Mục tiêu, đối tượng và nguyên tắc phát triển công chúng bảo tàng

Một phần của tài liệu Luan van hoạt động phát triển công chúng tại bảo tàng mỹ thuật việt nam (Trang 24 - 32)

Chương 1: CƠ SƠ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG CHÚNG VÀ TỔNG QUAN VỀ BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM

1.1. Cơ sở lý luận về phát triển công chúng

1.1.2. Mục tiêu, đối tượng và nguyên tắc phát triển công chúng bảo tàng

1.1.2.1. Mục tiêu

Ngày nay bảo tàng nỗ lực trong các hoạt động phát triển công chúng nhằm tăng cường sự kết nối với công chúng cả về số lượng và chất lượng.

Công chúng là mục tiêu cuối cùng đồng thời cũng là một trong những tiêu chí đánh giá hoạt động bảo tàng. Khi công chúng quan tâm đến các sản phẩm bảo tàng và tham gia ngày càng đông, điều đó có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sản phẩm đó đã đáp ứng nhu cầu của công chúng. Các sản phẩm đa dạng của bảo tàng có thể là trưng bày, là hoạt động giáo dục trải nghiệm, là các dịch vụ…

Khi bảo tàng phát huy tốt các sản phẩm, đó là cơ sở để xác định và tăng cường sự kết nối với công chúng, tạo cơ hội để khách tham quan quay trở lại bảo tàng và trở thành những người hỗ trợ bảo tàng. Đưa những người chưa đến bảo tàng sẽ đến bảo tàng, những người đã đến bảo tàng sẽ quay trở lại bảo tàng nhiều lần và những công chúng quen thuộc của bảo tàng sẽ trở thành những người hỗ trợ hay đóng góp cho bảo tàng, từ đó tiếp cận với khán giả mục tiêu tiến tới thiết lập mạng lưới hoạt động cho các nhóm mục tiêu cụ thể.

Thực tế, các hoạt động bảo tàng hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, công chúng đến với bảo tàng sẽ được hưởng nhiều các lợi ích như: gia tăng sự hiểu biết, các kiến thức văn hóa xã hội và những xúc cảm chân thiện mỹ thông qua nguồn hiện vật bảo tàng, Từ đó biết trân trọng và tôn vinh giá trị di sản.

Còn đối với bảo tàng, khi thu hút được công chúng và sự quan tâm của cộng đồng sẽ khẳng định và phát huy vai trò của bảo tàng trong xã hội. Tạo sự khác biệt giữa bảo tàng với các thiết chế văn hóa khác, từ đó phát huy các giá trị hiện vật bảo tàng. Hơn nữa, khi số lượng du khách tới bảo tàng đông sẽ mang lại nguồn thu nhập cho bảo tàng, giúp cho việc tái đầu tư vào các hoạt động bảo tàng. Hơn nữa, khi bảo tàng quan hệ chặt chẽ với cộng đồng trong các chương trình bảo vệ di sản điều đó sẽ giúp công chúng tại địa phương trong nhận thức về giá trị của văn hóa. Điều đó mở rộng triết lý về bảo tồn di sản văn hóa trong việc xây dựng năng lực của người dân đia phương về thái độ ứng xử với khách du lịch. Do đó, văn hóa hỗ trợ làm tăng sự giàu có và hợp pháp kinh tế địa phương [35].

Tóm lại, phát triển công chúng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng từ việc hưởng thụ và thưởng thức các giá trị do bảo tàng mang lại và ngược lại bảo tàng cũng có nhiều lợi ích đáng kể trong việc thu hút công chúng đến với mình.

1.1.2.2. Đối tượng

Hoạt động phát triển công chúng tại bảo tàng, xác định hai đối tượng chính là: công chúng bảo tàng và các hoạt động bảo tàng trong việc thu hút công chúng.

* Công chúng Bảo tàng

Công chúng bảo tàng được xác định là những người hưởng thụ hoặc sử dụng các sản phẩm của bảo tàng, họ là những người nghiên cứu, tình nguyện viên, truyền thông, viện nghiên cứu, nhà tài trợ” [39]

Theo đó, chúng ta có thể phân loại công chúng bảo tàng như sau:

- Khách tham quan là cộng đồng dân cư địa phương

- Khách tham quan là những người ở du lịch trong và ngoài nước

- Các nhà nghiên cứu, các nhà giáo dục, sinh viên và cựu sinh viên, các học giả, những nhà nghiên cứu trong trường học…

- Các khách tham quan trực tuyến qua online - Các tình nguyện viên bảo tàng

- Giới truyền thông như các nhà báo, phóng viên - Các viện nghiên cứu: đặc biệt là các nhà giáo dục - Các nhà tài trợ, bảo trợ

- Những người biếu tặng hiến vật - Những người bạn bảo tàng

- Xác định công chúng tiềm năng bảo tàng.

Việc xác định và phân loại công chúng có vai trò quan trọng, là cơ sở để bảo tàng đưa ra các hoạt động phù hợp.

* Các chương trình phát triển công chúng

Các chương trình phát triển công chúng nên được đa dạng nhằm phục vụ nhiều đối tượng công chúng khác nhau về tuổi, giáo dục, trình độ xã hội, điều kiện sức khỏe, khả năng thể chất và tình thần như những người khiếm thính hoặc khiếm thị. Phương thức hoạt động có thể thay đổi tùy theo tính chất của mỗi sự kiện như thuyết trình, tổ chức các hoạt động có thể tại bảo tàng hoặc tại trường cơ sở và các trường đại học. Ngoài dàn dựng các chuyên đề trưng bày và hoạt động sự kiện, bảo tàng cũng sử dụng các phương thức nghệ thuật như kịch, nhảy, đọc thơ, nghề thủ công nhằm giúp cho các trải nghiệm thêm thú vị. Ngoài ra, bảo tàng cũng cõ thể nghiên cứu tăng cường thêm giờ mở cửa vào buổi tối cho những người trưởng thành khi ban ngày phải bận đi làm, không có thời gian đi thăm quan bảo tàng, hoặc dành cho các đối tượng khách du lịch; Vận hành các chương trình gắn kết các hoạt động tại

các trường học và cộng đồng nhằm quảng bá bảo tàng; Thay đổi, branding, logo, slogan của bảo tàng nhằm tạo ra cho bảo tàng luôn có sự thay đổi, kích thích sự tò mò hưng phấn của công chúng; Sử dụng các phương tiện truyền thông nhằm quảng bá bảo tàng, các chương trình và sự kiện mới là một trong những điều kiện quan trọng nhằm giúp công chúng có thể nắm được các hoạt động của bảo tàng; Thay đổi các cấu trúc giá cả.

Sự đa dạng trong các chương trình hoạt động nhằm tiếp cận và thu hút công chúng tới bảo tàng được sử dụng sẽ giúp làm gia tăng hoặc làm thay đổi lượng khán giả.

Thêm vào đó, các chương trình nên xác định các mục tiêu rõ ràng nhằm làm tăng tính khả thi cho việc thực hiện kế hoạch như việc tăng cường các truyền thông qua internet nhằm gia tăng số lượng khách tham quan, bao gồm cả khách đăng ký online và khách đăng ký trực tiếp qua làm việc với các tình nguyện viên. Phát triển và tăng cường cách tiếp cận trưng bày, các chương trình và dịch vụ bảo tàng nhằm gia tăng mức độ hưởng thụ và thỏa mãn cảm xúc của công chúng, phản ánh sự đa dạng văn hóa trong các sưu tập và chương trình, hỗ trợ công chúng có thể hiểu hơn về vai trò của bảo tàng và các bộ sưu tập, gia tăng sự tham gia của các tình nguyện viên trong việc điều hành và thúc đẩy khách tham quan hiện có và tiềm năng của bảo tàng, khuyến khích công chúng hiện có và công chúng tiềm năng sử dụng các thiết bị và chương trình của bảo tàng, vượt qua mọi rào cản ngăn cách giữa bảo tàng và công chúng, cũng như xây dựng mối quan hệ với các đại lý du lịch.

Các chiến lược của bảo tàng cần có sự gặp gỡ với nhu cầu của công chúng cũng như các sở thích của họ, bảo tàng nên có kế hoạch tiếp cận một cách thường xuyên và cập nhật để hiểu về nhu cầu của cộng đồng, hỗ trợ người dân địa phương nâng cao trách nhiệm với di sản cuả họ từ nhận thức

của họ đối với di sản bằng các hoạt động trải nghiệm thực hành trong bảo tàng, từ đó giúp họ phát triển kỹ năng và sự tự tin của mình.

Như vậy, các bảo tàng đề triển khai các hoạt động phát triển công chúng cần xác định công chúng của mình là ai và các chương trình bảo tàng là gì để đáp ứng nhu cầu của đối tượng công chúng đó.

1.1.2.3. Nguyên tắc

Để thực hiện chiến lược phát triển công chúng, cần dựa trên các nguyên tắc như sau:

- Chiến lược dài hạn của bảo tàng

Đây là một quá trình được thực hiện liên tục. Để phát triển công chúng bảo tàng luôn xây dựng các chiến lược ngắn hoạt động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Các hoạt động này luôn nhằm mục tiêu là xây dựng và phát triển các khán giả mục tiêu cụ thể tùy thuộc vào từng giai đoạn.

- Thực hiện dựa theo chức năng và nhiệm vụ của Bảo tàng

Để đưa ra các chương trình nhằm phát triển công chúng cần dựa vào chức năng và nhiệm vụ riêng của mỗi bảo tàng. Bởi lẽ mỗi bảo tàng tùy theo đặc trưng của mình sẽ có những hướng đi riêng của mình để thu hút công chúng của mình một cách hiệu quả nhất. Khó mà lấy mô hình của bảo tàng này để áp dụng sang một bảo tàng khác loại hình.

- Hiểu và xác định đối tượng công chúng hiện tại và công chúng tiềm năng Do dặc thù mỗi bảo tàng khác nhau, đáp ứng nhu cầu khác nhau của từng nhóm đối tượng. Ví dụ, công chúng của loại hình bảo tàng lịch sử sẽ khác với bảo tàng loại hình dân tộc học hay bảo tàng chuyên ngành mỹ thuật.

Do vậy, việc xác định công chúng một cách rõ ràng, đúng đắn sẽ tạo ra hiệu quả nhất định khi đưa ra chiến lược và các mục tiêu cụ thể của mỗi bảo tàng

- Nắm bắt các hoạt động Bảo tàng đang diễn ra

Điều này thể hiện, các nhà làm kế hoạch cần nghiên cứu, phân tích những điểm mạnh, điểm yếu và bối cảnh hoạt động của bảo tàng mình. Bởi lẽ khi hoạt động và phát triển, chúng ta cần dựa trên nguồn lực mà chúng ta đang có. Nếu đưa ra một mục tiêu quá lớn vượt quá khả năng thực hiện thì kế hoạch đó của chúng ta sẽ khó thành công, còn trong trường hợp đưa ra một mục tiêu quá thấp thì sẽ là một kế hoạch không tốt, không xứng tầm và sẽ làm mất đi cơ hội của bảo tàng.

- Xây dựng kế hoạch và đánh giá

Sau khi lập kế hoạch, triển khai thực hiện, thì cần có sự nhìn nhận đánh giá những hiệu qủa của kế hoạch đó. Liệu kế hoạch đó có được coi là thành công hay không? Thành công ở mức độ nào? Còn nếu chưa thành công thì nguyên nhân ở đây là gì? Cần có quá trình nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách kỹ lưỡng, tỉ mỉ để rút kinh nghiệm cho các chương trình sau này.

Tóm lại, mỗi chương trình phát triển công chúng cần dựa trên các nguyên tắc cụ thể phụ thuộc vào chính đặc thù của mỗi bảo tàng, sứ mệnh, chức năng nhiệm vụ của bảo tàng, kế hoạch phát triển bảo tàng theo từng giai đoạn, nhằm thực hiện một chương trình phát triển công chúng hiệu quả.

1.1.2.4. Vai trò

Sự tham gia của cộng đồng có vai trò quyết định đối với các chương trình và hoạt động sống còn của bảo tàng. Khi công chúng quan tâm đến bảo tàng, đồng nghĩa với việc khoảng cách giữa bảo tàng và công chúng được gần nhau hơn sẽ góp phần xây dựng nhận thức về di sản và nhận thức về bản sắc”

[35] Chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương có thể được cải thiện thông qua nhận thức về bảo tồn di sản văn hóa” [41].

Phát triển công chúng là một xu hướng toàn cầu đối với các bảo tàng trên thế giới. Phát triển công chúng có vai trò quan trọng. Điều này nhắc chúng ta quay trở lại với định nghĩa về bảo tàng, nhắc chúng ta đến sứ mệnh của bảo tàng. Bảo tàng là nơi lưu giữ, bảo quản, trưng bày và truyền đạt thông tin cho công chúng. Bảo tàng chứa đựng những tinh hoa văn hóa của nhân loại, truyền tải những tri thức…tất cả những điều đó là để phụng sự cho công chúng. Nếu như vài thập kỷ trước, các hoạt động của bảo tàng chỉ xoay quanh hiện vật, coi hiện vật là trung tâm của hoạt động bảo tàng thì ngày nay, bảo tàng đã lấy con người làm trung tâm hoạt động của mình, là trái tim hoạt động của bảo tàng. Nếu một bảo tàng không có khách tham quan thì đó sẽ chỉ là một “bảo tàng chết”. Số lượng và chất lượng các hoạt động bảo tàng dựa trên sự đánh giá của khách tham quan và điều đó thể hiện sự thành công của mỗi bảo tàng.

Hiểu khách tham quan và phát triển khách tham quan chính là chìa khóa để bảo đảm bảo tàng và di sản của họ phát triển bền vững trong tương lai [31].

Có thể nói, bảo tàng đóng vai trò quan trọng đối với cộng đồng trong vấn đề lưu giữ bảo tồn và phát huy các sưu tập hiện vật có giá trị về văn hóa, lịch sử, môi trường và phát triển xã hội. Nó được xem như một địa chỉ có ý nghĩa đối với gia đình, khách tham quan, trường học, các khách tham quan và mỗi cá nhân, đến để thưởng thức, học tập và mở rộng phạm vi nhận thức. Và mục tiêu của các chương trình là hỗ trợ cho các tổ chức và cá nhân cùng nhau truyền tải thông điệp nhằm gia tăng các ứng dụng của bảo tàng cho cả đối tượng khách hiện nay và khách tiềm năng. Họ nhận ra vai trò đặc biệt của bảo tàng trong cộng đồng, những khán giả. Các chương trình mà bảo tàng cung cấp nhằm thỏa mãn nhu cầu của công chúng cũng đồng thời giúp tăng cường nhận thức của công chúng trong vấn đề bảo tồn di sản văn hóa.

Theo ICOM, điều 3 khoản 1:

Bảo tàng là một tổ chức phi lợi nhuận, thường trực phục vụ cho xã hội và sự phát triển của nó, mở ra cho công chúng, thu thập, bảo tồn, nghiên cứu, giao tiếp và trưng bày di sản vật thể và phi vật thể của nhân loại và môi trường cho mục đích giáo dục, học tập và hưởng thụ”. Hơn nữa, “các bảo tàng cho phép con người được khám phá các sưu tập để truyền cảm hứng, học tập và thưởng thức. Đó là những thể chế để sưu tập, bảo đảm và dễ tiếp cận đồ tạo tác và các mẫu vật, nơi mà chúng cất giấu những niềm tin cho xã hội [38, tr.1].

“Bảo tàng thúc đẩy đời sống văn hóa của dân tộc, khuyến khích sự tham gia tích cực trong bảo vệ di sản văn hóa, giúp cho phát triển các khách nước ngoài và đóng góp cho nền công nghiệp du lịch. Ở mực độ địa phương, các bảo tàng đóng vai trò truyền tải học tập và dịch vụ cộng đồng” [28, tr.6].

Có thể thấy bảo tàng có mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng. Điều đó có nghĩa các bảo tàng được tạo ra do chính cộng đồng và phục vụ cho chính cộng đồng đó.

Đối với Phát triển khách du lịch nước ngoài, chính là cách để quảng bá di sản văn hóa dân tộc, là cách để tạo ra bản sắc riêng, là tiếng nói đại diện của dân tộc. “Di sản văn hóa bao gồm các tài sản hữu hình và vô hình, tự nhiên và văn hóa, động sản và bất động sản được thừa hưởng từ quá khứ. Nó có giá trị cực kỳ cao cho hiện tại và tương lại của cộng đồng. Tiếp cận, bảo tồn, và giáo dục xung quanh di sản văn hóa là cái cần thiết cho sự tiến hóa của con người và văn hóa của họ”. Bảo tàng cùng các địa chỉ tích khác là nơi quảng bá các di sản văn hóa địa phương, và đồng thời là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, theo đó nó đóng vai trò chính trong việc tiếp cận di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, làm gia tăng nhận thức cộng đồng theo từng cấp độ. Và đồng thời là yếu tố giúp cho nghành công

nghiệp du lịch phát triển. Các thông số thông tin của khách tham quan sẽ là cơ sở để bảo tàng tạo ra các sản phẩm, đa dạng hóa các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách.

Tóm lại, phát triển công chúng có vai trò quan trọng trong xã hội, đối với phục vụ cộng đồng dân cư địa phương, từ đó thúc đẩy ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Ngoài ra việc bảo tàng và thu hút khách nước ngoài sẽ đóng góp vai trò trong việc phát triển ngành công nghiệp du lịch đồng thời góp phần quảng bá di sản văn hóa địa phương và bản sắc văn hóa quốc gia tới cộng đồng quốc tế.

Một phần của tài liệu Luan van hoạt động phát triển công chúng tại bảo tàng mỹ thuật việt nam (Trang 24 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)