CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI NHẰM PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP
1.2. Các lý thuyết cơ bản về đầu tư trực tiếp nước ngoài
1.2.3. Lý thuyết lợi thế địa điểm
Khi thực hiện hình thức FDI, công ty nên chọn quốc gia nào để đặt nhà máy là tốt nhất? Một số quan điểm tiếp cận giải thích lợi thế địa điểm đầu tư như sau:
1.2.3.1. Lý thuyết tân cổ điển
Cơ sở truyền thống để phân tích hoạt động kinh tế quốc tế là lý thuyết tân cổ điển về thương mại quốc tế được phát triển bởi Heckscher và Ohlin từ lý thuyết lợi thế so sánh của Ricardo (Krugman và Obstfeld, 1997) [85]. Ông giải thích thương mại quốc tế theo quan điểm lợi thế so sánh của nước tham gia dựa trên giả định cạnh tranh hoàn hảo, đó là: nguồn tài nguyên; các yếu tố sản xuất là bất động; chức năng sản xuất, sở thích người tiêu dùng giống hệt nhau và chuyên môn hóa không đầy đủ. Quốc gia nên chuyên môn hóa sản xuất, xuất khẩu sản phẩm có sử dụng các yếu tố mà họ dồi dào, giá rẻ và nhập khẩu sản phẩm sử dụng các yếu tố mà họ khan hiếm. Do đó, vị trí sản xuất quốc tế được quyết định dựa trên lợi thế so sánh yếu tố chi phí, địa điểm có chi phí sản xuất thấp nhất sẽ được công ty lựa chọn.
Lợi thế địa điểm bao gồm nhiều khía cạnh như: chi phí các yếu tố sản xuất, quy mô thị trường và chính sách thuế thu hút FDI (Caves, 1982) [62]. Đối với FDI ngang, yêu cầu đặt ra là phục vụ tốt nhất cho thị trường nước chủ nhà nên FDI ngang xoay quanh việc đánh đổi giữa chi phí cố định xây dựng nhà máy và chi phí thương mại (Markusen, 1984) [93]. Khi quy mô thị trường nước chủ nhà nhỏ, việc tiết kiệm chi phí giao dịch không đủ bù đắp chi phí cố định xây dựng nhà máy thì xuất khẩu được lựa chọn để phục vụ thị trường nước ngoài. Ngược lại, quy mô thị trường nước chủ nhà lớn, chi phí giao dịch lớn hơn so với chi phí cố định thiết lập nhà máy thì FDI ngang xảy ra. Hơn nữa, lý thuyết đánh đổi giữa tập trung và sự gần gũi của Brainard (1997) [54] đề cập đến nguyên lý chung, khi lợi ích sản xuất ở thị trường nước ngoài (gần gũi cho khách hàng, tránh rào cản thương mại) lớn hơn lợi ích hiệu quả theo quy mô đạt được khi sản xuất được tập trung trong nước thì FDI sẽ xảy ra. Ngược lại, với FDI dọc, yêu cầu đặt ra là phục vụ tốt nhất thị trường nước nhà đầu tư và thị trường khác nên quyết định địa điểm FDI dọc liên quan đến việc giảm thiểu chi phí các yếu tố. Lợi ích sản xuất ở nước có chi phí các yếu tố thấp và
chi phí giao dịch đưa hàng về nước nhà đầu tư sẽ được xem xét trong trường hợp này. Khi chi phí từ sản xuất ở nước ngoài lớn hơn chi phí giao dịch phát sinh thì FDI này xảy ra. Vì vậy, địa điểm có mức lương thấp, chi phí vận tải, chi phí thương mại liên quan đến hoạt động SXKD thấp sẽ là địa điểm ưa thích của nhà đầu tư.
Như vậy, lý thuyết lợi thế so sánh chỉ ra nhiều yếu tố góp phần tạo nên lợi thế địa điểm hấp dẫn nhà ĐTNN. Các yếu tố chủ yếu đó là: vị trí địa lý, CSHT, quy mô thị trường, chi phí lao động, tài nguyên, chính sách hỗ trợ, thủ tục hành chính.
Đây cũng chính là lợi thế của các nền kinh tế chuyển đổi khi các nước này thực hiện chính sách mở cửa. Với thị trường mới, lực lượng lao động dồi dào và giá rẻ, chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục hành chính nhanh, gọn đã tạo ra cơ hội cho nhà ĐTNN dễ dàng thiết lập nhà máy, khai thác những lợi thế để tìm kiếm lợi nhuận cho mình.
1.2.3.2. Lý thuyết địa phương hóa
Lý thuyết địa phương hóa (tích tụ) giải thích lý do các công ty trong cùng ngành, cùng nước xuất xứ có xu hướng tập trung ở cùng quốc gia, khu vực, đồng thời, cũng lý giải thành công trong thu hút FDI của Trung Quốc, Việt Nam bằng cách thiết lập KCN, KCX. Địa phương hóa ngành công nghiệp là mật độ của các công ty trong cùng một ngành ở khu vực địa lý (Head và cộng sự, 1995) [73]. Cơ chế kích thích sự tập trung của các công ty trong cùng ngành là sự tồn tại của nền kinh tế tích tụ. Tích tụ kinh tế tạo ra các yếu tố bên ngoài thuận lợi phát sinh từ các cụm công nghiệp (CCN) trong khu vực. Marshall (1920) [94] cho rằng, địa phương hóa ngành công nghiệp tạo ra 3 yếu tố bên ngoài thuận lợi, kích thích sự có mặt của các công ty mong muốn tích tụ, đó là: (i) Cho phép công ty hưởng lợi từ lan truyền công nghệ. Khái niệm lan tỏa công nghệ khá mơ hồ nhưng được xem là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến tích tụ (Krugman, 1991) [83]. Thông tin hữu ích lan truyền giữa các công ty, nhà thiết kế, kỹ sư, quản lý. Đối với nhà ĐTNN, thông tin lan truyền thường là kinh nghiệm làm thế nào để hoạt động có hiệu quả ở nước chủ nhà (Head và cộng sự, 1995) [73]. Khu Silicon Valley ở California, Route 128 ở Boston được nhiều tác giả dùng để lý giải ảnh hưởng của yếu tố lan truyền công nghệ đến tích tụ công ty (Saxenian, 1994) [106]. (ii) Cung cấp thị trường lao động chuyên
môn chung, địa phương hóa ngành công nghiệp mang lại lợi ích cho người lao động và công ty (Marshall,1920) [94]. Số công ty gia tăng sẽ giảm khả năng thất nghiệp, nguồn cung cấp lao động chuyên ngành tăng sẽ giảm nguy cơ yêu cầu lương cao từ người lao động. Sản xuất vi điện tử ở Silicon Valley, sản xuất thảm ở Dalton, Georgia minh họa điển hình cho hiện tượng này. (iii) Tạo ra thị trường đầu vào trung gian chung cho một ngành công nghiệp với sự đa dạng và chi phí thấp hơn.
Krugman (1991) [83] cho rằng, sự kết hợp giữa kinh tế theo quy mô và chi phí vận chuyển thúc đẩy người sử dụng và nhà cung cấp đầu vào trung gian thiết lập nhà máy gần nhau. Việc tích tụ này làm giảm chi phí vận chuyển và tạo ra trung tâm sản xuất lớn có hiệu quả, có nhiều nhà cung cấp đa dạng hơn so với trung tâm sản xuất nhỏ. Điều này sẽ khuyến khích các công ty cùng ngành tập trung tại một địa điểm.
Ông cho rằng, ban đầu một công ty xác định địa điểm cụ thể mang tính chất tình cờ, nhưng về sau, sự lựa chọn địa điểm của nhiều công ty theo nguyên tắc này sẽ hình thành CCN trong khu vực.
Như vậy, lý thuyết tích tụ cho thấy, yếu tố CCN ảnh hưởng tích cực đến quyết định địa điểm nên có sức hấp dẫn thu hút FDI. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng chịu tác động tiêu cực như: của sự lan tỏa công nghệ, mất nhân viên cho đối thủ, chia sẻ nhà phân phối và nhà cung cấp với các công ty khác. Quyết định có tham gia vào CCN hay không tùy thuộc vào đặc điểm và động cơ của từng công ty.
1.2.3.3. Quan điểm thể chế
Thể chế bao gồm: thể chế chính thức như pháp luật, các quy định dưới luật và thể chế không chính thức như phong tục, truyền thống, các quy tắc ứng xử (North, 1990) [101], hay thể chế bao gồm: luật pháp; các quy định dưới luật; thể chế nhận thức và thực thi (Scott, 1995) [108]. Thể chế và việc thực thi thiết lập "luật chơi" mà công ty phải tuân thủ, ảnh hưởng đến khả năng tương tác, tạo thuận lợi cho các giao dịch, đóng vai trò tiết giảm chi phí thông tin, giao dịch, hợp tác liên quan đến quá trình SXKD của công ty (Hoskisson và cộng sự, 2000) [75]. Những quy định mang tính pháp lý, nhà nước và cả quy định không chính thức là nền tảng của nền kinh tế nên sẽ ảnh hưởng đến chiến lược, hoạt động và hiệu suất kinh doanh
của công ty (Scott, 1995) [108]. Thể chế và lợi thế địa điểm đều đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh quốc tế bởi nó đại diện cho yếu tố chi phí bất định trong quá trình SXKD ở thị trường toàn cầu hóa. Ngoài việc tiết giảm chi phí cho các yếu tố liên quan đến luật pháp, chính trị và hành chính (tạo ra sự rõ ràng, minh bạch thông tin), tiết giảm chi phí nhờ được ưu đãi thuế, tiền thuê đất, chi phí không chính thức, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận các lợi thế địa điểm (dễ dàng tiếp cận tài nguyên, xóa bỏ rào cản thị trường), thể chế còn góp phần cải thiện các yếu tố liên quan đến hoạt động SXKD như: lao động, CSHT, CNHT. Vì thế, thể chế đóng vai trò quyết định sức hấp dẫn quốc tế của một địa điểm. Đối với nhà đầu tư, thể chế nước chủ nhà có thể tạo ra ưu đãi, hạn chế nên sẽ mang đến lợi ích, cơ hội, bất lợi và rủi ro cho nhà ĐTNN. Nếu ưu đãi không mang đến thuận lợi mà hạn chế gây ra quá nhiều bất lợi sẽ khiến nhà đầu tư nản lòng. Họ luôn có chiến lược để tránh các giới hạn của luật pháp nước chủ nhà và đạt được lợi ích mà pháp luật, hoàn cảnh cụ thể tạo ra (Spar, 2001) [109].
Như vậy, nhà đầu tư xác định địa điểm ở quốc gia có khung thể chế gần với nước của họ, giảm khoảng cách mập mờ và tạo thuận lợi cho kinh doanh quốc tế.
Với đặc trưng của nền kinh tế chuyển đổi là khung thể chế mâu thuẫn và không ổn định, nhà đầu tư phải bỏ chi phí cao hơn các nền kinh tế khác để có được thông tin về môi trường kinh doanh địa phương, tìm kiếm, đàm phán và ký kết hợp đồng với các đối tác trong nước. Vì thế, cải cách thể thế và cơ chế thực thi thể chế tại địa phương chính là yếu tố quan trọng, tạo nên sức hấp dẫn FDI của một địa phương.
1.2.3.4. Phương pháp tiếp cận chi phí thông tin
Nhà ĐTNN thường thiếu thông tin về sản phẩm, thị trường yếu tố đầu vào, thể chế chính trị, xã hội của nước chủ nhà. Họ phải trả chi phí cao hơn để tìm kiếm thông tin về nhà cung cấp, cơ hội thị trường, lao động có tay nghề (Arrow, 1972) [50]. Do đó, họ xác định địa điểm ở những nơi mà thông tin cần thiết cho kinh doanh minh bạch, dễ tiếp cận. Để ra quyết định đầu tư, công ty thường sử dụng cả thông tin công cộng và riêng (He, 2002) [72]. Thông tin công cộng (quy mô thị trường, tăng trưởng kinh tế, CSHT, chính sách đầu tư) thường dễ dàng tiếp cận ở đô
thị lớn. Ngược lại, thông tin riêng (chiến lược lựa chọn đối tác, thực thi chính sách thu hút FDI của chính quyền trên thực tế) thường có được thông qua mối quan hệ cá nhân, mạng lưới nhà ĐTNN trong vùng. Do đó, nhà ĐTNN thường xác định địa điểm ở khu vực đô thị, thành phố để tiết kiệm chi phí khai thác thông tin do gần gũi thị trường, nguồn cung lao động, dịch vụ thông tin liên lạc, tài chính, thương mại tốt. Ngoài ra, họ cũng ưu thích tập trung ở KCN, gần với công ty khác để học hỏi kinh nghiệm của nhà ĐTNN đi trước trong môi trường hoạt động kinh doanh mới nhằm giảm chi phí thông tin. Ông cho rằng, nhà ĐTNN ở Trung Quốc ưu thích đầu tư ở các thành phố ven biển, khu vực đô thị bởi thông tin ở đó xuất hiện công khai, đáng tin cậy và lan truyền dễ dàng, hay ở KCN vì dễ dàng tiếp cận thông tin thông qua các DN lân cận. Mariotti và Piscitello (1995) [92] cho rằng, nhà ĐTNN ở Ý ưu thích địa điểm như đô thị lớn và các tỉnh lân cận, gần với các công ty lớn, đặc biệt là MNEs hàng đầu thế giới bởi họ dễ dàng có được thông tin, truy cập miễn phí thông tin quan trọng về thị trường mới.
Như vậy, nhà ĐTNN xác định địa điểm ở những nơi mà họ có thể giảm thiểu chi phí thông tin phát sinh do sự khác biệt tự nhiên, văn hóa. Lý thuyết địa phương hóa cho rằng, giảm chi phí (đặc biệt thông tin) là động cơ quan trọng thúc đẩy công ty tích tụ. Tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin dễ hay khó phụ thuộc rất lớn vào thể chế và cơ chế thực thi của địa phương nước chủ nhà. Thể chế đóng vai trò tiết giảm chi phí giao dịch và chi phí thông tin thông qua việc giảm sự bất ổn và thiết lập một cấu trúc ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch. Do vậy, phương pháp tiếp cận này thực chất là sự kết hợp giữa lý thuyết địa phương hóa và quan điểm thể chế để giải thích quyết định địa điểm FDI và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định này vẫn tập trung vào môi trường thể chế, KCN và chi phí tiếp cận thông tin.
1.2.3.5. Lý thuyết chu kỳ sản phẩm
Lợi thế của công ty sẽ thay đổi theo thời gian khi sản phẩm phát triển qua các vòng đời của nó nên việc lựa chọn giữa xuất khẩu, cấp giấy phép hay FDI cũng thay đổi. Vernon (1966) [111] giải thích đầu tư của công ty Mỹ ở châu Âu sau chiến tranh bằng cách trả lời câu hỏi tại sao việc đổi mới xảy ra ở nước phát triển và tại
sao họ chuyển ra nước ngoài sản xuất thông qua mối liên hệ chu kỳ sống sản phẩm với quyết định lựa chọn giữa xuất khẩu và sản xuất ở nước ngoài.
Chu kỳ sống sản phẩm gồm: giai đoạn hình thành, trưởng thành và chuẩn hóa sản phẩm. Đặc điểm sản phẩm ở giai đoạn 1 thường tiết kiệm chi phí lao động, đáp ứng nhu cầu khách hàng có thu nhập cao, sản phẩm không chuẩn, cần cải tiến.
Chi phí sản xuất không là vấn đề quan trọng, độ co giãn cầu theo giá của sản phẩm thấp do sự khác biệt sản phẩm, công ty có lợi thế độc quyền, hiệu quả giao dịch giữa thị trường và nhà cung cấp tiềm năng. Vì thế, địa điểm sản xuất được lựa chọn ở nơi có điều kiện để cải tiến sản phẩm mới thường là nước phát triển, thành phố lớn. Ở giai đoạn 2, đối thủ cạnh tranh tiềm năng xuất hiện, quá trình thiết kế và sản xuất đạt mức chuẩn hóa. Chi phí sản xuất được quan tâm nhiều do đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Nhu cầu sản phẩm có thể xuất hiện ở thị trường khác tạo ra cơ hội thị trường mới. Ban đầu, công ty phục vụ thị trường này bằng cách xuất khẩu, nhưng về sau, họ xem xét thực hiện sản xuất và cung ứng tại chỗ. Địa điểm lựa chọn đặt nhà máy dựa trên sự cân nhắc chi phí sản xuất cận biên cộng với chi phí vận chuyển hàng hoá xuất khẩu so với chi phí sản xuất ở nước ngoài, do đó, yếu tố ảnh hưởng trong giai đoạn này là vị trí địa lý, quy mô thị trường, chi phí lao động, nguyên liệu. Ở giai đoạn cuối, kiến thức thị trường và thông tin rất ít quan trọng, cạnh tranh chủ yếu dựa trên giá cả và nhu cầu co giản theo giá lớn nên ưu tiên địa điểm có chi phí thấp nhất được lựa chọn để thành lập cơ sở sản xuất, lắp ráp. Lý thuyết này là một sự đơn giản hóa của thực tế, nhưng nó cung cấp một lời giải thích yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến quyết định địa điểm sản xuất FDI hợp lý tùy theo thời kỳ sống của sản phẩm, đồng thời, giải thích sự hấp dẫn khác biệt giữa các nước phát triển và các nước khác đối với FDI.
1.2.3.6. Lý thuyết động cơ chiến lược của nhà đầu tư
Khi giải thích lợi thế địa điểm hấp dẫn FDI, Dunning (1993) [65] cho rằng, mỗi ngành công nghiệp khác nhau thường có lợi thế sở hữu và lợi thế nội bộ hóa khác nhau nên động cơ đầu tư của công ty sẽ khác nhau, do đó, các yếu tố ảnh hưởng đến lợi thế địa điểm của từng ngành công nghiệp sẽ khác nhau. Ông cho
rằng, đối với FDI tìm kiếm nguồn tài nguyên như: tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực kỹ thuật, nguồn nhân lực sẵn có, MNEs tận dụng lợi thế của mình để khai thác các tài nguyên này phục vụ cho sản xuất, sau đó xuất khẩu sang các thị trường khác. Do đó, sự dồi dào tài nguyên thiên nhiên, dễ tiếp cận, lao động dồi dào, chi phí thấp, trình độ cao, sự sẵn có của CSHT, chính sách ưu đãi sẽ hấp dẫn loại FDI này. Đối với FDI tìm kiếm thị trường, động cơ của công ty là khai thác thị trường mới do suy giảm thị trường trong nước nên với năng lực và nguồn lực sẵn có, các công ty sẽ thâm nhập thị trường mới bằng cách sản xuất tại chỗ thay vì xuất khẩu để giảm chi phí thâm nhập hoặc cung cấp những dịch vụ còn đầy tiềm năng tại thị trường này như: cung cấp nước, điện, viễn thông. Do vậy, quy mô, triển vọng tăng trưởng thị trường, đặc điểm người tiêu dùng, các quy định liên quan đến rào cản nhập khẩu và ưu đãi đối với sản xuất tại chỗ của nước chủ nhà, các lợi thế gắn liền với việc tiếp cận thị trường khu vực sẽ hấp dẫn loại FDI này, trong đó, quy mô và tiềm năng thị trường được xem là quan trọng nhất. Đối với loại FDI tìm kiếm hiệu quả, động cơ của công ty là cơ cấu lại những khoản đầu tư đã có để đạt được hiệu quả trong kinh doanh quốc tế như: chuyên môn hóa sản xuất quốc tế để tìm kiếm lợi nhuận từ sự khác biệt về giá cả các yếu tố đầu vào, giá cả sản phẩm đầu ra và đa dạng hóa rủi ro.
Ngoài ra, công ty cũng mong muốn tiết kiệm và cải thiện hiệu quả bằng cách hợp lý hóa cấu trúc hoạt động toàn cầu của công ty. Với xu hướng chi phí sản xuất ở nước nhà đầu tư tăng lên, các MNEs chỉ giữ lại công đoạn quan trọng của quá trình SXKD, các công đoạn còn lại sẽ được dịch chuyển sang quốc gia khác nhằm khai thác lợi thế về chi phí như: lao động, nguyên liệu, tiền thuê đất rẻ, cũng như chi phí tiếp cận thị trường khu vực. Do đó, yếu tố chi phí lao động rẻ, vị trí địa lý, tài nguyên, ưu đãi của nước chủ nhà sẽ hấp dẫn loại FDI này. Đối với FDI tìm kiếm tài sản chiến lược, động cơ của công ty là theo đuổi sự hoạt động chiến lược thông qua việc mua lại những công ty đã tồn tại để bảo vệ lợi thế sở hữu nhằm duy trì vị thế cạnh tranh toàn cầu hoặc đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm năng lực nghiên cứu và phát triển. Do đó, trình độ nguồn nhân lực chất lượng cao, CSHT hiện đại, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, trình độ phát triển công nghệ là những yếu tố ảnh