Tổng quan về vốn đầu tư nước ngoài

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn đầu tư nước ngoài nghiên cứu trường hợp việt nam (Trang 28 - 31)

CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM

2.2. Tổng quan về vốn đầu tư nước ngoài

Theo Lexicon (2014) “đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là khoản đầu tư dưới hình thức sở hữu chi phối vào một doanh nghiệp ở một quốc gia bởi một pháp nhân có trụ sở tại một quốc gia khác”

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, 2005), “Doanh nghiệp FDI là doanh nghiệp (đơn vị thể chế) trong các lĩnh vực tài chính hoặc phi tài chính của nền kinh tế, trong đó một nhà đầu tư không thường trú sở hữu từ 10% trở lên quyền biểu quyết của một doanh nghiệp được thành lập hoặc có quyền sở hữu tương đương trong một doanh nghiệp hoạt động theo một cơ cấu pháp lý khác”. Như vậy, theo IMF (2005), nhà đầu tư FDI là các nhà ĐTNN có nắm giữ từ 10% cổ phiếu thường hoặc quyền biểu quyết trở lên sẽ có quyền kiểm soát doanh nghiệp.

Theo Luật đầu tư của Việt Nam năm 2014 mặc dù không đề cập khái niệm “đầu tư trực tiếp nước ngoài” nhưng có các khái niệm liên quan như sau:

+ Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư.

+ “Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”.

+ “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”.

Từ những khái niệm trên, có thể hiểu khái quát đầu tư trực tiếp nước ngoài tại một quốc gia là việc nhà đầu tư ở nước ngoài đưa vốn bằng tiền hoặc tài sản vào quốc gia đó để được quyền sở hữu và quản lý doanh nghiệp nhằm mục đích tối đa hoá lợi nhuận.

2.2.1.2. Khái niệm đầu tư gián tiếp nước ngoài

Theo Arthur và Sheffrin (2003), “đầu tư danh mục đầu tư nước ngoài là đầu tư vào các tài sản như cổ phiếu, trái phiếu và các khoản tương đương tiền ở nước ngoài của một nhà đầu tư hoặc tổ chức”. Về mặt kinh tế học, đầu tư danh mục nước ngoài là việc mua trái phiếu và cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của quốc gia mà nhà đầu tư không cư trú, đôi khi là nhằm mục đích đầu cơ.

Theo IMF (2005), “đầu tư danh mục nước ngoài được định nghĩa là các vị trí và giao dịch vốn xuyên biên giới liên quan đến các chứng khoán nợ hoặc chứng khoán vốn, ngoại trừ các khoản đầu tư trực tiếp hoặc tài sản dự trữ”. Như vậy, theo IMF (2005), nhà đầu tư danh mục nước ngoài là các nhà ĐTNN có nắm giữ ít hơn 10% cổ phiếu thường của công ty và không tham gia kiểm soát doanh nghiệp. Các chứng khoán do các nhà đầu tư nắm giữ được tự do mua bán, chuyển nhượng.

Theo Luật đầu tư của Việt Nam năm 2014, mặc dù không đề cập khái niệm “đầu tư gián tiếp nước ngoài” nhưng có các khái niệm liên quan như sau:

+ “Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”.

+ “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”.

Từ những khái niệm trên, có thể hiểu khái quát đầu tư gián tiếp nước ngoài (còn gọi là đầu tư danh mục nước ngoài) là việc nhà đầu tư ở nước ngoài mua trái phiếu và cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của một quốc gia khác nhằm mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài không có đủ quyền kiểm soát hay quản lý các tổ chức phát hành chứng khoán đó.

2.2.2. Khái niệm vốn đầu tư nước ngoài

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Theo IMF (2005), “vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là dòng vốn dịch chuyển từ nước chủ đầu tư sang một quốc gia khác với tính chất đầu tư trực tiếp”. Theo đó, vốn FDI có các đặc điểm chính như sau:

+ Đây là dòng vốn đầu tư ít có khả năng thay đổi trong ngắn hạn do các nhà ĐTNN góp vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư lâu dài ổn định (các dự án FDI thường kéo dài từ 10 năm trở lên).

+ Vốn FDI chuyển vào một quốc gia có thể là vốn bằng tiền cũng có thể là các nguồn lực khác như: máy móc thiết bị, công nghệ, uy tín, thương hiệu,…Vốn FDI hình thành nên các

tài sản hữu hình và vô hình tại nước nhận đầu tư và các tài sản này không dễ dàng chuyển đổi thành tiền.

Theo Luật đầu tư của Việt Nam năm 2014, “vốn đầu tư là tiền và tài sản khác để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”.

Từ những khái niệm trên, có thể hiểu khái quát vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại một quốc gia là vốn bằng tiền hoặc tài sản khác như: máy móc thiết bị, công nghệ, uy tín, thương hiệu,…

được nhà ĐTNN góp vốn và đầu tư lâu dài ổn định ở quốc gia đó.

Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài

Theo IMF (2005), “vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI) là dòng vốn dịch chuyển từ nước chủ đầu tư sang một quốc gia khác với tính chất đầu tư danh mục thông qua thị trường chứng khoán”. Theo đó, vốn FPI có các đặc điểm chính như sau:

+ Vốn FPI có đặc điểm là di chuyển (vào và ra) khỏi một quốc gia rất nhanh, nên nó sẽ khiến cho hệ thống tài chính trong nước dễ bị tổn thương và rơi vào khủng hoảng tài chính một khi gặp phải các cú sốc từ bên trong cũng như bên ngoài nền kinh tế.

+ Vốn FPI chuyển vào một quốc gia chỉ có thể là vốn bằng tiền, được nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào một quốc gia thông qua hình thức mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quỹ đầu tư chứng khoán,… Vốn FPI là các chứng khoán nên có tính thanh khoản cao, dễ dàng chuyển đổi thành tiền.

Theo Luật đầu tư của Việt Nam năm 2014, “vốn đầu tư là tiền và tài sản khác để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”.

Từ những khái niệm trên, có thể hiểu khái quát vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tại một quốc gia là vốn bằng tiền được các nhà ĐTNN góp vốn thông qua thị trường chứng khoán của quốc gia đó.

Do vậy, trong phạm vi luận án này, vốn FPI được hiểu là vốn đầu tư danh mục nước ngoài hoặc vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài và có thể được dùng thay thế cho nhau.

2.2.3. Đo lường vốn đầu tư nước ngoài

Để đo lường vốn ĐTNN, các nghiên cứu đã có thường sử dụng các thước đo như sau:

 Dòng vốn vào (inflow) là giá trị vốn của các nhà ĐTNN vào một quốc gia tính trên một đơn vị thời gian (tháng, quý, năm). Vốn vào ròng (net inflow) là giá trị vốn ĐTNN vào một quốc gia tăng lên trừ giá trị vốn ĐTNN sụt giảm trong thời gian đó. Giá trị dòng vốn FDI vào ròng được thể hiện ở khoản“đầu tư trực tiếp”, của cán cân thanh toán quốc gia. Giá trị dòng vốn FPI vào ròng được thể hiện ở khoản “đầu tư danh mục” của cán cân thanh toán quốc gia.

 Dòng vốn ra (outflow) là giá trị vốn đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư trong nước tính trên một đơn vị thời gian (tháng, quý, năm). Vốn ra ròng (net outflow) là giá trị vốn đầu tư ra nước ngoài tăng lên trừ giá trị vốn thu hồi về nước trong thời gian đó.

Vốn ĐTNN có thể được đo lường bằng số tuyệt đối là giá trị vốn ĐTNN vào một quốc gia (Goldberg và Kolstad, 1995; Takagi và Shi, 2011; Ahmed và Zlate, 2014). Mặt khác, vốn ĐTNN cũng có thể đo lường bằng giá trị tương đối (đo bằng tỷ lệ phần trăm của tổng giá trị vốn FDI vào một quốc gia trên GDP (Adams, 2009; Herzer và cộng sự, 2008).

Về đơn vị đo lường, vốn ĐTNN có thể được đo lường bởi nhiều đồng tiền khác nhau (đồng tiền nước chủ đầu tư, đồng tiền nước nhận đầu tư hay đồng tiền mạnh trong thanh toán quốc tế như USD, EUR.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn đầu tư nước ngoài nghiên cứu trường hợp việt nam (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(158 trang)