Ngôn ngữ nhân vật trực tiếp

Một phần của tài liệu nguồn kiến thức bổ sung – prdaily – seo web (Trang 103 - 106)

Đó là những lời nói được trích dẫn trực tiếp, xuất hiện trong những tình huống đàm thoại, phỏng vấn. Xét theo hình thức xuất hiện, có thể chia ngôn ngữ nhân vật trực tiếp thành hai dạng:

a. Ngôn ngữ nhân vật là thành tố của cuộc đối thoại

Đây là cuộc đối thoại trực tiếp giữa nhân vật với tác giả, nó thể hiện vai trò của tác giả như một người trong cuộc, một nhân chứng đáng tin cậy của sự việc.

Trong trường hợp này, lời nhân vật là phản ứng đáp lại đối với phát ngôn trước đó của tác giả, vì thế đương nhiên nó sẽ bị phát ngôn này ràng buộc cả về hình thức lẫn nội dung.

Ví dụ:

"Tôi thở dài, ôm thằng bé 4 tuổi vào lòng:

- Thế chị cho cháu đi thật sao?

- Không! Chị nghĩ lại rồi, riêng thằng này, chị để nó lại".

(An ninh thế giới cuối tháng, số 7 /2003) b. Ngôn ngữ nhân vật là lời độc thoại

Ở đây, nhân vật đóng vai người kể chuyện. Về mặt biểu hiện, phát ngôn của anh ta không phải là thành tố của một cuộc đối thoại (dù rằng trong thực tế, nó hoàn toàn có thể là phản ứng đáp lại trước một phát ngôn nào đó của tác giả, nói cách khác, nó có thể chỉ là phần nổi của một cuộc đối thoại có những thành tố bị lược bớt, bị "chìm"). Hình thức độc thoại như vậy có tác dụng nhấn mạnh tính khách quan của lời kể và tính chủ động của nhân vật. Bên cạnh đó, nó cũng góp phần trừu tượng hoá vai trò của cái "tôi" tác giả, gợi cảm giác là tác giả không can thiệp vào hoạt động ngôn từ của nhân vật nhằm định hướng nó đi theo những ý đồ nào đó.

Thông tin, nhờ thế, đạt tới độ khách quan, xác thực cao nhất.

Ví dụ:

"Chị Lê Thị Gần không giấu được niềm vui khi việc sản xuất của làng hương được êm chèo mát mái giữa mùa đông: "... Nghề hương có cái trắc tréo khó chịu lắm: suốt mùa đông cho đến giữa mùa xuân là khoảng thời gian bán chạy hàng, rứa mà giữa lúc mình cần làm mạnh, cần nắng để phơi hương thì ông trời lại mưa miết nên làm ra cây hương khổ nhọc lắm. Năm nay ông trời thuận cho người làm hương, làm răng mình không vui được”.

(Sài Gòn giải phóng, số 11/10/2003)

Về nguyên tắc, ngôn ngữ nhân vật trực tiếp thường mang dấu ấn cá nhân rất rõ nét. Nó thể hiện khá đầy đủ các đặc điểm của chủ thể phát ngôn: từ giới tính, tuổi tác, quê quán cho đến trình độ, nghề nghiệp, tính cách,... Tất nhiên, khi xuất hiện trên báo in, rất có thể ngôn ngữ nhân vật đã mất đi cái dáng vẻ nguyên sơ như nó vốn có trong đời thực vì nó đã trải qua sự nhào nặn dưới ngòi bút tác giả hoặc biên tập viên. Còn ngôn ngữ nhân vật trên truyền hình hay phát thanh là bức tranh rất chân thực về con người của anh ta, vì nó đến với người nghe một cách trực tiếp, không qua trung gian cho nên vẫn giữ được nguyên vẹn các sắc vẻ cá nhân của người nói.

Ví dụ:

"Đối diện với chúng tôi là một phụ nữ chừng 60 tuổi, tóc đốm bạc, da trắng xanh cớm nắng, khuôn mặt tròn, chiếc kính đen trễ nải để lộ con mắt trái khép kín. Mắt phải chỉ còn he hé không thấy biểu hiện phản xạ ánh sáng. Chị cười buồn:

- Răng biết tui ở đây mà nhà báo tìm đến? - Không đợi câu trả lời, chị tiếp - Người ta nói "giàu hai con mắt", rứa mà bên ni (chỉ mắt trái) đã hai mươi năm nay tối hẳn. Còn bên phải mỗi ngày mỗi mờ, vài năm nay cũng nỏ thấy chi nữa."

(Lao động, 4 / 10 / 2001);

"PV: - Tại sao vài năm nay ông không đóng phim?

NSND Trịnh Thịnh: - Tôi từ chối rất nhiều, cả phim truyền hình lẫn quảng cáo. 75 tuổi, vẫn nhiều người mời đóng, quý quá chứ, nhưng vì hai lẽ: thứ nhất là chất lượng kịch bản không vừa ý, thứ hai là sức khoẻ (tôi bị huyết áp cao và thận), không thể đua theo tốc độ làm phim chóng mặt bây giờ. Xưa, mình làm phim nhựa, đóng vài tháng mới xong, quen rồi. Giờ nhanh quá, có khi lại ẩu, chẳng có thời gian nghiên cứu nhân vật, chọn cách diễn, chỗ nhấn nhá để cho nó có sức sống. Mà khi nhân vật trong kịch bản lại mờ nhạt, thì tôi cũng không thể

"gột" nó lên. Biết không như ý, thì thà không nhận còn hơn. Dừng lại đúng lúc có cái hay của nó." (Thể thao và Văn hoá, 2 / 10 / 2001).

Rõ ràng là ngôn ngữ nhân vật trực tiếp, nếu được tác giả tái hiện một cách trung thành (tất nhiên không vượt quá giới hạn mà sự chuẩn mực cho phép)

so với nguyên gốc, luôn mang những đặc trưng rất rõ nét của phong cách khẩu ngữ.

Một phần của tài liệu nguồn kiến thức bổ sung – prdaily – seo web (Trang 103 - 106)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(178 trang)
w