Giải pháp về tạo lập điều kiện bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch

Một phần của tài liệu bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch ở nông thôn từ thực tiễn các tỉnh đồng bằng sông hồng (Trang 135 - 148)

Chương 4 QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO BẢO ĐẢMQUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO BẢO ĐẢM

4.3. Các giải pháp bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch ở nông thôn

4.3.3. Giải pháp về tạo lập điều kiện bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch

(i) Giải pháp về vốn: Việc thiếu nguồn lực tài chính là khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch. Trong khi nguồn lực thì hữu hạn mà nội dung thực hiện Chiến lược quốc gia về nước sạch và VSMT nông thôn lại khá rộng, không có ưu tiên cụ thể trong từng giai đoạn cho từng mối quan hệ nên tính hiệu quả của các công trình cấp nước khá thấp. Yêu cầu đặt ra là:

- Cần xây dựng cơ chế bảo đảm tính bình đẳng và công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia cung cấp nguồn nước sạch được tiếp cận và vay vốn phù hợp với từng vùng và chu kỳ nguồn nước. Bảo đảm nguồn vốn ngân sách nhà nước cho thực hiện Chiến lược quốc gia; hỗ trợ lãi suất vốn vay ưu đãi do Ngân hàng Nhà nước công bố với mức hợp lý. Tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân được tiếp cận với các nguồn vốn, các hỗ trợ từ các tổ chức tài chính phù hợp với cơ chế thị trường.

- Về hỗ trợ đầu tư từ ngân sách: Theo quy định của chính sách, ngân sách nhiều địa phương hỗ trợ cho doanh nghiệp theo phương thức hỗ trợ sau khi công

trình hoàn thành và đi vào sử dụng. Tuy nhiên thực tế trong quá trình triển khai, hầu hết các doanh nghiệp tham gia đầu tư xã hội hóa là các doanh nghiệp nhỏ, năng lực tài chính còn hạn chế trong khi vốn đầu tư xây dựng công trình lớn, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước ngay trong quá trình đầu tư xây dựng công trình; cần có cơ chế tạm ứng trước nguồn hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai, tránh tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Ngoài ra, cần bảo đảm tính cạnh tranh trong kinh doanh nước sạch nông thôn, ưu tiên các hệ thống quy mô lớn, bền vững, cộng nghệ hiện đại, chất lượng nước tốt, giá thành hợp lý. Vận dụng hợp lý Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đối với doanh nghiệp có dự án cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn được hỗ trợ từ 2 triệu đồng/m3/ngày đêm (nâng cấp) đến 3 triệu đồng/m3/ngày đêm (xây mới); 50% chi phí đường ống chính theo quy định tại Điều 13.

- Chính sách đầu tư phải bảo đảm phù hợp với đặc điểm quy mô cấp nước, từng mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh nước sạch để bảo đảm tính khả thi trong sử dụng nguồn vốn. Cần đầu tư có chọn lọc cho các đối tượng trên cơ sở tìm hiểu khả năng sử dụng nguồn vốn, tránh tình trạng đầu tư dàn trải không đúng đối tượng và hướng sử dụng hợp lý. Ưu tiên đầu tư vốn xây dựng các công trình và nâng cao khả năng quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Kinh phí đầu tư không những cho cơ sở hạ tầng mà còn đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, nâng cao nhận thức và năng lực của cả người quản lý và người dân,…Tăng cường quan hệ với các tổ chức quốc tế, thu hút đầu tư dự án, nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào thúc đẩy tiếp cận nguồn nước sạch ở cả 3 khía cạnh: khả năng tiếp cận, tính bền vững và tính công bằng.

Sự đầu tư về tài chính và tín dụng cần phải kịp thời, đơn giản về thủ tục, phù hợp với trình độ của người dân, nhất là những người dân nghèo, dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Cùng với sự hỗ trợ về tài chính, cần có hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác để sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất. Đặc biệt, cần nghiên cứu cơ chế tài chính phát huy nội lực dựa trên nguyên tắc người sử dụng phải đóng góp phần lớn chi phí xây dựng công trình và toàn bộ chi phí vận hành, duy tu bảo dưỡng và quản lý vượt ra ngoài sự bao cấp của nhà nước.

- Cần nghiên cứu ban hành khung giá nước đối với hệ thống cấp nước tập trung nhằm bảo đảm cho các công ty cấp nước (Nhà nước và tư nhân) tự chủ về tài chính, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tóm lại, để thực hiện được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về nước sạch và VSMT nông thôn đòi hỏi phải xây dựng một kế hoạch cải cách và cung cấp tài chính dài hạn cho việc khai thác nguồn nước và cung cấp dịch vụ nước để giải quyết các vấn đề như bền vững tài chính; các yêu cầu hiện đại hóa và định hướng dịch vụ; nâng cao hiệu quả sử dụng nước; các chỉ tiêu chất lượng nước và môi trường; ưu tiên cải cách chính sách phát triển và khu vực tư nhân, nâng cao trách nhiệm của người dân trong thanh toán các dịch vụ.

(ii) Hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và kinh doanh nước sạch

- Để bảo đảm thúc đẩy tiếp cận nước sạch cho tất cả mọi người dân, cần thiết phải xây dựng cơ sở hạ tầng cấp nước; đặc biệt là hệ thống trữ nước, xử lý nước, đường ống nhằm nâng cao chất lượng cung cấp nước tới tận người sử dụng, nhờ đó nâng cao được năng lực quản lý các nguồn tài nguyên, trong đó có quản lý bảo vệ, phát triển tài nguyên nước.

Về nguyên tắc việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của toàn vùng, gắn với quy hoạch và bố trí dân cư, sắp xếp sản xuất, BVMT sinh thái. Trước hết, phải tập trung vào đầu tư hệ thống khai thác và dịch vụ có chất lượng, hạn chế thất thoát nguồn nước trong quá trình vận hành đến mức tối đa. Khai thác hợp lý và tiết kiệm tài nguyên là một chính sách quan trọng, đáp ứng yêu cầu lâu dài của nền kinh tế PTBV. Chúng ta chỉ có thể tăng sản lượng khai thác trên cơ sở bảo đảm nguồn vốn đầu tư và phát triển nhanh vốn rừng cả chiều rộng lẫn chiều sâu để nguồn nước được tái tạo tự nhiên cả về số lượng và chất lượng.

- Phí dịch vụ nước cần được chỉnh sửa để dần dần phản ánh đúng chi phí kinh tế phải bỏ ra cho việc cấp nước, việc vận hành, duy tu bảo dưỡng và các đầu tư sau này nhằm nâng cao dịch vụ cấp nước, chất lượng nước và bảo đảm tính hiệu quả, bền vững hệ thống.

- Huy động, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp nước sạch

nông thôn dưới hình thức hợp tác công tư đã thành công ở nhiều quốc gia thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Các kết quả cho rằng: hình thức đầu tư này so với khu vực công có chi phí đầu tư thấp hơn; lượng nước thất thoát ít hơn;

nguồn nước cấp bảo đảm tính liên tục, áp lực ổn định; mức độ bảo đảm về chất lượng nước cấp cao hơn, thái độ phục vụ tốt hơn; do đó, tỷ lệ kết nối sử dụng nước trong hệ thống cao hơn [38]. Sự tham gia của khu vực tư nhân đã góp phần giảm ngân sách Nhà nước chi cho các hoạt động cải thiện đời sống dân sinh, nhất là tăng cơ hội tiếp cận nước sạch cho các đối tượng yếu thế, như hộ nghèo; đồng thời, mở rộng phạm vi cấp nước đến các vùng khó khăn; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, thúc đẩy hiệu quả đầu tư; mở rộng quy mô hợp tác công tư trên tất cả các lĩnh vực của ngành nước. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả chủ trương mở rộng các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư cung cấp nước sạch nông thôn cần thiết phải giải quyết các khó khăn, thách thức sau: (i) Tạo hành lang pháp lý rõ ràng, có cơ chế phù hợp với đặc thù ngành nước để thu hút các thành phần ngoài nhà nước tham gia; (ii) Xây dựng cơ chế hỗ trợ hợp lý để giảm các áp lực về vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ vận hành công trình; (iii) Tham khảo các địa phương đã thành công ở vùng ĐBSH, như đã trình bày ở phần 3.3.1 của tỉnh Thái Bình; (iv) Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương bảo đảm tính công khai, minh bạch có sự tham gia của tất cả các bên liên quan về hoạt động cung cầu nước, nhất là điều tiết giá hợp lý, bảo đảm tính có lãi cho các đơn vị cung cấp.

4.3.3.2. Giải pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước đầu vào

Nguồn nước đầu vào cho hoạt động cấp nước có thể là nước mặt từ hệ thống thủy lợi, hệ thống lưu vực sông, hồ chứa hoặc là nước dưới đất. Các nguồn nước rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương do tác động của các hoạt động kinh tế xã hội có liên quan đến các hành vi xả thải không hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liền kề các hệ thống này. Do đó, cần thiết phải có các giải pháp tăng cường bảo vệ chất lượng nguồn nước đầu vào góp phần giảm chi phí xử lý; bảo đảm chất lượng nước tới người tiêu dùng với giá thành hợp lý; Có thể tham khảo phương thức triển khai bảo vệ nguồn nước cấp của thành phố Hải phòng [76] để bảo vệ nguồn nước đầu vào và tránh thất thoát nước với các biện pháp cụ thể:

- Tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Tập trung xử lý những vi phạm pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước

- Thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đặc biệt các nguồn nước cung cấp chủ yếu cho các nhà máy nước sạch nông thôn. Xây dựng các phương án bảo vệ, cải tạo chất lượng nguồn nước khai thác đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm cấp nước an toàn.

- Xây dựng các trạm quan trắc để kiểm soát, thông báo các thông tin, dữ liệu chính về chất lượng các nguồn nước. Rà soát, phân công, phân cấp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể đối với từng tổ chức, cá nhân trong việc quản lý nguồn nước ngọt.

Cùng với bảo vệ chất lượng nguồn nước đầu vào cũng cần có kế hoạch phòng, chống thất thoát nước tại mỗi hệ thông cấp nước, từ công tác quản lý cho đến công tác phòng chống thất thoát trong kỹ thuật.

4.3.3.3. Giải pháp khoa học và công nghệ

Cần đẩy mạnh triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các công trình cấp nước sạch nông thôn, trong đó ưu tiên:

- Đầu tư tập trung, đúng mức các trang thiết bị tại các cơ sở nghiên cứu khoa học, tránh tình trạng chảy máu chất xám. Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ ứng dụng trong hoạt động cấp nước sinh hoạt.

- Đa dạng hóa các loại hình công nghệ cấp nước phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương trên địa bàn tỉnh, bảo đảm phát triển bền vững; khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước bằng các công nghệ phù hợp;

nâng cao chất lượng công trình và chất lượng nước. Từng bước thay thế các công nghệ xử lý đơn giản, lạc hậu để bảo đảm chất lượng nước sạch nông thôn được đồng đều, nhất là tại các công trình cấp nước tập trung. Đồng thời, áp dụng công nghệ cao để giảm tỷ lệ hao hụt so với quy chuẩn, bảo đảm tính liên tục, ổn định của áp lực cấp nước.

- Cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng phát triển các giải pháp công nghệ hiện đại, tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực cấp nước nông thôn.

-Cần ban hành sổ tay hướng dẫn quản lý, vận hành nhà máy nước sạch nông thôn. Hiện đại hóa hệ thống quan trắc nước, tăng cường công cụ phân tích và đầu tư cho tri thức về nước. Thu thập tất cả dữ liệu tài nguyên nước vào một hệ thống thông tin đầy đủ, dễ tiếp cận, minh bạch, và đồng nhất để quản lý nước tốt.

-Quản lý thông qua các hệ thống quan trắc tự động phối hợp với thanh, kiểm tra đột xuất. Đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ phục vụ kiểm tra, giám sát nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực cấp nước sinh hoạt.

Đẩy mạnh áp dụng các mô hình quản lý hợp lý

Để công trình hoạt động ổn định và bền vững đòi hỏi phải có mô hình quản lý phù hợp với các yêu cầu về kinh tế xã hội, kỹ thuật – công nghệ và môi trường pháp lý thuận lợi cho việc hoạt động và phát triển bền vững công trình. Một xu thế mới trên thế giới trong lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn là xã hội hóa trong xây dựng, thị trường hóa trong cung ứng dịch vụ, áp dụng mô hình công tư kết hợp trong quản lý và đẩy mạnh tham gia của tư nhân nhằm thoát khỏi “vòng luẩn quẩn” trong quản lý vận hành hệ thống. Theo kết quả khảo sát đánh giá tổng kết mô hình quản lý khai thác công trình cấp nước nông thôn sau đầu tư ở các địa phương vùng ĐBSH, cho thấy: Các công trình cấp nước do doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý đều hoạt động hiệu quả, bền vững. Các hoạt động do cộng đồng tự quản hoạt động không đồng đều, nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả.

(i) Mô hình đơn vị sự nghiệp công lập quản lý với các công trình cấp nước trung bình và quy mô lớn, phạm vi cấp nước liên xã. Mô hình phổ biến ở vùng nông thôn, bảo đảm cung cấp nước có chất lượng thông qua các quy định về kiểm tra chất lượng định kỳ, giá thành phù hợp theo quyết định giá nước của UBND tỉnh; mô hình là cơ sở tiếp nhận các nguồn tài trợ từ các tổ chức; công nghệ được điều chỉnh, quản lý phù hợp với luật pháp quy định; tuy nhiên, hạn chế của mô hình là nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu, chi phí quản lý vận hành và bảo dưỡng lớn nên nhiều nơi do quản lý kém hiệu quả, nguồn thu không đủ bù chi đã dẫn đến cơ sở xuống cấp, chất lượng nước không bảo đảm , người dân chuyển sang sử dụng nguồn nước khác, gây lãng phí đầu tư.

Địa phương áp dụng mô hình khá hiệu quả, đó là Công ty Cổ phần nước sạch nông thôn và vệ sinh môi trường tỉnh Nam Định hoạt động theo mô hình Cổ phần với 05 cổ đông, trong đó cổ đông Nhà nước chiếm giữ 99,469% vốn điều lệ, phần còn lại do 04 cổ đông hợp tác xã nắm giữ với mô hình gồm 02 khối: Khối gián tiếp, gồm lãnh đạo, các phòng chuyên môn và khối trực tiếp, gồm đội thi công, các nhà máy nước. Kết quả chất lượng cấp nước sinh hoạt đều được kiểm tra định kỳ theo quí, gồm các tiêu chí được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT) (Hình 5, Phụ lục).

(ii) Mô hình doanh nghiệp quản lý với quy mô đa dạng, áp dụng phù hợp cho các vùng dân cư tập trung, hệ thống quản lý theo doanh nghiệp nên bộ máy tinh giản, gọn nhẹ, trình độ năng lực quản lý vận hành công trình bảo đảm tốt.

Mô hình đã chủ động tìm kiếm khách hàng, vận động, đáp ứng tốt các nhu cầu khách hành; đồng thời, linh hoạt, nhạy bén trong tiếp thu các công nghệ hiện đại nên hạn chế được thất thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây là mô hình có nhiều tiềm năng phát triển ở những vùng đồng bằng với tiềm lực kinh tế xã hội tốt, kết hợp các chính sách, ưu đãi, môi trường pháp lý thuận lợi sẽ là cơ sở thúc đẩy phát triển, thu hút được nguồn vốn đầu tư vào cải thiện hệ thống cấp nước. Tuy nhiên, hạn chế của mô hình là chất lượng, hiệu quả thường đi kèm giá thành cao nếu không có cơ chế hỗ trợ, giám sát (Hình 6, Phụ lục).

(iii) Mô hình kết hợp giữa doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập (Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh) [53]. Mô hình tổ chức gồm: Ban lãnh đạo và các phòng ban nghiệp vụ; trong đó, có sự tham gia của cơ quan sự nghiệp Nhà nước thông qua Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh. Trung tâm sẽ kết hợp với các doanh nghiệp tư nhân thành lập các phòng ban chức năng chịu trách nhiệm cung cấp, quản lý,vận hành và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát (Hình 7, Phụ lục).

Trung tâm gồm có 2 bộ phận: Bộ phận làm việc văn phòng và bộ phận lao động kỹ thuật có kinh nghiệm trong xây lắp, vận hành, bảo dưỡng các công trình cấp nước nông thôn. Cán bộ, công nhân chịu trách nhiệm vận hành, duy tu,bảo dưỡng được tuyển dụng đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn, về công nghệ kỹ thuật cấp nước, về quy trình vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình.

Một phần của tài liệu bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch ở nông thôn từ thực tiễn các tỉnh đồng bằng sông hồng (Trang 135 - 148)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(174 trang)
w