Khác biệt về vai trò cái tôi tác giả

Một phần của tài liệu nguồn kiến thức bổ sung – prdaily – seo web (Trang 55 - 63)

Như chúng ta đều biết, trong hoạt động giao tiếp lời nói nào cũng là sản phẩm của người phát hướng về người nhận với mục đích nhất định. Vì thế việc phân tích lời nói còn có thể tiến hành từ các góc độ của hai loại đối tượng này.

Nếu so sánh các phong cách của người phát (tức là “cái tôi” tác giả) trong ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ văn học ta sẽ thấy chúng có nhiều điểm khác biệt quan trọng.

Nguyên tắc cơ bản của ngôn ngữ báo chí, đồng thời cũng là cơ sở và đặc điểm cấu trúc của nó là sự công khai, sự biểu đạt trực tiếp và thẳng thắn “cái tôi” của tác giả. Đây có thể xem là nét khác biệt khá nổi bật giữa báo chí và văn học, là nơi tác

giả không bao giờ giao tiếp trực diện với độc giả. Trong phong cách báo chí, “cái tôi” đích thực của tác giả luôn đàm thoại trực tiếp với độc giả. Ở đây, mọi sự đánh giá, mọi niềm xúc cảm đều của chính “cái tôi” này, (tất nhiên, suy cho cùng, thì những sự đánh giá, những niềm cảm xúc ấy sẽ phải mang tính xã hội, vì tác giả của tác phẩm báo chí bao giờ cũng đại diện cho một nhóm xã hội, một tổ chức đảng hay một giai cấp; thế nhưng trước hết chúng vẫn phải đích thực là của chính tác giả, là sản phẩm của trái tim và khối óc của anh ta, bởi nếu không, anh ta chỉ là công cụ phát ngôn cho kẻ khác và không thể nào chinh phục được độc giả). Do vậy kết cấu về ngôn từ trong báo chí thường in đậm chất xúc cảm cá nhân. Dĩ nhiên, trong các thể loại khác nhau thì mức độ tham dự của “cái tôi" tác giả cũng khác nhau. Có những loại thể báo chí mà ở đó chúng ta hầu như không thấy sự hiện diện của tính cá thể (như thông báo tin tức, tin vắn, tin thời sự,..).Thế nhưng nói chung, vai trò của “cái tôi” tác giả trong việc hình thành kết cấu ngôn ngữ báo chí đáng kể tới mức có thể coi nó là cơ sở để phân loại các tác phẩm báo chí.

Trong khi đó thì ngôn ngữ văn học lại thiên về tính ước lệ. Cái thế giới do nhà văn sáng tạo nên là thế giới tưởng tượng, thế giới được cải biến và đầy chất ước lệ.

Tác giả, như là nguyên tắc, không đưa ra những lời đánh giá trưc tiếp, thẳng thắn đối với các nhân vật cũng như đối với ngôn từ và các hành vi của họ. Anh ta cứ từ từ đưa độc giả tới những đánh giá mà anh ta chờ đợi một cách gián tiếp. Sự can thiệp trực tiếp của tác giả vào văn bản, mặc dù là có thể, nhưng không điển hình cho phong cách văn học nghệ thuật. Nó có thể là một thủ pháp cố ý (và độc giả dễ dàng nhận thấy điều đó), hoặc giả là biểu hiện của sư non yếu về bút pháp của tác giả. Tác phẩm báo chí luôn cảm thấy mình khác lạ, “khó ở” nếu phải khoác cái áo của văn xuôi nghệ thuật.

Ngôn ngữ báo chí hoàn toàn không có tính ước lệ vốn đặc trưng cho văn xuôi nghệ thuật. Trong phong cách chức năng này, “cái tôi” tác giả thường thể hiện công khai (mức độ công khai ấy, như đã nói ở trên, đương nhiên còn phụ thuộc vào thể loại và giọng điệu trần thuật), nó không tách ra khỏi độc giả, không bị khách quan hoá như trong văn học nghệ thuật là nơi nhân vật phải sống một cuộc sống

độc lập, không dính líu tới tác giả. Vì lẽ đó mà trong báo chí, tính cá nhân cũng như cái nét riêng biệt của tác giả cùng sự phong phú về tư tưởng và tình cảm của anh ta có ý nghĩa hết sức to lớn.

Có thể nói, chính vị thế của tác giả xác định sự khác biệt cốt lõi, mang tính nguyên tắc, giữa ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ báo chí. Ngôn ngữ báo chí đậm chất của chủ quan, giàu tính đánh giá (định danh và đánh giá), nó thường đơn diện, đơn thanh, còn ngôn ngữ văn học thường bị khách quan hoá, đa diện, đa thanh.

Trong văn học nghệ thuật có thể xảy ra sự đan xen một số tầng ngôn ngữ: ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ các nhân vật; chúng tác động tương hỗ lẫn nhau một cách phức tạp, đa dạng và tạo nên một phông ngôn từ phong phú , nhiều sắc màu xét trên phương diện phong cách.

Còn trong báo chí chủ thể đích thực của lời nói lại thường trùng với “cái tôi

của tác giả. Vì thế trong ngôn ngữ báo chí chúng ta hầu như chỉ bắt gặp một tầng phong cách, đó là lời nói của tác giả, còn lời nói đích thực của nhân vật rất ít khi xuất hiện trừ một số ít loại thể trên phát thanh và truyền hình.

Thế nhưng tính đơn diện, đơn thanh của ngôn ngữ báo chí tuyệt đối không phải là dấu hiệu của sư nghèo nàn. Ngược lại, chính trong đặc điểm này đã bộc lộ nét đặc thù không trộn lẫn của nó: tính biểu cảm và khả năng tác động. Và cũng chính nhờ đặc điểm nói trên mà phong cách báo chí đã được sử dụng trong văn học nghệ thuật. Việc sử dụng ấy gắn liền với sự thể hiện một cách trưc tiếp, không giấu giếm quan điểm của tác giả. Phong cách báo trong trường hợp này là hình thức đặc biệt về đưa tư liệu, là nguyên lý đặc biệt của việc xây dựng hình ảnh tác giả, nó mở đường cho sự can thiệp trực tiếp của giọng điệu tác giả cũng như tạo điều kiện cho sự xuất hiện các suy luận của anh ta.

Nếu như với văn học nghệ thuật, sự can thiệp trực tiếp của tác giả vào diễn biến các sư kiện được phản ánh thường được xem như là sư lệch chuẩn hoặc là một thủ pháp cố ý (ngoài lề báo chí-chính luận), thì đối với phong cách báo chí - đây là quy luật tất yếu, là đặc điểm cơ bản của cấu trúc lời nói vốn làm nên đặc thù, sức mạnh cũng như sự biểu cảm của nó. Dù chủ thể sáng tạo của tác phẩm báo chí có nói về

điều gì đi chăng nữa, thì trong cấu trúc ngôn từ của nó anh ta phải thể hiện trực tiếp

giọng điệu”, những đánh giá, cảm xúc, diễn biến tư tưởng, sự say mê, sự bức xúc của mình trước đề tài và đối tượng mà bài viết đề cập. Và thực tế cho thấy là chất báo chí luôn tỏ ra tỉ lệ thuận một cách trực tiếp với cảm xúc và thái độ của tác giả trước điều anh ta phản ánh. Có thể nói, chính sự công khai, thẳng thắn và tích cực trong quan điểm của tác giả đã làm cho báo chí (nhất là chính luận) trở thành phương tiện tác động có sức mạnh ghê gớm, nhiều khi vượt qua cả sức mạnh của văn học nghệ thuật.

Nói tóm lại, trong phong cách văn học nghệ thuật, “cái tôi” tác giả luôn lẩn khuất, không lộ diện, còn “cái tôi” xuất hiện chỉ là hình tượng nghệ thuật - “cái tôi” thẩm mỹ của nhân vật là người dẫn chuyện; trong khi đó thì ở phong cách báo chí "cái tôi" tác giả bao giờ cũng được biểu đạt công khai, trực tiếp, và do vậy, nó trở thành nhân tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thuyết phục độc giả tin vào tính xác thực của thông tin.

3. Khác biệt về tính chất khuôn mẫu

Khi nói về các đặc điểm của ngôn ngữ báo chí, không thể nào không đề cập tới tính khuôn mẫu khó trộn lẫn của nó. Theo nhà nghiên cứu hàng đầu của Nga hiện nay về ngôn ngữ báo chí M. Shostac thì khuynh hướng thiên về việc lựa chọn các phương tiện ngữ pháp, rồi các điều kiện văn hoá - xã hội đặc biệt mà tờ báo đang tồn tại trong đó (chẳng hạn như phải dành cho một lượng độc giả đông tới mức không xác định được, và đồng thời phải thích ứng với những thói quen, những phong cách sử dụng ngôn từ đa dạng nhất của mọi tầng lớp trong xã hội) đã khiến cho các kiểu thông tin cơ bản thường gặp của báo chí như phỏng vấn, tin vắn...

được xây dựng theo những hình mẫu có sẵn, được chế định bởi những khuôn ngôn từ hình thành trong quá trình sản xuất tờ báo.4

Dưới đây là một số khuôn thường được dùng để viết các mẩu tin:

- Ngày...Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố bác bỏ tin nói rằng...

-TTXVN. Ngày...tại...Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi...

-Hôm qua...tại...đã khai mạc...

-Theo các nguồn tin...trong cuộc gặp...Tổng thống đã khẳng định...

Đúng là báo chí không thể thiếu khuôn mẫu, nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng sự rập khuôn chỉ xảy ra trong địa hạt của ngôn ngữ báo chí. Cần phải khẳng định: hiện tượng này có mặt trong mọi lĩnh vực hoạt động của ngôn ngữ nói chung.

Tạo ra khuôn mẫu về ngôn từ, hay nói cách khác, xây dựng các công thức ngôn từ có sẵn, nhằm làm cho hoạt động giao tiếp trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn là một quá trình tự nhiên, khách quan, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội cũng như của ngôn ngữ. Thực tế cho thấy là tính uyển chuyển, linh hoạt và phát triển cao của ngôn ngữ văn hoá (ngôn ngữ chuẩn mực) được xác định chủ yếu là bằng mức độ qui chuẩn nó, tức là bằng số lượng nhiều hay ít các công thức, các khuôn mẫu dành cho các tình huống giao tiếp với các mục đích khác nhau. Nếu thiếu vắng những cái khuôn như vậy, hoạt động giao tiếp sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều, nó buộc người ta phải tự tạo ra những lối nói, những công thức ngôn từ cho từng điều kiện giao tiếp cụ thể, mà điều này là bằng chứng không thể phủ nhận về sự chưa hoàn chỉnh của các phong cách ngôn ngữ.

Rập khuôn phản ánh cái xu hướng có bề sâu trong ngôn ngữ là tự động hoá, lặp lại, và ổn định các phương tiện biểu đạt, nhằm tạo ra một phương thức định danh và đánh giá quen thuộc và bền vững về mặt xã hội.

Những điều kiện bên ngoài thúc đẩy sự rập khuôn hoá ngôn ngữ báo chí là tính chất tức thời của hoạt động báo chí, sự lặp lại thường xuyên và tính định kỳ của các đề tài, tình huống, v.v. Đặc trưng của sự rập khuôn hoá ngôn ngữ báo chí trước hết nằm trong tính đánh giá xã hội của nó. Chính nguyên tắc đánh giá (vốn được xem là cơ bản trong phong cách báo chí -chính luận) đã qui định không chỉ phương hướng mà còn cả tính chất sự rập khuôn hoá lời nói trong ngôn ngữ báo chí. Khảo cứu cho thấy, tuyệt đại đa số các khuôn mẫu (từ, ngữ, kiểu nói...) đều mang sắc thái đánh giá: hoặc là tích cực, hoặc là tiêu cực. Ví dụ, một bên là: với lòng nhiệt tình cháy bỏng, tích cực thi đua, khơi dậy phong trào, đánh dấu những cái mốc mới, gánh vác những trách nhiệm cao cả, v, v; còn một bên là: với sự phẫn nộ sâu sắc, phải trả giá đắt, thất bại ê chề, cực lực lên án, v.v. Còn các khuôn mẫu không mang sắc thái đánh giá chỉ chiếm một dung lượng rất nhỏ; đó là

các từ, ngữ thuộc về kiểu thông tin chính thức hay các tin vắn như: theo thông báo, trong không khí, theo nguồn tin, dẫn lời, v.v.

Ngôn ngữ văn học cũng không hề xa lạ đối với tính khuôn mẫu. Nhưng tính chất và phương hướng của sự rập khuôn ở đó bị chi phối trước hết bởi một hoàn cảnh là: Ngôn ngữ của văn học nghệ thuật kỳ vọng vào sự tiếp nhận của mỗi cá nhân và xuất phát từ sự sản xuất ngôn từ cũng mang tính cá nhân. Cả báo chí, cả văn học đều hướng về độc giả đại chúng, nhưng báo chí thì hướng về quần chúng (hoặc các nhóm xã hội, các giai cấp biệt lập nào đó) nói chung. Còn văn học lại hướng tới từng độc giả cụ thể, và qua anh ta, tới tất cả mọi người. Tính cá thể hoá ngôn ngữ (cả về phương diện người phát, cả về phương diện người nhận), rồi sự cụ thể hoá theo kiểu hình tượng nghệ thuật đã tạo nên phẩm chất đặc thù riêng của văn chương nghệ thuật. Nhưng tính cá thể hoá ngôn ngữ lại hoàn toàn không loại trừ sự rập khuôn hoá, chỉ có điều sự rập khuôn ở đây phải tiếp nhận một hình thái phức tạp hơn. Dễ dàng nhận thấy, trong ngôn ngữ văn học nghệ thuật cái bị rập khuôn hoá không phải là hình thức ngôn từ, mà là thủ pháp, phương thức, phong cách diễn đạt. Tính cá thể hoá (tức là không rập khuôn) đạt được là nhờ sự phục hồi, thay đổi các khuôn mẫu, bằng sự cải biến chúng một cách mạnh dạn và sáng tạo. Mặc dù khuôn mẫu trong ngôn ngữ văn học không rõ nét như trong ngôn ngữ báo chí, nhưng nó vẫn là phần cốt lõi của toàn bộ phông ngôn từ. Mỗi nhà văn tài năng, khi xây dựng một phong cách riêng của mình (gồm tổng thể các thủ pháp, các phương thức sử dụng ngôn từ) về thực chất, đã tạo nên một hệ thống các khuôn mẫu cá nhân (dành cho riêng mình), mà sau đó, chúng có thể trở thành khuôn mẫu cho người khác nếu nằm dưới ngòi bút của những người mô phỏng, bắt chước thiếu sáng tạo.

Trong văn học Việt Nam có không ít những khuôn mẫu về sử dụng ngôn từ của cá nhân đáng được lưu danh hậu thế. Đó là khuôn mẫu Hồ Xuân Hương, thể hiện trong việc khai thác những từ tượng thanh, tượng hình “lắt léo” và ấn tượng, những cách nói lái, chơi chữ tài tình. Đó là khuôn mẫu Tú Xương, nằm ở sự vận dụng những nghĩa gốc, nghĩa đen, nghĩa chính xác nhất của ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày. Đó là khuôn mẫu Tố Hữu, gắn liền với việc dùng những hình ảnh

tượng trưng vừa hiện thưc lại vừa lãng mạn. Đó là khuôn mẫu Chế Lan Viên, hình thành từ sự hay dùng khả năng diễn đạt của nhiều tầng nghĩa sâu xa của ngôn từ.

Và còn nhiều nữa, những khuôn mẫu của Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Tuân...

Như vậy sự rập khuôn trong ngôn ngữ báo chí có khuynh hướng đánh giá và giao tiếp toàn xã hội, còn sự rập khuôn trong ngôn ngữ văn học nghệ thuật chỉ mang tính giao tiếp cá nhân. Một tờ báo, trong không ít các thể loại bài của mình, công khai định hướng vào các khuôn mẫu có tính chất tuyên truyền, cổ động, đánh giá, được kỳ vọng là sẽ còn lặp lại nhiều lần (tái sử dụng) và có sức tác động lớn tới cảm xúc. Khuôn mẫu của ngôn ngữ văn học trong trường hợp lý tưởng chỉ dành cho một lần sử dụng và thời gian tồn tại của nó so với khuôn mẫu báo chí ngắn hơn nhiều, chịu sự “hao mòn vô hình” nhanh hơn. Có lẽ đây chính là lý do khiến cho khuôn mẫu báo chí dễ bị nhận biết hơn và có vai trò nổi bật hơn trong việc xây dựng tác phẩm.

Như vậy là chúng ta đã điểm qua một số nét khác biệt cơ bản giữa ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ văn học ở ba phương diện: sự đánh giá, vai trò “cái tôi” tác giả và tính khuôn mẫu. Việc chỉ ra những nét khác biệt như vậy xuất phát từ mục đích góp phần khảng định vị thế độc lập của báo chí và văn học với tư cách là những loại hình sáng tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cuộc sống con người; đồng thời giúp cho các chủ thể sáng tạo, khi viết tác phẩm, nhận thức được rõ ràng và chuẩn xác hơn cái phong cách ngôn ngữ mà mình đang thể hiện, để rồi từ đó, sử dụng ngôn từ một cách chủ động và có hiệu quả. Tuy nhiên, do đây là vấn đề còn mới mẻ cho nên những điều chúng tôi trình bày ở trên, vốn mới chỉ là kết quả của những khảo sát bước đầu, chắc chắn còn nhiều khía cạnh cần được chỉnh lý, bổ sung.

Chú thích

1. Bêlinski V.G., Toàn tập, M., 1948, tập 3, tr.804-805 ( bằng tiếng Nga).

2. Hoàng Anh, Một số thủ pháp nhằm tăng cường tính biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí, Tạp chí " Ngôn ngữ và Đời sống ", số 7, 1998.

3. Đinh Trọng Lạc ( chủ biên ), Phong cách học tiếng Việt, NXB. Giáo dục, H., 1997, tr.151.

4. Shostak M., Ngôn ngữ một số phương tiện thông tin đại chúng, M., 1993, tr.77 ( bằng tiếng Nga).

( Bài in trong Kỷ yếu Đề tài khoa học cấp Bộ: " Mối quan hệ giữa văn học và báo chí ở Việt Nam từ khi báo chí ra đời đến nay ", H., 2001. )

Một phần của tài liệu nguồn kiến thức bổ sung – prdaily – seo web (Trang 55 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(178 trang)
w