CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI NHẰM PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP
1.4. Kinh nghiệm thu hút FDI phát triển công nghiệp của các nước trên thế giới và bài học vận dụng cho Lào
1.4.1. Kinh nghiệm thu hút FDI của các nước trên thế giới
1.4.1.1. Kinh nghiệm thu hút FDI ở các quốc gia NICs
Các nước NICs có những điểm giống với Lào ở giai đoạn đầu quá trình công nghiệp hóa (CNH) đó là, nền kinh tế lạc hậu, phát triển mất cân đối, kiệt quệ sau chiến tranh, thu nhập b́nh quân đầu người thấp, nghèo tài nguyên, khí hậu kém thuận lợi, đất hẹp, người đông. Lợi thế chủ yếu là cảng biển, lao động dồi dào giá rẻ. Tuy nhiên, với chính sách phát triển kinh tế và thu hút FDI hợp lý, các nước NICs trở thành quốc gia công nghiệp mới có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như Singapore đạt 12,2%/năm (1965–1980), công nghiệp chiếm 29,1% GDP năm 1990;
Hàn Quốc đạt 16,6%/năm (1965–1980), công nghiệp chiếm 40% GDP năm 1990;
Đài Loan đạt trên 7%/năm (1988–1991), công nghiệp chiếm 42,3% GDP năm 1990.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp của các nước này giai đoạn 2000-2003 chiếm bình quân hơn 60% GDP, trong đó, hơn 50% xuất khẩu sang thị trường Mỹ
(Nguyễn Minh Phong, 1999) [11]. Kinh nghiệm từ các nước NICs mà Lào có thể vận dụng đó là:
- Giữ vững ổn định chính trị, xã hội: Trong thời kỳ chiến tranh lạnh giữa hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, nhiều quốc gia rơi vào tình trạng chiến tranh, quan hệ căng thẳng với các nước tư bản thì các nước này đã tận dụng thời cơ, giữ ổn định chính trị xã hội để thu hút FDI. Đây là bài học kinh nghiệm cho Lào.
- Khai thác lợi thế lao động, tự nhiên: Lao động dồi dào, giá rẻ là lợi thế chung của các nước này hấp dẫn FDI. Các điều kiện về tài nguyên, vị trí địa lý thì mỗi quốc gia có điểm khác nhau. Singapore khai thác lợi thế vị trí địa lý nằm ở trung điểm trên tuyến đường hàng hải quốc tế, hình thành cảng biển trung chuyển hàng hóa lý tưởng và trở thành khu thương mại tổng hợp hấp dẫn nhà ĐTNN.
- Xây dựng thành công các KCX để hấp dẫn FDI: Các nước này coi KCX là giải pháp hữu hiệu để khuếch tán kỹ thuật mới vào trong nước, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển đúng hướng. Tại Đài Loan, FDI đạt 13,8 tỷ USD (1951–
1993), trong đó, điện tử chiếm 54,7%, chế tạo máy chiếm 35,5%, sản xuất phi kim loại và hóa chất là 17,9% năm 1970. Hàn quốc thu hút 67 tỷ USD đến năm 2002, phần lớn trong ngành chế tạo, điện tử (chiếm 46% sản phẩm công nghiệp).
Singapore thu hút hơn 41 tỷ USD (2002-2003), chủ yếu sản xuất phụ tùng điện tử (chiếm 37% sản phẩm công nghiệp). Hồng Kông thu hút 13,5 tỷ USD đến năm 1993 (điện tử chiếm trên 53% sản phẩm công nghiệp) và trở thành điểm hấp dẫn FDI thứ 10 thế giới (Nguyễn Minh Phong, 1999). Kinh nghiệm cho thấy, không phải có nhiều KCX là tích cực mà là xác định, chọn lựa đúng các đối tác nặng ký về tài chính, kỹ thuật và công nghệ.
- Tăng cường phát triển CSHT, tạo môi trường thuận lợi để FDI phát huy tác dụng: Sự yếu kém CSHT không chỉ làm nản lòng nhà ĐTNN mà còn làm tiêu tan các khía cạnh vốn là ưu thế của FDI nên Chính phủ chú trọng đầu tư CSHT và hệ thống giáo dục trong chương trình đầu tư của mình. Đầu tư CSHT ở Hàn Quốc (1960–1990) chiếm 8,7%/GDP, Đài Loan (1970–1990) là 9,5%/GDP.
- Tích cực khai thác kiến thức và kỹ thuật nước ngoài thông qua FDI: Đây được xem là quốc sách để phát triển nhanh nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng. Việc chuyển giao công nghệ không chỉ phụ thuộc vào nhà ĐTNN mà còn phụ thuộc vào đội ngũ chuyên gia nước sở tại nên các nước này khai thác yếu tố công nghệ của FDI tập trung vào ba hướng: (1) xác định, tìm kiếm giải pháp để dòng chảy FDI vào nội địa nhiều và nhanh nhất; (2) thiết lập cơ chế để nhà ĐTNN chuyển giao công nghệ; và (3) hình thành đội ngũ chuyên gia, công nhân trong nước đủ trình độ tiếp nhận kỹ thuật công nghệ nước ngoài.
- Thiết lập cơ chế mềm dẻo, linh hoạt trong quan hệ giữa các thành phần kinh tế để huy động vốn trong nước và FDI phát triển công nghiệp: DN quốc doanh ở các nước này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, song lại có vai trò quan trọng, tập trung vào các ngành mà tư nhân chưa làm được như: công nghiệp hóa dầu, luyện thép, đóng tàu, và huy động vốn tư nhân, FDI phát triển các ngành khác. Doanh nghiệp FDI có mức độ quan trọng khác nhau trong các nền kinh tế NICs: tỷ lệ ở Đài Loan, Hàn Quốc thấp, nhưng Singapore, Hồng Kông khá cao, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm 16,7% số cơ sở, 42,7% công nhân, 55,9% giá trị sản lượng ở Singapore năm 1981(Nguyễn Minh Phong, 1999) [11].
Tóm lại, ở các quốc gia NICs, việc chọn lựa được con đường CNH phù hợp trước tiên là đi từ xây dựng công nghiệp nhẹ đến xây dựng công nghiệp nặng và công nghiệp mũi nhọn. Tận dụng công nghiệp nhẹ nhằm mục đích tích luỹ nguồn vốn cho công nghiệp nặng. Thu hút vốn FDI không những là yếu tố tạo nên bước phát triển thần kỳ của các quốc gia NICs mà vốn FDI được coi là lực đẩy hàng đầu cho các quốc gia này thực hiện cất cánh. Những bài học kinh nghiệm thành công của các quốc gia NICs trong hoạt động FDI cũng có những giới hạn nhất định, đó là trong thời kỳ chiến tranh lạnh, các nước tư bản phát triển đổ vốn vào để xây dựng và phát triển kinh tế đã tạo ra những bước phát triển thần kỳ ở các quốc gia NICs mà hiện nay hầu như khó có cơ hội lặp lại. Đồng thời, những bài học này chắc chắn rất có ích cho Lào trong công việc thu hút và phát huy hiệu quả FDI.