Chương 2 CÁC TỈNH ỦY Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG LÃNH ĐẠO
2.2.2. Các tỉnh ủy ở đồng bằng sông Cửu Long lãnh đạo xây dựng nông thôn mới - quan niệm, nội dung, phương thức
* Quan niệm về sự lãnh đạo của các tỉnh ủy ở đồng bằng sông Cửu Long đối với xây dựng nông thôn mới
Đại từ điển tiếng Việt (do Nguyễn Như Ý chủ biên, xuất bản năm 1999) định nghĩa: “Lãnh đạo là dẫn dắt, tổ chức phong trào theo đường lối cụ thể”
[160, tr.979].
Từ khái niệm trên cho thấy “lãnh đạo” có những điểm sau:
Thứ nhất, lãnh đạo là hoạch định chủ trương, đường lối, có nghĩa là xác định các nội dung, nhiệm vụ cần phải làm, những yêu cầu, mục đích cần đạt trong một thời kỳ hay một giai đoạn; là nêu các quan điểm, nguyên tắc và các phương sách tiến hành để đạt mục tiêu. Tất cả đều nhằm điều khiển, định hướng hành động cho các đối tượng lãnh đạo trong quá trình thực hiện mục đích.
Thứ hai, lãnh đạo là quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương đường lối đã xác định. Đó là qúa trình cụ thể lãnh đạo tổ chức, dẫn dắt động viên, hướng mọi nỗ lực của khách thể vào việc thực hiện các mục đích đã xác định.
Chủ thể ở đây có thể là một người, hay một tổ chức, một tập thể lãnh đạo.
Còn khách thể, cũng có thể là một người, một tổ chức hoặc là một giai cấp, một dân tộc. Tổ chức và con người, có thể là chủ thể trong mối quan hệ này, nhưng lại là khách thể trong mối quan hệ khác.
Vì vậy, bản chất của lãnh đạo, hiểu theo nghĩa chung nhất, là quá trình tác động có định hướng, có mục đích giữa con người với con người, giữa tổ chức với cá thể và giữa tổ chức với tổ chức, nhằm huy động tiềm năng sáng tạo, sự nỗ lực của khách thể vào việc giải quyết mâu thuẫn, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phong trào tiến lên vì lợi ích chung đã xác định.
Lãnh đạo là một trong những chức năng hoạt động xã hội của con người, nhằm đạt được mục đích nào đó trong sản xuất, trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, trong đấu tranh xã hội nói chung. Do đó, lãnh đạo mang đậm dấu ấn chủ quan của chủ thể. Tuỳ theo động cơ, mục đích của chủ thể, trình độ, chất lượng của chủ thể (như: truyền thống, kinh nghiệm, tri thức, năng lực thực tiễn...) sẽ hình thành cách lãnh đạo khác nhau và kết quả đạt được sẽ không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau. Thực tế cho thấy, có lãnh đạo dân chủ, thiết thực, có lãnh đạo quan liêu, áp đặt, có lãnh đạo khách quan, hợp quy luật, sát thực tế, có lãnh đạo bất chấp quy luật, xa rời thực tế... Về giác độ này, V.I.Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn quan trọng.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, V.I. Lênin đã từng phê phán cách lãnh đạo ôm đồm, không sắp đặt, giải quyết công việc một cách không khoa học.
Người viết: “... cho đến nay, những người cộng sản ở nước ta chưa hiểu rõ nhiệm vụ lãnh đạo thực sự của mình là thế nào”, rằng “không nên tự mình làm tất cả, làm quá sức mà vẫn không kịp, làm một lúc hàng hai chục việc mà không được một việc nào ra trò” [82, tr.293]. Người đòi hỏi:
Cần phân định một cách rõ ràng hơn nữa những nhiệm vụ của Đảng (và của Ban Chấp hành Trung ương của nó) với nhiệm vụ của chính quyền Xôviết; tăng thêm trách nhiệm và tính chủ động cho các cán bộ Xôviết và các cơ quan Xôviết, còn về Đảng chỉ giành quyền lãnh đạo chung các công tác của tất cả các cơ quan nhà nước, mà không nên can thiệp quá thường xuyên... và nhỏ nhặt như hiện nay [84, tr.75].
Nhằm khắc phục tình trạng đó và để xây dựng phong cách lãnh đạo mới, khoa học, thiết thực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc” .
Trong tác phẩm đó, Người giành riêng một chương bàn về “cách lãnh đạo”.
Người đưa ra quan niệm lãnh đạo đúng nghĩa là:
“1. Phải quyết định mọi vấn đề cho đúng...
2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng...
3. Phải tổ chức sự kiểm soát “ [89, tr.285].
Và theo Người, muốn lãnh đạo đúng thì: “... bất cứ công việc gì cũng phải dùng hai cách lãnh đạo sau đây: “Một là, liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng. Hai là, liên hợp người lãnh đạo với quần chúng” [89, tr.288]. Bằng những chỉ dẫn trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm rõ khái niệm lãnh đạo là gì, thế nào là lãnh đạo đúng và muốn lãnh đạo đúng phải làm như thế nào.
Từ những cơ sở lý luận trên, có thể hiểu: lãnh đạo là quá trình chủ thể lãnh đạo xác định chủ trương, đường lối và tổ chức, hướng dẫn, động viên,nêu gương huy động mọi nỗ lực, tiềm năng sáng tạo của đối tượng lãnh đạo nhằm thực hiện thắng lợi những chủ trương, đường lối, mục tiêu đã xác định.
Các tỉnh uỷ vùng ĐBSCL lãnh đạo xây dựng NTM thực chất là một hệ thống các hoạt động của các tỉnh ủy tác động có định hướng, có mục đích vào hệ thống chính trị, toàn xã hội, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng nông thôn ĐBSCL phát triển toàn diện. Trước hết là đề ra quan điểm, chủ trương, nghị quyết về lãnh đạo thực hiện các nội dung, yêu cầu Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Các tỉnh ủy đóng vai trò là người lãnh đạo tổ chức việc triển khai quán triệt và thực hiện đường lối, chủ trương, đường lối xây dựng NTN theo quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nếu xét về bản chất, các tỉnh ủy lãnh đạo xây dựng NTM là quá trình các tỉnh ủy tiến hành các hoạt động về chính trị, tư tưởng, tổ chức để tác động, định hướng cho các tổ chức, lực lượng có trách nhiệm tiến hành xây dựng NTM. Nếu xét theo nội dung, nhiệm vụ lãnh đạo thì đó là quá trình xác định và thực hiện nội dung, phương thức các tỉnh ủy ĐBSCL lãnh đạo xây dựng NTM.
Từ những diễn giải trên đây, có thể quan niệm các tỉnh ủy ở ĐBSCL lãnh đạo xây dựng NTM là: Hoạt động của các tỉnh ủy từ việc ra nghị quyết về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chủ trương xây dựng nông
thôn mới của Đảng ở các địa phương; lanh đạo, chỉ đạo HTCT, các tổ chức đảng và đảng viên tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên, chính quyền và các đoàn thể, các lực lượng xã hội và nhân dân thực hiện nghị quyết của tỉnh ủy, bảo đảm cho chủ trương của Đảng về xây dựng nông thôn mới được thực hiện thắng lợi ở địa phương.
Như vậy, nội hàm của khái niệm sự lãnh đạo của các tỉnh ủy đối với xây dựng NTM hàm chứa những vấn đề sau:
Một là, chủ thể lãnh đạo quá trình xây dựng NTM ở các địa phương là các tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy, tất cả các tổ chức đảng, đảng viên, các tổ chức trong HTCT địa phương, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế và nhân dân các địa phương, nhất là các tổ chức kinh tế hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp và giai cấp nông dân, đều là đối tượng lãnh đạo của tỉnh ủy, đồng thời, họ cũng là lực lượng tham gia vào quá trình lãnh đạo đó.
Hai là, mục tiêu lãnh đạo của các tỉnh ủy là bảo đảm cho đường lối chủ trương của Đảng về xây dựng NTM được thực hiện thắng lợi ở địa phương, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng NTM ở tất cả các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL hiện nay.
Ba là, nhiệm vụ của các tỉnh ủy trong lãnh đạo xây dựng NTM là ban hành nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, chiến lược, kế hoạch thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng và đảng viên thực hiện nghị quyết của tỉnh ủy; kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên trong thực hiện nghị quyết, kịp thời tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể nhân dân, các lực lượng xã hội tổ chức thực hiện nghị quyết của tỉnh ủy bằng các phương thức thích hợp.
Bốn là, quy trình lãnh đạo của các tỉnh ủy về lãnh đạo xây dựng NTM; ra nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nông thôn ở địa phương theo chủ trương chung của Đảng; tổ chức thực hiện nghị quyết và kiểm tra, giám sát các đối tượng lãnh đạo thực hiện nghị quyết đó.
* Nội dung các tỉnh ủy ở đồng bằng sông Cửu Long lãnh đạo xây dựng nông thôn mới
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các tỉnh ủy ở vùng ĐBSCL và nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, đồng thời căn cứ vào các tiêu chí xây dựng NTM được Thủ tướng Chính phủ quy định, có thể xác định các nội dung lãnh đạo xây dựng NTM của các tỉnh ủy ở vùng ĐBSCL gồm:
Một là, lãnh đạo xây dựng quy hoạch NTM phù hợp với điều kiện tự nhiên, KT-XH của từng địa phương. Trong xây dựng NTM, công tác quy hoạch xây dựng NTM là công việc mang tính tiền đề, có tầm quan trọng trước mắt cũng như lâu dài đối với việc xây dựng NTM. Nội dung của công tác lập quy hoạch xây dựng NTM liên quan chủ yếu đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất và quy hoạch sử dụng đất. Trong giai đoạn trước mắt công tác quy hoạch là cơ sở cho việc lập các Đề án xây dựng NTM theo 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM do Chính phủ ban hành. Về mặt lâu dài công tác quy hoạch là cơ sở hoạch định đường lối trong xây dựng phát triển nông thôn theo đúng tinh thần Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X.
Hai là, lãnh đạo tổ chức, xây dựng và huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH ở nông thôn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong xây dựng NTM. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, thông tin liên lạc. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn hiện nay. Cơ sở hạ tầng được phát triển và hiện đại sẽ tạo điều kiện mở rộng sự giao lưu kinh tế, xã hội giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng với nhau; kích thích kinh tế hàng hóa phát triển đồng đều, mở rộng thị trường trong nước và gắn được thị trường trong nước với thị trường thế giới, phục vụ tốt các nhu cầu đòi hỏi phát triển kinh tế nói chung và phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng.
Ba là, lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một chủ trương lớn. Công việc này cần sự tham gia của cả
hệ thống chính trị, toàn dân và huy động cả các chuyên gia tư vấn. Đặc biệt, trong giai đoạn khủng hoảng, nông nghiệp là cứu cánh cho nền kinh tế. Riêng với vấn đề tái cấu trúc nông nghiệp, các tỉnh ủy tập trung lãnh đạo việc lựa chọn các ngành hàng có lợi thế để phát huy (như lúa gạo, cá da trơn, tôm sú, cây ăn quả...); phát triển các ngành hàng theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và lưu thông; chọn các công đoạn mấu chốt cần đột phá để xử lý; sử dụng KH-CN và cải tiến quản lý; phát huy sức mạnh liên kết của nông dân, thu hút đầu tư của doanh nghiệp. Tiếp tục giải phóng lực lượng sản xuất, tập trung đất đai lại, thu hút vốn về nông thôn và đưa khoa học kỹ thuật vào ruộng đồng. Bên cạnh đó, tháo gỡ vướng mắc về quan hệ sản xuất là liên kết các hộ nông dân vào HTX, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, đưa doanh nghiệp về nông thôn để chuyển đổi cơ cấu, tạo liên kết dọc trong chuỗi ngành hàng. Hình thành các vùng chuyên canh. Trong đó, cần xây dựng các điểm hạt nhân để chế biến nông sản, tăng giá trị cho sản phẩm hỗ trợ cho vùng chuyên canh; cung cấp dịch vụ, đưa khoa học kỹ thuật vào để tăng giá trị; phải xử lý ngay các vướng mắc hiện tại trong sản xuất nông nghiệp…
Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển kinh tế trang trại, HTX và doanh nghiệp nông thôn, nhất là doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, cơ khí phục vụ nông nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, liên doanh, hợp đồng cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản cho nông dân và HTX.
Chuyển đổi lao động nông thôn theo các ngành hàng, chuyên môn hóa lao động nông dân; phát triển hiệp hội ngành hàng bằng xây dựng lực lượng tư nhân vững mạnh và hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác của nông dân; phát triển cộng đồng nông thôn.
Bốn là, lãnh đạo phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, an sinh xã hội, nước sạch, bảo vệ môi trường sinh thái ở nông thôn. Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Đặc biệt quan tâm tới bậc học mầm non, nhà trẻ cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Chấn chỉnh thị
trường lao động, phát triển nguồn tài nguyên nhân lực. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng NTM; động viên, khuyến khích và có cơ chế ưu đãi để thu hút số học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt, có trình độ cao về địa phương công tác.
Xây dựng và phát triển văn hóa nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Để xây dựng ấp văn hóa, các địa phương lãnh đạo làm tốt việc chăm lo phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao mức sống cho người dân và tạo lập được các thiết chế văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Trong điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô sản xuất lớn cần phải chú trọng đến việc xử lý môi trường thì mới phát triển được nền nông nghiệp bền vững.
Các tỉnh ủy lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, biện pháp bảo vệ an ninh, trật tự khu vực nông thôn. Tiếp tục ban hành quy ước, hương ước ở các ấp về đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu. Nâng cao cảnh giác cách mạng trước hoạt động “diễn biến hòa bình”
của các thế lực thù địch, bọn phản động. Tập trung giải quyết các vụ, việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp nếu có; các vụ việc liên quan đến an ninh nông thôn.
Kìm chế và giảm các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông, tai nạn lao động nghiêm trọng ở khu vực nông thôn.
Năm là, lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở nông thôn vững mạnh, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn. Xây dựng HTCT cơ sở vững mạnh toàn diện là một trong 19 tiêu chí NTM. Để phát huy hơn nữa vai trò của HTCT cấp cơ sở trong xây dựng NTM, các tỉnh ủy tập trung lãnh đạo thực hiện tốt việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của HTCT cấp cơ sở trong xây dựng NTM; đổi mới phương thức hoạt động và mối quan hệ giữa các thành viên trong HTCT cấp cơ sở; đổi mới và hoàn thiện chính sách tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công
tác xây dựng NTM; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, làm tốt công tác đánh giá xếp loại và thi đua, khen thưởng
* Phương thức các tỉnh ủy ở đồng bằng sông Cửu Long lãnh đạo xây dựng nông thôn mới
Theo nghĩa thông thường, “phương thức” là phương pháp và hình thức tiến hành, “phương pháp” là cách thức tiến hành để có hiệu quả cao [160, tr.1352-1353].
Có thể nói gọn lại, “phương thức” là cách thức và hình thức tiến hành công việc để có hiệu quả cao, đó là phương thức đúng đắn, phù hợp với công việc. Ngoài nghĩa chung đó, về phương thức lãnh đạo của Đảng đã được nhiều nhà khoa học luận bàn, song đáng chú ý hơn là cuốn sách “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng” do Trần Đình Nghiêm chủ biên. Các tác giả cho rằng:
phương thức lãnh đạo của Đảng là hệ thống các hình thức, phương pháp, biện pháp, quy trình, lề lối làm việc, tác phong công tác... mà Đảng sử dụng nhằm làm cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng được thực hiện có hiệu quả cao nhất trong cuộc sống [95, tr.201].
Như vậy, phương thức lãnh đạo của Đảng theo quan điểm của các tác giả thì rất đa dạng, phong phú gắn với các cấp ủy, tổ chức đảng, gắn với tập thể, cá nhân, gắn với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đặc biệt là nó gắn chặt với nội dung lãnh đạo của Đảng. Phương thức lãnh đạo của Đảng quan hệ rất chặt chẽ với nội dung lãnh đạo của Đảng. Nội dung lãnh đạo của Đảng chi phối, quy định và ràng buộc phương thức lãnh đạo của Đảng.
Từ đây có thể quan niệm: phương thức lãnh đạo xây dựng NTM của các tỉnh uỷ ở ĐBSCL là hệ thống các hình thức, phương pháp, biện pháp, quy trình...
mà các tỉnh uỷ sử dụng để tác động vào các cơ quan, tổ chức và từng người dân ở nông thôn nhằm thực hiện tốt những nội dung lãnh đạo xây dựng NTM của các tỉnh uỷ trong từng thời kỳ.
Phương thức lãnh đạo xây dựng NTM của các tỉnh uỷ ở ĐBSCL quan hệ mật thiết với nội dung lãnh đạo xây dựng NTM của các tỉnh uỷ và chịu sự quy định, chi phối, ràng buộc bởi nội dung lãnh đạo đạo xây dựng NTM. Song nó là yếu tố rất quan trọng để nội dung lãnh đạo xây dựng NTM thành hiện thực.