Về mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn FDI

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn đầu tư nước ngoài nghiên cứu trường hợp việt nam (Trang 33 - 36)

CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM

2.3. Cơ sở lý thuyết về mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn đầu tư nước ngoài

2.3.3. Về mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn FDI

Mối quan hệ giữa mức độ tỷ giá và vốn FDI

Aliber (1970) là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên đánh giá mối quan hệ giữa thay đổi tỷ giá với dòng vốn vào. Aliber (1970) lập luận rằng, những quốc gia có đồng tiền giá trị thấp, với mục tiêu gia tăng sức mua của đồng tiền có thể nỗ lực thu hút dòng vốn. Tuy nhiên, lập luận của Aliber (1970) chưa được chú trọng và chưa được các nhà nghiên cứu lúc bấy giờ giới thiệu một cách nghiêm túc trong mô hình các yếu tố quyết định vốn ĐTNN. Đến cuối

VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TỶ GIÁ

MỨC ĐỘ TỶ GIÁ

BIẾN ĐỘNG TỶ GIÁ

VỐN FDI

VỐN FPI

những năm 1980 và đầu những năm 1990, yếu tố tỷ giá mới dần được xem xét và giới thiệu phổ biến trong các nghiên cứu liên quan vốn ĐTNN.

Theo Cushman (1985), đối với FDI định hướng chi phí chủ yếu sử dụng nguồn lực đầu vào của nước chủ đầu tư để sản xuất, sau đó bán tại nước nhận đầu tư thì sự giảm giá của đồng tiền nước nhận đầu tư so với đồng tiền nước chủ đầu tư sẽ khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp FDI giảm, do đó sẽ thúc đẩy FDI. Ngược lại, nếu FDI định hướng thị trường (chủ yếu sử dụng nguồn lực đầu vào từ nước chủ đầu tư để sản xuất sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba), thì sự thay đổi giá trị của đồng tiền nước nhận đầu tư (so với đồng tiền nước thứ ba) có thể ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu, nên FDI sẽ giảm. Như vậy, theo Cushman (1985), tỷ giá có ảnh hưởng đến vốn FDI nhưng chiều tác động của tỷ giá đến FDI còn phụ thuộc vào định hướng của chủ đầu tư khi quyết định đầu tư ra nước ngoài.

Morande (1988) cũng cho rằng dòng vốn vào có tác động đến tỷ giá thực. Theo Morande (1988, tồn tại quan hệ nhân quả từ tỷ giá thực đối với vốn FDI là do tỷ giá thực bị ảnh hưởng bởi chính sách tỷ giá danh nghĩa. Thay vì sử dụng tỷ giá danh nghĩa song phương (NER), Morande (1988) đã đề cập đến tỷ giá thực song phương (RER) với nhiều phương pháp tính toán khác nhau. Biến “RER” được tính toán dựa trên chỉ số tỷ giá danh nghĩa giữa đồng Peso Chi lê và đồng USD với 5 lựa chọn: tương quan với chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá tổng hợp, chỉ số giá hàng hóa thương mại và phi thương mại. Các luận điểm của Morande (1988) đã giới thiệu hướng nghiên cứu mới, trong đó đề cao việc sử dụng tỷ giá thực thay thế tỷ giá danh nghĩa trong phân tích mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn ĐTNN.

Về sau, các lý thuyết về tính không hoàn hảo của thị trường cho rằng khi thị trường xuất hiện các yếu tố không hoàn hảo sẽ làm cho hoạt động kinh doanh trở nên kém hiệu quả. Khi đó, các doanh nghiệp thực thi đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh vượt qua các yếu tố không hoàn hảo đó. Hai lý thuyết phân tích tác động của tỷ giá trên thị trường không hoàn hảo có ảnh hưởng lớn là Froot và Stein (1991) và Blonigen (1997).

Froot và Stein (1991) lập luận rằng, quan hệ giữa tỷ giá và FDI phát sinh khi thị trường vốn toàn cầu có vấn đề không hoàn hảo về thông tin. Những sự không hoàn hảo này tác động đến FDI thông qua hiệu ứng tài sản và những thay đổi về giá trị tài sản dẫn đến thay đổi trong quyết định đầu tư vốn FDI. Trong đó, thay đổi tỷ giá làm tăng giá trị tài chính của các công ty nắm giữ tài sản định danh bằng đồng tiền tăng giá trị so với các công ty nắm giữ tài sản định danh bằng đồng tiền sụt giảm giá trị. Như vậy, khi giá trị của đồng nội tệ sụt giảm (giá trị đồng tiền nước chủ đầu tư trở nên tăng giá trị) của cải của nhà ĐTNN sẽ gia tăng, tạo cho họ chi phí đầu tư thấp hơn tương đối so với các công ty đối tác ở các quốc gia có đồng tiền

mất giá trị. Khi những điều kiện khác không đổi, giá trị đồng tiền nước nhận đầu tư sẽ tỷ lệ nghịch với FDI vào quốc gia đó.

Blonigen (1997) tìm thấy lập luận của Froot và Stein (1991) có khe hổng quan trọng khi mặc nhiên cho rằng các tài sản liên quan đến FDI có giá cả và lợi tức danh nghĩa bằng cùng một loại tiền tệ, chưa quan tâm đến chủ đầu tư trong nước hay nước ngoài (ví dụ như trái phiếu hoặc các tài sản tài chính khác). Từ đó, Blonigen (1997) bổ sung vào khe hổng nghiên cứu của Froot và Stein (1991) với lập luận rằng, biến động tỷ giá cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động mua lại FDI, đặc biệt là các thương vụ mua lại liên quan đến các tài sản đặc thù của công ty. Blonigen (1997) tập trung vào vấn đề mua lại doanh nghiệp FDI và tìm thấy tác động của tỷ giá cả trong trường hợp mua lại các công ty nước ngoài có tài sản đặc biệt. Nếu FDI của một công ty được thúc đẩy bằng việc mua lại các tài sản đặc biệt như: công nghệ, kỹ năng quản lý... (các tài sản có thể chuyển nhượng được bên trong một công ty đa quốc gia trên nhiều thị trường mà không có giao dịch tiền tệ) thì sự mất giá nội tệ sẽ làm giảm giá tương đối của tài sản đó khi tính bằng ngoại tệ. Nói cách khác, sự suy giảm đồng tiền của một quốc gia dẫn đến gia tăng vốn FDI vào vì các công ty nước ngoài tham gia vào thị trường này có thể được "mua rẻ" một số tài sản trong khi các công ty nội địa không được cơ hội thu lợi như vậy.

Khác với quan điểm của Froot và Stein (1991), Campa (1993) đưa ra một lập luận khác về mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn ĐTNN. Theo Campa (1993), sự tăng giá trị thực của đồng nội tệ sẽ làm tăng FDI vào quốc gia đó. Thay vì tập trung vào giá của tài sản nước ngoài như Froot và Stein (1991), nghiên cứu của Campa (1993) theo hướng tiếp cận lý thuyết dựa trên sản xuất.

Trong mô hình của Campa (1993), quyết định đầu tư ra nước ngoài phụ thuộc vào sự kỳ vọng về lợi nhuận trong tương lai. Tại mỗi thời điểm, các công ty phải quyết định xem có nên đầu tư vào một quốc gia nào đó trong giai đoạn hiện tại hay chờ đến giai đoạn tiếp theo. Theo Campa (1993), sự sụt giảm giá trị đồng nội tệ ở một quốc gia làm giảm kỳ vọng về lợi nhuận trong tương lai, dẫn đến trì hoãn quyết định đầu tư của nhà ĐTNN và do đó, làm suy yếu vốn FDI vào quốc gia đó.

Mối quan hệ giữa biến động tỷ giá và vốn FDI

Theo Itagaki (1981) và Cushman (1988), biến động tỷ giá ảnh hưởng đến các doanh nghiệp FDI tùy thuộc vào mục đích sản xuất của doanh nghiệp đó. Itagaki (1981) và Cushman (1988) cho rằng, biến động tỷ giá có thể làm tăng vốn FDI nếu sản phẩm của các doanh nghiệp FDI được sử dụng thay thế cho xuất khẩu. Cushman (1988) ủng hộ quan điểm cho rằng sản xuất tại thị trường đích là sự thay thế tốt cho xuất khẩu nếu có sự biến động mạnh về tỷ giá. Do đó, một

gia mà họ dự định bán hàng. Tương tự, Ménil (1999) cũng đồng tình rằng, khi tỷ giá thực càng biến động, chi phí thương mại càng tăng và điều này dẫn dắt các chủ thể kinh tế đi đến quyết định gia tăng đầu tư FDI tại thị trường đích thay vì sản xuất tại chỗ và xuất khẩu như trước.

Cushman (1988) cũng cho rằng, ngược lại, các doanh nghiệp FDI với ý định tái xuất sẽ gặp bất lợi trong trường hợp đối mặt với nguy cơ biến động tỷ giá. Khi đối mặt với biến động tỷ giá lớn, các doanh nghiệp FDI với mục đích tái xuất sẽ gặp khó khăn, và do đó, họ giảm đầu tư FDI ở các quốc gia có biến động tỷ giá. Tượng tự, Dixit (1989) cũng đồng tình rằng, các quyết định đầu tư đưa ra trong môi trường không chắc chắn có nguy cơ dẫn đến nhiều tốn kém để đảo chiều. Kế thừa lý thuyết lựa chọn của Dixit (1989), Campa (1993) đưa ra cách tiếp cận đơn giản để kiểm tra tác động của biến động tỷ giá đến FDI. Campa (1993) lập luận rằng, các công ty xuyên quốc gia thích đầu tư ở những quốc gia có tiền tệ ổn định để lợi nhuận của họ không bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá. Mặt khác, Blonigen (1997) lập luận rằng, biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng đến hoạt động mua lại FDI, đặc biệt là các thương vụ mua lại liên quan đến các tài sản đặc thù của công ty (tài sản có thể tạo ra lợi nhuận bởi chênh lệch các loại tiền khác với tiền được sử dụng trong giao dịch mua lại). Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng, biến động tỷ giá có tác động đến FDI khác nhau tuỳ thuộc vào đặc điểm của quốc gia nhận đầu tư và ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp FDI đó (Urata và Kawai, 2000;

Tomlin, 2000). Nhìn chung, các nhà nghiên cứu có cùng quan điểm rằng, các nhà đầu tư thường ưu tiên đầu tư vào môi trường tài chính ổn định thay vì chấp nhận đối diện rủi ro biến động tỷ giá.

Tuy nhiên, Itagaki (1981) cho rằng tỷ giá song phương không ảnh hưởng đến mức độ ĐTNN hoặc xu hướng đầu tư tương đối của các công ty nước ngoài. Quan điểm của Itagaki (1981) dựa trên cơ sở lý thuyết ngang giá sức mua (PPP) của Gustav Cassel (1920) và giả định rằng giá mua tài sản và doanh thu từ tài sản được quy đổi theo cùng một loại tiền. Theo Itagaki (1981), nếu lý thuyết PPP thật sự tồn tại, các công ty nước ngoài sẽ không có bất kỳ rủi ro nào liên quan đến tỷ giá bởi vì sự thay đổi của tỷ giá sẽ được bù trừ bởi thay đổi trong mức giá tương đối giữa các quốc gia.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn đầu tư nước ngoài nghiên cứu trường hợp việt nam (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(158 trang)