Chương 3: PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN CÔNG CHÚNG TẠI BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM
3.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
3.2.3. Xây dựng chiến lược phát triển công chúng
Chiến lược phát triển công chúng cần gắn với chiến lược phát triển của bảo tàng, hay nói cách khác cần thực hiện một cách đồng bộ và song song.
Bởi lẽ các hoạt động gắn với công chúng cũng là một trong những chức năng và nhiệm vụ của bảo tàng. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cần xây dựng một chiến lược mang tính tính dài hạn, trung hạn và ngắn hạn.
Các chiến lược có thể được xây dựng dài hạn khoảng 10 năm, trung hạn là 05 năm và ngắn hạn là khoảng 2 - 3 năm và cụ thể từng năm một. Cần thực hiện một cách đồng bộ, chia nhỏ từng nhánh, việc gì cần làm trước thì làm trước, việc gì làm sau có thể để sau. Như vậy sẽ thống nhất trong các hoạt động, tránh sự chồng chéo nhau gây lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc.
Khi có được một chiến lược phát triển toàn diện rồi thì đây được coi là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của bảo tàng.
Trước hết, Bảo tàng cần phải xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể, kế hoạch truyền thông nhằm phát triển công chúng sẽ dựa trên kế hoạch tổng thể của Bảo tàng.
Chiến lược phát triển công chúng sẽ là một trong những mục tiêu và kế hoạch cụ thể của chiến lược phát triển tổng thế bảo tàng. Và mục tiêu này cần được đặt ra trong các kế hoạch hoạt động của bảo tàng. Để xây dựng được chiến lược phát triển công chúng, cần phải có một nhìn tổng thể, phân tích một cách cụ thể các đối tượng công chúng của bảo tàng. Lãnh đạo và những người làm bảo tàng cần có một định hướng vào các đối tượng đó, để từ đó đưa ra các sản phẩm của mình.
Bảo tàng cần xác định đối tượng công chúng mục tiêu và đối tượng công chúng tiềm năng. Sau khi xác định đối tượng sẽ xây dựng các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu công chúng và lựa chọn các kênh phân phối phù hợp.
Ví dụ, Bảo tàng xác định nhóm đối tượng công chúng là học sinh cấp 1, 2 trên địa bàn thủ đô. Bảo tàng cần phải xây dựng các sản phẩm phù hợp với đối tượng các em học sinh trên ghế nhà trường, tâm lý lứa tuổi và liên kết với các chương trình học. Sau đó bộ phận truyền thông sẽ là người kết nối các sản phẩm với các trường học.
Hoặc để thu hút công chúng, quảng bá hình ảnh Bảo tàng, Bảo tàng có thể tổ chức các sự kiện thường niên kèm với các hoạt động trải nghiệm.
Ví dụ năm 2017, có một số các sự kiện như: kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ. Đây được coi là một sự kiện mang tính chính trị nhằm tri ân những người lính đã hy sinh thân mình để giành độc lập cho dân tộc. Vậy đối tượng mà chúng ta cần hướng tới là ai? Các tác phẩm được chon lựa nhằm tổ chức kỷ niệm sự kiện này là gì? Và sự kiện này cần thực hiện như thế nào để nó thể hiện được sự khác biệt so với cách tổ chức mà các tổ chức khác làm? Có
thể chọn lựa các tác phẩm do những họa sĩ đã hy sinh trên chiến trường như họa sĩ Tô Ngọc Vân, họa sĩ Trịnh Văn Núi…hay các ký họa chiến trường…Có rất nhiều sự lựa chọn để tạo ra những ấn tượng nhân kỷ niệm sự kiện này. Điều quan trọng là thông điệp mà chúng ta muốn gửi gắm tới công chúng ở đây là gì? Trong một thế giới như hiện nay, liệu chúng ta có muốn nhắc lại những nỗi đau mà chiến tranh đã gây ra hay không? Hay chúng ta muón nói đến những điều gì thật nhân văn, những tình người tình đồng chí đồng đội, tình yêu quê hương đất nước sẽ luôn cháy trong lòng mỗi người con Việt Nam.
Năm 2017, cũng là năm kỷ niệm 105 ngày sinh và 40 năm ngày mất của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nguyên Viện trưởng đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông là một trong những họa sĩ tài hoa, một người hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt Nam. Cả cuộc đời và sự nghiệp ông có nhiều công lao đóng góp cho nền hội họa nước nhà. Đây cũng có thể coi là một sự kiện lớn mà Bảo tàng cũng có thể thực hiện. Tuy nhiên tính chất của sự kiện này khác với sự kiện trên. Có thể đối tượng công chúng hướng tới sẽ khác so với sự kiện mà chúng ta nói đến ở trên. Tuy nhiên, với những công chúng không học mỹ thuật, chưa biết đến Nguyễn Đỗ Cung là ai thì chúng ta cũng có thể tổ chức các hoạt động trải nghiệm để giới thiệu cho công chúng.
Năm 2018, cũng là năm có nhiều sự kiện như: kỷ niệm 110 năm ngày sinh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, kỷ niệm 95 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất của họa sĩ Nguyễn Sáng…Ngoài ra còn có ngày lễ kỷ niệm như Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2), ngày lễ Tình yêu (24/2), ngày Quốc tế lao động (1/5) và Giải phóng Miền nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Bảo tàng Quốc tế (18/5), ngày Gia đình Việt Nam, ngày Quốc tế thiếu nhi…cũng đều là những ngày lễ mà Bảo tàng cũng có thể chọn là chủ đề để tổ chức sự kiện. Tuy nhiên, rất cần sự đổi mới tư duy của các nhà làm bảo tàng là cần phải có sự tham gia của bộ phận truyền thông marketing trong vấn đề đưa
vai trò công chúng tham gia vào các hoạt động của Bảo tàng.Tránh tình trạng trong kho có gì thì đem treo cái đó, hơn nữa chỉ đơn thuần là công tác treo tranh không có sự đầu tư nghiên cứu về công chúng, về ngôn ngữ trưng bày, về ngôn ngữ hội họa, thông điệp của trưng bày là gì và các hoạt động trải nghiệm cho khách được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng thì e rằng các hoạt động Bảo tàng vẫn chỉ là những món ăn tinh thần xa lạ đối với công chúng mà thôi.
Tóm lại, để thực sự phát triển công chúng một cách có hiệu quả, Bảo tàng cần phải có kế hoạch, trong đó xác định rõ mục tiêu, đối tượng, chiến lược hành động, tổ chức…đồng thời các hoạt động cần được triển khai một cách đồng bộ cùng với sự phối hợp giữa các bộ phận chuyên môn một cách hiệu quả thì công tác phát triển công chúng sẽ mang lại những hiệu quả tích cực.