Chương 5. PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH HỢP ĐỒNG MUA BÁN
5.1. Khái quát về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế và pháp luật điều chỉnh hợp đồng
5.1.1. Khái niệm hàng hóa
Thương mại hàng hóa là 1 trong 4 lĩnh vực của WTO, gồm: thương mại hàng hóa:
(gồm mua bán, đại lý, môi giới, … tuy nhiên mua bán hàng hóa quốc tế là lĩnh vực chủ đạo của thương mại quốc tế); thương mại dịch vụ; sở hữu trí tuệ; đầu tư nước ngoài.
Theo GATT 1994: Hàng hóa trong thương mại quốc tế là sản phẩm được liệt kê, mô tả và mã hóa trong Danh mục HS của Công ước HS.
Theo Khoản 2 Điều 3 Luật thương mại năm 2005: Hàng hoá bao gồm: tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; những vật gắn liền với đất đai.
5.1.2. Khái niệm mua bán hàng hóa
Trong hoạt động kinh doanh nói chung và kinh doanh quốc tế nói riêng, mua bán hàng hoá là một giao dịch chủ yếu. Ở quy mô trong nước, mua bán hàng hoá thực hiện chức năng trao đổi hàng hoá trong xã hội; ở quy mô quốc tế, nó làm nhiệm vụ trao đổi hàng hoá giữa các nước thông qua các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá.
Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận.30
Mua bán hàng hoá quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu.31
30 Khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005
31 Điều 27 Luật thương mại năm 2005.
Hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế là hoạt động mua bán hàng hoá vượt ra ngoài phạm vi một quốc gia, diễn ra tại nhiều nước khác nhau, với nhiều yếu tố khác biệt về địa lí, lịch sử, khí hậu, cũng như các yếu tố kinh tế, chính trị, luật pháp, văn hoá, tôn giáo...
hay nói cách khách mua bán hàng hóa quốc tế là hoạt động mua bán hàng hóa mang yếu tố nước ngoài.
5.1.3. Khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Theo quy định của Công ước La Hay 1964 (Điều 1): Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng mua bán hàng hóa trong đó các bên ký kết có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau, hàng hóa được chuyển từ nước này sang nước khác, hoặc việc trao đổi ý chí ký kết hợp đồng giữa các bên ký kết được thiết lập ở các nước khác nhau.
Công ước Viên 1980 (Điều 1) quy định: Công ước này áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa được ký kết giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau.
Theo Khoản 2 Điều 27 Luật thương mại năm 2005 quy định: Mua bán hàng hoá quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Như vậy, Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là sự thống nhất về ý chí giữa các bên trong quan hệ mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài mà thông qua đó thiết lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các chủ thể có với nhau.
Biểu hiện yếu tố nước ngoài trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế:
(i) Các bên tham gia ký hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là các thương nhân có quốc tịch khác nhau và có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau.
(ii) Hàng hóa - đối tượng của hợp đồng được dịch chuyển qua biên giới quốc gia hoặc giai đoạn chào hàng và chấp nhận chào hàng có thể được thiết lập ở các nước khác nhau
(iii) Nội dung của hợp đồng bao gồm các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ việc chuyển giao quyền sở hữu về hàng hóa từ người bán sang người mua ở các nước khác nhau
(iv) Đồng tiền thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải là ngoại tệ đối với ít nhất 1 bên trong quan hệ hợp đồng.
(v) Luật điều chỉnh hợp đồng là luật quốc gia, các điều ước quốc tế và các tập quán quốc tế về thương mại và hàng hải.
5.1.4. Pháp luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Nhiều nguồn luật khác nhau có thể được áp dụng để điều chỉnh giao dịch mua bán hàng hoá quốc tế, trong đó có ba nguồn luật chủ yếu là: luật quốc gia, điều ước quốc tế và tập quán thương mại quốc tế.
5.1.4.1. Luật quốc gia
Mua bán hàng hoá là một hoạt động cơ bản của bất kì nền kinh tế nào, vì thế, nước nào cũng có các quy tắc pháp luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hoá.
Một hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế có thể được điều chỉnh cùng một lúc bởi pháp luật của nhiều nước. Ví dụ, một doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang Hoa Kỳ bằng đường biển. Doanh nghiệp kí hợp đồng chuyên chở đường biển với người chuyên chở của Singapore. Không may, trong hành trình, tàu gặp bão và phải vào một cảng lánh nạn ở Malaysia. Người bảo hiểm của lô hàng là một công ty Hồng Kông. Một giao dịch như vậy chịu sự tác động không phải của một mà của nhiều hệ thống pháp luật quốc gia khác nhau, và hợp đồng “có tính quốc tế” này có thể được điều chỉnh bởi pháp luật quốc gia của các chủ thể hợp đồng, pháp luật của nước nơi kí kết hợp đồng, nơi thực hiện hợp đồng, nơi xảy ra tranh chấp, nơi có tài sản là đối tượng của hợp đồng... Khi pháp luật của các nước này có những quy định khác nhau về cùng một vấn đề đang tranh chấp, thì sẽ làm phát sinh vấn đề “xung đột luật”.
Xung đột pháp luật thường xảy ra ở một số nội dung như sau:
-Xung đột về nội dung hợp đồng: Về vấn đề này, luật của các nước quy định không giống nhau. Ví dụ, theo luật của Pháp, Đức, Nhật Bản, điều khoản chủ yếu của hợp đồng bao gồm đối tượng của hợp đồng và giá cả, trong khi theo luật của Anh, Hoa Kỳ, Úc, chỉ cần hai bên xác định rõ đối tượng hợp đồng là đủ. Về quyền và nghĩa vụ của người mua và người bán trong hợp đồng mua bán, luật của Pháp quy định theo hướng bảo vệ quyền lợi của người mua (người tiêu dùng), trong khi luật của Đức lại bảo vệ cho người bán. Về vấn đề bất khả kháng trong thực hiện hợp đồng, theo pháp luật của một số nước, đình công được coi là trường hợp bất khả kháng, nhưng ở một số nước khác thì không.
- Xung đột về hình thức hợp đồng: Theo luật của một số nước, như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Đức, hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế có thể được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể, trừ trường hợp mua bán bất động sản. Trong khi đó, theo luật của một số nước khác, như Việt Nam, Trung Quốc, hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế phải được giao kết bằng văn bản.
Để giải quyết xung đột luật, cách tốt nhất là các bên trong hợp đồng thoả thuận lựa chọn một luật quốc gia nào đó để điều chỉnh hợp đồng của họ. Nếu các bên trong hợp đồng
mua bán hàng hoá quốc tế không lựa chọn luật áp dụng, thì theo các nguyên tắc chung của tư pháp quốc tế, luật áp dụng cho hợp đồng sẽ được xác định bằng cách áp dụng các quy phạm xung đột.
Như vậy, luật quốc gia áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế có thể là các quy phạm luật thực chất (trực tiếp quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng), có thể là các quy phạm xung đột (quy phạm ‘dẫn chiếu’ tới luật của một quốc gia cụ thể và luật đó sẽ được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng).
5.1.4.2. Điều ước quốc tế
Hiện tượng xung đột luật trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế có thểgây ra những tranh chấp, xung đột trong thực tiễn. Vì vậy, để tránh hiện tượng nói trên, các nước thường cùng nhau đàm phán để kí kết các điều ước quốc tế có liên quan, nhằm thống nhất một số quy tắc pháp luật điều chỉnh các quan hệ này. Có hai loại điều ước quốc tế liên quan: điều ước quốc tế thống nhất luật thực chất, và điều ước quốc tế thống nhất luật xung đột. Các điều ước này có thể là song phương hoặc đa phương.
Điều ước quốc tế thống nhất luật thực chất: Thống nhất luật thực chất là việc các nước cùng nhau thoả thuận xây dựng các quy phạm thực chất để điều chỉnh các quan hệ mua bán hàng hoá quốc tế.
Trong lĩnh vực mua bán hàng hoá quốc tế, có một số điều ước quốc tế quan trọng như sau:
-Hai Công ước La Hay 1964 về mua bán quốc tế động sản hữu hình: Công ước thứ nhất mang tên ‘Luật thống nhất về giao kết hợp đồng mua bán quốc tế các động sản hữu hình’ (Convention on Uniform Law on the Formation of Contracts for the International Sales - viết tắt là ‘ULF’). Công ước thứ hai là ‘Luật thống nhất về mua bán quốc tế các động sản hữu hình) (Convention on Uniform Law on the International Sales of Goods - viết tắt là ‘ULIS’). Hai công ước này trên thực tế rất ít được áp dụng.
- Công ước được áp dụng phổ biến nhất hiện nay là Công ước Viên 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (United Nations Convention on Contracts fo International Sale of Goods, viết tắt là ‘CISG’).
Điều ước quốc tế thống nhất luật xung đột: Thực tiễn giải quyết xung đột pháp luật của các quốc gia cho thấy, đối với cùng một quan hệ pháp luật cụ thể, các nước có các quy phạm xung đột không giống nhau. Nếu liên quan đến cùng một vấn đề (cùng một phạm vi) mà các nước có các quy phạm xung đột khác nhau (với các hệ thuộc khác nhau), thì sẽ nảy sinh hiện tượng ‘xung đột của quy phạm xung đột’. Điều này khiến cho việc giải quyết
xung đột luật bằng quy phạm xung đột trở thành một phương pháp chứa đựng nhiều khó khăn và rủi ro. Chính vì thế, các nước hiện nay có xu hướng đàm phán và kí kết các điều ước quốc tế để thống nhất các quy phạm xung đột.
Trong các điều ước quốc tế đa phương thống nhất quy phạm xung đột, các điều ước quốc tế sau đây được áp dụng khá rộng rãi:
-Công ước La Hay 1955 về luật áp dụng đối với mua bán quốc tế các động sản hữu hình (The Hague Convention 1955 on the Law Applicable to International Sales of Goods).
Theo Công ước này, hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế phải tuân thủ luật mà các bên lựa chọn. Nếu không có sự thoả thuận thống nhất của các bên về luật áp dụng, thì luật của nước nơi người bán có trụ sở kinh doanh vào lúc nhận được đơn đặt hàng, sẽ được áp dụng32.
-Công ước Rô-ma 1980 về luật áp dụng đối với các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng (The Rome Convention 1980 on the Law Applicable to Contractual Obligations): Công ước được áp dụng đối với các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Theo Công ước, một hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi luật do các bên lựa chọn. Sự lựa chọn này phải được thể hiện rõ trong các điều khoản của hợp đồng hoặc theo hoàn cảnh của vụ việc. Các bên có thể lựa chọn luật áp dụng cho toàn bộ hoặc chỉ một phần của hợp đồng.
Trong trường hợp các bên không lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng, thì hợp đồng sẽ được điều chỉnh theo luật của ‘các nước có mối liên hệ mật thiết nhất’ với hợp đồng
đang tranh chấp. “Nước có mối liên hệ mật thiết nhất” với hợp đồng đang tranh chấp được xác định theo nguyên tắc tại khoản 2 Điều 4 của Công ước. Theo nguyên tắc này,
“nước có mối liên hệ mật thiết nhất” với hợp đồng là nước có địa bàn kinh doanh chính của bên thực hiện nghĩa vụ chính.
5.1.4.3. Tập quán thương mại quốc tế
Tập quán thương mại quốc tế cũng là nguồn luật quan trọng điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Tập quán thương mại quốc tế là những thói quen phổ biến được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong hoạt động kinh doanh ở một khu vực nhất định hoặc trên phạm vi toàn cầu. Những tập quán quốc tế được áp dụng phổ biến trong mua bán hàng hoá quốc tế bao gồm:
+ Các điều kiện cơ sở giao hàng trong mua bán hàng hoá quốc tế (viết tắt là
‘INCOTERMS’)
32 Ngoại lệ trong các trường hợp: (i) Khi đơn đặt hàng được giao cho một chi nhánh của người bán thực hiện, thì luật của nước nơi có chi nhánh được áp dụng; (ii) Khi đơn đặt hàng được giao cho người bán hoặc đại lí của người bán ở nước người mua, thì luật của nước nơi người mua thường trú được áp dụng (Điều 3).
+ Tập quán và thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ (viết tắt là ‘UCP’).
Các tập quán thương mại quốc tế chỉ có tính chất hướng dẫn chứ không có tính chất bắt buộc, tuy vậy, khi một tập quán được các bên thoả thuận ghi nhận hoặc dẫn chiếu vào hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, thì sẽ có hiệu lực áp dụng bắt buộc đối với các chủ thể.
5.1.4.4. Các nguồn luật khác
Ngoài ra, có một số nguồn luật khác cũng đang ngày càng trở nên quan trọng trong việc điều chỉnh các hợp đồng thương mại quốc tế nói chung và hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế nói riêng, và có tính chất pháp lí tương tự như các tập quán thương mại quốc tế - đó là các “hợp đồng mẫu” và các “nguyên tắc chung của luật hợp đồng”.
Trước hết, về các “hợp đồng mẫu”: cần phân biệt các hợp đồng mẫu do một hiệp hội nghề nghiệp soạn thảo và các hợp đồng mẫu được đưa ra bởi các tổ chức độc lập đối với các bên.
Hợp đồng mẫu sẽ trở thành nguồn luật cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế khi các bên dẫn chiếu đến hợp đồng mẫu hoặc đến một/một số điều khoản của hợp đồng mẫu.
Về “các nguyên tắc chung của luật hợp đồng”: đó thông thường là những nguyên tắc được đúc rút từ thực tiễn kinh doanh quốc tế, được các thương nhân thừa nhận và áp dụng cho các quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế của mình và trở thành phổ biến:
Nguyên tắc tự do hợp đồng, nguyên tắc hợp tác, nguyên tắc thiện chí, nguyên tắc phòng ngừa và hạn chế thiệt hại… Hầu hết các nguyên tắc này cũng được quy định thống nhất trong luật của các quốc gia, vì vậy dễ dàng được công nhận và trở nên phổ biến trong thương mại quốc tế. Đặc biệt, các tổ chức trọng tài thường dẫn chiếu đến các nguyên tắc này trong việc giải thích hợp đồng và giải quyết các tranh chấp phát sinh.
Có thể kể đến Bộ nguyên tắc về hợp đồng thương mại quốc tế (Principles of International Commercial Contracts - viết tắt là ‘PICC’) do Viện nghiên cứu quốc tế về thống nhất luật tư (International Institute for Unification of Private Law - viết tắt là
‘UNIDROIT’) biên soạn. Bên cạnh đó còn có Bộ nguyên tắc về luật hợp đồng châu Âu (Principles of European Contract Law - viết tắt là PECL) do Ủy ban về luật hợp đồng châu Âu (thường được gọi là Ủy ban Lan-đô) soạn thảo và ban hành.