Chương 4 PHƯƠNG HƯỚNG VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
4.2.4. Lãnh đạo đẩy mạnh khai thác, huy động các nguồn lực, tăng cường đầu tư cho xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực tài chính cần thiết cho xây dựng NTM là rất lớn. Chính phủ đưa ra công thức hướng dẫn là vốn đóng góp từ dân khoảng 10%, từ doanh nghệp 20%,
từ tín dụng 30% và từ ngân sách là 40%. Trong đó, giai đoạn đầu vốn ngân sách đóng vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa tạo đà và tạo niềm tin để huy động các nguồn đóng góp khác. Nhưng khó khăn hơn cả là việc huy động có hiệu quả 60% vốn còn lại của chương trình.
Xuất phát điểm của mỗi xã là rất khác nhau, những xã có điều kiện kinh tế phát triển, đời sống nhân dân khá thì việc đóng góp sẽ đơn giản, còn đối với những xã khó khăn thì đó là vấn đề phải tính toán kỹ để huy động được nguồn vốn. Hiện nay, các tỉnh cần lãnh đạo tăng cường huy động nguồn lực Nhà nước và xã hội để tiếp tục thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng chậm phát triển, giúp nông dân thoát khỏi đói nghèo; thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ nông dân, cung cấp vốn đẩy mạnh sản xuất, tổ chức lại sản xuất có hiệu quả cho nông dân, khuyến nông, xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất hàng hoá, giải quyết tốt vấn đề trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ gia đình của người nông dân; nâng cao trình độ sản xuất và khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất của nông dân. Các vấn đề quan trọng và hàng dầu là giáo dục tinh thần tự lực, tự cường trong sản xuất để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mỗi gia đình nông dân.
Để lãnh đạo đẩy mạnh khai thác, huy động các nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở vùng nông thôn ĐBSCL hiện nay các tỉnh ủy cần có chính sách nhằm huy động đa dạng mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và của nông dân, đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM; mở rộng hình thức hợp tác công tư để phát triển sản xuất và xây dựng hạ tầng KT-XH ở nông thôn.Tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, giao thông, điện nước, đào tạo nguồn nhân lực, dạy nghề... để thu hút các nhà đầu tư. Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở trong quá trình huy động và sử dụng các nguồn lực xây dựng NTM bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Thực hiện phân cấp tạo điều kiện chủ động, tự chủ quản lý công trình cho các xã xây dựng NTM và cộng đồng dân cư, giảm chi phí gián tiếp để hạ giá thành bảo đảm chất lượng công trình, phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Vận động nhân dân đổi
điền, dồn thửa nhằm khắc phục tình trạng sở hữu ruộng đất manh mún, tạo quỹ đất tập trung để sản xuất hàng hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng.
Đặc biệt khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; có chính sách ưu đãi cao để các doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó khăn, miền núi, hải đảo. Hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo vệ quỹ đất nông nghiệp, đồng thời cho phép quy hoạch sử dụng linh hoạt, có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp và các nguồn tài nguyên khác phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong vùng đã có nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện khả năng của mình, góp phần vào phát triển KT-XH trên địa bàn nông thôn các tỉnh.
Đặc biệt, từ khi Chính phủ phát động phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, các doanh nghiệp đã hưởng ứng tích cực, bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo niềm tin trong nhân dân, là nguồn động lực quan trọng góp phần thực hiện đạt sớm nhiều mục tiêu xây dựng NTM.
Các tỉnh cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp có những hành động thiết thực và hiệu quả, tập trung ủng hộ về tinh thần và vật chất, đầu tư trực tiếp vào nông thôn, cam kết tuyển dụng lao động, giúp nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; triển khai nhiều chương trình về an sinh xã hội, hỗ trợ đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phúc lợi xã hội như đường giao thông, đèn chiếu sáng theo các tuyến đường liên xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà hộ nghèo; tiếp tục đăng ký nhận đỡ đầu, hỗ trợ, giúp đỡ đầu tư để xây dựng NTM.
Một trong những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam là “uống nước nhớ nguồn”. Lâu nay những người thành đạt xa quê sẵn sàng đóng góp xây dựng quê hương. Các địa phương nên có sự kết nối kêu gọi lòng hảo tâm vận động sự tham gia, đóng góp của con em quê hương ở khắp mọi miền đất nước và kiều bào là những nhà quản lý, các doanh nhân thành đạt hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đóng sức mình vào việc thay đổi bộ mặt của quê hương.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, các địa phương vùng ĐBSCL cần chủ động xây dựng rà soát chính sách, tạo thuận lợi môi trường đầu tư thông thoáng hơn, hỗ trợ tốt hơn cho nhà đầu tư bằng cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đất đai, xây dựng, tạo điều kiện tốt hơn nữa để các chủ đầu tư thực hiện nhanh các dự án đã được cấp phép. Tăng cường liên kết vùng trong việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch thu hút đầu tư và danh mục các dự án kêu gọi đầu tư. Xác định cụ thể những ngành, lĩnh vực, dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư nước ngoài nhất là trong các lĩnh vực: kết cấu hạ tầng, công nghiệp chế biến, nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp…Xây dựng đề xuất đưa các dự án kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn có đủ điều kiện (quy mô hợp lý, có tính khả thi, có khả năng thu phí hoàn vốn) vào danh mục PPP, BOT.... để thu hút đầu tư của tư nhân trong nước và nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư; tăng cường liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến đầu tư để nâng cao hiệu quả, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư nhằm tạo “đòn bẩy”
hỗ trợ vùng ĐBSCL liên kết và phát triển.
Về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): các tỉnh cần tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện để triển khai việc trao đổi thông tin với các nhà tài trợ và xây dựng các chương trình, dự án hỗ trợ thuộc các lĩnh vực nông nghiệp ưu tiên đầu tư. Thực hiện hiệu quả các dự án ODA hiện có, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tích cực phối hợp với các nhà tài trợ trong việc triển khai thực hiện dự án để xây dựng niềm tin, quan hệ đối tác vững mạnh. Việc thực hiện hiệu quả các dự án ODA là cơ sở quan trọng để các nhà tài trợ xem xét, tài trợ những dự án tiếp theo. Phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ trong quá trình phê duyệt các văn bản quan trọng của dự án và trong quá trình triển khai các dự án, đảm bảo các dự án được thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ. Thiết lập và vận hành hiệu quả hệ thống theo dõi và đánh giá ODA ở cấp bộ, ngành và địa phương; phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án ODA thuộc thẩm quyền. Các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đảm bảo bố trí kịp thời và đầy đủ vốn đối ứng theo tiến độ thực hiện các chương trình, dự
án ODA. Tạo thuận lợi cho công tác di dân, giải phóng mặt bằng và tái định cư trên địa bàn dự án.
Trong thời gian tới các tỉnh nghiên cứu có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn với dự án xây dựng kho dự trữ lúa có sức chứa lớn và kho đông lạnh thủy sản, rau màu đáp ứng yêu cầu của địa phương, được miễn giảm thuế thuê đất trong 5 năm, kể từ khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động; hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, kinh phí hoàn thiện kết cầu hạ tầng kỷ thuật ngoài hàng rào…. Khuyến khích doanh nghiệp mở rộng hình thức chia sẻ lợi ích, chia sẻ rủi ro thiết thực cho nông dân nông thôn, để tăng thêm lợi nhuận nâng thu nhập bình quân cho người dân nông thôn, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng nông thôn, xây dựng NTM vững chắc, bền vững.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, du lịch, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống của cư dân nông thôn. Xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo hợp đồng; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về sự liên kết, hợp tác để sản xuất nông - thủy sản hàng hóa theo nhu cầu thị trường. Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng các tổ hợp tác, HTX, câu lạc bộ nông dân hiện có;
vận động nông dân tham gia thành lập mới các loại hình kinh tế hợp tác phù hợp.
Đa dạng hóa các nguồn cung cấp tín dụng; đổi mới cơ chế, thủ tục để nông dân và các đối tác kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiếp cận tín dụng thuận lợi. Hình thành các chương trình hỗ trợ phát triển các cây, con, ngành nghề chủ lực có sức cạnh tranh cao. Phân chia nguồn vốn phù hợp để tổ chức thực hiện kế hoạch, dự án đạt hiệu quả thực tế, tập trung các nguồn vốn, nhất là đầu tư nhà nước, sự đóng góp của nhân dân, ngân hàng chính sách, vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay của nước ngoài, huy động vốn từ các thành phần kinh tế và xã hội cả trong và người nước, huy động và tổ chức quỹ xoá đói giảm nghèo; quản lý và sử dụng các nguồn vốn cho phù hợp và có hiệu quả cao.
Nguồn vốn từ ngân hàng là một trong những kênh đầu tư vốn thông qua người dân để hỗ trợ đầu tư cho sản xuất, thực hiện vốn đối ứng thuộc chương
trình. Để xây dựng phương án đầu tư vốn thì ngân hàng cũng cần phải biết được hằng năm các địa phương cần đầu tư vào công trình gì, ở đâu, vốn nhà nước là bao nhiêu, vốn ngân hàng đầu tư là bao nhiêu? Từ đó mới có lộ trình cụ thể để phân kỳ đầu tư. Như vậy, cần có sự tích cực vào cuộc của các ngành trong phối hợp cùng với việc tỉnh chỉ đạo các huyện rà soát tiêu chí các xã để phối hợp nguồn lực, xây dựng công tác quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết để chuẩn bị cân đối nguồn vốn và phân kỳ đầu tư hợp lý. Đặc biệt các xã phải đánh giá thật kỹ hiện trạng các tiêu chí theo hướng dẫn của Văn phòng điều phối chương trình của tỉnh để có chi phí thấp nhất nhưng vẫn đạt hiệu quả cao.
Thực tế hiện nay các địa phương và ngân hàng đều nhận thấy để nguồn vốn tín dụng chảy được vào nông nghiệp, nông thôn điều quan trọng nhất đó là cơ chế phối hợp xử lý những bất cập. Bởi hầu hết các khoản cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay chủ yếu tập trung ở phần vay trung và ngắn hạn trong khi đó để có hiệu quả thì nguồn vốn phải được cho vay trong kỳ hạn dài. Để thực sự khơi thông được dòng vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn người vay cần có tài sản đảm bảo để thế chấp và người cho vay yên tâm hơn khi quyết định giao tiền. Vì vậy cần tiếp tục thực hiện tốt việc giao đất và cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận trang trại tạo thuận lợi cho các hoạt động xúc tiến đầu tư và cho vay, thế chấp trong tín dụng nông thôn. Đặc biệt, cần khuyến khích quá trình tích tụ ruộng đất cho sản xuất tập trung quy mô lớn thông qua những điều chỉnh thích hợp và mạnh dạn về hạn điền và thời gian, phương thức giao đất. Tập trung chỉ đạo hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện khuyến khích cho các doanh nghiệp và các hộ nông dân mở rộng sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh và sản phẩm, thương hiệu xuất khẩu có sức cạnh tranh cao, cũng như tạo thuận lợi và an toàn cho việc cấp tín dụng của ngân hàng vào hỗ trợ các hoạt động này.
Để giải quyết vấn đề vốn cho xây dựng NTM ở ĐBSCL cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
- Thiết lập sâu, rộng và đơn giản hóa các quan hệ tín dụng nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nông thôn. Để thực hiện
được điều trên, hệ thống ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng chính sách xã hội nên có ưu đãi hơn nữa đối với xây dựng NTM như: giản đơn hóa đến mức tối cần thiết các thủ tục cho vay; mở rộng diện cho vay trung hạn và dài hạn đối với các ngành nghề, sản phẩm cần khuyến khích sản xuất; cần điều chỉnh về mức vốn và thời hạn cho vay phù hợp với đối tượng và chu kỳ sản xuất ra sản phẩm; hoạt động cho vay của các ngân hàng cần gắn mục tiêu xóa đói giảm nghèo và xây dựng NTM, trong đó cần chú trọng trước hết đến những nơi nghèo khó nhất.
- Đi đôi với việc nâng cao vai trò của hệ thống ngân, các tỉnh ĐBSCL cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển hệ thống tín dụng trong nông thôn. Nhà nước cần khuyến khích việc tạo vốn cho phát triển xây dựng NTM bằng cách: tạo dựng khuôn khổ pháp lý để đa dạng hóa các hình thức huy động vốn và tham gia vào thị trường vốn; trực tiếp lập hoặc khuyến khích lập các quỹ hỗ trợ đầu tư dưới nhiều hình thức; thực hiện tín dụng lãi suất ưu đãi từ ngân sách Nhà nước hoặc từ nguồn vốn ODA để hỗ trợ cho các cơ sở và nông hộ hoạt động trong những ngành nghề cần khuyến khích; thực hiện cho thuê đất với giá ưu đãi và miễn giảm thuế ở mức thỏa đáng, bình đẳng đối với các nhà đầu tư phát triển nông thôn; đẩy mạnh liên kết kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh nông thôn với các doanh nghiệp đô thị trong và ngoài vùng, đặc biệt là với các khu chế xuất ở thành phố Hồ Chí Minh.
Các tỉnh ĐBSCL có tiềm lực KH-CN yếu, nguồn nhân lực chất lượng thấp, kiến thức về xây dựng NTM của đội ngũ cán bộ, nhất là cấp cơ sở đều còn rất hạn chế (nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở rất yếu về kiến thức và phương pháp tổ chức xây dựng NTM trên địa bàn xã). Nhu cầu đào tạo là rất lớn trong khi còn thiếu đội ngũ giảng viên và tài liệu chuẩn. Đây đang là trở ngại lớn nhất cho thực hiện Chương trình. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực chủ quan của các địa phương, các tỉnh vùng ĐBSCL rất cần sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, Chính phủ và các bộ, ban, ngành ở Trung ương đối với sự phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với xây dựng NTM.
Do ĐBSCL đang thiếu nghiêm trọng đội ngũ cán bộ đầu đàn về khoa học nông nghiệp, cho nên Trung ương cần có cơ chế trong luân chuyển cán bộ có trình