CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ QUẢN TRỊ NGUỒN NHÂN LỰC
1.4 CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUẢN TRỊ NGUỒN NHÂN LỰC
Trong những năm gần đây nước ta đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường từng bước hòa nhập với thế giới, do đó công tác quản trị nguồn nhân lực cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ và từng bước thay đổi về nhận thức của nhà quản trị cũng như của người lao động. Tuy nhiên, với sự thay đổi quá nhanh của kinh tế thị trường công tác quản trị nguồn nhân lực khó có thể theo kịp nên bị ảnh hưởng rất nhiều bởi nhiều yếu tố cả bên ngoài lẫn bên trong doanh nghiệp.
1.4.1 Các yếu tố bên ngoài
- Chính sách, pháp luật của nhà nước: hệ thống pháp luật và các văn bản pháp qui của nhà nước vừa tạo cơ hội vừa gây hạn chế cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược về nguồn nhân lực như ràng buộc trong việc tuyển dụng. Pháp luật của nhà nước bảo vệ người lao động bằng các qui định về mức lương, thời gian làm việc, các chế độ an sinh xã hội bắt buột,… các doanh nghiệp phải tuân thủ và thực hiện đúng qui định. Đồng thời tạo cơ hội cho các doanh
nghiệp có sự cạnh tranh công bằng và ngày càng chuẩn hóa các hoạt động tuân thủ theo các qui định pháp luật trong nước và thế giới để hội nhập với quốc tế.
- Các yếu tố về kinh tế: môi trường kinh tế có tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực trong hoạt động của doanh nghiệp. Tốc độ phát triển, tình hình lạm phát,…
sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của người lao động. Nhà quản trị về nguồn nhân lực phải đặc biệt chú ý những tác động tốt xấu của các yếu tố kinh tế có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định chiến lược.
- Các yếu tố trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật: trình độ khoa học kỹ thuật thế giới ngày càng tiến bộ và phát triển với tốc độ rất nhanh chóng, doanh nghiệp nào nắm bắt và vận dụng kịp thời sẽ nắm chắc được thành công, có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường. Song song đó doanh nghiệp phải chuẩn bị lực lượng lao động có chuyên môn phù hợp, nắm bắt được kỹ thuật, nguồn lao động phải được tuyển dụng chính thức hoặc có chính sách đào tạo, bồi dưỡng phù hợp.
Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, ngày nay các công ty phải đào tạo, huấn luyện để nhân viên của mình theo kịp với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại. Khi ký thuật thay đổi một số kỹ năng và công việc sẽ không cần thiết nữa, do đó công ty phải đào tạo lại nhân viên của mình để phù hợp với sự phát triển mới.
- Các yếu tố văn hóa, xã hội: luôn thách thức công tác quản trị nguồn nhân lực của doanh nghiệp và dần dần biến đổi giá trị văn hóa của doanh nghiệp. Vì vậy, công tác quản trị nguồn nhân lực phải luôn phù hợp và gắn bó với văn hóa, xã hội của địa phương, vùng miền, các phong tục tập quán bản địa để tạo môi trường làm việc tốt hơn, thu hút được nhiều nhân tài hơn.
Văn hóa xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến quản trị nguồn nhân lực cảu doanh nghiệp, một đất nước có rất nhiều quan niệm lạc hậu sẽ kìm hãm sự phát triển, không có nhân tài để cung ứng cho tổ chức. Thái độ làm việc và nghỉ ngơi được quy định khác nhau tại mỗi quốc gia cũng có ảnh hưởng đến quản trị nguồn nhân lực
của tổ chức. Sự thay đổi về lối sống trong xã hội cũng ảnh hưởng đến cấu trúc của công ty.
- Nguồn cung nhân lực: thực trạng hiện nay các thành phố lớn luôn có sức thu hút nguồn nhân lực mạnh, người lao động thường tìm cơ hội việc làm tại các thành phố này mà ít quan tâm đến các tỉnh. Nên một số địa phương thường gặp khó trong công tác tuyển dụng thu hút nhân tài, ít tuyển được người giỏi, có năng lực hoặc nếu tuyển được thì phải mất chi phí rất cao.
- Các dịch vụ hỗ trợ: các dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực đa phần tập trung tại các thành phố lớn, một số tỉnh có trường đào tạo nhưng ngành nghề, lĩnh vực đào tạo chưa đầy đủ, cơ sở vật chất thiếu thốn nên chất lượng đào tạo không bảo đảm.
Đây là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản trị nguồn nhân lực, nhà quản trị phải đứng trước sự lựa chọn: chấp nhận chất lượng đào tạo của địa phương hoặc cử đào tạo tại cơ sở lớn với chi phí đào tạo cao.
- Chính sách, mức độ phát triển của địa phương: các chính sách, chiến lược phát triển chung của địa phương cũng có ảnh hưởng nhất định đến công tác quản trị nguồn nhân lực nói chung, và ảnh hưởng đến từng chức năng cụ thể của quản trị nguồn nhân lực nói riêng. Các chính sách về thu hút nhân tài, tốc độ phát triển cao của địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tổ chức.
- Khách hàng: Khách hàng đối với ngành thuế chủ yếu là các doanh nghiệ, các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổ chức phải quản lý nhân viên sao cho vừa lòng khách hàng là ưu tiên nhất. Không có khách hàng là không có việc làm, chất lượng phục vụ và quản lý khách hàng quyết định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị và nó cũng quyết định đến thu nhập và phúc lợi của nhân viên trong đơn vị. Phải bố trí nhân viên đúng để có thể phục vụ, quản lý khách hàng một cách tốt nhất vì khách hàng của ngành thuế đem lại nguồn thu chủ yếu cho ngân sách nhà nước. Cho nên đơn vị phải đào tạo nhân viên để họ hiểu tầm quan trọng của khách hàng, phải làm sao thỏa mãn khách hàng.
- Đối thủ cạnh tranh: đối thủ cạnh tranh ở đây là các doanh nghiệp, các tổ chức có thể thu hút, tiếp nhận lao động của ngành thuế. Đây cũng là nhân tố ảnh hưởng đến quản lý nhân sự. Đó là sự cạnh tranh về tài nguyên nhân lực, đơn vị phải biết thu hút duy trì và phát triển lực lượng lao động, không để mất nhân tài vào tay đối thủ (Võ Thành Khởi, 2014).
1.4.2 Các yếu tố bên trong
- Chiến lược và mục tiêu của tổ chức: chiến lược và mục tiêu của doanh nghiệp được lập theo từng giai đoạn cụ thể, trong dài hạn sẽ bị ảnh hưởng bởi tốc độ phát triển kinh tế xã hội sẽ không còn phù hợp vì vậy công tác quản trị nguồn nhân lực phải được đánh giá, điều chỉnh trên nhiều mặt để phù hợp với tình hình mới, từ đó khi triển khai thực hiện sẽ không gây biến động nhiều và doanh nghiệp đã có bước chuẩn bị phù hợp.
Mỗi tổ chức đều phải có sứ mạng và mục tiêu riêng của mình, các phòng ban phải đưa vào sứ mạng của tổ chức mà hành động đề ra mục tiêu cho bộ phận của mình, trong đó có quản trị nguồn nhân lực.
- Quan điểm lãnh đạo: phong cách của lãnh đạo doanh nghiệp trong mỗi giai đoạn sẽ có quan điểm chỉ đạo khác nhau. Mỗi quan điểm chỉ đạo sẽ quyết định nên văn hóa của doanh nghiệp, cách thức bố trí công việc và ảnh hưởng trực tiếp đến tác phong làm việc cũng như hành vi ứng xử của nhân viên. Đồng thời các công việc như hoạch định, đào tạo, thi đua khen thưởng cũng có những phương thức thực hiện khác nhau.
- Văn hóa doanh nghiệp: xã hội ngày càng phát triển, nhận thức con người ngày càng được nâng lên, vị trí con người trong xã hội càng nổi bật, vì vậy trong công tác quản trị nguồn nhân lực nhà quản lý phải xây dựng được một môi trường làm việc luôn gắn với tư tưởng, tâm lý, hành vi của người lao động, phải để người lao động nhận thức được công việc họ làm là để cống hiến, phục vụ, làm việc như ở
“nhà” của mình.
Văn hóa của doanh nghiệp nó cho biết mỗi thành viên phải cư xử như thế nào đối với các thành viên khác cũng như đối người bên ngoài công ty. Nó là hệ
thống có giá trị, các niềm tin và các thói quen được chia sẻ trong phạm vi một tổ chức, tác động vào cấu trúc chính quy tạo ra các chuẩn mực hành vi của mỗi các nhân trong doanh nghiệp.
- Nguồn lực tài chính của tổ chức: mỗi tổ chức với nguồn lực tài chính khác nhau sẽ có mức độ tác động khác nhau đến công tác quản trị nguồn nhân lực. Với nguồn lực tài chính dồi dào đơn vị có thể bố trí kinh phí lớn để thu hút nhân tài với các chế độ khuyến khích, đãi ngộ hấp dẫn, tăng cường đào tạo nhân viên cũng như có chế độ thưởng, phụ cấp cao nhằm động viên nhân viên làm việc hăng say, hiệu quả hơn.
- Đặc điểm, tính chất của từng tổ chức: các đặc điểm về giới tính, độ tuổi, trình độ, tôn giáo, dân tộc, phong tục tập quán của địa phương… cũng có ảnh hưởng nhất định đến công tác quản trị nguồn nhân lực. Nhà quản trị cần phân tích, đánh giá để có chiến lược hiệu quả nhất và phù hợp với đặc điểm của tổ chức (Võ Thành Khởi, 2014).