Tác phẩm phóng sự không chỉ phản ánh thực tế khách quan mà còn thể hiện sự nhận thức thế giới với một quan niệm thẩm mỹ riêng của người viết. Nếu nhà báo tái tạo bức tranh hiện thực chỉ đơn thuần bằng những sự kiện, con số khô cứng thì sẽ khó tạo ra được niềm hứng thú cho độc giả. Để khắc phục điều này, nhà báo cần biết cách miêu tả thật sống động, sao cho bức tranh hiện thực ấy trở nên có hồn, với đầy đủ các cung bậc của âm thanh, sắc màu và ánh sáng.
Ví dụ:
“Nơi đây có một thác nước bạc óng ánh tuôn xuống dòng suối bạc lung linh, huyền ảo. Cũng tại nơi này có rất nhiều chiếc chậu tắm, bồn tắm được “tạo tác” bằng các sắc màu của nhũ đá và dát xung quanh muôn vàn những viên ngọc châu với những nét hoa văn độc đáo, chạm khắc tinh xảo diệu kỳ của thiên nhiên.
Ngước mắt nhìn lên vòm trần cung vua Thuỷ Tề là những nhũ đá thạch anh long lanh như được dát bạc, những hình người, những con vật với nhiều thế đứng, nhiều dáng vẻ khác nhau làm cho nơi này trở nên sống động.” (Anh Tuấn, Sửng sốt Tiên Sơn, Lao động, 16/2/2004).
Dưới ngòi bút miêu tả của tác giả, phong cảnh một góc nhỏ Tiên Sơn hiện ra thật lung linh huyền ảo. Người đọc được dẫn vào một chốn thần tiên với những thác nước bạc, nhũ đá,... đầy quyến rũ. Cảnh vật dường như được bàn tay người thợ tài hoa chạm trổ, xây đắp nên mới có hình khối, hoa văn vô cùng tinh xảo đến vậy.
Còn đây là bức tranh về phong cảnh thiên nhiên khoáng đạt, đời sống sản xuất nhộn nhịp ở một vùng đất thuộc Hải Phòng:
“Tôi đến Lập Lễ vào đúng lễ Vu Lan, trời ngăn ngắt xanh và ồ ạt gió. Cảng Mắt Rồng của xã vừa kè đá, khơi luồng, ken đặc hàng trăm tàu, thuyền dập dềnh với sóng triều dâng lên từ cửa lạch. Tàu nào cũng treo 20 – 30 bóng điện gắn pha trắng như mắt cú mèo gặp nắng. Trên bờ là những “bộ xương”, mũi, sườn…tàu bằng gỗ đỏ au, trắng bạch đang được hàng chục tay thợ gấp gáp hoàn thiện.”
(Quang Thiện, Những phú ông trên biển, Tuổi trẻ, 4/3/2004 );
Những kiểu miêu tả đầy hình ảnh như vậy vừa giải toả nhu cầu thẩm mỹ của người đọc, vừa khiến cho họ có cảm giác mình là người trong cuộc: tất cả mọi thứ đang diễn ra ngay trước mặt mình.
2.2 Nghệ thuật kể (thuật)
Một trong những yêu cầu để có bài phóng sự hay là nhà báo phải sử dụng nhiều chi tiết, nhiều dẫn chứng nhằm thuyết phục người đọc tin vào tính chân thật, khách quan của sự kiện. Những chi tiết, dẫn chứng này thường xuất hiện thông qua ngòi bút trần thuật của nhà báo. Với tư cách là một nhân chứng, trên cơ sở trực tiếp chứng kiến sự kiện, trực tiếp gặp gỡ nhân vật,... nhà báo tường thuật lại những điều mắt thấy, tai nghe để người đọc nắm được vấn đề. Tuy nhiên, kể như thế nào cũng là cả một nghệ thuật. Vì nó vừa phải hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, lại vừa phải bảo đảm tính chân thực, khách quan của thông tin, sự kiện.
Ví dụ:
“Khoảng 15 phút ngồi chờ thì hai cô gái đầu tiên được chở đến. Hai cô tự giới thiệu là đào của mẹ Nguyên, một cô quê Bạc Liêu, một cô quê Cần Thơ mới lên đây được hai tuần. Thấy ông Long tỏ ý không vừa lòng, Dũng lẹ miệng:
“Thôi các em cứ về, anh sẽ gọi lại sau”. Tất cả diễn ra không đến hai phút. Một tốp bốn cô khác lại đến, không vừa lòng khách lại quay ra. Mỗi lần có một tốp đến, Dũng lại hỏi “đào của ai?” rồi ghi lên giấy. Càng về sau, các cô đến càng đông. Đến tốp thứ sáu, tức khoảng 25 cô đã trình diện, thì Long tỏ ra quan tâm đến một cô có nước da trắng, theo cô tự giới thiệu: cao 1,63m, quê An Giang.
Thấy vậy Dũng hỏi tên cô, đào của ai? Cô gái giới thiệu tên là Huỳnh Thị Kim So, 26 tuổi, lên đây được khoảng một tháng.” (Võ Hồng Quỳnh & Minh Toán, Theo các đường dây môi giới lấy chồng ngoại, Tuổi trẻ, 21/4/2004).
Chỉ bằng vài câu văn, ngòi bút trần thuật của tác giả đã ghi lại được những chi tiết đắt giá của màn "chọn vợ cho các ông chồng ngoại quốc": các cô gái - "ứng cử viên" bị xem xét, định giá, chọn lựa chẳng khác nào những món hàng. Cả người viết và người đọc đều có chung cảm giác buồn đau và tủi hổ.
“Một thanh niên cầm chiếc gậy sắt chọc vào con gấu chuồng bên để nó không king động khi thấy cảnh đồng loại bị hành hạ. Người còn lại lắp “tên lửa mê” vào ống nhựa, ngậm đầu kia vào mồm rồi hướng về phía con gấu mà phồng má thổi. Xilanh bắn cắm vào thịt gấu. Những chiếc xilanh cắm vắt vẻo vào con gấu làm nó lồng chạy hồng hộc. Khoảng 10 phút sau, con gấu không còn chạy được và đứng đung đưa như kẻ say rượu. Hai thanh niên bật cửa đạp con gấu đổ vật xuống nền. Một người chọc xilanh bơm hai mũi thuốc mê vào đùi gấu rồi rút dây dù chằng chân tay con vật vào nan sắt. Chiếc máy siêu âm cắm điện, bật màn hình. Người trong lồng sắt một tay cầm xilanh to như cái điếu cày, mũi kim tiêm dài hơn chục phân; tay kia cầm máy soi gí sát vào ngực gấu. Anh ta rê đi rê lại chừng hai phút, khi màn hình xuất hiện một vệt đen đen thì anh ta bặm môi đâm sụt chiếc kim vào ngực gấu. Con vật hộc lên từng hồi giãy giụa yếu ớt.” (Quang Thịên, Lần theo mùi mật gấu, Tuổi trẻ, 15/4/2004).
Cảnh hành hình con gấu tội nghiệp để lấy mật đã được kể lại thật chi tiết và sinh động. Nó găm vào tâm khảm người đọc nỗi xót thương xen lẫn niềm căm
giận: Con người, với lòng tham lam và sự ích kỷ vô độ của mình, sẵn sàng có những hành động đáng bị lên án với các loài sinh vật khác để thu lợi nhuận.
2.3 Nghệ thuật bình
Một trong những yếu tố làm nên sự hấp dẫn của phóng sự là nó cho phép – và thậm chí khuyến khích - người viết bộc lộ "cái tôi" cá nhân của mình. Nhà báo không cần phải che giấu những cảm giác, suy nghĩ của bản thân. Có nghĩa là, trong phóng sự, tác giả có thể biểu hiện quan điểm, lập trường của mình thông qua những lời bình luận chính xác, khéo léo. Đọc phóng sự chúng ta thường thấy quan điểm của tác giả trước hiện thực được trình bày. Như vậy, tính chủ quan – cái tôi tác giả là một đặc trưng của phóng sự. Nhưng, đó hoàn toàn không phải là sự chủ quan duy ý chí, lại càng không phải là một cái "tôi" cảm tính, thiên lệch. Trên cơ sở một thế giới quan, nhân sinh quan tiến bộ, với tư thế của một người bảo công lý, bảo vệ lẽ phải, phóng viên bày tỏ thái độ bất bình hoặc ủng hộ của mình trước hiện thực để hướng dẫn dư luận.
Ví dụ:
“Nhóm thanh niên người làng Phú Túc đi phát păm (làm cỏ rừng trồng) nhiệt tình chỉ đường: “Các anh quay lại một đoạn, đến khu dân cư có nhiều nhà mới xây là làng đó. có nhiều người tên Năm nhưng chắc các anh tìm bà Năm phụ nữ?” Chẳng lẽ những bà Năm khác có “vấn đề”? Buồn cười. Nhưng chúng tôi không tiện hỏi bởi khuôn mặt của các chàng thanh niên không có gì biểu hiện đùa cợt.” (Thanh Hải, Bà Năm phụ nữ, Lao động, 28/3/2004).
Lời bình “Chẳng lẽ những bà Năm khác có “vấn đề”?” thật hóm hỉnh.
Những chàng trai người dân tộc thật thà khi nói “bà Năm” rồi còn phải gắn thêm giới tính “phụ nữ”, phải chăng là họ “ngốc nghếch”? Câu trả lời là không phải họ ngốc mà là vì đối với người dân Cà Tu, cái tên bà Năm đã gắn liền với những hoạt động trong công tác phụ nữ của bà, người dân đã ghi nhận công lao đó và đã gắn tên bà với lĩnh vực bà hoạt động. Vậy nên cái tên Bà Năm phụ nữ đã được gọi lên thật âu yếm.
“Với những lý do không rõ ràng, Bắc Kinh đã bưng bít thông tin và đã phải trả giá đắt chính vì hành động đó. Một cái giá quá đắt về thông tin trong một thế giới ngày càng rộng mở. TQ bị đóng cửa với thế giới bên ngoài.” và “Sau bảy ngày “cưỡi ngựa xem … hậu SARS” trên chuyến bay về Việt Nam, nỗi buồn bỗng ập đến. Chúng tôi nhớ đến những mẩu chuyện đầy bức xúc của ông Tổng lãnh sự VN tại Quảng Châu, khi mô tả cái gọi là quảng bá tiếp thị hết sức bôi bác của ngành du lịch VN tại một hội chợ quốc tế tại đây. Chúng tôi nhớ sự ngạc nhiên của bà Cục phó Cục Du lịch Bắc Kinh Phùng Ngọc Mai về sự vắng mặt của VN tại cuộc gặp gỡ chín nước và vùng lãnh thổ châu Á nhằm bàn thảo và ký kết một thoả ước về du lịch khu vực thời “hậu SARS”. “Các địa điểm du lịch VN sẽ được giới thiệu trên CNN”, đó là tựa đề bản tin vừa đọc được cách đây vài hôm. Vẫn là
“sẽ”. Cho đến ngày 30/7 vừa rồi, 12 bệnh nhân cuối cùng của TQ mới được tuyên bố hoàn toàn khỏi bệnh. Còn VN? Chúng ta ra khỏi SARS từ lâu rồi nhưng thời cơ du lịch đang dần trôi qua nhanh chóng, vì một từ thôi: “sẽ”.”( Bùi Thanh, Trung Quốc sau cơn bão SARS, Tuổi trẻ, 26/4/2004).
Cơn bão SARS đã gây thiệt hại nặng nề châu Á, và Trung Quốc là đất nước phải gánh chịu chịu nhiều hậu quả hơn cả. Song, khác với chúng ta, mặc dù ra khỏi cơn bão muộn nhất nhưng TQ lại sớm phục hồi hơn nhiều nước trong khu vực (như VN). Những chính sách tích cực của TQ, đặc biệt trong ngành du lịch, khiến chúng ta phải suy nghĩ về sự trễ nải và kém hiệu quả của ngành du lịch nước nhà.