Chương 2: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN CÔNG CHÚNG TẠI BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM
2.2. Các hoạt động phát triển công chúng
2.2.2. Công tác trưng bày
Hiện nay, Bảo tàng vẫn duy trì một số các hoạt động như sau nhằm thu hút công chúng:
2.2.2.1. Trưng bày cố định
Hệ thống trưng bày cố định của bảo tàng đã được thay đổi nhiều lần từ khi được thành lập. Hệ thống trưng bày hiện nay đã được trưng bày lại vào khoảng năm 1997 với hơn 2000 hiện vật được chọn lựa trong kho lưu giữ của Bảo tàng được chia thành 06 chuyên đề trưng bày: mỹ thuật thời kỳ tiền sơ sử, mỹ thuật thời kỳ phong kiến (thế kỷ 11 - thế ky 19); mỹ thuật hiện đại (từ đầu thế kỷ 20 đến nay); mỹ thuật trang trí ứng dụng; mỹ thuật tranh dân gian và trưng bày chuyên đề gốm đã cung cấp cho công chúng một cái nhìn tổng thể về toàn bộ quá trình phát triển của lịch sử mỹ thuật Việt nam từ thời kỳ tiền sơ sử cho đến ngày nay. Các tác phẩm mỹ thuật được trưng bày theo dòng chảy niên đại phản ánh được các giai đoạn phát triển mỹ thuật Việt Nam đồng hành cùng với lịch sử của dân tộc. Các hiện vật đồ đá, đồng, gốm mxy nghệ thủ công tranh dân gian truyền thống, điêu khắc đình làng được sắp xếp theo từng chủ đề khoa học giúp cho người xem dễ dàng cảm nhận.
Đặc biệt, Bảo tàng lưu giữ và trưng bày những tác phẩm mỹ thuật, có thể coi là vô giá, trong đó có bộ sưu tập các tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương với các tên tuổi nổi tiếng, đặt nền móng cho nền hội họa Việt Nam như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Lê Văn Đệ, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tường Lân…ghi dấu một thời kỳ lịch sử mỹ thuật vô cùng đặc biệt của dân tộc.
Chủ đề 1: Mỹ thuật thời Tiền sử - Sơ sử
Chủ đề này được Bảo tàng bố trí trưng bày tại phòng số 1 với tổng số 115 hiện vật và 8 tài liệu khoa học phụ. Nội dung trọng tâm của chủ đề này trưng bày các ảnh, tài liệu hiện vật về mỹ thuật thời kỳ đồ đá và mỹ thuật thời kỳ đồ sắt: Những hình khắc mặt người và thú, cách đây khoảng 10.000 năm là dấu ấn đầu tiên của nền nghệ thuật tạo hình cổ đại Việt Nam được tìm thấy ở hang Đồng Nội tỉnh Hòa Bình. Nghệ thuật tạo hình Cổ đại Việt Nam đã phát
triển liên tục, trải qua thời đại đồ đá và đặc biệt kim khí, suốt thời đại đồng thau và đầu thời đại đồ sắt. Phòng trưng bày này chủ yếu giới thiệu những Di vật tiêu biểu về nghệ thuật cổ đại tại các tỉnh phía Bắc.
Chủ đề 2: Mỹ thuật từ thế kỷ XI - thế kỷ XIX
Chủ đề này được chia làm 3 tiểu đề theo tiến trình lịch sử Việt Nam (Mỹ thuật từ thế kỷ XI - thế kỷ XIV (thời Lý - Trần); Mỹ thuật từ thế kỷ XV - thế kỷ XVIII (thời Lê sơ - Mạc - Lê Trung Hưng); Mỹ thuật từ thế kỷ XVIII - thế kỷ XIX (thời Tây Sơn - Nguyễn)) được trưng bày từ phòng số 2 đến phòng số 8 với tổng số 161 hiện vật. Dưới những triều đại phong kiến tập quyền mỹ thuật Việt Nam lại phát triển rực rỡ, mang đậm bản sắc dân tộc.
Sau chiến thắng quân xâm lược phương Bắc, nhà nước Đại Việt ra đời, Đạo Phật có được địa vị trong xã hội. Cùng với việc xây dựng kinh đô Thăng Long nhiều chùa lớn cũng được triều đình và nhân dân khởi tạo ở các địa phương. Kiến trúc cung đình và kiến trúc Phật giáo được nở rộ, tạo điều kiện cho phát triển nghệ thuật điêu khắc và hội họa. Nội dung của chủ đề này chủ yếu là các tài liệu hiện vật về kiến trúc cung đình và kiến trúc Phật giáo.
Chủ đề 3: Mỹ thuật từ thế kỷ XX đến nay
Phần trưng bày Mỹ thuật hiện đại - đương đại (thế kỷ XX đến nay) của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được chia làm 6 tiểu đề theo 2 tiêu chí : Trưng bày các tác phẩm theo phân kỳ lịch sử mỹ thuật (từ 1925 đến 1945 và từ 1945 đến 1954) và trưng bày các tác phẩm theo chất liệu với các sưu tập tranh sơn mài, lụa, màu dầu, đồ họa, và điêu khắc (từ 1954 đến nay). Chủ đề này được trưng bày từ phòng số 9 đến phòng số 24 và hành lang tầng 2, tầng 3 khu nhà A của bảo tàng với tổng số hơn 500 hiện vật là các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu phản ánh những thành tựu nghệ thuật xuất sắc của các nghệ sỹ Việt Nam thế kỷ XX đến nay.
Chủ đề 4: Mỹ thuật trang trí ứng dụng
Chủ đề này bao gồm 639 hiện vật được trưng bày tại 3 phòng từ phòng số 25 đến phòng số 27 của Bảo tàng. Sưu tập chuyên đề trang trí ứng dụng giới thiệu các hiện vật là các kỹ thuật thủ công thể hiện trên mọi chất liệu có trên đất nước ta ở trình độ đáng tự hào. Người Việt đã đưa những giá trị nghệ thuật vào tất cả những vật dụng, từ những dụng cụ gia đình, công cụ sản xuất, y phục, nhà ở, nhạc cụ cho đến những vật dụng dùng trong nghi lễ, tín ngưỡng, biểu diễn sân khấu dân gian... các chất liệu như : tre, đồ vải dệt, đồ chạm khảm ốc, xà cừ, chạm trổ kim loại... cho ta thấy tính thực dụng của các loại hiện vật được sưu tầm và trưng bày.
Chủ đề 5: Mỹ thuật dân gian
Chủ đề mỹ thuật dân gian bao gồm 207 hiện vật được trưng bày tại 3 phòng từ phòng số 28 đến phòng số 30 của Bảo tàng.
Mỹ thuật dân gian là thành phần thiết yếu trong nền văn hóa - nghệ thuật dân tộc Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tinh thần, tâm linh, mỹ cảm và phẩn ánh ý thức hệ về nhân sinh quan, thế giới quan của các tầng lớp nhân dân. Bao gồm tranh Tết và tranh thờ xuất hiện ở một số tỉnh đồng bằng, miền núi ở phía Bắc, miền Trung và miền Nam. Đề tài chủ yếu là chúc tụng, cảnh vật, sinh hoạt, quan hệ gia đình xã hội, cầu phúc, thờ thần linh bản địa, anh hùng dân tộc...
Tranh thờ Phật giáo thường vẽ một Đức Phật, một vị tổ hay một vị thần tướng. Tranh thờ cổ thường được thể hiện bằng bột màu pha keo vẽ trên giấy dó, có nơi dùng sơn quang dầu vẽ trên gỗ, có khi dùng nhựa cây thông để vẽ màu sáng, dát vàng bạc lóng lánh tương tự như cách tô tượng của đình chùa tạo cho tranh có được chiều sâu và sự thần bí trong các buổi lễ tế.
Ngoài ra còn có các Tượng gỗ sơn son thiếp vàng bạc phục vụ sinh hoạt đời thường, lễ hội…; Điêu khắc tượng nhà mồ Tây Nguyên thể hiện vẻ
đẹp nguyên sơ, tính nhân bản, nhưng được thể hiện bằng ngôn ngữ tạo hình và quan niệm hiện đại .
Chủ đề 6: Sưu tập gốm (TK XI - TKXX)
Bộ sưu tập gốm bao gồm 451 hiện vật được trưng bày tại tầng hầm nhà B nằm bên phải gian nhà chính của Bảo tàng (phía trên là phòng trưng bày chuyên đề). Nội dung trưng bày giới thiệu những đặc trưng rõ nét nhất về các giai đoạn của loại hình Gốm không men cũng như có men. Đề tài trang trí bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống bao gồm vân mây, hoa lá, chim, cá, hổ, voi. Có ba loại gốm nổi tiếng vào thời kì này là men trắng ngà chạm đắp nổi, gốm hoa nâu, gốm men ngọc, cuối thế kỷ 14 xuất hiện gốm hoa lam.
Hệ thống trưng bày với khoảng 2000 hiện vật được sắp xếp theo 06 chuyên đề nhằm giúp cho công chúng hiểu hơn quá trình phát triển của lịch sử mỹ thuật Việt Nam cũng như sự phát triển đa dạng của một nền văn hóa 54 dân tộc trên mọi miền đất nước thông qua các sưu tập hiện vật của Bảo tàng.
Ngoài hệ thống trưng bày cố định như đã trình bày ở trên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn xây dựng nhiều bộ sưu tập gọn nhẹ vận chuyển dễ dàng phục vụ công tác trưng bày lưu động tại các địa phương trong cả nước.
Trong những năm qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã phối hợp và tổ chức nhiều triển lãm tại các nước Liên bang Nga, Ba Lan, Nhật Bản, Bỉ, Đức, Ý, Áo, Phần Lan….và ngược lại nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật của một số nước Châu Âu, Châu Á cũng đã diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhằm giới thiệu rộng rãi nền mỹ thuật nước nhà.
2.2.2.2. Trưng bày chuyên đề
Bảo tàng chú trọng đến các công tác trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng.
Một năm, trung bình bảo tàng có khoảng 2 trưng bày chuyên đề của Bảo tàng và có khoảng gần 30 cuộc trưng bày chuyên đề do bảo tàng phối hợp cùng các
tổ chức và cá nhân ngoài Bảo tàng tham gia trưng bày. Có nhiều cuộc trưng bày khá hấp dẫn như gần đây có trưng bày “ Manga Hokusai Manga - Tiếp cận với nghệ thuật bậc thầy từ góc nhìn của truyện tranh đương đại” (3/2017);
triển lãm tranh đồ họa các nước Asean (12/2016) Triển lãm giao lưu Việt Nam - Hàn Quốc “Sơn mài Việt Nam - Ottchil Hàn Quốc” do Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc phối hợp cùng Hội mỹ thuật Việt Nam tổ chức (11/2015);
trưng bày Yu Yu xanh Việt Nam, dự án với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ người Mỹ Mark Cooper. triển lãm ảnh “Tohoku qua ống kính nhiếp ảnh gia Nhật Bản” do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (The Japan Foundation) phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thực hiện (10/2015)… đã thu hút rất nhiều các em học sinh từ các câu lạc bộ nghệ thuật đến tìm hiểu về thể loại truyện tranh độc đáo của Nhật bản cũng như các khách nước ngoài khi vào thăm quan bảo tàng cảm thấy thích thú vì được khám phá thêm một nét văn hóa khác. “ Triển lãm “Giá Thánh” của họa sĩ Trần Tuấn Long cũng là một triển lãm hết sức thú vị tái hiện không gia thờ mẫu trên chất liệu sơn mài. Triển lãm mỹ thuật của nhóm G8 Art; “Mạch sống” (Vũ Hồng Nguyên) - 2016; “Thiên - Địa - Nhân” - Họa sĩ Trương Bé; “Mở cửa” - Cục Mỹ thuật; Nghệ thuật sắp đặt “không gian bên trong” của họa sĩ Nguyễn Duy Mạnh; “Gió Thu” của nhiều họa sĩ…
Triển lãm “Những nẻo được đất nước” cuộc triển lãm đầu xuân của Bảo tàng là bộ sưu tập các tranh ký họa của Bảo tàng được chọn lọc trưng bày phục vụ công chúng nhân dịp đầu năm mới. Triển lãm trưng bày 100 ký họa màu nước phản ánh về con người, thực tế sản xuất, chiến đấu và cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam. Bằng trí tuệ và tài năng, các họa sỹ đã khắc họa chân dung những con người cụ thể, điển hình của từng giai đoạn, thuộc mọi lứa tuổi, ngành nghề, vùng đất khác nhau, từ mỏ đá, bến bãi, góc phố, đến khoảng trời bình yên. Trong bốn tuần từ 23/1 - 23/2, Bảo tàng đã thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan tại phòng trưng bày chuyên đề.
2.2.2.3. Về trưng bày lưu động
Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, như điều kiện kinh tế, sự nhận thức hay sự khó khăn trong qúa trình giao thông nên chưa thể đến thăm bảo tàng, thậm chí có những người ở rất gần bảo tàng. Để vượt qua thách thức này các bảo tàng tổ chức các trưng bày lưu động đến nhiều địa điểm khác nhau trong và ngoài nước nhằm quảng bá hình ảnh bảo tàng cũng như nâng cao nhận thức của công chúng vầ vai trò của bảo tàng. Các bản sao, các tài liệu, một vài hiện vật gốc, các trình chiếu thuyết trình, được sắp xếp theo từng chủ đề để thuận lợi cho công tác trưng bày lưu động. Đây là một trong những hoạt động cũng hết sức quan trọng trong việc đưa công chúng đến với bảo tàng.
Trong những năm qua Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhiều cuộc trưng bày lưu động tại các tỉnh và địa phương khác như: triển lãm “sư tử và nghê” tại các tỉnh Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đăklăc, Thái Nguyên; triển lãm tranh thế giới bộ phiên bản tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương;
triển lãm tranh dân gian tại các tỉnh Quảng Bình, Điện Biên, Lạng Sơn. Đặc biệt, cuối 2016, Bảo tàng đã mang Bộ tranh dân gian đến với các em học sinh trường cấp 2 - 3 Nguyễn Tất Thành. Hơn 2000 em học sinh, các thầy cô giáo và phụ huynh được chiêm ngưỡng nghệ thuật tranh dân gian và trải nghiệm cách làm tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Đây có thể coi là một trong những hình thức trưng bày lưu động hết sức hiệu quả.
Ngoài việc tổ chức các trưng bày chuyên đề lưu động trong nước, bảo tàng còn tổ chức nhiều trưng bày lưu động ra nước ngoài nhằm giới thiệu và quảng bá di sản dân tộc cũng như hình ảnh của Bảo tàng tới cộng đồng quốc tế. Có thể kể tới một vài cuộc trưng bày trong thời gian gần đây như: Triển lãm tranh Lụa tại Bảo tàng Nghệ thuật Phương Đông - Nga (5/2016); triển lãm tranh Sơn mài (2015); triển lãm Tranh Dân gian tại Pháp; đưa tác phẩm
“Bình minh trên nông trang” (Nguyễn Đức Nùng) trưng bày tại Singapore
trong một năm từ 11/2015 đến 11/2016 trong chương trình hợp tác với Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia của Singapore…
Những cuộc triển lãm lưu động của Bảo tàng mang những ý nghĩa đặc biệt, giúp cho cộng đồng người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế hiểu hơn về văn hóa và con người Việt Nam.