Viết hoa không đúng quy cách

Một phần của tài liệu nguồn kiến thức bổ sung – prdaily – seo web (Trang 139 - 142)

Hiện nay, trong giao tiếp, chúng ta cần vận dụng một số quy tắc viết hoa cơ bản đã được thừa nhận và đang có tính phổ cập rộng rãi trong xã hội như sau:

a, Viết hoa tên người

Đối với tên người Việt Nam, chữ cái đầu của tất cả các âm tiết đều được viết hoa, ví dụ : Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Ngô Tất tố, Xuân Diệu...

Đối với tên người nước ngoài, chỉ cần viết hoa chữ cái đầu ở mỗi bộ phận của tên, ví dụ: Vladimir Putin, Bill Clinton, Victor Hugo...

Riêng tên người nước ngoài được phiên âm qua âm Hán - Việt thì viết hoa như với tên người Việt nam, ví dụ: Tư Mã Thiên, Đỗ Phủ, Gia Cát Lượng, Bá Đa Lộc, Thành Cát Tư Hãn...

b, Viết hoa tên địa lý

Tên địa lý được viết hoa giống như tên người, ví dụ:

Tên địa lý Việt Nam : Trường Sơn, Cửu Long, Hà Nội, Việt Bắc, Ba Đình...

Tên địa lý nước ngoài: Paris, Berlin, Washington, Moskva...

Tên địa lý nước ngoài được phiên qua âm Hán- Việt: Nhật Bản, Đài Bắc, Tây Ban Nha, Ba Lan...

c, Viết hoa tên các cơ quan, tổ chức chính trị-xã hội

Với tên các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội..., chúng ta viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu tiên và các chữ cái đầu của các âm tiết đầu trong các từ nêu lên tính chất riêng biệt của tên, ví dụ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Sở Kế hoạch và Đầu tư...

d, Viết hoa tu từ

Viết hoa tu từ là biện pháp dùng chữ hoa để riêng hoá các từ ngữ chung nhằm thể hiện màu sắc biểu cảm trong văn bản. Nó thường mang đậm dấu ấn sáng tạo

riêng của người viết, nhất là trong các văn bản nghệ thuật. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp sau đây, việc viết hoa tu từ đang có xu thế trở thành chuẩn mực chung:

- Thứ nhất, là những từ ngữ liên quan đến các đối tượng, sự kiện là niềm tự hào của đất nước, của dân tộc, ví dụ: Người ( chỉ Bác Hồ ), Cách mạng Tháng Tám, Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại thắng Mùa Xuân năm 1975...

- Thứ hai, là tên các chức vụ cao cấp của Đảng, Nhà nước, như: Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ...

- Thứ ba, là các danh hiệu cao quý, như: Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú, Anh hùng Lao động, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...

- Thứ tư là các giải thưởng cao quý, như: Huy chương Kháng chiến, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Độc lập hạng Nhất...

Trên báo chí, lỗi về viết hoa phần lớn tập trung ở các trường hợp viết tên cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị -xã hội, ví dụ: Sở Văn hoá thông tin ( phương án đúng là Sở Văn hoá-Thông tin ), Hội nhà báo ( phải viết là Hội Nhà báo ), Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ( ít nhất phải viết hoa thêm chữ " xã " thành: Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ), Uỷ ban Dân số và Kế hoạch hoá Gia đình ( âm tiết " gia " trong từ " gia đình " không cần viết hoa vì từ này chỉ là thành tố phụ bổ nghĩa cho từ " kế hoạch hoá " mà thôi )...Điều này có thể liên quan tới sự phức tạp của quy tắc hướng dẫn việc viết hoa trong các trường hợp đó: đâu phải ai cũng có khả năng nhận biết được các âm tiết biểu thị tính chất riêng biệt của tên. Còn với việc viết hoa tu từ, lỗi ít gặp hơn( có lẽ là do các tình huống cần viết hoa tu từ không xuất hiện nhiều trong giao tiếp ). Thảng hoặc có người viết Chủ tịch nước ( đúng ra là Chủ tịch Nước ), Mẹ Việt Nam anh hùng ( cần viết là Mẹ Việt Nam Anh hùng )...Riêng trong việc viết tên riêng người và tên riêng địa lý, hầu như không ai mắc lỗi ( bởi các quy tắc hướng dẫn quá rõ ràng và đơn giản ).

Trên đây là một số kiểu lỗi về chính tả thường gặp trong báo chí. Những kiểu lỗi này, trong nhiều trường hợp, có khả năng làm phương hại đáng kể đến diện mạo của tác phẩm, gây ấn tượng xấu đối với người đọc, và do vậy, làm giảm sút

hiệu quả tiếp nhận của họ. Vì thế, rất hy vọng rằng chúng sẽ được các nhà báo quan tâm đúng mức.

Chú thích

1. Từ điển tiếng Việt ( Hoàng Phê chủ biên ), NXB. Đà Nẵng, 2001.

2. Bùi Minh Toán ( chủ biên ) - Lê A - Đỗ Việt Hùng, Tiếng Việt thực hành, NXB. Giáo dục, H., 1997.

3. Hoàng Anh, Quy tắc nhỏ trong việc đánh dấu thanh điệu, Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 9 / 1998.

( Bài đăng trên Tạp chí Nghề báo, số 3 / 2003 )

MẤY KIỂU LỖI VỀ DÙNG TỪ TRÊN BÁO CHÍ

Một phần của tài liệu nguồn kiến thức bổ sung – prdaily – seo web (Trang 139 - 142)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(178 trang)
w