CHƯƠNG I: GIỚI THIỆU VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Lý do hình thành đề tài
Ngày 06-8-1976, Việt Nam và Thái Lan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nhìn lại 40 năm qua, có thể khẳng định quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước liên tục được duy trì và phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, cả hai bên đang nỗ lực, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược, hướng tới quan hệ đối tác chiến lược tăng cường trong thời gian tới.
Cho đến nay, hai nước đã ký hơn 50 hiệp định, thỏa thuận hợp tác, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, lãnh đạo cấp cao hai nước chỉ đạo rất sát sao việc thực hiện tất cả 21 lĩnh vực hợp tác đã được thỏa thuận trong Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2014 - 2018. Đầu năm 2015, hai bên nhất trí mở kênh hợp tác lao động - một lĩnh vực mới mà hai nước đang phối hợp chặt chẽ để triển khai.
Hai nước tăng cường hợp tác chặt chẽ và luôn hỗ trợ nhau trong các khuôn khổ hợp tác tiểu khu vực, khu vực, như Hợp tác tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC),... và trong quan hệ đa phương tại các diễn đàn quốc tế, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Liên hợp quốc,... Đặc biệt, trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập từ ngày 31-12-2015, lãnh đạo hai nước đã nhất trí thúc đẩy sự phối hợp để phát huy hiệu quả vai trò của Cộng đồng, đồng thời củng cố sự đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực cũng như quốc tế.
Quan hệ Việt Nam - Thái Lan là mối quan hệ có ảnh hưởng trên bán đảo Đông Dương trong thời kỳ nằm dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, là trục chính của mối quan hệ Đông Dương - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhưng cũng là lực đẩy cho sự hợp tác và hội nhập ở Đông Nam Á trong thời gian gần đây.Việt Nam và Thái Lan có khá nhiều nét tương đồng về văn hóa,
gần gũi với nhau về mặt địa lý. Thực tế 40 năm quan hệ hợp tác đã minh chứng, Việt Nam và Thái Lan là những đối tác quan trọng, giàu tiềm năng của nhau, cụ thể như:
- Trong lĩnh vực thương mại, Thái Lan là một đối tác quan trọng của Việt Nam cũng như Việt Nam là một trong các đối tác thương mại chủ yếu của Thái Lan ở châu Á. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan trong nhiều năm qua không ngừng gia tăng, từ 5,78 tỷ USD (năm 2009) tăng lên 9,41 tỷ USD (năm 2013).
Năm 2014, kim ngạch xuất - nhập khẩu của hai nước đạt 10,59 tỷ USD (tăng 12,5% so với năm 2013), trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,11 tỷ USD(1); năm 2015, kim ngạch xuất - nhập khẩu hai chiều đạt 11,5 tỷ USD (tăng 8,6% so với năm 2014), trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD và nhập khẩu đạt 8,3 tỷ USD(2). Hai bên hiện đang đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 20 tỷ USD vào năm 2020.
- Về hợp tác đầu tư, tính đến cuối tháng 3-2016, Thái Lan đứng thứ 11 trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 428 dự án đầu tư còn hiệu lực, có tổng số vốn đầu tư đăng ký là 7,88 tỷ USD. Công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô-tô, mô-tô, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, dịch vụ, lưu trú, ăn uống là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Thái Lan đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của Thái Lan đã có mặt tại 41/63 tỉnh, thành của Việt Nam.
Có thể kể đến một số dự án đầu tư lớn của Thái Lan vào Việt Nam, như Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Hóa dầu Long Sơn với tổng số vốn đăng ký đạt 3,77 tỷ USD, Công ty TNHH Chăn nuôi CP Việt Nam: 328 triệu USD và Công ty TNHH Giấy Kraft Vina: 193 triệu USD.
Có thể nói, những thành tựu đạt được trong 40 năm qua tạo nền tảng vững chắc để quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan ngày càng phát triển tốt đẹp. Với sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, với nhu cầu hợp tác để cùng phát triển của hai quốc gia cũng như với tiềm năng phát triển của hai nước, quan hệ Việt Nam - Thái Lan sẽ có nhiều động lực mới để phát triển toàn diện và vững chắc hơn nữa trong tương lai, vì lợi
ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở châu Á cũng như trên thế giới. (Nguồn: Đỗ Thùy Dương; Việt Nam – Thái Lan: Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược tăng cường; http://css.hcmussh.edu.vn/)
Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia nằm gần nhau trên bản đồ địa lý, cùng thuộc khối ASEAN và cùng chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ nền văn hóa Trung Hoa vì số lượng người Trung Quốc từng di cư sang cả 2 đất nước khá cao. Bên cạnh đó, Việt Nam và Thái Lan là hai đất nước theo Khổng Giáo và xem trọng Phật Giáo, chính vì vậy sự tương đồng về văn hóa xã hội cũng như nhận thức cá nhân của người dân tại cả 2 đất nước không quá cách biệt.
Dựa trên những dẫn chứng và số liệu trên, cho thấy mối quan hệ của 2 nước cũng đã đạt đến một tầm ảnh hưởng nhất định đến khu vực ASEAN nói chung cũng như nền kinh tế tại Việt Nam nói riêng (Thái Lan đứng thứ 11 trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 428 dự án đầu tư còn hiệu lực – theo Đỗ Thùy Dương, ban Đối ngoại Trung Ương). Chính vì vậy, tác giả làm nghiên cứu này với mong muốn đi sâu tìm hiểu về sự khác biệt mang tính văn hóa tổ chức, mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới tại các doanh nghiệp Việt Nam lẫn Thái Lan cũng như các yếu tố tác động đến sự gắn kết của nhân viên với tổ chức. Qua đó tiến hành đối sánh để có cái nhìn toàn diện hơn cũng như tạo ra tiền đề và bài học mang tính chiến lược quản lý cho các nhà quản trị tại Việt Nam khi quyết định đi sâu vào hợp tác đầu tư với Thái Lan trong thời gian tới.
Từ ý tưởng trên, người nghiên cứu quyết định xây dựng đề tài nghiên cứu :”Vai trò cảm nhận hành vi đáng tin cậy của người quản lý trực tiếp trong việc xây dựng lòng tin và tác động của chúng đến sự cam kết của nhân viên : Một nghiên cứu đối sánh giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam và Thái Lan”.