Dự báo thị phần công chúng của Bảo tàng

Một phần của tài liệu Luan van hoạt động phát triển công chúng tại bảo tàng mỹ thuật việt nam (Trang 105 - 110)

Chương 3: PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN CÔNG CHÚNG TẠI BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM

3.1.4. Dự báo thị phần công chúng của Bảo tàng

Căn cứ vào các số liệu điều tra công chúng tới thăm quan và tham gia vào các hoạt động của Bảo tàng có thể phân loại đưa ra các thị trường công chúng của bảo tàng. Việc phân loại nhằm đưa ra các định hướng công chúng, từ đó thiết kế các hoạt động phù hợp với từng đối tượng công chúng ưu tiên.

3.1.4.1. Công chúng hiện có

Hiện nay, theo số liệu điều tra khách tham quan, đối tượng công chúng đến với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có thể phân chia chủ yếu thành 03 nhóm như sau:

* Khách du lịch - khách tham quan nước ngoài

* Học sinh các trường cấp 1, cấp 2

* Sinh viên các trường đại học, đặc biệt là các trường xã hội

* Đối tượng gia đình

Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là khách tham quan du lịch chiếm khoảng 80%, đối tượng học sinh, sinh viên chiếm khoảng 18% và đối tượng gia đình khoảng 2%. Số lượng công chúng đến lần đầu chiếm phần trăm chủ yếu, trong khi những công chúng quay trở lại tham quan Bảo tàng chỉ chiếm số ít, không đáng kể, chủ yếu do dẫn bạn bè hoặc người thân đến thăm quan.

Nguyên nhân là do Bảo tàng không có sự đổi mới hệ thống trưng bày trong một thời gian dài cũng như không có các hoạt động và dịch vụ hấp dẫn khiến họ muốn quay trở lại để thưởng thức các dịch vụ này.

3.1.4.2. Công chúng mục tiêu bao gồm

Trong thời gian tới, Bảo tàng vẫn xác định các công chúng mục tiêu như sau:

* Khách du lịch - khách tham quan nước ngoài

* Học sinh các trường cấp 1, cấp 2

* Sinh viên các trường đại học, đặc biệt là các trường xã hội

* Trẻ em các trường mẫu giáo

* Các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật

* Đối tượng gia đình

* Người nước ngoài đang làm việc tại Hà Nội.

Để thu hút hấp dẫn các đối tượng công chúng này, Bảo tàng cần xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc tăng cường tiếp cận các đối tượng công chúng mục tiêu, cụ thể như:

- Đổi mới các hoạt động Bảo tàng: bên trong và bên ngoài. Cụ thể thay đổi diện mạo Bảo tàng, giúp cho Bảo tàng trở nên thân thiện hơn; Đổi mới hệ thống trưng bày, đặc biệt tăng cường nội dung trưng bày mỹ thuật đương đại;

xây dựng các sản phẩm hoạt động Bảo tàng.

- Kết nối với các tour du lịch lữ hành

- Kết nối với nhà trường, tăng cường cơ hội tiếp cận với giới trẻ

- Xây dựng các chương trình hoạt động trải nghiệm cho từng nhóm đối tượng cụ thể như:

Đối với nhóm đối tượng khách là học sinh, sinh viên:

Đây là một trong những thị phần tiềm năng rộng lớn của Bảo tàng. Hệ thống trưng bày cùng những sưu tập hiện vật có giá trị của Bảo tàng là những nguồn giáo cụ sinh động góp phần hỗ trợ công tác đào tạo những thế hệ tương lai của đất nước cả về kiến thức đào tạo cũng như góp phần giáo dục nhân cách, biết cảm thụ cái đẹp, đồng thời giúp các em phát triển kỹ năng của mình thông qua các hoạt động tại Bảo tàng. Những môn học như lịch sử, mỹ thuật, đại lý, văn học, thậm chí cả các môn tự nhiên như toán đều có thể được áp dụng học ngoại khóa tại Bảo tàng. Đưa Bảo tàng trở thành trường học thứ hai của các em, không những thế không gian đặc thù tại Bảo tàng sẽ góp phần kích thích sự tư duy sáng tạo, sự tự tin cho các em trong cuộc sống. Hơn nữa, việc thu hút các em học sinh yêu thích đến với Bảo tàng sẽ là sợi dây để lôi kéo các vị phụ huynh hiệu quả.Tuy vậy, thách thức cơ bản của Bảo tàng trong việc thu hút đối tượng này như sau:

- Chương trình học của hệ thống các trường công lập, chưa dành nhiều những tiết học ngoại khóa;

- Các trường học và các em học sinh chưa có thói quen học tại bảo tàng;

- Bảo tàng hiện nay vẫn đang quá trình thử nghiệm các chương trình giáo dục giành cho nhà trường, chưa thể đưa vào hoạt động một cách chính thức.

Vấn đề cấp thiết hiện nay, Bảo tàng cần phải có chiến lược xây dựng các chương trình giáo dục trải nghiệm giành cho các các lớp học cấp Tiểu học, cấp Trung học cơ sở. Khi các chương trình trải nghiệm được xây dựng một cách hiệu quả, hấp dẫn, sẽ thu hút các trường đến đăng ký tham gia các hoạt động tại Bảo tàng.

Đối với các em sinh viên, cần phải có những hình thức thu hút các em như: tổ chức các talkshow mang tính chủ đề phù hợp với sự quan tâm của các em. Ví dụ, các buổi nói chuyện chuyên đề như mỹ thuật thời kỳ tiền sơ sử, về con rồng thời kỳ phòng kiến, về mỹ thuật Đông Dương…Hầu hết các em sinh viên không chỉ khối chuyên ngành xã hội mà cả khối khoa học tự nhiên đều mong muốn được mở rộng kiến thức văn hóa lịch sử mỹ thuật nói chung nhằm giúp cho nền tảng hiểu biết được nâng cao.

Đồng thời, những nhà quản lý Bảo tàng nên có sự nghiên cứu đưa ra các chế độ đặc thù nhằm phối kết hợp với các trường một cách có hiệu quả.

- Đối với nhóm Đối tượng gia đình

Đây cũng là một trong nhóm thị phần hấp dẫn đầy tiềm năng của Bảo tàng. Hiện nay, đời sống của người dân thị thành không ngừng được cải thiện và nâng cao mức sống. Nhu cầu đi chơi, tham gia các hoạt động ngoại khóa vào mỗi dịp cuối tuần của các gia đình tăng cao. Tuy nhiên, sân chơi đáp ứng thị phần này chưa nhiều, còn nghèo nàn và thiếu sự hấp dẫn. Trong khi Bảo tàng có nhiều lợi thế trong việc thu hút thị phần này.

Điều quan trọng Bảo tàng cần phải xây dựng các chương trình giành cho gia đình phù hợp với tâm lý lứa tuổi bố mẹ và con, được tham gia hoạt động cùng nhau, làm tăng thêm tình cảm gia đình.

Vào các ngày đặc biệt, Bảo tàng nên tổ chức các sự kiện giành cho công chúng nói chung và gia đình nói riêng nhằm quảng bá hình ảnh Bảo tàng và thu hút công chúng những người chưa biết đến bảo tàng.

- Nhóm những người trẻ tuổi

Là những người đã đi làm nhưng chưa lập gia đình. Đây là những người có nhiều thời gian rảnh, có nhu cầu tương tác và giao tiếp cao. Nếu thiết kế các chương trình sự kiện giành cho đối tượng này sẽ giúp tăng thêm một thị phần lớn. Ví dụ các buổi hòa nhạc thường kỳ vào buổi tối các ngày cuối tuần với những buổi nói chuyện và sinh hoạt vui vẻ sẽ giành được sự quan tâm và hưởng ứng cao.

- Nhóm những người nghiên cứu

Cần tổ chức các hội thảo, các sermina, các workshop sẽ góp phần thu hút các nhà nghiên cứu đến bảo tàng nhiều hơn. Bảo tàng là một trong những môi trường lý tưởng để tổ chức các hoạt động chuyên môn sâu mang tính chuyên ngành.

- Quảng bá hình ảnh Bảo tàng trên các phương tiện truyền thông đại chúng như internet, truyền hình, đài phát thanh, báo giấy, báo điện tử…

Tóm lại đây là những đối tượng công chúng quan trọng mà Bảo tàng có nhiều cơ hội tiếp cận và thúc đẩy tăng cường mối quan hệ với các hoạt động Bảo tàng. Tuy nhiên quan trọng đó là cách thức mà Bảo tàng lựa chọn trong việc tiếp cận một cách hiệu quả.

3.1.4.3. Công chúng tiềm năng

Ngoài việc xác định đối tượng công chúng mục tiêu, Bảo tàng có thể xác định đối tượng công chúng tiềm năng, đây là nguồn công chúng dồi dào mà Bảo tàng có nhiều cơ hội để tiếp cận như:

* Người già nghỉ hưu

* Trẻ em đặc biệt, như trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật

* Cán bộ công sở: công chức, viên chức, những người đang công tác tại cơ quan, tổ chức trong và ngoài quốc doanh…

Với đối tượng người già nghỉ hưu (trước mắt là những người sống tại các thành phố lơn), tại Việt Nam đây là một thị trường tiềm năng rộng lớn, bởi lẽ trong một đời sống hiện đại, đây là lớp người có những nhu cầu đặc biệt. Họ là những người có thời gian, rảnh rỗi, và sau khi kết thúc giai đoạn phục vụ gia đình phục vụ xã hội với những công việc công sở, thì đây là giai đoạn vàng họ được sống với những sở thích cá nhân, đặc biệt là những người yêu thích nghệ thuật nhưng không có điều kiện để tiếp cận. Bảo tàng có thể xây dựng các chương trình trải nghiệm giành cho đối tượng này.

Trẻ em đặc biệt như tự kỷ thì việc được tiếp cận với nghệ thuật có thể là một giải pháp quan trọng trong việc tác động tích cực đến yếu tố tâm lý của các em.

Đối với cán bộ công chức, có thể liên kết với các tổ chức công đoàn cùng phối hợp với Bảo tàng trong việc tạo điều kiện cho cán bộ công chức tiếp cận với nghệ thuật và di sản.

Một phần của tài liệu Luan van hoạt động phát triển công chúng tại bảo tàng mỹ thuật việt nam (Trang 105 - 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)