Hàm ý chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn đầu tư nước ngoài nghiên cứu trường hợp việt nam (Trang 131 - 134)

5.2.2. Hàm ý chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam

5.2.2.1. Hàm ý chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam

Một là, cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn FDI vào Việt Nam

Kết quả kiểm định cho thấy, dòng vốn FDI vào Việt Nam có tác động làm tăng REER (làm giảm giá trị đồng tiền Việt Nam) ở độ trễ 4 quý. Kết quả này trái với kỳ vọng dựa trên các lý thuyết cho rằng về dòng vốn vào làm tăng giá trị thực của đồng nội tệ. Tuy nhiên, kết quả này hoàn toàn đúng và được giải thích trong thực tiễn Việt Nam. Trong chương 4, hình 4.1 và 4.2 cho thấy xu hướng ngược chiều của tỷ giá danh nghĩa đa phương và tỷ giá thực đa phương của Việt nam so với 143 đối tác thương mại. Bên cạnh đó, kết hợp quan sát diễn biến của vốn FDI ở hình 4.3, luận án cho thấy diễn biến tỷ giá danh nghĩa đa phương ở Việt Nam có xu hướng chung là trái chiều so với diễn biến của vốn FDI. Điều này phù hợp với lý thuyết cho rằng, dòng vốn vào tác động ngược chiều đến tỷ giá, nghĩa là trong giai đoạn 2005-2019, dòng vốn FDI có khuynh hướng làm tăng giá trị danh nghĩa của đồng tiền Việt Nam. Tuy nhiên, diễn biến của tỷ giá thực đa phương lại có xu hướng ngược lại tỷ giá danh nghĩa đa phương ở Việt Nam. Theo lý thuyết, sự khác biệt của tỷ giá thực đa phương và tỷ giá danh nghĩa đa phương là do tác động của yếu tố lạm phát. Nếu các yếu tố khác không đổi, đồng tiền ở các quốc gia có chỉ số lạm phát cao hơn tương đối sẽ sụt giảm giá trị hơn so với đồng tiền của các quốc gia có lạm phát thấp hơn. Do đó, để kiểm soát sự sụt giảm giá trị thực của VND (trong khi dòng vốn vào vẫn tăng), chính phủ cần xem xét chỉ số lạm phát của Việt Nam so với chỉ số lạm phát trung bình của 143 đối tác thương mại để có những biện pháp kiếm soát lạm phát cho phù hợp. Các giải pháp này vừa đảm bảo, trong ngắn hạn, đồng tiền Việt nam có giá trị thấp hơn giá trị trung bình đồng tiền của các đối tác thương mại tạo điều kiện cho thu hút vốn ĐTNN nhưng vẫn cần kiểm soát lạm phát tránh VND mất giá sâu nhằm hướng tới củng cố và gia tăng giá trị của đồng tiền Việt nam trong dài hạn.

Thứ hai, cần chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao để phát triển sản xuất, gia tăng giá trị cho các sản phẩm tạo ra tại Việt Nam nhằm gia tăng số lượng và cải thiện chất lượng độ mở thương mại

Kết quả nghiên cứu cho thấy, độ mở thương mại cũng là yếu tố tác động cùng chiều đến vốn FDI vào Việt Nam và ngược lại chất lượng vốn FDI cũng góp phần quyết định chất lượng của độ mở thương mại. Một trong những lợi ích mà các quốc gia mong đợi khi nỗ lực thu hút vốn FDI là nhằm tăng cường năng lực công nghệ cho các ngành sản xuất của nước nhà thông qua chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI, từ đó phát triển sản xuất các sản phẩm công nghệ cao cung cấp ra thị trường thế giới, góp phần gia tăng số lượng và cải thiện chất lượng độ mở thương mại.

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định trong việc tiếp nhận công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao trình độ công nghệ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cơ cấu giá trị vốn FDI vào ngành công nghệ cao vẫn còn ít so với các ngành nghề khác. Vốn FDI vào Việt Nam, phần lớn vẫn tập trung vào các ngành chế tạo, chế biến xuất khẩu, đòi hỏi kỹ năng thấp. Nhiều dự án FDI chỉ tập trung vào lắp ráp, gia công với tỉ lệ nội địa hóa thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. Theo OECD, hàm lượng nhập khẩu trong sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ở quy mô cao hơn gấp 5 lần so với hàm lượng ở các quốc gia thu nhập cao như Mỹ và Nhật Bản. Do đó, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần chú trọng thu hút các dự án FDI công nghệ cao, công nghệ mới để có thể bắt nhịp được với các thay đổi không ngừng của làn sóng công nghệ mới nhằm nâng cao giá trị thực của sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giúp cải thiện chất lượng độ mở thương mại.

Thứ ba, cần thu hút nhiều dự án đầu tư FDI vào các ngành, lĩnh vực có thể tạo nền tảng góp phần thúc đẩy hấp dẫn dòng vốn FDI trong tương lai

Theo kết quả kiểm định mô hình 1, vốn FDI hiện tại chịu tác động nhiều nhất bởi chính yếu tố này trong quá khứ (ở độ trễ 1 quý là 93,0%; ở độ trễ 2 quý là 88%; ở độ trễ 3 quý là 84%).

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là kết quả kiểm định cho thấy, ở Việt Nam, vốn FDI trong quá khứ không những không thúc đẩy FDI hiện tại mà còn cho kết quả làm sụt giảm FDI trong hiện tại. Liên hệ thực tế thời gian qua, các dự án FDI chưa thực sự tạo nền tảng, là bệ phóng cho thu hút vốn FDI trong tương lai, trong đó đáng chú ý là khiếm khuyết về các dự án hạ tầng giao thông và dự án FDI có huấn luyện đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ,

hiện đại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, các quốc gia chú trọng đầu tư và hoàn thiện cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh sẽ trở nên hấp dẫn dòng vốn FDI vào. Tuy nhiên, thời gian qua, thu hút FDI ở Việt Nam vào lĩnh vực giao thông vận tải còn khiêm tốn, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển và một số ít các dự án cầu tại các thành phố lớn hoặc các trục chính kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm. Đáng chú ý là trong số đó có nhiều dự án còn dang dở như đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, Cảng hàng không Long Thành. Do đó, chính phủ cần có chính sách thu hút đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng cứng (cảng biển, cầu đường, điện, nước, thông tin…), cũng như hạ tầng mềm (tài chính ngân hàng, dịch vụ kỹ thuật công nghệ), đặc biệt là kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo động lực tích cực trong việc thu hút vốn FDI trong tương lai.

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng là yếu tố quyết định tác động của FDI trong quá khứ đến FDI trong hiện tại. Đối với một quốc gia, khu vực có vốn FDI không những góp phần tạo nhiều công ăn việc làm mà còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực có trình độ ngày càng cao tạo nền tảng tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, ở Việt Nam, FDI chưa thể hiện tốt vai trò thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo báo cáo của Bộ lao động-thương binh và xã hội, tính đến cuối năm 2017, cả nước có 14 nghìn doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp này đã thu hút gần 4 triệu lao động.

Các doanh nghiệp FDI còn tạo ra nhiều việc làm gián tiếp do tác động kích thích đầu tư trong nước (phát triển các doanh nghiệp vệ tinh, các ngành nghề cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI). Tuy nhiên, vấn đề nhân lực trong doanh nghiệp FDI vẫn còn một số hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu chuyển giao các ngành công nghệ cao cũng như làm chậm quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Có nhiều hạn chế về nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp FDI như: phần lớn nhân công là lao động không có bằng cấp / chứng chỉ đào tạo, xu hướng dịch chuyển lao động chủ yếu là một chiều từ khu vực trong nước (kể cả khu vực công) sang khu vực đầu tư nước ngoài và rất hiếm xảy ra ở chiều ngược lại. Do đó, tác động lan tỏa của chất lượng nguồn nhân lực còn rất hạn chế. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách chọn lọc và chú trọng các dự án FDI có huấn luyện đào tạo nhân lực chất lượng cao, áp dụng được các công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm đẩy mạnh thu hút vốn FDI trong tương lai.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn đầu tư nước ngoài nghiên cứu trường hợp việt nam (Trang 131 - 134)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(158 trang)