Cần nói ngay rằng đây không phải là sự lặp từ có chủ ý nhằm liên kết câu hay tăng cường tính biểu cảm, mà là sự lặp từ do tác giả có sơ suất hoặc chưa thực sự làm chủ được ngòi bút của mình. Và sự lặp từ như vậy làm cho ngôn ngữ của tác giả trở nên dài dòng tới mức dư thừa, gây cản trở cho sự tiếp nhận của người nghe, người đọc.
Hay gặp hơn cả là những trường hợp sử dụng trong cùng một câu những từ đồng nghĩa, gần nghĩa làm thành phần đồng chức.
Ví dụ 1:
" Những cuộc cải cách này tỏ ra có hiệu quả và tác dụng ".
" Hiệu quả " và " tác dụng " có ý nghĩa tương tự như nhau.
Ví dụ 2:
" Do Gorrila sống trên một trong những vùng đất màu mỡ nhất của châu Phi, bị bao quanh bởi những làng mạc nơi có nhiều cư dân sinh sống, nên nhu cầu đòi hỏi mở rộng diện tích canh tác ngày một tăng đã đã ảnh hưởng tác động đến cuộc sống của loài động vật này ".
" Nhu cầu - đòi hỏi " và " ảnh hưởng - tác động " là hai cặp từ đồng nghĩa.
Ví dụ 3:
" Anh đã dũng cảm nhảy xuống dòng nước xiết cứu sống 4 em học sinh thoát chết ".
" Sống " và " thoát chết " trong câu văn này cùng thể hiện một ý nghĩa.
Để chữa kiểu lỗi trên chỉ cần làm một động tác rất đơn giản là loại bỏ một trong hai thành tố đồng nghĩa ( nếu các thành tố đồng nghĩa nhiều hơn hai, cũng chỉ giữ lại một ).
Bên cạnh đó, chúng ta còn gặp cả những hiện tượng lặp đi lặp lại cùng một từ ( trong phạm vi câu cũng như trong phạm vi đoạn văn ).
Ví dụ 1:
"Nhưng có một điều ngạc nhiên, những đối tượng vẽ bậy lên các di tích không ít người là người có văn hoá và có trình độ, nhưng lại thiếu ý thức".
Để tránh lặp lại từ " người "và làm cho ý tưởng tác giả trở nên rõ ràng hơn, chúng ta nên viết lại câu văn trên như sau:
"Nhưng có điều đáng ngạc nhiên là: trong số những đối tượng vẽ bậy lên các di tích, không ít người có trình độ, nhưng lại thiếu ý thức".
Ví dụ 2:
" Theo những kết quả nghiên cứu sơ bộ của một nghiên cứu lớn mới đây, việc bổ sung vitamin A tiền sản sẽ góp phần làm giảm tổn thất to lớn này".
Từ " nghiên cứu " đầu tiên rõ ràng là thừa, cần được lược bớt.
Ví dụ 3:
" Năm ấy, Quang Dũng đọc cho Trần Lê Văn nghe mấy bài thơ vừa sáng tác xong, Quang Dũng nói với Trần Lê Văn cho Quang Dũng mượn cuốn sổ tay để ghi mấy bài thơ vào. Trần Lê văn vui vẻ chiều ý Quang Dũng... ".
Sự lặp đi lặp lại quá nhiều lần những cái tên riêng như trên, dù có xuất phát từ chủ ý của người viết, vẫn gây cảm giác là anh ta có vốn từ vựng nghèo nàn. Theo chúng tôi, nếu ở đoạn văn này tác giả không muốn dùng các đại từ để thay thế cho tên riêng, thì ít nhất cũng nên cấu trúc lại câu cho ngắn gọn như sau:
"Năm ấy, sau khi đọc cho Trần Lê Văn nghe mấy bài thơ mình vừa sáng tác, Quang Dũng nói với Trần lê Văn cho mượn cuốn sổ tay để ghi chúng vào. Trần Lê văn vui vẻ chiều ý Quang Dũng".
Bàn về sự cần thiết phải sử dụng từ ngữ chính xác, nhà văn Mỹ nổi tiếng Mark Twain viết: "Sự khác nhau giữa một từ chính xác và một từ gần chính xác cũng giống như là sự khác nhau giữa tia chớp và con đom đóm"5 . Nếu thế thì sự khác biệt về giá trị giữa một từ đúng và một từ sai còn to lớn hơn nhiều. Và điều này cũng có nghĩa là hậu quả do việc dùng từ không đúng gây ra nhiều khi khó mà
hình dung nổi.Vậy nên mỗi người cầm bút cần luôn tỉnh táo và thận trọng để hạn chế tối đa những hạt sạn không đáng có như chúng tôi vừa trình bày trên đây.
Chú thích
1, 2, 4. Từ điển tiếng Việt, ( Hoàng Phê chủ biên ), NXB. Đà Nẵng, 2001.
3. Nguyễn Như Ý ( chủ biên ), Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Văn hoá - Thông tin, H., 1999.
5. Dẫn theo: A. N. Voskoboinhicov và I. G. Yuriev, Nhà báo và thông tin, M., 1993, tr. 195 ( bằng tiếng Nga ).
( Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền, số 2 / 1999 )
NHỮNG HẠN CHẾ TRONG VIỆC ĐƯA SỐ LIỆU TRÊN BÁO CHÍ
Có thể nói, hiện nay số liệu đã trở thành một phần không thể thiếu của hầu hết các tác phẩm báo chí. Sự hiện diện của những con số trong một bài viết vừa giúp người đọc hình dung rõ ràng, cụ thể hơn về vấn đề, sự việc, hiện tượng,...
được đề cập lại vừa làm gia tăng độ xác thực và tính thuyết phục của thông tin:
chúng tạo cho độc giả cảm giác là người viết đã khảo sát những gì mình phản ánh một cách kỹ lưỡng, công phu và tiếp xúc với những nguồn tin đáng tin cậy. Tuy nhiên, việc sử dụng số liệu trên báo chí vẫn còn mắc phải không ít những hạn chế.