Đây là trường hợp tác giả dùng lời của mình để diễn đạt lại nội dung các phát ngôn của nhân vật.
Ví dụ:
"Ktam đang học lớp 7 trường PT Dân tộc nội trú Lạc Dương thì bố mẹ bắt ở nhà để nhà gái đến cưới. Không nỡ bỏ trường, xa bạn bè thầy cô thân thương và quan trọng hơn Ktam muốn có cái chữ để sau này cuộc sống may ra đỡ vất vả hơn. Sau nhiều ngày đấu tranh tư tưởng, nếu không chịu vâng lời bố mẹ thì nhà gái sẽ phạt, mà mức phạt không "bèo" chút nào: 2 con trâu mập và 3 cái ché, tính ra cũng mất vài chục triệu chứ có ít đâu..."
(Chuyện dưới chân núi Langbiang - SGGP, ngày 29/8/2003)
"...Về nhà, thằng Ha Klãi được canh giữ cẩn thận vì hễ nhìn thấy người là nó khóc rú lên. Mãi đến hơn một tháng sau nó mới quen trở lại "kiểu sống con người". Nó kể rằng: hôm đó nó đang chơi với ông nội phía sau nhà thì "con ma"
từ trong rừng sâu hiện ra và dẫn nó đi. Vào rừng, nó được một cặp "vợ chồng" vượn già hái trái cây cho ăn và bẻ lá cho nó nằm ngủ vào ban đêm...Cứ như thế cho đến ngày nó bị dân làng phát hiện và bắt về..."
(Lao Động, 25/11/2003)
Ngôn ngữ nhân vật gián tiếp gặp chủ yếu trong phóng sự, bút ký, ghi chép,..Nó một mặt làm cho giọng điệu của tác phẩm báo chí trở nên đa dạng, linh hoạt hơn; mặt khác, thể hiện vai trò tổ chức các thành tố nội dung của tác giả rõ nét hơn. Vì như chúng ta đều biết, nếu những bài viết thuộc các thể loại trên có quá nhiều ngôn ngữ nhân vật trực tiếp thì chúng vừa khô cứng, đơn điệu (giống như diễn đàn để nhân vật làm công việc phát ngôn thuần tuý) lại vừa làm lu mờ dấu ấn sáng tạo của tác giả (tác giả chỉ biết chép lại lời người khác). Bên cạnh đó, ngôn ngữ nhân vật gián tiếp còn tạo đièu kiện cho tác giả bộ lộ thái độ, tình cảm của mình đối với sự việc, hiện tượng được nói tới một cách rõ ràng, công khai.
Ngôn ngữ nhân vật có mặt trong nhiều thể loại như phỏng vấn, đối thoại, phóng sự, bút ký, chi chép,...Với mỗi thể loại, nó có vai trò và vị trí riêng, và điều này thể hiện rõ nét ngay trong "liều lượng" sử dụng. Chẳng hạn, ở phỏng vấn, ngôn ngữ nhân vật, do tính chất đặc thù của thể loại, luôn giữ vai trò chủ đạo, lấn át hoàn toàn ngôn ngữ tác giả; còn trong phóng sự, ngược lại, do ngôn ngữ nhân vật chỉ có chức năng làm tăng độ xác thực của thông tin và tạo sự sinh động cho văn phong của tác giả, cho nên nó thường chiếm một dung lượng nhỏ hơn nhiều so với ngôn ngữ tác giả.1
Nhìn chung, về nguyên tắc, trong các tác phẩm báo chí, giữa ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật luôn có sự tách bạch và người ta có thể nhận diện chúng không mấy khó khăn. Song bên cạnh đó, cũng có không ít trường hợp ranh giới giữa ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật bị xoá nhoà. Ấy là khi tác giả vận dụng tính ước lệ vốn đặc trưng cho bút pháp văn học để xây dựng tác phẩm. Có thể xem tiểu phẩm "Lời cầu xin của rắn" của Trần Mạnh Hảo là một ví dụ điển hình:
"Em là một con rắn hổ mang đực vừa mới lấy vợ được năm phút, thì thưưong thay, vợ em bị phường bắt rắn đến bắt sống cho vào bao tải xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì cố giữ lấy giống nòi, em mới chạy thục mạng, xin tị nạn tại khu nuôi rắn Tư Dược Quân khu 9. Giờ đây, em chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là cung cấp nọc độc cho các bác làm thuốc cứu người. Em xin thay mặt cho hàng triệu con rắn đang chết đuối trong các hũ rượu, hàng nghìn bạn bè đang bị cắt tiết pha rượu trong tiệc nhậu, hoặc đang bị xẻ thịt xào lăn, cho hàng tạ, hàng tạ con rắn mẹ trong các bao tải kìn kìn chở ra biên giới cầu xin các bác đừng huỷ diệt loài rắn chúng em. Nhân mùa xuân con rắn, em xin được có nhời tâm sự như sau..." (An ninh thế giới, Xuân Tân tỵ, 2001).
Trong tiểu phẩm trên, từ đầu đến cuối chỉ có lời kể của một con rắn xưng ở ngôi thứ nhất "em". Dễ dàng nhận thấy về hình thức, đây là ngôn ngữ nhân vật, nhưng về bản chất, đó lại là ngôn ngữ tác giả. Vì tác giả đã hoá thân vào nhân vật, nói về những điều mà nhân vật đang trăn trở, suy tư nhưng khó nói hoặc không thể nói (với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này). Và chính cái kiểu "đóng vai"
như vậy đã giúp cho bài viết, dù đề cập những vấn đề lớn, vẫn có một giọng điệu nhẹ nhàng và một dáng vẻ sinh động, hấp dẫn.
Trên đây là một số suy nghĩ của chúng tôi về ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm báo chí. Hy vọng, chúng sẽ phần nào giúp cho những ai quan tâm có một cái nhìn khái quát nhất về vấn đề khá quan trọng và thú vị nhưng chưa được đầu tư nghiên cứu đúng mức này.
--- Chú thích:
1 Trong thực tế, vẫn có phóng sự mà ở đó ngôn ngữ tác giả bị ngôn ngữ nhân vật lấn át. Chẳng hạn trong phóng sự "Gặp ông hai chấm mở ngoặc kép"
của Nguyễn Quang Vinh đăng trên báo Lao động ngày 17 / 2 / 2003 hầu như chỉ có ngôn ngữ nhân vật. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy rất hiếm.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Đức Dũng, Sáng tạo tác phẩm báo chí, Nxb. Văn hoá - Thông tin, 2001.
2. Vũ Quang Hào, Ngôn ngữ báo chí, Nxb. Đại học quốc gia, H., 2001.
3. Nguyễn Tri Niên, Ngôn ngữ báo chí, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2003.
4. Phân viện Báo chí và Tuyên truyền - Khoa Báo chí, Báo chí - những điểm nhìn từ thực tiễn, T. 1, 2, Nxb. Văn hoá - Thông tin, H., 2001.
5. Viện Ngôn ngữ học, Học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Khoa học xã hội, H., 1980.
Bài đã đăng trên tạp chí “Ngôn ngữ”, số 12/2005
VỀ NGÔN NGỮ BÁO PHÁT THANH
I. CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÔN NGỮ PHÁT THANH
Ngôn ngữ báo phát thanh, lẽ đương nhiên, mang trong mình tất cả các tính chất của ngôn ngữ báo chí nói chung. Song, bên cạnh đó, nó còn có một số nét riêng biệt sau đây: