CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI NHẰM PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP
1.3. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm phát triển công nghiệp
1.3.3. Tác động của thu hút FDI đến phát triển ngành công nghiệp
Khi dòng vốn FDI xuất hiện, chúng không chỉ mang lại lợi ích mà còn gây ra những tác động tiêu cực cho ngành kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư. Mặc dù còn nhiều tranh cãi, song những tác động tích cực của FDI đối với ngành công nghiệp nước chủ nhà được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận rộng rãi cụ thể như sau:
- FDI góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và giá trị sản xuất của ngành công nghiệp nói riêng đối với nước chủ nhà. FDI là nguồn vốn bổ sung quan trọng vào tổng vốn đầu tư đóng góp rất lớn vào GDP của nước chủ nhà. Một số nghiên cứu về đóng góp của FDI vào tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế chuyển đổi (Việt Nam) cho thấy những bằng chứng tác động tích cực. Lê Việt Anh (2002) [88] cho rằng, FDI đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và kích thích đầu tư trong nước 1988-2002. Vũ và cộng sự (2006) [110] cho rằng, FDI có hiệu ứng đáng kể và tích cực về tăng trưởng kinh tế thông qua năng suất lao động, FDI có thể cải thiện năng suất lao động tại Việt Nam.
- FDI góp phần thúc đẩy xuất khẩu của nền kinh tế nước chủ nhà. FDI được coi là động lực thúc đẩy xuất khẩu khi có sự khác biệt đáng kể yếu tố nguồn lực giữa nước đầu tư và nước chủ nhà. MNEs là nước dồi dào vốn thường xuất khẩu sản phẩm thâm dụng vốn cho công ty con của nó ở nước tiếp nhận đầu tư dồi dào lao động để gia công, chế biến ra hàng hóa cuối cùng. Là một phần của tiến trình tự
do hoá thương mại, doanh nghiệp FDI ở nước chủ nhà được cấp quyền kinh doanh để tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu. Điều này được chứng minh ở nhiều nước đang phát triển khi áp chiến lược phát triển kinh tế theo định hướng xuất khẩu và FDI theo khuynh hướng này đã chứng tỏ là một chiến lược thành công trong xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Khoảng nửa vốn FDI ở Việt Nam đầu tư vào các ngành công nghiệp mà Việt Nam có lợi thế so sánh, việc xuất khẩu do FDI trong các ngành công nghiệp này đã tăng lên đáng kể và là động lực chính đằng sau sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam; xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tăng đáng kể sau khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam và Hoa Kỳ được ký kết. Với dữ liệu thương mại của Việt Nam với 23 đối tác thương mại chính thời kỳ 1990-2004 cho thấy, FDI có đóng góp quan trọng vào xuất khẩu của Việt Nam, cụ thể, 1% tăng FDI sẽ tăng 0,25% xuất khẩu (Nguyễn và Xing, 2006).
- FDI tạo ra hiệu ứng lan toả trong ngành công nghiệp đối với nền kinh tế nước chủ nhà. Nhìn chung, trình độ công nghệ của ngành công nghiệp ở nền kinh tế kém, đang phát triển thường rất thấp. Tuy nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, thuận lợi nhưng công nghệ lạc hậu đã hạn chế việc khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này và hiệu quả hoạt động SXKD thường thấp. Các nhà ĐTNN từ các nước phát triển có thể cung cấp, hỗ trợ về kỹ thuật cho các nước đang và kém phát triển.
Lợi ích được chia sẻ thông qua hình thức tiền bản quyền hay lợi nhuận từ khoản đầu tư đó. Bên cạnh đó, FDI có thể nâng cao trình độ sản xuất của công ty trong nước ở các ngành mà doanh nghiệp FDI tham gia. Sự hiện diện của MNEs cùng với các sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến buộc công ty trong nước bắt chước, sáng tạo. Nguy cơ cạnh tranh cao thúc đẩy công ty trong nước tìm kiếm công nghệ mới nếu không muốn thất bại và bị đào thải. Sự khuếch tán, lan truyền công nghệ bắt đầu bằng việc di chuyển lao động từ công ty con nước ngoài tại địa phương. Ngoài ra, việc tham gia trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp FDI, nước tiếp nhận đầu tư từng bước hình thành đội ngũ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ, tay nghề cao, tiếp cận được với khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, đội ngũ lao động có tác phong công nghiệp hiện đại, có kỷ luật lao động tốt, học hỏi phương thức, kinh nghiệm quản lý
tiên tiến. Nghiên cứu ở Việt Nam chỉ ra rằng, FDI có tác động tích cực để cải thiện năng suất nhưng hiệu ứng thấp (Schaumburg-Müller, 2003) [107], thấp hơn Thái Lan, Malaysia (Mirza và Giroud, 2004) [97], có lan tỏa đến năng suất của ngành công nghiệp tại Việt Nam (1995-1999) nhưng hiệu ứng này trở nên yếu hơn (2000- 2002) có thể do ảnh hưởng của việc ăn cắp trên thị trường (Lê Thanh Thúy, 2005) [89], hay sự hiện diện của FDI cải thiện năng suất lao động của các DN nói chung và các DN của Việt Nam nói riêng (Nguyễn Tuệ Anh và cộng sự, 2006) [1].
- FDI góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa các sản phẩm ngành công nghiệp thông qua việc nâng cao đời sống người dân và tăng thu ngân sách nhà nước. Quy mô và tiềm năng của thị trường nội địa phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân và chính phủ của nước chủ nhà. Với việc nhà ĐTNN mở văn phòng, nhà máy ở nước chủ nhà, công ăn việc làm được tạo ra cho người lao động phổ thông và lao động tay nghề cao, nhà nước gia tăng được nguồn thu. Việc làm giúp cho người dân địa phương có được thu nhập, nâng cao mức sống của người lao động, tác động tích cực đến nhu cầu và khả năng chi tiêu của người dân (nâng phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống dân cư và nâng GDP đầu người), qua đó, góp phần mở rộng thị trường nội địa các sản phẩm ngành công nghiệp. Theo Nguyễn Tuệ Anh và cộng sự (2006), thu nhập trung bình của lao động trong khu vực này cao gấp 2 lần so với các DN cùng ngành khác [1]. Bên cạnh đó, khu vực có vốn ĐTNN đóng góp rất lớn vào tăng thu ngân sách Nhà nước, qua đó, góp phần gia tăng nhu cầu và khả năng thanh toán của chính phủ. Bằng chứng từ Việt Nam cho thấy, năm 2003, thu ngân sách của khu vực này chiếm 6,53% tổng thu ngân sách thì năm 2011 là 10,99%, trung bình (2002-2011) là 9%. Tỷ lệ này còn thấp do doanh nghiệp FDI được hưởng chính sách ưu đãi (giảm thuế thu nhập những năm đầu hoạt động), nếu tính cả thu từ dầu thô (15,65% năm 2011) thì tỷ lệ đóng góp vào nguồn thu ngân sách khu vực này khoảng 26%.
1.3.3.2. Những tác động tiêu cực
FDI cũng có tác động tiêu cực cho ngành công nghiệp của nước chủ nhà:
- Vận động hành lang chính trị: một số MNEs đã vận động hành lang chính trị để có được một số chính sách và pháp luật có lợi cho họ, thậm chí một số MNEs lớn có doanh thu lớn hơn GDP của quốc gia đe dọa chính phủ phải thông qua những quy định, chính sách có lợi cho họ. Các nước lớn có thể làm thay đổi điều kiện thị trường trong tương lai và việc thu hút FDI sẽ tạo ra chính sách phân biệt đối xử để tối đa hóa lợi ích của các nước lớn, đồng thời, FDI không chỉ là phương tiện để tìm kiếm lợi nhuận, mà còn là một cách để đạt được một điều khiển nào đó, cả kinh tế và chính trị, ở nước sở tại. Vì thế, FDI có thể bóp chết, làm chậm sự phát triển một ngành công nghiệp cụ thể đối với nền kinh tế nước chủ nhà.
- Chuyển giao công nghệ lạc hậu, đe dọa doanh nghiệp công nghiệp có quy mô nhỏ trong nước: mặc dù MNEs có thể tiếp cận công nghệ hiện đại và mới nhất, nhưng họ không chuyển giao công nghệ đó cho nước chủ nhà với lý do lo sợ đánh mất lợi thế cạnh tranh. Do đó, công nghệ được chuyển giao thường là công nghệ cũ và nền kinh tế chủ nhà không thể phát triển nhanh. Hơn nữa, thông tin không phải lúc nào cũng hoàn hảo và chính thông tin không đầy đủ, không chính xác, có thể dẫn đến nước chủ nhà thu hút công nghệ không đúng, lạc hậu và trở thành gánh nặng cho nền kinh tế và môi trường. Ngoài ra, MNEs thường có tiềm lực tài chính mạnh, tham gia thị trường toàn cầu, có chuỗi cung ứng hiệu quả và nắm giữ quyền chi phối giá cả trên thị trường quốc tế do quy mô lớn nên họ có thể giảm giá, quảng cáo, khuyến mại trong thời gian dài. Với những lợi thế trên, MNEs có sản phẩm rẻ hơn và hiện diện ở mọi nơi, được mọi người biết đến nên khi MNEs xuất hiện, các công ty trong ngành công nghiệp tại địa phương có quy mô nhỏ, hoạt động ở thị trường nội địa của nước chủ nhà không thể cạnh tranh và sẽ bị loại bỏ trong kinh doanh. Trong trường hợp mà nhiều công ăn việc làm có thể bị mất thay vì tạo ra.
- Khai thác cạn kiệt tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường: việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của nước chủ nhà là hiện tượng rất phổ biến của FDI. MNEs khai thác cạn kiệt tài nguyên của nước chủ nhà để tối đa hóa lợi nhuận và thường bỏ
qua yếu tố bền vững gắn với cộng đồng và môi trường sống của địa phương như những gì đã xảy ra ở thế kỷ thứ 17 của chủ nghĩa thực dân. Vì thế, ngành công nghiệp của các nước chủ nhà khó có điều kiện để phát triển bền vững.
Tóm lại, FDI có những tác động tích cực và rất cần thiết đối với phát triển ngành công nghiệp nước chủ nhà. Vấn đề đặt ra đối với nước chủ nhà là làm thế nào để gia tăng dòng chảy FDI, phát huy tối đa tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực thông qua chính sách thu hút FDI của mình.