Chương 4 QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO BẢO ĐẢMQUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO BẢO ĐẢM
4.3. Các giải pháp bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch ở nông thôn
4.3.1. Hoàn thiện pháp lý về bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch
Về mặt pháp lý, các chính sách liên quan đến tiếp cận nguồn nước sạch được ban hành cùng với các chính sách bảo vệ, phát triển tài nguyên và môi trường nói chung. Tuy nhiên, các cơ chế chính sách này còn thiếu đồng bộ, thiếu tính khả thi do chưa quy định rõ ràng về giới hạn lượng nước được khai thác và các quyền trong tiếp cận; không cân đối các nguồn lực bảo đảm tổ chức thực hiện. Một số chính sách chưa được thực hiện triệt để như việc lồng ghép và quy chế xử lý mối quan hệ giữa Luật BVMT, Luật tài nguyên nước với các luật có liên quan khác trong quá trình thực thi đã dẫn tới sự chồng lấn, mâu thuẫn và khó khăn trong áp dụng.
Theo đó, để khuyến khích các tổ chức và cá nhân khai thác tiềm năng và ưu thế của mỗi vùng cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tài nguyên nước sao cho phù hợp với các quy định pháp luật tại các ngành luật khác có liên quan. Các quy định pháp lý, các chính sách và các chiến lược hiện có cần
được xem xét lại để bảo đảm rằng chúng phù hợp với các nghĩa vụ và quyền lợi phát sinh từ quyền sử dụng nước cả ở cấp độ quốc gia và ở cấp độ người dân.
Thực hiện đầu tư từng bước, tác động từng giai đoạn với nguyên tắc bảo đảm tính ổn định của tiếp cận nguồn nước sạch. Nguồn nước sạch được hoạch định dựa trên nguồn tiềm năng của từng vùng sao cho bảo đảm 60l/người/ngày, được quy hoạch thành những vùng tài nguyên với các mục tiêu sử dụng khác nhau với tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước quốc gia, bao gồm các chính sách và quy định luật pháp liên quan đến bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, các chiến lược quốc gia và kế hoạch thực hiện, khung quy định về các quyền đối với nước, các quy hoạch lưu vực sông để đưa ra những nguyên tắc phân bổ nước, xác định rõ hơn các quyền của người sử dụng nước thông qua một hệ thống cấp phép, đồng thời có giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp đối với từng nguồn nước đã được quy hoạch nhằm bảo đảm tính tái tạo tự nhiên của nguồn nước. Đây là cơ sở quan trọng để tổ chức quản lý và sử dụng nguồn nước hiệu quả và bền vững. Yêu cầu đặt ra là:
4.3.1.1. Về bảo đảm khả năng tiếp cận
- Cần phải vận dụng và thực hiện đúng đắn Luật BVMT, Luật Tài nguyên nước và các bộ luật khác liên quan nhằm hạn chế những khó khăn trong việc quản lý phân bổ nguồn nước bền vững theo cách tiếp cận quyền; căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội quốc gia trong giai đoạn tới. Đặc biệt, các chủ trương chính sách liên quan đến tiếp cận nguồn nước sạch cho người dân nông thôn nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, nâng cao tỷ lệ người dân được hưởng nguồn nước sạch và hạn chế tình trạng suy thoái nguồn nước. Bảo đảm chủ trương xã hội hóa công tác tiếp cận nguồn nước sạch, sử dụng luật tục, hương ước của các cộng đồng như nguồn bổ trợ và hỗ trợ cho pháp luật nhằm quản lý bảo vệ nguồn nước hữu hiệu và tạo ra khung pháp lý cho thực hiện vấn đề này.
Cần thiết phải có cơ chế bảo đảm người dân được tiếp cận với các thông tin minh bạch về nguồn nước cấp, về môi trường trên cơ sở các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị cấp nước cần chủ động công khai các thông tin có liên quan, làm rõ những thông tin buộc phải công khai, nhất là quy định cơ quan thẩm định chất lượng thông tin; chi tiết, cụ thể hơn việc tham gia của cộng đồng dân cư trong các chính sách, quy hoạch mạng lưới cấp nước nhằm tránh trường hợp công trình đã hoàn thành nhưng không hoạt động, do bất cập trong vận hành,
nhu cầu hoặc sự chồng lấn trong mạng lưới cấp giữa các đơn vị cấp nước; có thể gây ra sự xung đột giữa các đơn vị cấp nước khi tranh giành khách hàng.
Ngoài ra, cũng cần có những chính sách khuyến khích hiệu quả hơn trong sử dụng tiết kiệm nước; bảo đảm tính công bằng trong khai thác, sử dụng nước giữa các vùng, địa phương. Chẳng hạn: Luật Thuỷ lợi với điều khoản về chi trả cho dịch vụ thuỷ lợi, giá nước chỉ có thể được xác định dựa trên chi phí tài chính của nước thuỷ lợi, cụ thể là chi phí quản lý, vận hành, bảo trì, chi phí khấu hao, chi phí quản lý và một phần lợi nhuận cho nhà cung cấp. Trong trường hợp này, giá nước sẽ không phân biệt giữa khu vực khan hiếm và khu vực dư thừa nước;
do đó, thiếu tác động khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm và khả năng phân bổ lại nước cho các mục đích năng suất hơn [84].
- Cần bổ sung các quy định về sự tham gia của cộng đồng, cung cấp và phổ biến thông tin trong quản lý và BVMT nước vào các văn bản dưới Luật, hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Hoàn thiện, bổ sung các văn bản hướng dẫn quy định cụ thể đối với công tác điều tra, thống kê và đánh giá chất lượng nguồn nước thông qua hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nguồn nước cấp, nước an toàn, nước sạch.
- Bổ sung lồng ghép nguyên tắc tiếp cận QCN trong các văn bản pháp luật có liên quan, qua đó sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của Nhà nước thực hiện được đồng thời chức năng bảo vệ và bảo đảm các QCN.Thực tế, hiện nay, hệ thống các quyền đối với nước mới chỉ gồm các quyền được cảm nhận, thay vì được quy định rõ và chưa có nguyên tắc chung. Những cơ quan tổ chức được thành lập để cung cấp dịch vụ nước chưa có khả năng tự hoạch toán. Việc tham gia xây dựng và quản lý công trình, duy tu bảo dưỡng còn trông chờ vào đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, nguồn vốn từ các dự án được tài trợ nhưng điều này không thể bền vững về lâu dài. Cần thiết phải đặt quan điểm lấy con người tức người sử dụng nước làm trung tâm của tất cả kế hoạch, quy trình xây dựng, quản lý các dịch vụ cấp nước, lấy chất lượng dịch vụ cấp nước là ưu tiên hàng đầu trong chuỗi giá trị sản phẩm nước.
- Cần quy định chi tiết trong các văn bản pháp lý về quyền của công dân, các tổ chức xã hội, … được tham gia vào việc ban hành các chính sách có liên quan tới môi trường, bảo đảm được trách nhiệm, nghĩa vụ, từng bước khẳng định được các giá trị của QCN thông qua các văn bản pháp luật.
4.3.1.2. Về bảo đảm tính bền vững và tính công bằng
- Xây dựng khung pháp lý xử phạt các hành vi xâm hại tài nguyên nước phù hợp, bảo đảm tính hiệu lực, tính nghiêm minh trong duy trì nguồn nước cấp cho các nhu cầu của người dân không bị gián đoạn. Khung pháp lý cần tạo tính răn đe cho các tổ chức, cá nhân, sao cho họ không lợi dụng sơ hở hoặc sẵn sàng trả tiền phạt vi phạm hơn là tuân thủ pháp luật; nhất là, tại các khu công nghiệp cần có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nguồn thải cần phải được xử lý đạt tiêu chuẩn an toàn trước khi xả thải vào hệ thống sông, suối; nếu vi phạm ảnh hưởng đến nguồn nước cấp phải có chế tài xử lý nghiêm minh, bao gồm sử dụng hiệu quả các qui định về xử lý hình sự.
- Xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn nhằm đối phó với các sự cố bất thường và các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sản xuất, cung cấp nước sạch từ nguồn đến khách hàng sử dụng nước. Đồng thời, đề xuất khung đánh giá an ninh môi trường nước ở các qui mô khác nhau.
- Xây dựng cơ chế khuyến khích liên kết vùng các địa phương khai thác tiềm năng và ưu thế của mỗi vùng trên cơ sở tạo hành lang pháp lý thiết lập tài nguyên và môi trường quốc gia ổn định. Tài nguyên được qui hoạch thành những vùng với các mục tiêu sử dụng khác nhau, cần thiết phải xác định rõ ranh giới trên bản đồ, ngoài thực địa; có giải pháp liên kết phù hợp với từng loại tài nguyên và BVMT, trong đó có tài nguyên nước. Đồng thời, phải có những dự báo mang tính dài hạn trong sử dụng tài nguyên, đặc biệt tình hình biến động của tài nguyên theo thời gian; Chính sách về chia sẻ/ phân bổ tài nguyên, chính sách về giải quyết xung đột giữa các địa phương/vùng trong liên kết sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường cần được thống nhất, bảo đảm tính tiếp cận hệ thống và tổng hợp trên quy mô toàn quốc với bộ công cụ kinh tế hợp lý. Đây là cơ sở quan trọng để tổ chức liên kết địa phương/vùng hiệu quả và bền vững trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước lâu dài, ổn định, duy trì được nguồn nước cấp tự nhiên; đặc biệt, giải quyết
được các xung đột, như: Hạ lưu hệ thống sông Hồng, từ năm 2008 khi thủy điện Tuyên Quang đi vào hoạt động đã xảy ra các xung đột trong việc lưu thông dòng chảy vào mùa kiệt; hệ thống thủy lợi thiếu nước cung cấp cho các nhu cầu dân sinh, các hồ chứa không bảo đảm được nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt cho dân cư [39].
- Xây dựng thể chế điều hành quản lý theo cơ chế thị trường nhằm tạo điều kiện huy động sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế vào phát triển dịch vụ cấp nước.
- Tạo môi trường pháp lý đẩy mạnh các cơ chế khuyến khích đầu tư theo hình thức xã hội hóa và đối tác công tư; có thể tham khảo mô hình xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng cấp nước nông thôn từ tỉnh Thái Bình theo Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND về việc ban hành quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2015 – 2020 với các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, như:
Miễn tiền sử dụng, tiền thuê đất cho các công trình đầu tư xây mới, nâng cấp mở rộng công suất; Hỗ trợ 100% tiền giải phóng mặt bằng cho đầu tư xây dựng mới;
Hỗ trợ tạo nguồn nước; Hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình (đầu tư xây dựng mới:
3 triệu đồng/m3/ngày đêm; dự án nâng cấp và mở rộng công suất cấp nước mức hỗ trợ 2 triệu đồng/m3/ngày đêm, dự án mở rộng phạm vi cấp nước mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/m3/ngày đêm); Ưu đãi về thuế: được áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50%
thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo.
Trong quá trình thực thi, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND ngày 29/4/2014 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2015 – 2020, như: điều chỉnh thời gian đề nghị hỗ trợ của tỉnh nhằm bảo đảm tiến độ dự án, Quyết định 12/2012/QĐ-UBND yêu cầu sau khi hoàn thành dự án nhưng Quyết định 19/2014/QĐ-UBND điều chỉnh khi hoàn thành tối thiểu 50% khối lượng công trình có thể tiến hành đề nghị tỉnh hỗ trợ. Sự điều chỉnh này đã giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nước sạch nông thôn. Để triển khai hiệu quả, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong tiến trình triển khai, ngày 19/11/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số
2766/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo việc triển khai thực hiện đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn tỉnh. Những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư mang tính xã hội hóa trên đây là cơ sở để thu hút doanh nghiệp với 20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng ngay năm đầu tiên thực hiện. Bên cạnh đó, các dự án xã hội hóa thường có quy mô lớn, cung cấp nước cho từ 3-5 xã. Giá bán nước sạch được quy định cụ thể trong các quyết định của tỉnh theo khung giá tiêu thụ nước sinh hoạt do Bộ Tài chính quy định để tránh tình trạng tùy tiện nâng giá, bảo đảm quyền lợi cho nhân dân. Chính sự hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người dân là tiền đề cho sự phát triển các công trình nước sạch nông thôn trong thời gian qua.
Như vậy, để bảo đảm quyền sử dụng nước, giảm thiểu xu hướng khai thác quá mức cần thiết phải có hệ thống pháp lý hoàn thiện và hiệu quả; có quy hoạch và kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các hoạt động thăm dò, khai thác nguồn nước, kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác nước bừa bãi. Cấp lưu vực là cấp tốt nhất để giải quyết vấn đề tiếp cận nguồn nước cho các nhu cầu có tính cạnh tranh. Quy hoạch lưu vực sông có thể là một biện pháp tổng hợp rất hữu ích cho công tác quản lý nước, vì có thể xóa bỏ ranh giới hành chính giữa các cấp chính quyền và ngành. Xây dựng kế hoạch phát triển tầm chiến lược cho ngành cấp nước đô thị, trong đó đặt ra các mục tiêu rõ ràng để giảm nước thất thoát và cung cấp các cơ sở hạ tầng mới cho ngành. Xây dựng cơ sở dữ liệu chung, quy hoạch tổng hợp dựa trên cơ sở dữ liệu thu nhập.
Đặc biệt cần một khung ưu đãi phù hợp với mục tiêu chính sách và tài chính có thể dẫn đến những thay đổi hành vi. Các chính sách về doanh thu trong ngành nước có thể được thiết kế để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và làm tăng giá trị sử dụng, tạo ra các nguồn lực tài chính. Ví dụ: bằng việc tăng giá nước trong lĩnh vực thủy lợi, cũng sẽ giúp làm tăng giá trị tài nguyên nước và bảo tồn tài nguyên này tốt hơn, cũng như bảo đảm vận hành, bảo dưỡng an toàn hồ đập và cung cấp các dịch vụ thủy lợi. Chính sách này có thể áp dụng cho phí môi trường, phí tăng cao hơn và quy định hiệu quả sẽ làm giảm các hành vi gây hại và làm tăng các nguồn lực BVMT. Đẩy mạnh hơn nữa các ưu đã kinh tế để thúc đẩy tính bền vững trong quản lý nguồn nước và hệ thống cấp nước [83].