Chương 3. CÁC HIỆP ĐỊNH CỦA WTO
3.1. Pháp luật điều chỉnh của WTO trong lĩnh vực thương mại hàng hóa
3.1.6. Các rào cản phi thuế quan khác
a. Khái quát
Hiệp định về thủ tục cấp phép nhập khẩu của WTO (sau đây gọi là ‘Hiệp định ILP’) đặt ra những quy tắc cho tất cả các thành viên trong việc sử dụng hệ thống cấp phép nhập khẩu để điều chỉnh hoạt động thương mại của mình. Hiệp định này bao gồm những hướng dẫn về cách áp dụng thủ tục cấp phép nhập khẩu công bằng và không phân biệt đối xử, với mục tiêu bảo vệ các thành viên khỏi những yêu cầu bất hợp lí hoặc chậm trễ cấp phép. Hiệp định nhấn mạnh rằng việc cấp phép nhập khẩu, đặc biệt là cấp phép nhập khẩu tự động, phải được thực hiện một cách minh bạch và có thể dự đoán được; thủ tục cấp phép không tự động không được tạo ra gánh nặng hành chính quá mức cần thiết để thực thi các biện pháp liên quan; mong muốn đơn giản hoá và minh bạch hoá các thủ tục hành chính và thực tiễn áp dụng trong thương mại quốc tế để đảm bảo việc áp dụng, quản lí các thủ tục và thực tiễn đó được bình đẳng và công bằng (Lời nói đầu).
b. Phạm vi điều chỉnh và định nghĩa
Cấp phép nhập khẩu được hiểu là các thủ tục hành chính được sử dụng để thực hiện chế độ cấp phép nhập khẩu, yêu cầu phải nộp đơn xin nhập khẩu hoặc các loại giấy tờ khác (không phải giấy tờ cần thiết cho các mục đích hải quan) cho cơ quan hành chính liên quan như là điều kiện đặt ra trước khi nhập khẩu hàng vào lãnh thổ hải quan của thành viên nhập khẩu (khoản 1 Điều 1). Bên cạnh việc cấp phép nhập khẩu, Hiệp định còn quy định các thủ tục liên quan đến một số hoạt động gắn liền với thực tiễn, bao gồm chấp thuận nhập khẩu,
cho phép hay giấy phép nhập khẩu và các giấy phép hoạt động cần thiết cho việc nhập khẩu.
c. Những nội dung chủ yếu của Hiệp định
Hiệp định quy định cả hệ thống cấp phép ‘tự động’ - chỉ nhằm kiểm soát chứ không nhằm điều chỉnh nhập khẩu, và hệ thống cấp phép ‘không tự động’, theo đó những điều kiện nhất định phải được đáp ứng trước khi cấp giấy phép nhập khẩu. Chính phủ thường sử dụng việc cấp giấy phép ‘không tự động’ để thực hiện các biện pháp hạn chế nhập khẩu, ví dụ, hạn ngạch, hạn ngạch thuế quan (viết tắt là ‘TRQs’), hoặc để quản lí sự an toàn hay những yêu cầu khác (ví dụ, đối với hàng hoá độc hại, vũ khí, đồ cổ v.v.). Những yêu cầu đối với cấp phép nhập khẩu, giấy chứng nhận chất lượng, giấy chứng nhận vệ sinh và giấy chứng nhận các quy định kĩ thuật cũng là đối tượng điều chỉnh của Hiệp định ILP.
3.1.6.2. Quy định về xác định giá trị hải quan đối với hàng hóa a. Khái quát
Hiệp định về thực thi Điều VII (Hiệp định xác định trị giá hải quan - viết tắt là CVA) công nhận sự cần thiết của hệ thống xác định giá hàng hoá một cách thoả đáng, thống nhất và vô tư vì các mục đích thuế quan, nhằm ngăn chặn việc sử dụng cách xác định trị giá hải quan một cách tuỳ tiện hay thái quá; trong phạm vi rộng nhất có thể, cơ sở để xác định trị giá hàng hoá vì mục đích thuế quan cần phải là giá trị giao dịch của hàng hoá được định giá; việc xác định trị giá hải quan cần dựa trên tiêu chí đơn giản và công bằng, phù hợp với các thông lệ thương mại, và những thủ tục xác định trị giá này phải được áp dụng chung mà không có sự phân biệt giữa các nguồn cung cấp (Lời nói đầu).
Do đó, Hiệp định đề ra 6 phương pháp xác định trị giá hải quan, trong đó phương pháp xác định trị giá giao dịch được ưu tiên hàng đầu và là phương pháp quan trọng nhất.
b. Phạm vi điều chỉnh và định nghĩa
Theo CVA, xác định trị giá tính thuế hải quan có nghĩa là thủ tục hải quan được áp dụng để xác định giá trị tính thuế hải quan của hàng hoá nhập khẩu. Nếu tính tỉ lệ thuế theo giá hàng, trị giá hải quan có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thuế phải trả trên hàng hoá được nhập khẩu. Vì vậy, Hiệp định này rất quan trọng đối với cả cơ quan có thẩm quyền về hải quan và những nhà xuất khẩu.
c. Nội dung của Hiệp định
Khoản 2(a) Điều VII GATT quy định rằng việc xác định trị giá tính thuế hải quan của hàng nhập khẩu phải dựa vào giá trị thực của hàng nhập khẩu, hoặc trị giá thực của
hàng tương tự, không được phép căn cứ vào trị giá của hàng có xuất xứ nội địa, hay trị giá mang tính áp đặt, hoặc được đưa ra một cách vô căn cứ.
Hiệp định quy định 6 phương pháp xác định trị giá hải quan, đó là: (i) Trị giá giao dịch (phương pháp đầu tiên và quan trọng nhất); (ii) Trị giá giao dịch của hàng hoá giống hệt (‘identical goods’); (iii) Trị giá giao dịch của hàng hoá tương tự (‘similar goods’); (iv) Trị giá khấu trừ; (v) Trị giá tính toán; và (vi) Phương pháp suy luận - là phương pháp được áp dụng cuối cùng.
*Trị giá giao dịch: đó là giá thực tế đã thanh toán cho hàng hoá được bán để xuất khẩu đến nước nhập khẩu với điều kiện sau (khoản 1 Điều 1):
(a) Không có sự hạn chế nào trong việc người mua định đoạt hay sử dụng hàng hoá, trừ những hạn chế:
(i) Đã được áp dụng hoặc quy định bởi pháp luật hoặc bởi các cơ quan có thẩm quyền tại nước nhập khẩu;
(ii) Nhằm giới hạn những khu vực địa lí mà hàng hoá có thể được phép bán lại; hoặc
(iii) Không gây ảnh hưởng lớn tới giá trị hàng hoá.
(b) Việc mua bán hoặc giá cả không phụ thuộc vào điều kiện hoặc suy xét nào đó khiến không thể xác định được giá trị của hàng hoá đang được định giá.
(c)Người bán sẽ không được trực tiếp hoặc gián tiếp hưởng bất kì phần nào từ số tiền do người mua thu được qua bán lại, nhượng lại hoặc sử dụng hàng hoá này, trừ một số
điều chỉnh hợp lí được phép thực hiện theo quy định tại Điều 8; và
(d) Người mua và người bán không có liên hệ, hoặc trong trường hợp đó thì giá trị giao dịch chỉ được chấp nhận cho mục đích hải quan theo các quy định tại khoản 2.
Tuy nhiên, cơ quan hải quan có quyền ‘tự chứng minh về tính đúng đắn và tính chính xác của bất kì báo cáo, văn bản hoặc tuyên bố nào đã được đưa ra nhằm mục đích xác định trị giá hải quan’ (Điều 17). Vì vậy, nếu nghi ngờ về trị giá giao dịch đã khai báo, cơ quan hải quan có thể yêu cầu nhà nhập khẩu giải thích rõ hơn rằng giá trị đã khai báo thể hiện được tổng số giá trị thực tế đã thanh toán hoặc phải thanh toán cho hàng hoá nhập khẩu. Nếu những nghi ngờ hợp lí vẫn tồn tại, cơ quan hải quan có thể quyết định rằng trị giá hải quan không thể được xác định theo phương pháp trị giá giao dịch. Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, cơ quan hải quan phải thông báo lập luận của họ cho nhà nhập khẩu, ngược lại, nhà nhập khẩu phải được dành khoảng thời gian hợp lí để phản hồi.
Lập luận cho quyết định cuối cùng phải được thông báo bằng văn bản cho nhà nhập khẩu.
*Trị giá giao dịch của hàng hoá giống hệt được bán để xuất khẩu sang cùng nước nhập khẩu đó và được xuất khẩu vào cùng thời điểm mà hàng hoá đó được xác định trị giá. Trị giá giao dịch của hàng hoá giống hệt, được bán với cùng cấp lưu thông và về cơ bản cùng số lượng tại thời điểm hàng hoá đó được xác định trị giá, sẽ được sử dụng để xác định trị giá hải quan (Điều 2).
*Trị giá giao dịch của hàng hoá tương tự: được bán để xuất khẩu sang cùng nước nhập khẩu đó và được xuất khẩu vào cùng thời điểm mà hàng hoá đó đang được xác định trị giá. Trị giá giao dịch của hàng hoá tương tự, được bán với cùng cấp lưu thông và về cơ bản cùng số lượng tại thời điểm hàng hoá đang được xác định trị giá, sẽ được sử dụng để xác định trị giá hải quan (Điều 3).
*Trị giá khấu trừ: Giá của đơn vị hàng hoá mà hàng hoá nhập khẩu, hoặc hàng hoá nhập khẩu giống hệt hoặc tương tự, được bán với tổng số lượng lớn nhất, vào cùng hoặc khoảng cùng thời gian nhập khẩu hàng hoá đang được xác định trị giá, bán cho người mà người đó không có liên hệ với người bán hàng hoá đó, có khấu trừ các chi phí được quy định tại Điều 5.
*Trị giá tính toán: Nếu trị giá hải quan vẫn chưa xác định được, thì nó sẽ phải được xác định dựa trên trị giá tính toán. Trị giá tính toán là tổng của các khoản sau:
(a) Các chi phí hoặc giá trị của nguyên vật liệu và quá trình sản xuất hoặc chế biến được sử dụng trong việc sản xuất ra hàng nhập khẩu đó;
(b) Khoản lợi nhuận và các chi phí chung tương đương với lợi nhuận thường có trong việc bán hàng hoá có cùng phẩm cấp và chủng loại như hàng hoá đang được xác định trị giá, do các nhà sản xuất của nước xuất khẩu sản xuất để xuất khẩu sang nước nhập khẩu;
(c) Các chi phí hoặc giá trị của các phí tổn cần thiết (Điều 6).
*Phương pháp suy luận: Nếu trị giá hải quan của hàng nhập khẩu không thể xác định được theo tất cả các phương pháp trên, thì nó sẽ được xác định bằng cách sử dụng các phương pháp hợp lí phù hợp với các nguyên tắc và quy định chung của Hiệp định này và Điều VII GATT, và trên cơ sở những dữ liệu sẵn có của nước nhập khẩu.
Tuy nhiên, không được xác định trị giá hải quan trên cơ sở sau đây:
(a) Giá bán tại nước nhập khẩu của hàng hoá sản xuất tại nước đó;
(b) Quy tắc cho phép chấp nhận giá trị cao hơn trong hai giá trị lựa chọn, nhằm mục đích hải quan;
(c) Giá hàng hoá trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu;
(d) Chi phí sản xuất ngoài trị giá tính toán đã được xác định đối với hàng hoá giống hệt hoặc tương tự theo các quy định tại Điều 6;
(e) Giá của hàng hoá xuất khẩu sang nước khác không phải là nước nhập khẩu;
(f) Trị giá hải quan tối thiểu; hoặc
(g) Các giá trị tuỳ tiện hoặc không có thực.
3.1.6.3. Giám định hàng hóa trước khi xếp hàng10 a. Khái quát
Hiệp định về giám định hàng hoá trước khi xếp hàng xuống tàu (viết tắt là ‘Hiệp định PSI’) công nhận sự cần thiết phải giám định chất lượng, số lượng hoặc giá cả của hàng hoá nhập khẩu của các DCs trong thời hạn và mức độ những nước này thấy phù hợp; nhận thức rằng việc thực hiện những hoạt động giám định không được tạo thêm trì hoãn không cần thiết hoặc gây đối xử không công bằng. Vì vậy, Hiệp định đã xác lập khuôn khổ quốc tế thống nhất về quyền và nghĩa vụ của cả các thành viên sử dụng công cụ này và các thành viên xuất khẩu; mong muốn làm minh bạch hoá hoạt động của cơ quan giám định hàng hoá, pháp luật và các quy định liên quan về giám định hàng hoá (Lời nói đầu).
b. Phạm vi điều chỉnh và định nghĩa
Hiệp định điều chỉnh mọi hoạt động giám định hàng hoá được thực hiện trên lãnh thổ của các thành viên dưới hình thức kí hợp đồng hoặc uỷ quyền của chính phủ hoặc bất kì cơ quan chính phủ nào của thành viên (khoản 1 Điều 1).
Hoạt động giám định hàng hoá là mọi hoạt động liên quan đến việc thẩm định số lượng, chất lượng và giá cả, kể cả tỉ giá hối đoái và các điều kiện tài chính, và/hoặc phân loại hải quan của hàng hoá xuất khẩu đến lãnh thổ thành viên sử dụng (khoản 3 Điều 1).
c. Nội dung chủ yếu của Hiệp định11
Hiệp định này được các DCs áp dụng nhằm bảo hộ những lợi ích tài chính quốc gia (ví dụ: ngăn chặn thất thoát vốn và gian lận thương mại cũng như việc trốn thuế quan) và nhằm đền bù cho những thiếu hụt về cơ sở hạ tầng hành chính.
Hiệp định thừa nhận rằng những nguyên tắc và nghĩa vụ của GATT sẽ được áp dụng cho những hoạt động của các cơ quan giám định hàng hoá trước khi xếp hàng do chính phủ ủy thác.
Những nghĩa vụ quy định cho chính phủ thành viên giám định bao gồm nghĩa vụ không phân biệt đối xử, minh bạch, đảm bảo bí mật thông tin kinh doanh, tránh trì hoãn
10 WTO, http://www.wto.org/english/docs_e/legal_e/ursum_e.htm#gAgreement
11 WTO, http://www.wto.org/english/docs_e/legal_e/ursum_e.htm#gAgreement
không có lí do chính đáng, sử dụng những hướng dẫn cụ thể để tiến hành thẩm định giá, và tránh xung đột lợi ích của các cơ quan giám định trước khi xếp hàng xuống tàu. Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng xuất khẩu đối với thành viên sử dụng hoạt động giám định hàng hoá bao gồm: Không phân biệt đối xử trong việc áp dụng pháp luật quốc gia; Nhanh chóng công bố pháp luật và những quy định về trợ giúp kĩ thuật khi được yêu cầu.
Hiệp định xác lập thủ tục rà soát độc lập - do cơ quan đại diện cho cơ quan giám định và cơ quan đại diện cho nhà xuất khẩu cùng nhau thực hiện và quản lí - để giải quyết tranh chấp giữa nhà nhập khẩu và cơ quan giám định.
3.1.6.4. Quy tắc xuất xứ hàng hoá a. Khái quát
Mục đích của Hiệp định về quy tắc xuất xứ hàng hoá (viết tắt là ‘Hiệp định RoO’) là hướng tới sự hài hoà lâu dài những quy tắc xuất xứ hàng hoá, hơn là chỉ quan tâm tới các quy tắc xuất xứ hàng hoá nhằm mục đích trao ưu đãi thuế quan; và Hiệp định RoO nhằm đảm bảo rằng các quy tắc xuất xứ hàng hoá tự chúng không tạo ra trở ngại không cần thiết đối với thương mại; đảm bảo rằng các quy tắc xuất xứ phải được chuẩn bị và áp dụng một cách vô tư, công khai, có thể dự đoán được, nhất quán và trung lập (Lời nói đầu).
b. Phạm vi điều chỉnh và định nghĩa
Quy tắc xuất xứ được định nghĩa là những luật, quy định, quyết định hành chính chung do các thành viên áp dụng để xác định nước xuất xứ của hàng hoá, với điều kiện là quy tắc xuất xứ này không liên quan đến thoả thuận thương mại hoặc chế độ thương mại tự chủ có áp dụng ưu đãi thuế quan ngoài phạm vi điều chỉnh của khoản 1 Điều I GATT.
c. Những nội dung chủ yếu của Hiệp định
Hiệp định xác lập chương trình hài hoà hoá được thực hiện ngay sau khi kết thúc Vòng đàm phán U-ru-goay và được hoàn thành trong vòng 3 năm (khoản 2 Điều 9).
Chương trình hài hoà hóa dựa trên cơ sở một nhóm các nguyên tắc, bao gồm quy tắc xuất xứ khách quan, dễ hiểu và có thể dự đoán được (Phần IV Hiệp định).
Hiệp định xác lập những quy chế quản lí việc áp dụng quy tắc xuất xứ, được chia làm 2 giai đoạn như sau:
-Điều 2 - Quy tắc trong thời gian quá độ: cho đến khi hoàn thành chương trình hài hoà hoá quy tắc xuất xứ hàng hoá quy định tại Phần IV, các thành viên phải đảm bảo rằng:
(a) Khi ban hành quyết định hành chính để áp dụng chung cần phải định nghĩa rõ ràng các yêu cầu;
(b) Các quy tắc xuất xứ của chúng không được sử dụng để trực tiếp hay gián tiếp theo đuổi mục tiêu chính sách đó;
(c) Quy tắc xuất xứ bản thân nó không được tạo ra các tác động hạn chế, bóp méo hay làm rối loạn thương mại quốc tế;
(d) Quy tắc xuất xứ áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu không được chặt chẽ hơn quy tắc xuất xứ áp dụng để xác định xem một hàng hoá có phải là hàng nội địa hay không và không được phân biệt đối xử giữa các thành viên khác, bất kể đến mối liên hệ giữa công ty mẹ, công ty con hay chi nhánh;
(e) Quy tắc xuất xứ phải được quản lí nhất quán, thống nhất, vô tư và hợp lí;
(f) Quy tắc xuất xứ trong đó nêu những gì không tạo nên xuất xứ hàng hoá (‘tiêu chuẩn phủ định’) cũng được phép coi như một phần của phân loại ‘tiêu chuẩn khẳng định’, hoặc trong một số trường hợp cá biệt khi việc xác định các ‘tiêu chuẩn khẳng định’
của xuất xứ là không cần thiết;
(g) Các luật, quy định dưới luật, quyết định tư pháp và hành chính để áp dụng chung liên quan đến quy tắc xuất xứ sẽ được công bố;
(h) Khi có thay đổi trong quy tắc xuất xứ hoặc ban hành các quy tắc xuất xứ mới, các thành viên không được áp dụng hồi tố những thay đổi này, dù các luật, quy định dưới luật có thể quy định như vậy, và không vì thế làm tổn hại đến chúng;
(i)Bất kì một hành động hành chính nào liên quan đến xác định xuất xứ có thể được toà án, trọng tài hoặc toà án hành chính, độc lập với cơ quan đã ra quyết định xem xét lại một cách nhanh chóng, và có thể sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định hành chính đó; và
(j) Tất cả các thông tin bí mật, hoặc được cung cấp trên cơ sở bí mật nhằm thực thi các quy tắc xuất xứ phải được các cơ quan có liên quan bảo đảm tuyệt mật.
- Điều 3 - Các quy tắc sau thời gian quá độ: Xét rằng mọi thành viên đều hướng tới lập ra các quy tắc xuất xứ hài hoà, sau khi có kết quả của chương trình hài hoà các quy tắc này, ngay khi triển khai kết quả của chương trình đó, các thành viên sẽ bảo đảm rằng:
(a) Áp dụng quy tắc xuất xứ như nhau cho tất cả các mục đích nêu tại Điều 1;
(b) Theo quy tắc xuất xứ của mình, một nước được xác định là nước xuất xứ của một hàng hoá cụ thể, nếu hàng hoá được hoàn toàn sản xuất ra ở nước đó; hoặc trong trường hợp nhiều nước cùng tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hoá đó, thì nước xuất xứ hàng hoá là nước thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng;
(c) Các nguyên tắc tương tự khác trong thời gian quá độ.