CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI NHẰM PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TẠI LÀO
2.4. Phân tích các nguyên nhân ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển công nghiệp Lào
2.4.1. Môi trường thể chế
Quan điểm thể chế (mục 1.2.3.3) cho thấy vai trò của thể chế, là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định địa điểm của nhà ĐTNN. Tuy nhiên, thể chế và cơ chế thực thi của Lào còn nhiều bất cập, chưa mang tính đột phá, chưa thật sự đủ sức hấp dẫn đối với nhà ĐTNN, thể hiện cụ thể như sau:
2.4.1.1. Về thể chế nhận thức đối với FDI
Đảng và Nhà nước Lào luôn có quan điểm rõ ràng, coi nguồn vốn FDI có vai trò bổ sung quan trọng cho nguồn vốn trong nước, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Tuy nhiên vẫn có những ý kiến cho rằng FDI là hình thức bóc lột của tư bản nước ngoài. Bên cạnh đó, những quan điểm về hiệu quả FDI, tỷ lệ góp vốn giữa các bên đầu tư, lựa chọn đối tác nước ngoài, việc miễn thuế thu nhập từ 2 đến 5 năm cho doanh nghiệp FDI, về thuế nhập khẩu vẫn chưa thống nhất.
Do việc quán triệt quan điểm trên cho các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương chưa thật đầy đủ, thống nhất và thủ tục hành chính của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền phục vụ cho nhà ĐTNN vẫn còn nhiều phiền hà, chưa tạo lập được môi trường đầu tư thật sự hấp dẫn, chưa xây dựng được hệ thống pháp luật, chính sách đồng bộ nên đã dẫn đến tình trạng thiếu sự nhất quán trong việc triển khai thực hiện hoạt động thu hút nguồn vốn FDI và trì trệ ở nhiều khâu giải quyết của các cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động ĐTNN. Biểu hiện rõ nhất là ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng, việc hợp tác giữa các bộ, ngành và các cơ quan chức năng để soạn thảo ra hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất dành cho hoạt động thu hút ĐTNN. Ngoài khung thể chế kinh tế, hành chính chung được ban hành trong cả nước, mỗi tỉnh ban hành thể chế khác nhau do đặc thù riêng, đồng thời, công tác thực thi thể chế ở từng tỉnh cũng khác nhau do nhận thức,
trình độ và năng lực của đội ngũ thực hiện nên môi trường đầu tư tại mỗi tỉnh có mức độ thuận lợi khác nhau đối với nhà đầu tư.
2.4.1.2. Về hệ thống luật pháp đối với FDI
Hệ thống luật pháp về FDI ở Lào đang trong quá trình hoàn thiện nên thiếu đồng bộ, chưa ổn định, chưa rõ ràng, minh bạch. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn của các Bộ ngành liên quan ban hành chậm, thiếu quy định cụ thể, thiếu tính thể chế, một số chưa phù hợp với thông lệ quốc tế đã gây khó khăn cho thu hút FDI. Thực tế cho thấy, có tình trạng dự án FDI được cấp phép đầu tư khoảng một hoặc hai năm, nhưng nhà ĐTNN không sang nhận, hoặc họ nhận nhưng không thực hiện dự án do những thay đổi trong chính sách như: giá thuê đất quá cao, thủ tục liên quan khá phức tạp. Đây là những bất cập trong chính sách, luật pháp của Lào mà nhà ĐTNN không thể tiên đoán được.
Hơn nữa, hệ thống văn bản hướng dẫn về ĐTNN chủ yếu tập trung vào giai đoạn thẩm định và cấp phép đầu tư, chưa chú ý tới việc quản lý và theo dõi các dự án sau khi được triển khai thực hiện. Một số dự án khi thẩm định cấp giấy phép, các mục tiêu của dự án được hưởng thuế suất ưu đãi theo luật nhưng thực tế các mục tiêu này không được triển khai trong quá trình thực hiện tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa các DN.
Ngoài ra, hệ thống luật pháp và chính sách điều chỉnh hoạt động đầu tư ở Lào hiện đang có hai bộ luật đầu tư, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế: (1) FDI có Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài, quy định tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp FDI. (2) Đầu tư trong nước có Luật Khuyến khích đầu tư trong nước điều chỉnh hoạt động đầu tư và các luật khác (Luật doanh nghiệp, Luật thuế) quy định tổ chức, hoạt động của các loại hình DN có vốn đầu tư trong nước. Như vậy, về mặt hình thức, hoạt động FDI và hoạt động đầu tư trong nước nói chung được điều chỉnh bằng hai hệ thống văn bản pháp luật khác nhau. Về nội dung thực hiện thực tế, nhà ĐTNN và nhà đầu tư trong nước được xử lý không giống nhau về thuế lợi tức, thuế xuất nhập khẩu, giá, phí một số mặt hàng, chẳng hạn: thuế suất thuế lợi tức của DN trong nước là 35%, doanh nghiệp FDI là 20%. Chính Uỷ ban Thư ký Chính
phủ cũng đã nhận ra sự phân biệt đối xử này và trong Thông tư số 279/PM về ngăn chặn ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới đã yêu cầu Bộ tài chính điều chỉnh lại về thuế suất thuế lợi tức của DN trong nước và doanh nghiệp FDI cho thống nhất.
2.4.1.3. Về thực thi thể chế
Việc thực thi pháp luật về FDI chưa nghiêm, nhiều cơ quan chức năng địa phương không tuân thủ quy định của nhà nước, cố tình làm phức tạp thêm quy trình thực hiện, gây khó khăn cho nhà ĐTNN. Sự yếu kém của hệ thống pháp luật liên quan đến ĐTNN không chỉ thiếu luật mà còn có khoảng cách khá lớn giữa các văn bản pháp luật với việc thực thi pháp luật bởi trình độ hiểu biết về pháp luật của cán bộ còn thấp. Ngoài ra, do các văn bản hướng dẫn thi hành Luật quá nhiều, được soạn thảo và ban hành bởi nhiều cơ quan ở các thời điểm khác nhau, trong khi việc hệ thống hoá văn bản pháp luật làm chưa tốt, việc tuyên truyền, giải thích các văn bản không kịp thời nên cán bộ các cấp không nắm được đầy đủ hệ thống pháp luật, dẫn đến vận dụng, xử lý không đúng, nhiều trường hợp, do quy định thiếu tính cụ thể nên mỗi nơi hiểu và vận dụng khác nhau, thậm chí có trường hợp cố tình vận dụng sai để trục lợi cá nhân, cụ thể:
- Công tác quản lý nhà nước đối với FDI còn chưa hiệu quả, mặc dù đã có nhiều luật, nghị định và văn bản pháp luật khác đã nêu rõ định hướng cơ bản thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư, nhưng thực tế, các định hướng này chưa cụ thể hoá thành chính sách thu hút FDI một cách toàn diện.
- Công tác quy hoạch cũng còn một số bất cập ảnh hưởng đến thu hút FDI.
Một số quy hoạch ngành đã được phê duyệt để phát triển nhưng chưa có kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, một số ngành, lĩnh vực chưa có quy hoạch gây khó khăn cho việc xác định chủ trương thu hút FDI.
- Tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, phiền hà làm xấu thêm môi trường đầu tư. Việc phân cấp cấp phép đầu tư cho địa phương là chủ trương đúng, nhưng ở một số địa phương, năng lực thẩm định dự án còn hạn chế, việc phân cấp chưa đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm giảm thiểu việc cấp phép không phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, địa phương.
- Chính phủ đã giao chức năng quản lý nhà nước về hoạt động của doanh nghiệp FDI cho địa phương, nhưng nhiều địa phương không nắm chắc hoạt động của DN, đặc biệt là hoạt động kinh tế, tài chính. Khi số dự án FDI ngày càng tăng lên, nhiều vấn đề phát sinh được phát hiện chậm, xử lý không kịp thời, dẫn đến tình trạng lúng túng, phân công không rõ, quản lý vừa lỏng lẻo, vừa can thiệp quá mức vào hoạt động DN. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước thiếu chặt chẽ, nhiều cơ quan có xu hướng mở rộng quyền lực của mình trái luật để kiếm lợi bất chính, quan liêu, chưa tạo thuận lợi cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
- Các quy định thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng cơ bản, thuế và quy định về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thường xuyên thay đổi, không nhất quán, chồng chéo, gây mối hoài nghi cho nhà đầu tư về cơ chế, chính sách của Lào. Mặc dù, Chính phủ đã có nhiều biện pháp để cải cách hành chính, tuy nhiên, bộ máy hành chính vẫn bị nhà đầu tư, tổ chức quốc tế đánh giá khá thấp.