Hàm ý chính sách thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn đầu tư nước ngoài nghiên cứu trường hợp việt nam (Trang 134 - 137)

5.2.2. Hàm ý chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam

5.2.2.2. Hàm ý chính sách thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài ở Việt Nam

Vấn đề huy động vốn FPI đặt ra những thử thách không nhỏ đối với các nền kinh tế đang chuyển đổi: một mặt phải ra sức huy động vốn nước ngoài để đáp ứng tối đa nhu cầu vốn cho công nghiệp hoá; mặt khác phải kiểm soát chặt chẽ dòng vốn nước ngoài để ngăn chặn khủng hoảng.

Kết quả phân rã phương sai tác động của các yếu tố đến FPI cho thấy, vốn FPI chịu tác động nhiều nhất là yếu tố FPI trong quá khứ (ở độ trễ 2 là 75,0%; ở độ trễ 3 là 73%; ở độ trễ 4 là 71%). Do đó, để gia tăng lợi ích nền tảng, tạo đà tác động tích cực của vốn FPI trong quá khứ đến FPI trong hiện tại và tương lai, Chính phủ cần chú trọng thu hút và giữ chân được vốn FPI ở lại Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển nhanh và ổn định của TTCK thành kênh thu hút vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Trong quản lý vốn FPI, điều quan trọng nhất không phải là thu hút vốn vào nhanh, vào nhiều mà chính là phải “giữ chân lâu dài” dòng vốn này thông qua việc sàng lọc, khuyến khích các nhà ĐTNN đầu tư dài hạn và hạn chế các dòng vốn đầu cơ ngắn hạn. Theo quan điểm của Minsky (1992), cần sàng lọc kỹ vốn FPI, tránh các dòng vốn đầu cơ vào quá nhanh gây áp lực tăng giá chứng khoán, nguy cơ bong bóng và đổ vỡ TTCK kéo theo hậu quả sụt giảm vốn FPI của các kỳ sau.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, luận án đưa ra một số hàm ý chính sách thu hút và quản lý vốn FPI như sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn FPI vào Việt Nam

Thời gian qua, Việt Nam luôn quan tâm và đánh giá cao tầm quan trọng của thu hút vốn vốn FPI đối với mục tiêu phát triển kinh tế. Việt Nam đã xây dựng chiến lược và triển khai quảng bá hình ảnh, kêu gọi đầu tư ở các thị trường lớn quốc tế nhằm đẩy mạnh việc thu hút dòng vốn FPI vào Việt Nam mạnh hơn. Thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư, vốn FPI vào Việt Nam đã tăng trưởng rõ nét. Trong tương lai, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chiến lược thu hút vốn FPI nằm trong tổng thể chiến lược thu hút và sử dụng vốn ĐTNN phục vụ chiến lược phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm tăng cường tính minh bạch cho thị trường, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp

của nhà đầu tư. Đồng thời, Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc tiếp thị, quảng bá hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư của Việt Nam nhằm gia tăng tính hấp dẫn của thị trường, thu hút sự quan tâm của nhà ĐTNN trên TTCK.

Thứ hai, cần tăng cường các giải pháp nhằm thu hút có chọn lọc vốn FPI vào Việt Nam, hạn chế tình trạng đảo chiều dòng vốn

Kết quả nghiên cứu cho thấy, vốn FPI vào Việt Nam trong quá khứ ở độ trễ 1 quý và độ trễ 4 quý tác động ngược chiều đến vốn FPI trong hiện tại. Điều này cho thấy đặc điểm vốn FPI vào Việt Nam trong thời gian qua chưa phải là nguồn vốn đầu tư ổn định. Các nhà đầu tư rót vốn vào TTCK Việt Nam rồi sau đó bán chứng khoán để rút tiền về sau 1 quý và 4 quý. Điều này có thể là do vốn này đến từ các nhà đầu cơ trên thị trường tài chính (các nhà đầu tư muốn thực hiện đầu tư lướt sóng để thu được lợi nhuận nhờ chênh lệch giá mua giá bán chứng khoán). Hoặc cũng có thể, đây là những khoản vốn dự định đầu tư lâu dài, nhưng họ vẫn thoái vốn do TTCK Việt Nam xuất hiện nhiều nguy cơ sụt giảm giá trị. Do đó, chính phủ cần có chính sách nhằm thu hút chọn lọc và “giữ chân” được lâu dòng vốn này.

Chính phủ cần cần thiết lập và duy trì các cơ chế kiểm soát nhằm chọn lọc vốn FPI tránh dòng vốn vào quá nhanh với mục đích đầu cơ. Do tính chất biến động cao, dễ dàng di chuyển nhanh chóng vào và ra khỏi quốc gia, nên một sự thay đổi vốn ồ ạt dù ở chiều nào cũng gây bất ổn cho nền kinh tế. Lượng vốn FPI đổ vào một quốc gia nhanh có thể khiến cho đồng nội tệ tăng giá nếu sự điều chính cung tiền của NHTW không kịp thời và hợp lý. Do vậy, kiểm soát dòng vốn là điều cần thiết đối với Việt Nam, quốc gia đang phát triển có thị trường tài chính còn non trẻ so các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm từ các quốc gia, kiểm soát vốn chỉ nên thực hiện có chừng mực (chỉ nên tập trung kiểm soát các khoản vốn FPI ngắn hạn), vì nếu kiểm soát vốn quá cứng nhắc sẽ dẫn đến tâm lý e ngại của các nhà đầu tư. Do vậy, Việt Nam cần quan tâm các giải pháp kiểm soát vốn một cách thận trọng ở cả hai chiều: (1) đối với dòng vốn vào nên có chọn lọc và phân chia tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà ĐTNN đối với lĩnh vực trọng yếu và không trọng yếu; (2) đối với dòng vốn ra, kiểm soát chỉ nên mang tính chất tạm thời, nhằm hạn chế việc các nhà đầu tư trong nước đầu tư ra nước ngoài trong những giai đoạn nền kinh tế đang có bất ổn hoặc khủng hoảng. Chính phủ nên có chính sách khuyến khích, giữ chân dòng vốn đầu tư lâu dài nhưng không nhằm ngăn cấm các nhà đầu tư rút vốn về nước.

Bên cạnh đó, để thu hút và giữ chân được các nhà đầu tư dài hạn, trong thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng phát triển thị trường tài chính thành trung tâm tài chính lớn mang tầm cỡ

khu vực, có nhiều triển vọng gia tăng giá trị các chứng khoán đang nắm giữ. Chính phủ cần thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế của TTCK Việt Nam với các giải pháp cụ thể như:

xây dựng và ban hành các chính sách cổ phẩn hóa nhằm thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, tạo nguồn cung cho thị trường thông qua rà soát; cắt giảm các lĩnh vực cần hạn chế sở hữu nước ngoài; cắt giảm thủ tục hành chính cho nhà ĐTNN khi mở tài khoản vốn FPI tại Việt Nam;

cho phép NHTM trực tiếp phân phối chứng chỉ quỹ đại chúng theo thông lệ quốc tế; nghiên cứu mở rộng các công cụ tài chính theo lộ trình phù hợp... Bên cạnh đó, cần nâng cao tính chuyên nghiệp của TTCK (ở tất cả thị trường cổ phiếu, trái phiếu và TTCK phái sinh), từ đó thúc đẩy quá trình thu hút vốn FPI.

Thứ ba, cần tăng cường tính minh bạch của thị trường tài chính và kiểm soát an ninh tài chính nhằm đảm bảo sự an toàn của hệ thống tài chính, tránh nguy cơ khủng hoảng Bất kỳ quốc gia nào cũng mong muốn thu hút nhiều vốn ĐTNN. Tuy nhiên, một số quốc gia luôn có những e ngại nhất định khi thu hút dòng vốn FPI do tính chất bất ổn của nó. Dòng vốn vào quá nhanh có thể gây áp lực lên tỷ giá làm nội tệ tăng giá dẫn đến giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Kết quả là tài khoản vãng lai, hạng mục quan trọng nhất trong cán cân thanh toán quốc tế của quốc gia rơi vào tình trạng thâm hụt. Mặt khác, khi dòng vốn vào có khối lượng quá lớn, nó có thể được phân bổ không hiệu quả và làm rối loạn hệ thống tài chính. Quỹ đầu tư nước ngoài có thể làm bùng lên bong bóng giá tài sản và tạo ra rủi ro tiền mặt của các trung gian tài chính nội địa. Điều này, đặc biệt nguy hiểm hơn khi có sự đầu cơ nâng giá của các nhà ĐTNN. Khi có bất kỳ cú sốc nào xảy ra, dù bắt nguồn từ bên trong hay bên ngoài nền kinh tế, đều có thể dẫn đến các cuộc thoái vốn ồ ạt làm sụp đổ TTCK và kéo theo các cuộc khủng hoảng tài chính (điều này từng diễn ra trong cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, năm 1997). Thực tiễn cho thấy, ở các thị trường tài chính chưa phát triển đầy đủ thì mức độ tổn thương càng nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, trong một thị trường tài chính hội nhập, minh bạch thông tin cũng là một trong những điều kiện nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của TTCK cũng như tạo niềm tin cho các nhà đầu tư (bao gồm cả nhà ĐTNN). Để tăng cường minh bạch thông tin trên TTCK, Chính phủ cần chú trọng các giải pháp sau: Ban hành các quy định rõ ràng và các hình thức xử phạt nghiêm minh những vi phạm liên quan đến việc công khai tài chính; bắt buộc các chủ thể tuân thủ các thông lệ kế toán, kiểm toán và công bố thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm gia tăng kỷ luật thị trường; bắt buộc công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán của tất cả các công ty; nâng cao tính minh bạch của hệ thống ngân hàng; loại bỏ những bảo đảm ngầm hoặc công khai của chính phủ đối với các khoản tiền gửi, góp phần làm giảm rủi ro đạo đức. Bên

cạnh đó, chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ngoại hối, bao gồm cả yêu cầu về dự trữ ngoại hối đủ lượng cần thiết để đáp ứng trước các cú sốc bên ngoài, đặc biệt là đối phó với dòng vốn ngắn hạn như FPI.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn đầu tư nước ngoài nghiên cứu trường hợp việt nam (Trang 134 - 137)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(158 trang)