Chương 3. CÁC HIỆP ĐỊNH CỦA WTO
3.3. Quyền sở hữu trí tuệ và Hiệp định TRIPs
3.3.1. Tổng quan về Hiệp định TRIPs
3.3.1.1. Lịch sử Hiệp định TRIPs
Hiệp định TRIPS được thiết lập với ý nghĩa là một phần của những thoả thuận thương mại đa phương trong Vòng đàm phán U-ru-goay. Đây là lần đầu tiên các khía cạnh thương mại của IPRs được đàm phán. Kết quả của các cuộc đàm phán đó được thể hiện trong Phụ lục 1C của Hiệp định thành lập WTO, được thông qua tại Ma-ra-két ngày 15/4/1994 và có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các thành viên WTO từ ngày 1/1/1995.
Hiệp định TRIPS là một trong những trụ cột quan trọng nhất của WTO và bảo hộ sở hữu
13 Khoản 1 Điều VII GATS
14 Khoản 3 Điều VII GATS
trí tuệ trở thành một phần không thể tách rời trong hệ thống thương mại đa phương của WTO.
3.3.1.2. Hiệp định TRIPs: Quyền sở hữu trí tuệ và thương mại quốc tế
Hiệp định TRIPS: Hiệp định đa phương toàn diện nhất về sở hữu trí tuệ cho đến nay
Trong mối tương quan với các thoả thuận quốc tế khác về IPRs, Hiệp định TRIPS được coi là toàn diện nhất xuất phát từ những đặc điểm sau đây của Hiệp định: (i) Là kết quả của sự kết hợp một số công ước quốc tế ra đời trước đó; (ii) Thiết lập các tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu trong thời hạn cụ thể cho hầu hết các đối tượng sở hữu trí tuệ, đó là quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lí, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế (bao gồm giống cây trồng), thiết kế bố trí mạch tích hợp, thông tin bí mật; (iii) Chứa đựng những quy định mở; và (iv) Thiết lập những quy định thực thi IPRs.
Hiệp định TRIPS: Mục tiêu cơ bản nhất là thúc đẩy thương mại quốc tế
Phù hợp với mục tiêu của WTO, mục tiêu của Hiệp định TRIPS là thúc đẩy thương mại quốc tế bằng cách bảo hộ IPRs, đồng thời ngăn chặn các thành viên sử dụng IPRs như những rào cản trong thương mại quốc tế.15 Theo Lời nói đầu của Hiệp định TRIPS: “… Một trong những hiểu lầm phổ biến nhất về Hiệp định TRIPS là mục tiêu chính của Hiệp định là đề cao bảo hộ IPRs. Tuy nhiên, điều này không đúng. Mục tiêu chính - nếu không phải là mục tiêu duy nhất - của Hiệp định TRIPS, cũng như mục tiêu của toàn bộ Hiệp định thành lập WTO, là thúc đẩy thương mại tự do.”
Như vậy, mục tiêu cơ bản đầu tiên của Hiệp định là: ‘Giảm sự bóp méo và rào cản trong thương mại quốc tế… và bảo đảm rằng các biện pháp và thủ tục thực thi IPRs không tự chúng tạo thành những rào cản cho thương mại hợp pháp.
Bảo hộ và thực thi IPRs phải góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển giao và phổ biến công nghệ, đem lại lợi ích chung cho người tạo ra và người sử dụng kiến thức công nghệ, đem lại lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế, tạo ra sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ (Điều 7). Các thành viên WTO được phép áp dụng các biện pháp bảo vệ sức khoẻ cộng đồng cũng như những lợi ích công cộng khác, và được phép ngăn chặn lạm dụng IPRs hoặc những hành vi cản trở thương mại bất hợp lí hoặc ảnh hưởng xấu đến chuyển giao công nghệ quốc tế (Điều 8).
15 Lời nói đầu của Hiệp định TRIPs
Ngoài Lời nói đầu, nhiều quy định của Hiệp định TRIPS cũng thể hiện mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do. Ví dụ: Hiệp định TRIPS yêu cầu các thành viên WTO áp dụng các biện pháp thực thi “sao cho tránh tạo ra những rào cản cho thương mại hợp pháp” theo quy định tại Điều 41. Điều 48, khoản 3 Điều 50, khoản 7 Điều 50 và Điều 56 là những ví dụ khác về các quy định nhằm ngăn chặn và xử lí việc lạm dụng các biện pháp thực thi của chủ thể nắm giữ quyền (hoặc người được cho là chủ thể nắm giữ quyền) có thể cản trở thương mại quốc tế hợp pháp.16
3.3.1.3. Các nguyên tắc của Hiệp định TRIPs a. Nguyên tắc đối xử quốc gia (NT)
Hiệp định TRIPS đòi hỏi mỗi thành viên WTO dành sự bảo hộ cho công dân các thành viên khác “không kém thuận lợi hơn” sự bảo hộ dành cho công dân của mình. Nói cách khác, bất kể mức độ bảo hộ nào một thành viên dành cho công dân của mình, thành viên này buộc phải áp dụng tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu do Hiệp định TRIPS thiết lập cho công dân của các thành viên khác. Nếu mức độ bảo hộ của thành viên đó thấp hơn hoặc ngang bằng với mức độ bảo hộ do Hiệp định TRIPS thiết lập, thì thành viên đó có thể giới hạn mức độ bảo hộ cho công dân của các thành viên theo tiêu chuẩn bảo hộ của Hiệp định TRIPS. Nếu mức độ bảo hộ của thành viên đó cao hơn mức độ bảo hộ do Hiệp định TRIPS thiết lập, thì thành viên đó phải dành mức độ bảo hộ cao tương tự cho công dân của các thành viên khác.17
b. Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN)
Nguyên tắc MFN được quy định tại Điều 4 Hiệp định TRIPS. Trong khi nguyên tắc NT cấm một thành viên phân biệt đối xử giữa công dân của mình và công dân của các thành viên khác, thì nguyên tắc MFN cấm một thành viên phân biệt đối xử giữa công dân của hai thành viên khác. Đối với bảo hộ IPRs, Điều 4 Hiệp định TRIPS đòi hòi các thành viên của WTO dành sự bảo hộ “ngay lập tức và vô điều kiện”, “ưu tiên, chiếu cố, đặc quyền hoặc miễn trừ” cho “công dân của bất kì nước nào khác” (bao gồm cả công dân của nước không phải là thành viên của WTO) như sự bảo hộ dành cho công dân của mình.
c. Nguyên tắc minh bạch
Nguyên tắc minh bạch được biết đến lần đầu tiên trong Điều X GATT 1947. Trong Hiệp định TRIPS, nguyên tắc này được quy định tại Điều 63. Điều 63 yêu cầu các thành
16 Nuno Pires de Carvalho, The TRIPS Regime of Trademarks and Designs, Sđd, tr. 44
17 WTO, Principles of Trading System, nguồn:
http://www.wto.org/english/theWTO_e/whatis_e/tif_e /fact2_e.htm#national.
viên của WTO công bố các nguyên tắc liên quan đến IPRs. Theo khoản 1 Điều 63, các nguyên tắc liên quan đến IPRs bao gồm các luật, quy định, quyết định xét xử cuối cùng, quyết định hành chính, thoả thuận giữa chính phủ của thành viên hoặc cơ quan chính phủ với chính phủ hoặc cơ quan chính phủ của thành viên khác. Nghĩa vụ công bố này được thực hiện thông qua ba phương thức, đó là: (i) Công bố chính thức (khoản 1 Điều 63); (ii) Thông báo cho Hội đồng TRIPS (khoản 2 Điều 63); và (iii) Yêu cầu thành viên khác cung cấp thông tin và cho phép tiếp cận thông tin (khoản 3 Điều 63). Mục đích của nguyên tắc minh bạch là: ‘Giúp cho chính phủ và các chủ thể khác được thông báo về khả năng thay đổi của pháp luật sở hữu trí tuệ của thành viên nhằm góp phần đảm bảo môi trường pháp lí ổn định và có thể dự đoán được’.18
Cần lưu ý rằng Hiệp định TRIPS cũng quy định một số ngoại lệ đối với ba nguyên tắc nêu trên. Ngoại lệ đối với nguyên tắc NT được quy định tại khoản 2 Điều 3; ngoại lệ đối với nguyên tắc MFN được quy định tại Điều 4(a), (b), (c), (d); ngoại lệ đối với nguyên tắc minh bạch được quy định tại khoản 4 Điều 63.19