Nhà báo phát thanh có thể vận dụng những biện pháp cơ bản dưới đây:
a, Biện pháp hoà phối thanh điệu: Là biện pháp lựa chọn và kết hợp các yếu tố âm thanh sao cho hài hoà để các câu văn trở nên dễ nghe, dễ đọc hơn.
Trong văn xuôi, để tạo sự hài hoà về thanh điệu, người ta thường sử dụng sự luân phiên thanh điệu thuộc hai nhóm bằng ( gồm thanh huyền và thanh ngang ) và trắc ( gồm thanh hỏi, thanh ngã, thanh sắc và thanh nặng ) ở âm tiết của các câu hợc thành phần câu. Ví dụ:
"... Chắc là rượu bổ ( T ). Có rẻ cũng phải ba bốn đồng ( B ). Ý tất người ta có định lấy con mình ( B ) thì người ta mới chịu bỏ tiền mua rượu biếu chứ ( T ). Vả lại, bây giờ hạng thông, ký, phán lấy vợ nhà quê kể cũng thường ( B ). ( Nam Cao ).
" Được đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ chín ( T ), ông xúc động nói: "
Đảng đã sinh ra tôi lần thứ hai ( B ) ". ( Đài TNVN, 20 / 4 / 2001 ).
" 15 năm qua ( B ), văn hoá văn nghệ đã đạt được nhiều thành tựu ( T ) trong các lĩnh vực, nghiên cứu, sáng tác, phê bình ( B ) ". ( Đài TNVN ).
Biện pháp hoà phối thanh điệu có tính phổ cập hết sức rộng rãi. Hầu hết các biện pháp tu từ ngữ âm khác, khi được vận dụng, đều phải ở mức độ này hay mức độ khác, kết hợp với nó.
b, Biện pháp lặp số lượng âm tiết: Là biện pháp sử dụng các câu văn có số lượng âm tiết như nhau ở cạnh nhau để tạo nên âm hưởng của thơ ca. Ví dụ:
" Núi rừng vẫn ngút ngàn, rậm rạp. Đường đi tắt nhỏ teo hoang vu ". ( Hồ Phương ).
" Trận lụt chưa rút. Nước vẫn mênh mông ". ( Nguyễn Sáng ).
c, Biện pháp lặp vần: Là biện pháp sử dụng các âm tiết có khuôn vần giống nhau nhằm tạo nhạc tính cho câu văn. Ví dụ:
" Tre trông thanh cao giản dị, chí khí như người. Nhà thơ đã có lần ca ngợi:
Bóng tre trùm mát rượi ". ( Thép Mới ).
"... Dân làng thi nhau sắm thuyền bè đi tìm vàng trên khắp các lạch sông nguồn suối. Ngót chục năm trôi qua, những người đàn ông cứ biền biệt ra đi. Vàng đâu chẳng thấy, cái mà họ đem về chỉ là những con nghiện, những giọt nước mắt tàn tạ và... cả một gánh nợ khó bề trả nổi ( ! ). Người ta bảo: Đó là một canh bạc với ông Giời ". ( Đỗ Doãn Hoàng ).
d, Biện pháp tạo nhịp điệu: Là biện pháp dùng những hình thức cân đối, nhịp nhàng của lời văn nhằm tạo nên một âm hưởng lôi cuốn, dễ đi vào lòng người.
Dưới đây là một số trường hợp diển hình về nhịp điệu:
- Dùng những từ phản nghĩa đối nhau, ví dụ:
" Trong Việt Minh, đồng bào ta bắt tay nhau chặt chẽ, không phân biệt gái, trai, già, trẻ, lương giáo, giàu, nghèo. ( Hồ Chí Minh ).
- Dùng những cụm từ, những vế, những đoạn câu đối nhau, ví dụ:
" Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước ". ( Hồ Chí Minh ).
- Vận dụng sự cân đối, nhịp nhàng, khúc chiết của các bộ phận trong một câu ghép ( thường được gọi là trường cú ), ví dụ:
" Nay, vì tình hình quốc tế, vì muốn tỏ lòng tin vào nước Pháp mới, và sự thành thực của những người đại diện cho Chính phủ Pháp, và tin vào sự hoàn toàn độc
lập của tương lai nước nhà, tôi cùng Chính phủ ta ký bản hiệp định sơ bộ với Chính phủ Pháp.( Hồ Chí Minh ).
Trong câu văn trên, về mặt tiết tấu, ngữ điệu có sự chia tách rõ rệt giữa hai bộ phận: bộ phận thức nhất từ đầu đến từ " nhà ", bộ phận thứ hai từ từ " tôi " cho đến hết.
Giọng nói được nâng cao dần ở bộ phận thứ nhất của câu, tạo ra một sự căng thẳng chờ đợi. Sau khi đã lên cao đến đỉnh điểm thì đánh dấu bằng một nhịp ngừng ngắt, tiếp theo đó hạ thấp rõ rệt ở bộ phận thứ hai, làm dịu đi sự căng thẳng chờ đợi.
d, Biện pháp tạo âm hưởng chung: Là biện pháp phối hợp âm thanh, nhịp điệu của câu văn không phải chỉ cốt tạo ra một sự cân đối nhịp nhàng, êm ái, du dương, mà cao hơn thế, phải tạo ra được một âm hưởng hoà quyện với nội dung hình tượng của cả đoạn văn, thậm chí toàn văn bản. Ví dụ: " Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt bắc, tre ngút ngàn Điện Biên, luỹ tre thân mật làng tôi. Đâu đâu cũng có nứa tre làm bạn.
... Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép quân thù. Tre xung phong vào xe tăng đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hy sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động. Tre, anh hùng chiến đấu! ( Thép Mới ).
Trong các đoạn văn trên, sự luân phiên thanh điệu bằng, trắc, sự thay đổi nhịp điệu mau thưa, sự phối hợp câu dài với câu ngắn... đã tạo nên cái chất thơ, chất nhạc hoàn toàn hoà quyện với nội dung trữ tình, với cảm xúc say sưa, mạnh mẽ của tác giả đối với đất nước thông qua hình tượng cây tre.4
Thực tế cho thấy, các biện pháp tu từ ngữ âm nói trên hầu như không bao giờ xuất hiện đơn lẻ: Mỗi biện pháp thường chỉ xuất hiện đồng thời với các biện pháp khác. Chính vì vậy, chúng thường mang sức mạnh được cộng hưởng làm cho câu văn vừa trở nên gợi cảm về mặt âm thanh, vừa được bổ sung thêm những khía cạnh nhất định về mặt ý nghĩa.
Chú thích
1. W. Hoffman, Nghệ thuật hùng biện trên sóng phát thanh, L., 1965, tr. 69 ( bằng tiếng Nga ).
2. L. V. Serba, Tiếng Nga văn học hiện đại, M., 1978, tr. 9 ( bằng tiếng Nga ).
3. A. I. Herxen, Quá khứ và suy tưởng, trong cuốn: " Các nhà văn Nga nói về lao động văn chương", T. 2, L., 1955, tr. 81 ( bằng tiếng Nga ).
3.Đinh Trọng Lạc, 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, NXB. Giáo dục, H., 1995, tr. 230.
( Bài in trong: Báo phát thanh, NXB. Văn hoá - Thông tin, H., 2002 )
THỬ BÀN VỀ NGÔN NGỮ CỦA NGƯỜI DẪN CHƯƠNG TRÌNH TRÒ CHƠI TRÊN TRUYỀN HÌNH
Có thể nói, các chương trình trò chơi là một phần không thể thiếu của truyền hình hiện đại. Với chủ đề đa dạng, nội dung phong phú, với hình thức biểu đạt sinh động, hấp dẫn, chúng vừa giúp cho người xem có những phút giây thư giãn đầy sảng khoái, vừa mang đến cho họ nhiều tri thức bổ ích về mọi lĩnh vực của cuộc sống. Và có lẽ thật khó tìm ra một ai lại không hề hứng thú với bất cứ chương trình trò chơi nào trên truyền hình.
Sự thành công của một chương trình trò chơi trên truyền hình phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Song trong đó, yếu tố có ý nghĩa quan trọng hàng đầu chính là ngôn ngữ của người dẫn: Nó tạo nên sinh khí cho trò chơi, kích thích ý chí quyết tâm của người trong cuộc, khơi dậy niềm háo hức say mê của hàng triệu công chúng đang ngồi trước màn hình.Vì thế, đây sẽ là đối tượng khảo sát của bài viết này.
Ngôn ngữ của người dẫn chương trình trò chơi truyền hình, theo chúng tôi, có các đặc điểm chính sau đây: