Các yếu tố tác động đến bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch ở nông thôn

Một phần của tài liệu bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch ở nông thôn từ thực tiễn các tỉnh đồng bằng sông hồng (Trang 60 - 68)

Chương 2 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BẢO ĐẢMNHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BẢO ĐẢM

2.2. Bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch ở nông thôn

2.2.2. Các yếu tố tác động đến bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch ở nông thôn

Yếu tố chính trị

Chính trị là tất cả những hoạt động, những vấn đề gắn với quan hệ giai cấp, dân tộc, quốc gia và các nhóm xã hội xoay quanh một vấn đề trung tâm đó là vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước. Mỗi chế độ chính trị lại áp đặt lên xã hội một hệ tư tưởng riêng, QCN – trong xã hội đó – lại có nhận thức và thực thi khác nhau.

Hay nói cách khác, chính trị là toàn bộ các yếu tố tạo nên đời sống chính trị của xã hội, bao gồm: Môi trường chính trị, hệ thống các chuẩn mực chính trị, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và quá trình tổ chức thực hiện chúng; các quan hệ chính trị và ý thức chính trị; hoạt động của hệ thống chính trị; cùng với đó là nền dân chủ xã hội và bầu không khí chính trị - xã hội. Yếu tố chính trị ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động thực hiện QCN nói chung và quyền tiếp cận nguồn nước sạch nói riêng.

Sự ổn định chính trị là một trong những yếu tố không thể thiếu, là điều kiện thuận lợi để thực thi các hoạt động về QCN, vì nền chính trị ổn định tạo cho Việt Nam có được một nền hòa bình và thịnh vượng, bảo đảm cho sự gắn kết để thực hiện các chính sách nhất quán, nền tảng để PTBV đất nước với nguyên tắc con người là trung tâm. Đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh là nguyên tắc quán triệt nhất quán trong mọi giai đoạn phát triển (Agenda 2030). Có thể thấy, QCN đã trở thành tiêu chí đánh giá tính tiến bộ và quyết định sự tồn vong của đất nước. Một đất nước bất ổn về chính trị sẽ không tạo được môi trường ổn định cho phát triển, từ đó kéo theo việc thực hiện các QCN không được bảo đảm, trong đó có quyền được tiếp cận nguồn nước sạch, do không có đủ cơ sở hạ tầng và thượng tầng cung cấp. Ngoài ra, tính công bằng sẽ không được duy trì từ bộ máy quản lý.

Nhận thấy đây là một trong những yếu tố quan trọng trong việc thực thi các QCN hiệu quả, hiện nay Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm và chỉ đạo nhằm xây dựng một xã hội dân chủ, ổn định, nâng cao ý thức chính trị cũng như

hiểu biết về pháp luật và thực thi các QCN thông qua luật pháp tới mọi tầng lớp nhân dân; Đảng luôn coi con người là trung tâm, động lực phát triển đất nước, trong đó vấn đề bảo đảm thực thi hiệu quả các QCN là mục tiêu quan trọng.

Sự ổn định chính trị tạo ra môi trường thuận lợi đối với thực thi quyền tiếp cận nguồn nước sạch. Chính phủ giữ vai trò quan trọng nhất trong việc bảo đảm, thúc đẩy QCN; một chính phủ mạnh và sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của xã hội sẽ đem lại lòng tin và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong một xã hội ổn định về chính trị, các QCN nói chung và quyền tiếp cận nguồn nước sạch nói riêng được bảo đảm an toàn về đầu tư, khả năng tiếp cận, như vậy người dân sẽ được thụ hưởng các thành quả đạt được trong dài hạn. Đồng thời, bảo đảm thực thi hiệu quả nhất quyền tiếp cận nguồn nước sạch được Ủy ban Công ước LHQ xác định gồm 9 điểm chính sau [79]:

- Bảo đảm tiếp cận với lượng nước tối thiểu thiết yếu, đầy đủ và an toàn cho mục đích sử dụng cá nhân và gia đình để phòng bệnh.

- Bảo đảm quyền tiếp cận với nước và các phương tiện và dịch vụ về nước dựa trên cơ sở không phân biệt đối xử, nhất là đối với nhóm thiệt thòi hay bị cách ly.

- Bảo đảm tiếp cận thực tế với nước, các phương tiện và dịch vụ về nước, cung cấp nước đầy đủ, an toàn và đều đặn có đủ các vòi cấp nước với khoảng cách hợp lý đến các hộ gia đình để mọi người không phải chờ đợi.

- Bảo đảm an ninh cá nhân không bị đe doạ khi phải tiếp cận trực tiếp với nguồn nước.

-Bảo đảm phân phối bình đẳng tất cả các phương tiện và dịch vụ về nước đang có.

- Áp dụng và bổ sung các chiến lược và kế hoạch hành động về nước cho toàn dân; các chiến lược và kế hoạch hành động về nước nên được tính toán, cân nhắc về sự tham gia và tính minh bạch, bao gồm các mục tiêu và chỉ số đánh giá, nhờ đó có thể giám sát chặt chẽ và điều chỉnh kịp thời; những kế hoạch và chiến lược này cũng cần đặc biệt chú ý đến những nhóm dễ bị tổn thương hay bị cách ly.

- Giám sát để điều chỉnh phạm vi thực hiện, hay không thực hiện QTCNS.

- Đưa ra các chương trình nước giá rẻ tương đối để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và bị cách ly.

- Thực hiện các biện pháp ngăn chặn, khống chế và xóa bỏ các bệnh liên quan đến nước, đặc biệt qua việc bảo đảm tiếp cận với hệ thống vệ sinh thoả đáng.

Như vậy, yếu tố chính trị với hệ thống bộ máy tổ chức là những chủ thể giữ vai trò quyết định đến tiến trình bảo đảm QCN nói chung và QTCNS nói riêng thông qua xây dựng, thực thi, giám sát các cơ chế bảo đảm phù hợp, qua đó tạo lập môi trường cần thiết để con người có cơ hội phát huy tiềm năng, thụ hưởng quyền.

Ở Việt Nam, hệ thống chính trị có tính thống nhất cao dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo nguyên tắc tập trung dân chủ; Nhà nước của dân, do dân, vì dân với định hướng phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; các QCN được ghi nhận trong Hiến pháp là cơ sở tạo điều kiện bảo đảm các QCN, trong đó có QTCNS thông qua thể chế hóa các đường lối, chính sách của Đảng và Hiến pháp thành cơ chế bảo đảm quyền phù hợp với bối cảnh phát triển của nước ta trong từng giai đoạn cụ thể.

Yếu tố kinh tế

Yếu tố kinh tế hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tổng thể các điều kiện, hoàn cảnh về kinh tế xã hội, hệ thống chính sách kinh tế, chính sách xã hội và việc triển khai thực hiện, áp dụng chúng trong lĩnh vực xã hội. Môi trường kinh tế bảo đảm thực hiện các QCN về điều kiện vật chất, từ đó QCN mới có thể thực hiện hoặc mở rộng. Nền kinh tế xã hội phát triển năng động, bền vững sẽ là điều kiện thuận lợi cho hoàn thiện cơ sở hạ tầng - cơ sở để người dân dễ dàng tiếp cận, bảo đảm cung cấp đủ cả về số lượng và được kiểm soát về chất lượng từ đầu nguồn cung cấp tới hạ nguồn nơi sử dụng.

Nhân tố kinh tế là nền tảng của sự nhận thức hiểu biết pháp luật và thực hiện pháp luật nên có tác động mạnh mẽ tới hoạt động thực hiện pháp luật của các chủ thể, đặc biệt tạo điều kiện thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội, bảo đảm các nguyên tắc của công bằng xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc thực thi QCN nói chung và quyền tiếp cận nguồn nước sạch nói riêng. Nó là điều kiện cần thiết cho sự ổn định chính trị, tăng cường pháp chế và đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Ngược lại, nền kinh tế xã hội chậm phát triển, kém năng động và kém hiệu quả sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới việc thực thi và mở rộng quyền tiếp cận nguồn nước sạch, nếu không có điều kiện này thì cho dù có luật định, quyền cũng không biến thành hiện thực hoặc không thể thực hiện đầy đủ với nguyên tắc bất phân chia.

Thực tế, để triển khai hiệu quả cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch đòi hỏi sự huy động của nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực kinh tế - nguồn vốn để hiện thực hóa các mục tiêu được đặt ra bởi Chính phủ. Việt Nam đã cam kết với các Mục tiêu PTBV của LHQ (SDGs) và QCN. Mặc dù có những tiến bộ trong suốt ba thập kỷ qua, nhưng vẫn còn khoảng cách lớn giữa khát vọng cải cách nhà nước và thực tế thi hành, mà một trong những nguyên nhân của lỗ hổng khoảng cách đó là thiếu nguồn lực kinh tế để đẩy nhanh các cam kết, mục tiêu hỗ trợ thực hiện các chính sách, chương trình, dịch vụ cấp nước.

Yếu tố pháp lý

Yếu tố pháp lý theo nghĩa rộng là tổng thể các yếu tố tạo nên đời sống pháp luật của xã hội ở từng giai đoạn phát triển nhất định, bao gồm hệ thống pháp luật, các quan hệ pháp luật, ý thức pháp luật, văn hóa pháp luật.... Đây là vấn đề tiên quyết, nếu không được bảo đảm về mặt pháp luật thì các QCN không có cơ sở pháp lý để thực hiện. Khi QCN trở thành quyền pháp định, nó trở thành ý chí chung của toàn xã hội, được xã hội phục tùng, được Nhà nước bảo đảm, bảo vệ.

Vai trò của pháp luật đối với QCN thể hiện ở những khía cạnh sau [26]:

- Pháp luật là phương tiện chính thức hóa, pháp lý hóa giá trị xã hội của các quyền tự nhiên. Về nguyên tắc, nhà nước chỉ bảo đảm thực hiện quyền pháp lý – tức những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người đã được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Như vậy chỉ khi mang tính pháp lý, các quyền tự nhiên mới chuyển thành những QCN có đầy đủ giá trị hiện thực.

- Pháp luật là phương tiện bảo đảm giá trị thực tế của các QCN. Pháp luật đóng vai trò là công cụ giúp Nhà nước bảo đảm sự tuân thủ, thực thi các QCN của các chủ thể khác nhau trong xã hội, đồng thời cũng là công cụ của các cá nhân trong việc bảo vệ các QCN của chính họ thông qua việc vận dụng các quy phạm pháp lý. Bởi pháp luật mang tính chuẩn tắc định lượng có thể đo, đánh giá được để công dân, tổ chức đối chiếu hành vi, các quyết định quản lý của chủ thể nhằm bảo vệ quyền hợp pháp của mình.

Ngoài ra, yếu tố pháp lý còn có mối quan hệ khá chặt chẽ với các nhân tố bảo đảm khác. Thực tế, các nhân tố bảo đảm đều phải được thể chế hóa mới trở thành giá trị xã hội. Chẳng hạn, đối với nhân tố chính trị, chỉ khi đường lối, chủ thể của bộ máy tổ chức được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận mới có tính pháp lý để xây dựng một

Nhà nước, xã hội có chế độ chính trị và cơ cấu tổ chức phù hợp; từ đó, tác động tới tiến trình bảo đảm quyền. Đối với nhân tố kinh tế, đường lối phát triển kinh tế của mỗi quốc gia đều phải được ghi nhận trong hệ thống pháp luật; pháp luật giữ vai trò định hướng, tạo lập môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế phát triển; qua đó, phát huy tiềm năng, tạo cơ sở nguồn lực vật chất cho xã hội.

Ở nước ta, QCN được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận; quyền tiếp cận nước sạch là một hợp phần quan trọng của nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và quyền được sống trong môi trường trong lành; đây là cơ sở để thực hiện các nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực thi quyền tiếp cận nguồn nước sạch của Ủy ban công ước LHQ [33].

- Nghĩa vụ tôn trọng, yêu cầu không được can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào việc hưởng thụ quyền sử dụng nước, hay ngăn cản việc tiếp cận nước một cách bình đẳng trong bất kỳ bối cảnh nào.

- Nghĩa vụ bảo vệ, yêu cầu các quốc gia thành viên ngăn chặn các hành vi vi phạm của bên thứ ba dưới bất cứ hình thức nào như việc gây ảnh hưởng đến quyền sử dụng nước một cách bình đẳng, làm ô nhiễm nguồn nước hay phân phối nước không bình đẳng từ các nguồn nước trên cơ sở xác lập cơ chế bảo đảm hiệu quả.

- Nghĩa vụ thực hiện, yêu cầu áp dụng các biện pháp cần thiết để thực hiện đầy đủ quyền sử dụng nước; có kế hoạch hành động quốc gia nhằm bảo đảm mọi người có thể tiếp cận và có khả năng chi trả để tiếp cận nước một cách thuận tiện và bền vững, nhất là ở các vùng nông thôn và những vùng đô thị gặp khó khăn.

Từ những phân tích trên, cho thấy: Yếu tố pháp lý có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm QCN. Để bảo đảm thực thi hiệu quả các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tiếp cận nước sạch đòi hỏi phải thể chế hóa chúng trong hệ thống pháp luật, tức phải có các quy định cụ thể, phải có chiến lược, chính sách, chương trình xác định lộ trình thực thi kèm theo các thiết chế bảo đảm phù hợp.

Thông qua hệ thống pháp luật, Nhà nước có thể nâng cao hiệu lực triển khai thực tế;

đồng thời, cũng trở thành công cụ để công dân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Hơn nữa, yếu tố pháp luật còn là cơ sở pháp lý bảo đảm cho các nhân tố khác phát huy vai trò, lợi thế trong thực hiện bảo đảm quyền; pháp luật cũng là phương tiện để thực hiện các cam kết quốc tế, nội luật hóa phù hợp với bối cảnh của mỗi quốc gia nhưng phải bảo đảm các nguyên tắc chung.

Yếu tố tâm lý xã hội, dư luận xã hội

Dư luận xã hội là sự phán đoán, sự đánh giá và thái độ cảm xúc của một nhóm xã hội đối với một sự kiện, hiện tượng nào đó ít nhiều có đụng chạm đến quyền lợi của nhóm. Trong cuộc sống, trong hoạt động của các nhóm xã hội thường xuất hiện những sự kiện, những hiện tượng tác động lên ý thức của cá nhân, gây ra những trạng thái cảm xúc biểu thị sự phản ứng của họ, sự phản ứng này ở mỗi người, mỗi nhóm từng lúc biểu thị ở mức độ khác nhau, tuỳ thuộc vào tính chất của các sự kiện, hiện tượng đó, và tuỳ thuộc vào mức độ hiểu biết của mỗi người về chúng. Tuy ở các mức độ phản ứng khác nhau của các cá nhân nhưng có những sự đồng nhất nào đó trong cách đánh giá, trong thái độ của nhóm và chính sự đồng nhất trong đánh giá đó tạo thành dư luận xã hội.

Tâm lý xã hội, dư luận xã hội là một trong những yếu tố quyết định tới nhận thức QCN ở mỗi quốc gia, những quyền này được đúc rút từ các nhu cầu cá nhân, qua thời gian trở thành các giá trị cơ bản cần được bảo đảm trong xã hội và được thể hiện qua các giá trị văn hóa, kiến thức bản địa của cộng đồng. Các quy định, tập quán của cộng đồng là các “quyền” cũng như “nghĩa vụ” mà người tham gia sẽ đạt được hoặc phải làm theo, đặc biệt bảo đảm được tính bình đẳng trong quan hệ xã hội. Quyền tiếp cận nguồn nước sạch là một trong những giá trị cơ bản đó, điều này được thể hiện rõ trong các phong tục, tập quán ứng xử với nguồn nước trong cộng đồng nhằm thực hiện được các mong muốn được bảo đảm những nhu cầu cá nhân của mình.

Cộng đồng làng vùng đồng bằng Sông Hồng đều có những quy tắc trong sử dụng nguồn nước chung để phục vụ đời sống, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội cho làng mình. Giếng, ao làng đã gắn liền với cuộc sống của dân cư nông thôn trong vùng, trở thành nơi cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt nên người dân có ý thức bảo vệ, giữ gìn giếng nước, ao làng luôn trong lành. Đồng thời, giếng nước, ao đình còn là chiếc gương soi rọi các giá trị truyền thống, văn hóa của cha ông; vị trí đặt giếng được người xưa coi như “mắt rồng” nơi tập trung linh khí của cả làng.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều giếng làng đã bị san lấp hoặc là nơi xả rác, nước thải gây tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng đến cảnh quan của cộng đồng.

Đứng trước thực tế này, nhiều cộng đồng làng đã cùng nhau tôn tạo, bảo vệ môi

trường giếng, ao làng trở thành nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng. Chẳng hạn, năm 2014 tại cộng đồng thôn Nam Hưng, xã Thái Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã thăm dò dư luận nhân dân tôn tạo giếng làng với tinh thần cùng nhau chung sức cả về tinh thần và vật chất (50.000đ/hộ) để bảo tồn, tu bổ giếng làng trong sạch.

Trong điều kiện xã hội nông thôn hiện nay, yếu tố tâm lý xã hội, dư luận xã hội đang bộc lộ những tác động tích cực và tiêu cực của nó đối với công tác thực hiện quyền tiếp cận nước sạch. Với phong tục tình làng, nghĩa xóm, quan hệ dòng họ thân tộc đã tạo nên sự đoàn kết, nhất trí, giúp đỡ lẫn nhau, … đây là cơ sở hình thành nên giá trị đời sống tinh thần của người dân - nhân tố tích cực thúc đẩy các chủ thể thực hiện tích cực quyền này. Tuy nhiên cũng từ tâm lý trọng tình nghĩa đã dẫn đến những khó khăn cho công tác quản lý xã hội và thực hiện quyền tiếp cận nguồn nước. Yếu tố tâm lý được hình thành từ lâu đời và trở nên quá bền vững, không dễ gì thay đổi để người Việt tiếp nhận xu hướng mới một cách tự nguyện và tích cực.

Yếu tố hội nhập quốc tế

Hội nhập quốc tế đã trở thành một xu thế lớn và một đặc trưng quan trọng của thế giới hiện nay. Không ít người khẳng định rằng chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa. Nói một cách khác, thời đại hội nhập toàn cầu. Xu thế này chi phối toàn bộ quan hệ quốc tế và làm thay đổi to lớn cấu trúc của hệ thống thế giới cũng như bản thân các chủ thể và mối quan hệ giữa chúng.

Việt Nam một thành viên của tổ chức LHQ và các tổ chức quốc tế khác.

Trong tiến trình phát triển, Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn nhiều cam kết quốc tế, trong đó có các cam kết thực hiện các quyền cơ bản của con người. Gia nhập Công ước quốc tế về QCN là một quyết định chính trị quan trọng. Khi tham gia Công ước này Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ của một quốc gia thành viên là phải tự nguyện chấp nhận sự ràng buộc về mặt pháp lý kể cả cơ chế giám sát do Công ước quy định. Đối với quyền tiếp cận nguồn nước sạch, tiến trình hội nhập quốc tế đã tạo ra nhiều lợi ích mà nước ta có thể tận dụng được:

Thứ nhất, quá trình hội nhập giúp tranh thủ được nguồn lực từ bên ngoài để cải thiện cơ sở thượng tầng và cơ sở hạ tầng nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước sạch.

Một phần của tài liệu bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch ở nông thôn từ thực tiễn các tỉnh đồng bằng sông hồng (Trang 60 - 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(174 trang)
w