã đạt 13,48 tiêu chí, trong đó có 233 xã đạt 19 tiêu chí (chiếm 18,49%), 203 xã đạt 15-18 tiêu chí (chiếm 16,11%), 598 xã đạt 10-14 tiêu chí (chiếm 47,46%), 222 xã đạt 5-9 tiêu chí (chiếm 17,62%), 04 xã đạt dưới 5 tiêu chí (chiếm 0,32%) [4].

Chương trình xây dựng NTM đã thành công bước đầu và đạt được một số kết quả quan trọng về KT-XH và kinh nghiệm tổ chức chỉ đạo của các ngành, các cấp trong vùng: Chủ trương lấy xã làm điểm xuất phát để phát triển nông thôn là phù hợp với yêu cầu và điều kiện nước ta hiện nay và đáp ứng được nguyện vọng của dân cư nông thôn. Xã là cấp hành chính cuối cùng, có tư cách pháp lý để triển khai các hoạt động KT-XH cho phát triển nông thôn. Đã bước đầu xác định được những cơ chế, chính sách cần đổi mới như phân cấp đầu tư xây dựng cơ bản cho huyện và xã, phát huy sự dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM, chính sách đất đai và phát triển hạ tầng nông thôn và giải pháp cho dồn điền đổi thửa để phát triển sản xuất, cơ chế, chính sách tài chính, cơ chế quản lý xây dựng cơ bản các cơ sở hạ tầng phù hợp vớichính quyền cấp xã trong xây dựng NTM.

Một số địa phương trong vùng đã có nhiều cách làm sáng tạo đem lại hiệu quả cao bước đầu trong xây dựng NTM như Đồng Tháp, An Giang. Tại Đồng Tháp, khi bắt tay vào xây dựng NTM, các cấp, các ngành, các địa phương và người dân trong toàn tỉnh đã vào cuộc với tinh thần hăng hái, không trông chờ, ỷ lại vào chính quyền. Sức dân là nội lực xây dựng NTM, điều đó đã được khẳng định tại các xã điểm, mỗi công trình đều mang đậm dấu ấn của người dân. Đó là đóng góp tiền của, ngày công, là hiến đất làm đường…Tại các xã không được chọn là điểm nhưng chính quyền và người dân cũng đã đồng lòng chung sức xây dựng NTM. Có xã sự đóng góp của người dân chiếm đến 45%-50% tổng vốn

xây dựng NTM. Theo thống kê của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh, tính đến tháng 09/2015, người dân trên toàn tỉnh hiến trên 1,7 triệu m2 đất, đóng góp trên 200.000 ngày công lao động, di dời hàng ngàn cây ăn trái, hàng trăm vật kiến trúc để xây dựng các công trình NTM [4].

So với nhiều địa phương trong khu vực, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh An Giang gặp không ít khó khăn do đây là một tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém… Tuy nhiên, với cách làm sáng tạo, cùng với sự đồng thuận và quyết tâm cao của người dân, ở An Giang đã xuất hiện nhiều địa phương là điểm sáng trong phong trào này.

Tỉnh đã xác định quan điểm xây dựng NTM phải phát triển KT-KT, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt. Thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích, vận động các nguồn lực đầu tư của tổ chức, cá nhân vào nông nghiệp, nông thôn, không huy động quá sức dân, tổ chức đầu tư xây dựng phải có trọng tâm, trọng điểm, tận dụng cơ sở vật chất, hạ tầng sẵn có, tránh đầu tư dàn trải, lãn phí, và thực hiện xây dựng NTM phải đúng chủ trương, tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với nguyên vọng của người dân và điều kiện cụ thể của địa phương.

Tỉnh ủy An Giang đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp là: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục; Tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn; Hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn từng bước hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và quản lý; và Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy vai trò của các tổ chức CT-XH.

Đến cuối năm 2015 tỉnh đã có 13/119 xã được công nhận xã NTM, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 27,56 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn từ mức 10,5% năm 2011, giảm xuống còn 2,8% [4].

Một phần của tài liệu Các tỉnh uỷ ở đồng bằng sông cửu long lãnh đạo xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay (Trang 55 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)