CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI NHẰM PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TẠI LÀO
2.1. Khái quát về môi trường có ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Lào
2.1.3. Môi trường thể chế
Với chủ trương khuyến khích hoạt động FDI nhằm phát huy mọi tiềm năng để thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH theo hướng CNH, HĐH đất nước, Lào ban hành Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1988), cho phép các tổ chức, công ty, cá nhân nước ngoài được đầu tư vào Lào. Đây là cơ sở pháp lý và là đạo luật đầu tiên quy định một cách có hệ thống, toàn diện, nhất quán các chính sách khuyến khích
ĐTNN của Lào và được coi là đạo luật hấp dẫn, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho FDI bởi nó cho phép nhà ĐTNN đầu tư vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân (trừ các lĩnh vực an ninh quốc phòng hoặc gây tổn hại đến môi trường). Luật bao gồm các biện pháp bảo hộ đầu tư và chính sách khuyến khích đầu tư như các ưu đãi về thuế thu nhập, thuế xuất nhập khẩu, sự góp vốn của các bên tham gia liên doanh không bị giới hạn. Luật này tạo điều kiện thuận lợi cho nhà ĐTNN trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.
Trong quá trình thực hiện, hệ thống văn bản pháp luật này đã bộc lộ những bất cập, không phù hợp với tình hình mới nên Lào không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về ĐTNN nhằm làm cho môi trường đầu tư ngày càng trở nên hấp dẫn, thông thoáng, có sức cạnh tranh cao hơn, phù hợp hơn với điều kiện KT-XH và bối cảnh kinh tế thế giới, phù hợp điều kiện trong nước theo từng thời kỳ, tạo điều kiện cho hoạt động FDI ở Lào đạt hiệu quả hơn. Đến nay Luật đầu tư nước ngoài đã được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào các năm 1994 và 2004. Sau mỗi lần sửa đổi, Luật này đã có những tiến bộ nhất định và sửa đổi theo hướng ngày càng thuận lợi cho nhà ĐTNN. Chẳng hạn, năm 2004 đã quy định rõ hơn khi phân cấp chức năng và thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ và Uỷ ban đầu tư tỉnh về lượng vốn khi cấp giấy phép. Mỗi lần sửa đổi và bổ sung, đều có văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa thi hành luật mới như văn bản số 301/PM/2004, các văn bản có liên quan khác như các quy định về thuế, chế độ tuyển dụng lao động, quản lý ngoại hối và văn bản hướng dẫn bằng tiếng Anh năm 2007.
Nhận thấy tầm quan trọng của FDI, Lào đã đề ra chính sách khuyến khích đầu tư FDI (thể hiện trong điều 17 của Luật khuyến khích ĐTNN năm 2004) đã xác định ưu đãi dựa vào điều kiện khu vực địa lý, bối cảnh KT-XH của từng vùng và chia thành ba vùng như: Vùng 1 là Miền núi, cao nguyên, đồng bằng chưa có CSHT kinh tế thuận lợi cho thu hút đầu tư sẽ được miễn trừ thuế lợi tức trong thời gian 7 năm, sau đó sẽ phải đóng thuế lợi tức với tỷ lệ 10%. Vùng 2 là Miền núi, cao nguyên, đồng bằng có CSHT kinh tế có khả năng đáp ứng hoạt động đầu tư một phần sẽ được miễn thuế trong thời gian 5 năm, sau đó sẽ phải đóng thuế lợi tức với
tỷ lệ 7,5% trong thời gian 3 năm, sau đó sẽ phải đóng thuế lợi tức với tỷ lệ 15%.
Vùng 3 là Miền núi, cao nguyên, đồng bằng đã có CSHT đáp ứng tốt cho hoạt động đầu tư sẽ được miễn trừ thuế lợi tức trong thời gian 2 năm, sau đó sẽ phải đóng thuế lợi tức với tỷ lệ 20%.
Bên cạnh việc sửa đổi và bổ sung các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho FDI và phù hợp với từng thời kỳ, các luật liên quan đến đầu tư FDI cần phải có sự thống nhất và tránh chồng chéo với nhau. Về nội dung của Luật khuyến khích đầu tư trong nước và Luật khuyến khích đầu tư nước ngoài xác định điều kiện và ưu đãi tương đối giống nhau cho nhà đầu tư trong nước và nhà ĐTNN, nhưng trên thực tế, một số nội dung của luật (Luật doanh nghiệp, Luật thuế), pháp lệnh còn chưa hợp lý với các bộ luật khác có liên quan, làm cho nhà đầu tư khó hiểu và gây khó khăn cho việc thực hiện. Về luật pháp và thực tiễn, nhà đầu tư trong nước và nhà ĐTNN được áp dụng không giống nhau về thuế lợi tức, thuế xuất nhập khẩu, giá, phí một số mặt hàng. Hơn nữa, việc áp dụng hai bộ luật về đầu tư còn phức tạp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, việc xây dựng chiến lược thu hút FDI chưa phù hợp với chiến lược CNH, HĐH, sự phối hợp giữa trung ương và các địa phương, giữa các bộ ngành chưa chặt chẽ. Chính sách thuê đất, cấp phép đầu tư chưa xác định rõ ràng.
Năm 2011, Lào đã ban hành Luật đầu tư mới tập trung điều chỉnh điều khoản về ưu đãi như miễn tiền thuê đất, nhượng quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư vào các dự án xây dựng trường học, bệnh viện, đường (nhà đầu tư có thể làm đơn để được gia hạn thêm thời gian miễn thuế, thời hạn tối đa là 5 năm), không đánh thuế các mặt hàng xuất và nhập khẩu đối với sản phẩm của các doanh nghiệp FDI, có ưu đãi riêng dành cho nhà ĐTNN trong một số lĩnh vực, khu vực khuyến khích đầu tư.
Luật mới đã có cải cách đáng kể về thủ tục đăng kí kinh doanh và giải quyết tranh chấp. Trước đây, nhà ĐTNN phải trải qua 5 khâu đăng kí với các Bộ tương ứng như đăng kí kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, thuế, con dấu và hợp đồng thì hiện nay chỉ cần làm gọn trong một bộ hồ sơ và gửi trực tiếp đến Bộ Công Thương.