CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI NHẰM PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TẠI LÀO
2.3. Tác động của thu hút FDI đối với phát triển công nghiệp Lào
2.3.1. Bổ sung vốn đầu tư cho ngành công nghiệp
Với xuất phát điểm của Lào rất thấp, nhu cầu vốn đầu tư cho CSHT, đổi mới công nghệ và phát triển cơ sở sản xuất công nghiệp của Lào rất lớn nên FDI được coi là nguồn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư trong nước. Nhìn chung, đóng góp của FDI vào vốn đầu tư trong ngành công nghiệp Lào ngày càng tăng dần qua các năm, tính từ 2000 đến 2015, FDI vào ngành công nghiệp đạt được 11,35 tỷ USD;
tương ứng với 67,65% tổng vốn FDI của cả nước. Trong tình hình vốn trong nước rất hạn chế (vốn do dân đóng góp không nhiều), vốn ngân sách còn hạn hẹp, hơn nữa số lượng vốn mà ngành công nghiệp thu hút được từ các nước tuy chưa nhiều nếu so sánh với các trong khu vực, nhưng qua thu hút FDI, nhiều cơ sở DN sản xuất được hình thành, sản xuất được nhiều các mặt hàng tiêu dùng mới để phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
2.3.2. Góp phần gia tăng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp FDI Lào chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến nên khu vực này có đóng góp lớn trong việc tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp Lào, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành công nghiệp và đưa công nghiệp thoát khỏi khủng hoảng năm 2004-2009. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GDP của nền kinh tế quốc dân tăng qua các năm, năm 2005 tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 29,46%; năm 2012 tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế đạt cao nhất ở 37,2%. Theo Hình 2.8, ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng không ổn định, đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp năm 2009 đạt mức âm 2,38% là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, cuộc khủng hoảng
đã làm giảm sức hấp dẫn và cơ hội đầu tư trên thị trường khu vực nên làm ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Lào, đặc biệt là ngành công nghiệp. Đến năm 2010, nền kinh tế đã vực dậy mà đạt 33,85%, tỷ lệ cao nhất trong giai đoạn này. Sau đó, nền kinh tế chững lại, năm 2014 tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 9,18%.
Nguồn: Niên giám thống kê – CHDCND Lào, 2005 – 2014 Hình 2.7. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp giai đoạn 2005-2014
Nguồn: Niên giám thống kê – CHDCND Lào, 2005 – 2014 Hình 2.8: Tỷ trọng công nghiệp trong GDP của nền kinh tế quốc dân (ĐVT: %)
2.3.3. Gia tăng sản phẩm tiêu dùng trong nước
Trong những cơ sở DN sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng chủ yếu. Mặt khác, thông qua liên doanh mà Lào đã sản xuất được những sản phẩm thay thế nhập khẩu như bia, rượu, nước giải khát, sản phẩm vật liệu xây dựng.
Qua thu hút vốn FDI, công nghiệp đã tạo ra những năng lực sản xuất mới trong một số ngành công nghiệp nhất là công nghiệp sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, tạo nên sự cạnh tranh giữa DN trong nước và DN nước ngoài, gắn thị trường trong nước với thị trường quốc tế.
2.3.4. Cải tiến và đổi mới công nghệ trong ngành công nghiệp
Do khả năng về vốn của Lào có hạn nên phần đóng góp chủ yếu trong các liên doanh thường là giá trị sử dụng đất đai, nhà xưởng hiện có, đóng góp của nhà ĐTNN là thiết bị, công nghệ, vốn. Do đó, tạo ra những sức sống mới và tăng thêm khả năng cạnh tranh cho các DN. Xét một cách tổng quát, có thể khẳng định:
ĐTNN đã mang lại những kết quả tích cực trong việc đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và tạo ra những sản phẩm cạnh tranh trong ngành công nghiệp, góp phần vào sự nghiệp CNH, HĐH nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng, cụ thể như:
- Khai thác và nâng cao năng lực sản xuất hiện có của các DN mà từ lâu không được sử dụng hoặc ít sử dụng. Các DN quốc doanh đang tồn tại trong các ngành dệt, may mặc nhưng lại thiếu vốn trầm trọng nên việc hợp tác đầu tư với đối tác nước ngoài đã đổi mới công nghệ kỹ thuật, tạo nên sức cạnh tranh mới của DN trên thị trường quốc tế.
- Tiếp nhận công nghệ và kỹ thuật mới mà trước đây chưa có, tạo điều kiện ban đầu cho sự phát triển lâu dài của một số ngành công nghiệp kỹ thuật cao, đó là các DNLD trong ngành công nghiệp điện – điện tử.
- Tiếp nhận được một số công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến trong một số ngành công nghiệp chế biến thực phẩm (nước giải khát, bia, rượu) và sản xuất hàng tiêu dùng (giầy dép, chế biến gỗ). Thực tiễn cho thấy, các kênh chuyển giao công nghệ chủ yếu của Lào vẫn là FDI, những dự án quan trọng trong lĩnh vực chế tạo
máy nông nghiệp, ngành sản xuất vật liệu xây dựng và vật liệu trong ngành dệt may, bao bì là những lĩnh vực chuyển giao công nghệ tiến bộ vào Lào có hiệu quả, góp phần khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Lào, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Mục tiêu giải quyết công ăn việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động đã thực hiện một phần chủ trương tăng thu nhập cho người lao động của Chính phủ Lào.
Tuy nhiên, một vấn đề dường như có tính quy luật là nhà ĐTNN thường muốn chuyển công nghệ cũ sang nước kém phát triển hơn để tận dụng lợi thế giá nhân công rẻ. Do đó, thực tế nhiều DNLD đã du nhập những thiết bị lạc hậu thuộc các dạng như: thiết bị mà bên nước ngoài đã sử dụng; thiết bị cũ tân trang được tính theo giá thiết bị mới và thiết bị mới nhưng công nghệ cũ, thậm chí còn lạc hậu. Việc đánh giá chính xác giá cả và trình độ công nghệ có vai trò quan trọng không chỉ đối với các DNLD trong công nghiệp mà còn đối với quá trình CNH, HĐH nền kinh tế quốc dân, do đó, nếu không có quan điểm và phạm vi đánh giá thống nhất sẽ không thể có những ý kiến thống nhất trong lĩnh vực phức tạp này. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là do trình độ hiểu biết của đội ngũ cán bộ Lào còn rất kém, sự thiếu thông tin về thị trường công nghệ, động cơ mưu lợi cá nhân của một số cán bộ quản lý Nhà nước trong thẩm định công nghệ còn nhiều khiếm khuyết.
2.3.5. Mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa sản phẩm công nghiệp Tính đến năm 2015, ngành công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp vào ngân sách 12,5% GDP, cụ thể: từ năm 2004 - 2006 đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 23 triệu USD; năm 2008-2011 đạt hơn 50 triệu USD. Đóng góp của ngành công nghiệp vào ngân sách trong mấy năm qua chưa cao là do chính sách khuyến khích trong giai đoạn đầu là nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút FDI nên chính phủ chủ trương miễn giảm thuế cho DN có vốn ĐTNN. Chẳng hạn:
mức thuế lợi nhuận 9%, có thể miễn thuế lợi nhuận tới 8 năm, cho phép lỗ trong 5 năm liên tiếp, không đánh thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng, phương tiện để SXKD và vật tư để tạo tài sản cố định của DN; miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu.
Riêng năm 2012 và 2013 doanh thu từ hạn ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp (may mặc, dệt) thu được 50,5 triệu USD, đạt 133% của kế hoạch xuất khẩu (tổng doanh số xuất khẩu hơn 1,4tỷ USD). Đóng góp vào ngân sách mặc dù không tăng lên bao nhiêu trong những năm qua, một phần do chính phủ đã xây dựng hệ thống chính sách thuế vừa khuyến khích ưu đãi, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà ĐTNN, vừa bảo đảm góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách. Mặt khác, Lào đã ký và thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với các nước tạo ra khung pháp lý thuế, phát huy có hiệu quả chính sách thuế của Lào đối với nhà ĐTNN.
Ngay từ khi Luật đầu tư nước ngoài tại Lào được ban hành, chủ trương của Lào đã đặt ra mục đích khi tiếp nhận vốn FDI là phải tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Để thực hiện mục tiêu trên, chính phủ đã khuyến khích các dự án FDI sử dụng nhiều lao động tại chỗ như các dự án trong ngành may mặc, dệt, chế biến nông – lâm, sản xuất hàng tiêu dùng. Trong tất cả các ngành kinh tế quốc dân thì ngành công nghiệp là ngành đã đóng góp rất lớn vào giải quyết công ăn việc làm. Sự gia tăng dòng vốn FDI đã làm cho lực lượng lao động làm việc trong khu vực DN có vốn ĐTNN trong công nghiệp ngày càng tăng. Theo thống kê đến năm 2013, khu vực FDI thu hút khoảng 480.201 người lao động làm việc trực tiếp và hàng vạn lao động gián tiếp khác (Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, 2013). Đây là xu hướng chung của FDI trong tạo ra công ăn việc làm mới ở quốc gia tiếp nhận đầu tư. Điều này rõ ràng là có hiệu quả nếu xét ở khía cạnh Lào là một quốc gia dồi dào lao động, vốn khan hiếm, cần cạnh tranh thu hút những dự án FDI có thâm dụng lao động để khai thác lợi thế của mình. Mặt khác, FDI không chỉ giải quyết được công ăn việc làm mà đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động tạo ra đội ngũ lao động có khả năng tiếp nhận những kiến thức chuyên môn khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp hiện đại, làm việc với một tác phong công nghiệp mới và kỷ luật nghiêm túc, góp phần nâng cao mức thu nhập của người lao động. Cụ thể, thu nhập bình quân của người lao động trong ngành công nghiệp nhẹ khoảng 61 USD/tháng cao hơn nhiều so với DN trong nước.