Biểu 7: Chất lượng của đội ngũ lao động
3.1. Chiến lược phát triển KT - XH của Ninh Bình đến năm 2010 và 2020
* Ưu tiên tăng trưởng nhanh, hiệu quả bền vững trên cơ sở đổi mới cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đảm bảo nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ổn định trong một thời gian dài, nhằm mục tiêu thoát khỏi tỉnh nghèo, tạo đà tăng trưởng cao hơn ở giai đoạn sau để đến năm 2020 trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển khá.
* Chuyển nền kinh tế sang sản xuất hàng hoá, với nhiều thành phần kinh tế cùng phát triển.
* Kết hợp giải quyết tốt các vấn đề xã hội;
* Phấn đấu xếp vào loại tỉnh trung bình khá của khu vực Đồng bằng Sông Hồng và cả nước vào năm 2010 và trở thành tỉnh khá vào năm 2020;
* Gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, Quốc phòng - An ninh Ninh Bình đang đứng trước một số cơ hội, thách thức lớn như:
- Ninh Bình muốn bứt lên thì phải phát triển công nghiệp;
- Để phát triển du lịch ở Ninh Bình thì phải đặt nó trong mối quan hệ với vùng xung quanh, trở thành một chi hội viên của hiệp hội;
- Phải tiến ra biển bằng cách khai thác kinh tế tổng hợp đặt trong mối quan hệ với các vùng khác;
- Phải phát triển vùng đồi, khai thác tổng hợp vùng này đặt trong mối quan hệ với các vùng khác;
- Phải giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân bằng cách phát triển mạnh nông nghiệp hàng hoá, nâng cao chất lượng nông sản; thực hiện công nghiệp hoá nông thôn, phát triển các ngành nghề, đặc biệt các ngành nghề truyền thống có giá trị, có thị trường;
- Phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đảm trách được nhiệm vụ trong điều kiện cơ chế thị trường, hợp tác với bên ngoài, đặc biệt nước ngoài; cải cách hành chính v.v...
Do đó: Những quan điểm phát triển chủ yếu của Ninh Bình đến năm 2010 là:
1. Ưu tiên tăng trưởng nhanh, hiệu quả bền vững trên cơ sở đổi mới cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tập trung sức khai thác và phát huy lợi thế của tỉnh nhất là vị trí địa lý, tài nguyên đá vôi, dịch vụ cảng và tiềm năng du lịch. Đảm bảo nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian dài nhằm giảm tốc độ chênh lệch về GDP bình quân đầu người so với bình quân chung cả nước, tiến tới đạt mức trung bình cả nước vào năm 2020.
2. Chuyển nền kinh tế sang sản xuất hàng hoá, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, gắn nền sản xuất hàng hoá của tỉnh với thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường 48 - 50 triệu dân ở Bắc bộ , đồng thời tranh thủ mở rộng thị trường quốc tế trước hết là những sản phẩm hàng hoá từ lợi thế của mình.
Thực hiện tốt sự kết hợp kinh tế trung ương với kinh tế địa phương, sự chỉ đạo giúp đỡ của trung ương, chủ động liên doanh liên kết với tỉnh bạn và nước ngoài trong quá trình khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và hội nhập với sự phát triển chung của đất nước.
3. Phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, tạo động lực giải phóng và phát huy mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển. Sắp xếp, củng cố và phát triển khu vực kinh tế nhà nước đối với những ngành, cơ sở có vị trí quan trọng có tác dụng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, công nghệ tiên tiến, có quy mô lớn, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách như: các nhà máy xi măng, bê tông thép, các nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu. Coi trọng và tạo mọi điều kiện cho khu vực kinh tế dân doanh gồm: hợp tác xã, các doanh nghiệp tư nhân, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế hộ phát triển thuận lợi.
4. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển xã hội, đảm bảo Quốc phòng - An ninh nhằm tạo sự ổn định vững chắc cho mục tiêu tăng trưởng, trong đó nhân tố con người cần được đặc biệt coi trọng bao gồm việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ.
5. Kết hợp việc đẩy mạnh quá trình đô thị hoá với phát triển các vùng nông thôn; đồng thời kết hợp việc đẩy mạnh phát triển vùng đồng bằng ven biển với vùng đồi núi của tỉnh.
3.1.1 Những mục tiêu (Các đích) phát triển chủ yếu đến năm 2010.
Thực trạng kinh tế - xã hội tỉnh nhà đang đứng trước vận hội mới, thời cơ và thuận lợi là cơ bản, nhưng thách thức trước yêu cầu hội nhập đang đặt ra trước mắt. Làm thế nào để khai thác được các tiềm năng và lợi thế so sánh của tỉnh để thúc đẩy nhanh hơn tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hội nhập và vươn lên trình độ phát triển nền kinh tế của các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước, luôn là đòi hỏi cho việc phấn đấu cao hơn trong những năm 2006 - 2010.
Phương hướng, mục tiêu tổng quát trong những năm tới được xác định là: Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng phát triển, phấn đấu đạt GDP bình quân đầu người đạt mức trung bình khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Khai thác và huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung cao cho phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch và xuất khẩu; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục thực hiện xoá đói giảm nghèo, tạo thêm nhiều việc làm, giảm các tệ nạn xã hội; giữ vững an ninh chính trị, tăng cường trật tự xã hội; kết hợp hài hoà đồng bộ giữa ba mặt của sự phát triển, gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và năng lực chỉ đạo điều hành, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội
Phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá về phát triển kinh tế - xã hội ở ĐBSH và cả nước, tạo đà vững chắc nhằm tăng trưởng nhanh ở giai đoạn sau để đến năm 2020 trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển khá.
Trên cơ sở khai thác các lợi thế so sánh: đẩy nhanh sản xuất công nghiệp (đặc biệt là sản xuất xi măng, đá xây dựng); phát triển nhanh dịch vụ (nhất là du lịch, vận tải, thương mại); phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, đảm bảo vững chắc về lương thực, thực phẩm, phát triển mạnh
cây công nghiệp, nông hải sản xuất khẩu và đa dạng các thành phần kinh tế là những hướng chủ đạo.
3.1.2 Dự kiến phương án phát triển KT - XH đến 2010.
Từ năm 2001 đến năm 2010 lấy chỉ tiêu so sánh GDP/người của tỉnh với mức trung bình của cả nước làm tiêu chí tổng quát để xác định mục tiêu cơ bản và cân nhắc các phương án phát triển. Chúng tôi đưa ra phương án phát triển KT - XH đến năm 2010 như sau:
Mục tiêu đến năm 2010 phấn đấu đạt GDP/người bằng mức trung bình cả nước.
Phấn đấu đạt mức GDP bình quân đầu người so với cả nước từ 54%
hiện nay được thu hẹp lại và đạt ở mức trung bình cả nước vào năm 2010, tức là GDP bình quân đầu người đạt 8.519 nghìn đồng vào năm 2010 (bằng 3,7 lần so với năm 2000). Như vậy nhịp độ tăng trưởng GDP đạt 12,0% cho cả giai đoạn 2006-2010. Theo phương án này thì nhịp độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp đạt ở mức 5,0%; công nghiệp đạt 23,5%; xây dựng đạt 8,5% và cũng xét trong mối tương quan giữa khu vực sản xuất và khu vực dịch vụ thì nhịp độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ đạt 14%. Để thực hiện khả năng này, nhu cầu vốn đầu tư cả thời kỳ 2006 - 2010 cho nền kinh tế vào khoảng 14600 tỷ đồng. Nếu phấn đấu có tỷ lệ tích lũy từ nội bộ nền kinh tế 14,04% bình quân cả giai đoạn 2006- 2010 thì phần vốn tự có đã đảm bảo được khoảng 51,0 % so với tổng nhu cầu vốn đầu tư.