Lịch sử hình thành và quá trình phát triển Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Một phần của tài liệu Luan van hoạt động phát triển công chúng tại bảo tàng mỹ thuật việt nam (Trang 41 - 44)

Chương 1: CƠ SƠ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG CHÚNG VÀ TỔNG QUAN VỀ BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM

1.2. Tổng quan về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

1.2.1. Lịch sử hình thành và quá trình phát triển Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1954), công tác bảo tồn di tích, di sản văn hóa đã được nhà nước quan tâm. Một số bảo tàng quốc gia được thành lập như: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (1958), Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (1959), Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam (1959), Bảo tàng khu tự trị Việt Bắc (1960), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức được thành lập năm 1966.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một Bảo tàng Quốc gia trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, là nơi lưu giữ và phát huy tinh hoa nghệ thuật Việt Nam, đồng thời tuyên truyền giới thiệu nền văn hóa nghệ thuật Việt nam ra thế giới.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có hai cơ sở: Cơ sở I nằm tại số nhà 66 đường Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, trung tâm Thành phố Hà Nội với tổng diện tích là 4.737m2 trong đó diện tích trưng bày chiếm trên 3.000m; Cơ sở II tại số 97 phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội với diện tích gần 5.000m2 với một không gian lớn, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, được sử dụng để bảo quản và phục chế các tác phẩm nghệ thuật cũng như tổ chức các cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

Trụ sở chính của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ngày nay, trước năm 1945 nguyên là ngôi nhà 3 tầng với diện tích sử dụng là 1200 m2, trước mặt có một vường hoa bán nguyệt. Đây vốn là Ký túc xá sử dụng cho con gái các quan chức Pháp làm việc tại ba nước Đông Dương (xây dựng năm 1930) về

Hà Nội học. Sau Cách mạng tháng Tám, biệt thư này được sủ dụng cho nhiều nhu cầu khác nhau.

Năm 1962, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giao cho Bộ Văn hóa ngôi nhà 66 Nguyễn Thái Học để cải tạo thành Bảo tàng Mỹ thuật. Từ năm 1962 đến năm 1966, đội ngũ cán bộ Viện Nghiên cứu Mỹ thuật Mỹ nghệ (tiền thân của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) đứng đầu là cố họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung đã tập trung nghiên cứu, xây dựng nội dung trưng bày và cải tạo kiến trúc tòa nhà cổ của Pháp cho phù hợp với yêu cầu trưng bày các tác phẩm mỹ thuật.

Sau bốn năm chuẩn bị tích cực về nhiều mặt, ngày 24/6/1966 Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được khánh thành mở cửa đón khách tham quan. Diện tích toàn bộ khuôn viên bảo tàng khoảng 4200m2 và diện tích trưng bày là 1.200m2. Ngày 13/10/1972 Bộ Văn hóa ra Quyết định là một đơn vị cơ sở trực thuộc Bộ.

Do nhiều nguyên nhân khách quan như: chiến tranh, khí hậu nhiệt đời gió mùa, mưa nhiều, độ ẩm cao, công tác lưu giữ, bảo quản chưa chuyên nghiệp nên nền mỹ thuật Việt Nam đã mất nhiều tác phẩm có giá trị. Nhận thấy rõ thực tế đó, ban lãnh đạo và đội ngũ cán bộ Viện Nghiên cứu Mỹ thuật Mỹ nghệ đã hoàn thành hệ thống trưng bày, bảo quản các tác phẩm mỹ thuật theo 5 chủ đề lớn (Mỹ thuật các dân tộc Việt Nam; Mỹ thuật thời đồ đá, đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt; Mỹ thuật phong kiến từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX; Mỹ thuật dân gian thủ công và Mỹ thuật tạo hình cận hiện đại Việt Nam) được giới mỹ thuật và đông đảo tầng lớp nhân dân đồng tình.

Năm 1972, theo nghị định số 84/VH-NĐ của Bộ Văn hóa, Viện Bảo tàng Mỹ nghệ đổi tên thành Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Kể từ đó, bảo tàng đã liên tục bổ sung nhiều cuộc trưng bày, triển lãm với quy mô lớn, đồng thời cử cán bộ đi nhiều nơi sưu tầm mang về cho Bảo tàng nhiều bộ sưu tập quý giá. Cùng với việc bổ sung về nội dung trưng bày, cơ sở vật chất của Bảo tàng cũng được mở rộng. Sau năm 1972, xây dựng thêm một ngôi nhà ba tầng. Ngoài ra các công

trình phụ cận cũng được bổ sung như: thiết kế lại hàng rào, cổng chính, vườn hoa, trạm biến thế điện, hệ thống bảo quản, hệ thống phòng cháy, chữa cháy…

Những năm sau đó, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ và Bộ Văn hóa Thông tin, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nhiều lần mở rộng diện tích, đổi mới và nâng cấp hệ thống trưng bày cho phù hợp và đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Ngày 24/3/1995, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vinh dự được xếp hạng là bảo tàng Quốc gia hạng I.

Từ năm 1997-1999, Bảo tàng đã thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới khu trưng bày nhằm mở rộng diện tích lên 4.737m2 với diện tích trưng bày trên 3.000m2. Kho bảo quản được di chuyển về cơ sở 2 tại Hoàng Cầu - Đống Đa - Hà Nội với diện tích khuôn viên gần 5.000m2 được sử dụng để bảo quản và phục chế các tác phẩm nghệ thuật cũng như tổ chức các cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho đến nay đã sưu tầm và lưu giữ khoảng 20.000 hiện vật có giá trị nghệ thuật. Hệ thống trưng bày cố định được sắp xếp theo trình tự thời gian, theo chuyên đề chất liệu, loại hình. Bảo tàng giúp công chúng có thể nhìn nhận, hiểu một cách khái quát tiến trình phát triển của Mỹ thuật Việt Nam giầu tính nhân văn, mạng đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, tại đây đã hội tụ khá đầy đủ các tác phẩm sáng giá của cá tác giả danh tiếng đại diện cho hội họa và điêu khắc Việt Nam thế kỷ XX. Bên cạnh hệ thống trưng bày cố định, bảo tàng còn thường xuyên tổ chức các triển lãm chuyên đề nhằm giúp công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về mỹ thuật trong nước và nước ngoài. Bảo tàng đã và đang trở thành một địa chỉ thu hút ngày càng đông các đối tượng tham quan như: học sinh, sinh viên, người lao động, trí thức… đặc biệt là khách quốc tế đến tham quan, nghiên cứu từ đó góp phần nâng cao nhận thức thẩm mỹ, tự hào về bản sắc văn hóa, nghệ thuật của dân tộc.

Năm 2004, Bộ Văn hóa - Thông tin đã có quyết định thành lập trung tâm Bảo quản - Tu sửa tác phẩm mỹ thuật, trực thuộc Bảo tàng. Đây là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam hoạt động chuyên sâu về mỹ thuật có ứng dụng nhiều nghiên cứu khoa học kỹ thuật, thiết bị công nghệ hiện đại với đội ngũ cán bộ chuyên môn cao.

Đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã trải qua gần 50 năm xây dựng và phát triển. Với 6 phòng ban chức năng, 1 trung tâm Bảo quản - Tu sửa tác phẩm mỹ thuật, và hơn 90 cán bộ, nhân viên được đào tạo từ những ngành nghề khác nhau, luôn không ngừng phấn đấu, vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình. Bảo tàng luôn chú trọng đến việc chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, quản lý tốt các hoạt động nghiệp vụ, gìn giữ và phát huy tốt các giá trị di sản mỹ thuật Việt Nam đưa bảo tàng từng bước đi lên trở thành một trong những Bảo tàng Mỹ thuật có vị thế trong khu vực và trên thế giới, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Một phần của tài liệu Luan van hoạt động phát triển công chúng tại bảo tàng mỹ thuật việt nam (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)