CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI NHẰM PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP
1.4. Kinh nghiệm thu hút FDI phát triển công nghiệp của các nước trên thế giới và bài học vận dụng cho Lào
1.4.2. Bài học kinh nghiệm vận dụng cho Lào
FDI đóng vai trò quan trọng, tạo điều kiện để phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển. Các quốc gia đi trước đều có chung mục tiêu thu hút FDI phát triển ngành công nghiệp đó là: vốn đầu tư; công nghệ tiên tiến; kinh nghiệm quản lý hiện đại hóa; tạo việc làm cho người lao động; khai thác tiềm năng sẵn có và lợi thế so sánh của đất nước. Ngành công nghiệp Lào được hình thành từ những năm 1970 nhưng chỉ phát triển ở Viêng Chăn và chủ yếu sản xuất hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Năm 1975, việc quốc hữu hoá các nhà máy khiến cho nền công nghiệp phát triển rất chậm và gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, công nghệ lạc hậu. Năm 1986, Lào chủ trương mở cửa, đổi mới nhưng nền kinh tế mất cân đối nghiêm trọng, tài chính không ổn định, lạm phát cao, đời sống người
dân khó khăn, GDP nhỏ, hiệu quả đầu tư thấp khiến cho nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp Lào nói riêng khủng hoảng trầm trọng. Để huy động nguồn vốn trong và ngoài nước nhanh chóng đổi mới cơ cấu kinh tế, cơ cấu công nghiệp, Lào cụ thể hóa đường lối đổi mới bằng việc ban hành Luật đầu tư nước ngoài (1988).
Tuy nhiên, hoạt động FDI hiện vẫn còn là vấn đề mới, chưa thu hút được nhà ĐTNN tương xứng với tiềm năng của Lào. Từ kinh nghiệm thành công của các nước đi trước, bài học kinh nghiệm vận dụng cho Lào để tăng khả năng cạnh tranh thu hút FDI vào ngành công nghiệp như sau:
1.4.2.1. Cải thiện môi trường đầu tư
Môi trường đầu tư ổn định, lành mạnh là yếu tố quan trọng nhất thu hút FDI bởi nó nuôi dưỡng ý định, hình thành và quyết định khả năng sống sót của quyết định đầu tư. Để giữ vững ổn định môi trường đầu tư, cần phải:
- Giữ vững sự ổn định môi trường an ninh, chính trị, xã hội và nâng cao vai trò của nhà nước là vấn đề được nhiều quốc gia thực hiện thành công, coi đây là điều kiện quan trọng bảo đảm hiệu quả trong hoạt động đầu tư. Bài học này còn thể hiện khá rõ ở Thái Lan về sự sụt giảm FDI do bất ổn chính trị trong thời gian qua.
- Đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô là nhân tố quan trọng thu hút FDI bởi nó tạo ra một môi trường đầu tư ổn định và tránh rủi ro cho đầu tư. Cần chú trọng chuẩn bị thật tốt nền tảng tài chính như ngân sách nhà nước, huy động trong dân, từ các nguồn vốn bên ngoài để đầu tư CSHT kinh tế, kỹ thuật, tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Đây là bài học từ Trung Quốc trong thu hút FDI vào vùng khó khăn.
- Thực hiện cải tiến, sửa đổi hệ thống pháp luật theo hướng ngày càng thông thoáng, đơn giản trong chính sách khuyến khích FDI và khung thể chế gần gũi với các nước phát triển, giảm khoảng cách mập mờ để tránh rủi ro cho nhà ĐTNN.
Trong chính sách khuyến khích thì thuế được xem là một công cụ quan trọng để huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng. Bên cạnh đó, cần sử dụng chính sách khác như chính sách thuê đất, giải phóng mặt bằng một cách linh hoạt, hợp lý, các chính sách này cần minh bạch, cụ thể.
1.4.2.2. Đẩy mạnh cải cách hành chính
Cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư được xem yêu cầu cấp bách để cải thiện môi trường kinh doanh. Đây là bài học rút ra từ các nền kinh tế chuyển đổi như Trung Quốc, Việt Nam, họ đã tạo ra sự hấp dẫn FDI nhờ tích cực cải cách thủ tục hành chính trên các khía cạnh:
- Cải cách mạnh mẽ khâu thẩm định và cấp phép, nâng cao hiệu quả dịch vụ của cơ quan nhà nước, chú trọng dịch vụ sau cấp phép, xóa bỏ rào cản, đối xử công bằng, cam kết và điều tiết của chính quyền cần được đảm bảo và minh bạch.
- Tăng cường vai trò của các cấp chính quyền trong lĩnh vực ĐTNN là rất cần thiết để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, bảo đảm ĐTNN theo đúng hướng, khai thác hiệu quả nguồn lực, bảo vệ tài nguyên môi trường, người lao động và phát triển bền vững. Các cấp chính quyền kiểm tra, giám sát, đồng hành với nhà ĐTNN để hướng dẫn, tạo điều kiện, tháo gỡ vướng mắc, thực hiện đúng cam kết và kiên quyết thu hồi dự án triển khai chậm tiến độ, treo.
1.4.2.3. Từng bước mở cửa từng lĩnh vực hợp lý, tối ưu hóa cơ cấu ĐTNN Đây là chính sách mà Trung Quốc vận dụng rất thành công, ban đầu chính phủ cho phép nhà ĐTNN đầu tư vào ngành sử dụng nhiều lao động (dệt, may mặc, chế biến), từng bước mở rộng phạm vi thị trường vào ngành năng lượng, nguyên liệu thô và cải thiện cơ cấu FDI, khuyến khích nhà ĐTNN đầu tư vào ngành công nghệ cao, thống nhất môi trường pháp lý, ưu đãi giữa đầu tư trong nước và ĐTNN, mở cửa từng bước các điều kiện đầu tư (xuất khẩu, nội địa hóa, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước), cho phép nhà ĐTNN đầu tư vào các ngành mà pháp luật không hạn chế, đa dạng hóa hình thức FDI, xóa bỏ hạn chế vốn góp. Vì thế, Lào cần có chính sách khuyến khích FDI ở từng lĩnh vực phù hợp với mỗi thời kỳ và cải thiện cơ cấu FDI theo hướng ngành công nghệ cao, lĩnh vực cần khuyến khích.
1.4.2.4. Mở cửa từng bước vững chắc các vùng kinh tế, khu vực trọng điểm Tăng cường thu hút vốn FDI thông qua việc xây dựng và phát triển các KCN, KCX tập trung trước tiên ở các vùng kinh tế trọng điểm, sau lan dần ra các vùng khác. Đây là bài học vận dụng rất thành công tại Việt Nam, Trung Quốc. Các
nước này đã hình thành các KCN, KCX ở các vùng ven biển, những nơi có điều kiện thuận lợi cho hoạt động SXKD của nhà ĐTNN, cùng với các cơ chế, chính sách hấp dẫn riêng tại những khu này, qua đó, giúp nhà ĐTNN dễ dàng, thuận lợi trong việc thiết lập nhà máy, giảm chi phí hoạt động nên các khu này đã thu hút được lượng vốn FDI khá lớn của cả nền kinh tế.
1.4.2.5. Thực hiện các biện pháp khuyến khích thu hút FDI
Các quốc gia đi trước đã thực hiện rất hiệu quả các chính sách khuyến khích trong thu hút FDI như: ưu đãi thuế, tiền thuê đất, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ chi phí đào tạo lao động, đầu tư CSHT, hỗ trợ về thuế cho dự án sử dụng công nghệ cao, những vùng khuyến khích đầu tư, xóa bỏ dần các chính sách bảo hộ. Đây là công cụ mà hầu như quốc gia nào cũng áp dụng để khuyến khích đầu tư, nhưng trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, Lào cần phải xem xét các lợi thế và bất lợi của từng ngành nghề, địa phương trong nước so với các nước khu vực để đưa ra các chính sách ưu đãi có tính cạnh tranh cao, cụ thể và minh bạch.
1.4.2.6. Coi trọng vấn đề phát triển nguồn nhân lực
Các nước NICs đánh giá rất cao vấn đề giáo dục con người bởi họ là chủ thể của mọi sự sáng tạo. Mặt khác, con người là đối tượng quan trọng trong tiếp nhận, chuyển giao công nghệ giữa nhà ĐTNN và nước tiếp nhận. Do đó, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển và đổi mới đào tạo, dạy nghề theo hướng đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, nhà ĐTNN, nền kinh tế và yêu cầu việc làm của người lao động. Phát triển thị trường lao động theo hướng tiếp cận với chuẩn mực quốc tế về đào tạo, dạy nghề, về lao động, việc làm phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế của đất nước trong quá trình hội nhập. Trường hợp không đào tạo được thì cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực. Ngoài ra, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ cơ quan công quyền, đặc biệt cán bộ thẩm định dự án, quản lý ĐTNN.
1.4.2.7. Tích cực thực hiện công tác xúc tiến đầu tư
Các quốc gia khu vực như Malaysia, Thái Lan, Việt Nam đã tích cực tổ chức xúc tiến đầu tư, thành lập các văn phòng đại diện ở một số quốc gia trọng điểm, tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước, quốc tế nhằm giới thiệu lợi thế của quốc gia
và các lĩnh vực, ngành nghề, dự án cần ưu tiên thu hút FDI, qua đó giúp nhà ĐTNN có thêm thông tin và hỗ trợ họ trong quá trình triển khai đầu tư.
1.4.2.8. Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng
Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, họ thành công trong thu hút FDI là nhờ tăng cường đầu tư phát triển CSHT. Với xuất phát điểm thấp, nhu cầu vốn đầu tư CSHT của Lào là rất lớn, trong khi nguồn ngân sách rất hạn chế, do đó, để giải quyết mâu thuẫn giữa giới hạn ngân sách với yêu cầu phát triển nhanh CSHT, cần có cơ chế để huy động mọi nguồn vốn trong, ngoài nước. Với giới hạn nguồn lực tài chính, đầu tư của nhà nước tập trung vào công trình hạ tầng trọng điểm, tạo động lực phát triển vùng, có sức lan tỏa đến đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này, hay công trình quan trọng nhưng khó thu hồi vốn, kém hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh việc chủ động tìm kiếm các nguồn vốn tài trợ từ các chính phủ nước ngoài để đầu tư mới, hiện đại hạ tầng giao thông quan trọng như: đường cao tốc, sân bay, cảng, đường sắt, cần có chính sách khuyến khích tư nhân, nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này trên cơ sở giải quyết triệt để những khó khăn của nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
1.4.2.9. Phát triển công nghiệp hỗ trợ
Với xu hướng toàn cầu hóa kinh doanh, MNEs chỉ giữ lại những khâu quan trọng, các sản phẩm trung gian được cung cấp bởi công ty bên ngoài nên vị trí sản xuất quốc tế được quyết định bởi yếu tố tạo ra hiệu quả hoạt động kinh doanh toàn cầu, nhà đầu tư sẽ chọn địa điểm thuận lợi sản phẩm trung gian và CNHT là chìa khóa để hấp dẫn FDI vào ngành công nghiệp. Kinh nghiệm từ Trung Quốc là tập trung thu hút FDI thông qua ưu tiên mặt bằng, thuế, đơn giản thủ tục, giảm bớt quy định tỷ lệ nội địa hoá. Chính sách này đã giúp ngành công nghiệp trong nước nhận chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI nhưng hiện nay, quy định tỷ lệ nội địa hoá khó hiện thực do vi phạm quy định tự do hoá thương mại nên một số quốc gia tập trung vào phát triển các khu CNHT, vườn ươm DN và CCN. Mô hình khu CNHT rất phát triển ở Malaysia, Thái Lan.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Như vậy, các khái niệm khác nhau về FDI đều xoay quanh vấn đề sở hữu và kiểm soát hoạt động kinh doanh lâu dài của cư dân quốc gia này tại quốc gia khác.
Để thu hút FDI, cần phải thấu hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định địa điểm của nhà ĐTNN nên có nhiều nghiên cứu lý thuyết khác nhau giải thích hành vi này như: lý thuyết lợi thế sở hữu, lợi thế nội bộ hóa, lợi thế địa điểm. Dunning đã tổng hợp các lý thuyết này thành khung OLI và cho rằng, chỉ khi cả ba lợi thế trên xuất hiện thì FDI mới ra đời.
Lý thuyết lợi thế địa điểm mặc dù có một số hạn chế nhưng nó giải thích khá rõ ràng các yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của địa điểm đầu tư nên được nhiều nghiên cứu thực nghiệm sử dụng để nhận diện các yếu tố ảnh hưởng. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về lợi thế địa điểm như: lý thuyết tân cổ điển, lý thuyết địa phương hóa, quan điểm thể chế, phương pháp tiếp cận chi phí thông tin, lý thuyết chu kỳ sống sản phẩm, lý thuyết động cơ nhà đầu tư. Qua việc hệ thống hóa các lý thuyết này cùng với việc phân tích đặc điểm hoạt động SXKD trong ngành công nghiệp, nghiên cứu đã tổng hợp được 06 nhóm yếu tố tác động đến dòng chảy FDI vào ngành công nghiệp của một địa phương đó là: môi trường tự nhiên; chính trị, văn hóa, xã hội; thể chế; kinh tế vĩ mô; kinh tế vi mô và môi trường quốc tế. Đây chính là cơ sở quan trọng để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút FDI trong ngành công nghiệp ở Lào trong chương 2 của luận án này.
Bên cạnh đó, nghiên cứu đã chỉ ra những tác động tích cực, tiêu cực của FDI đối với ngành công nghiệp nước chủ nhà và sự cần thiết phải thu hút FDI để phát triển ngành công nghiệp. Ngoài ra, nghiên cứu đã tổng hợp kinh nghiệm thu hút FDI vào ngành công nghiệp của các nước trên thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm vận dụng cho Lào. Đây chính là cơ sở quan trọng để đề xuất giải pháp tăng cường thu hút FDI nhằm phát triển ngành công nghiệp Lào ở chương 3 của luận án này.