Giao kết hợp đồng

Một phần của tài liệu Giáo án luật thương mại quốc tế (Trang 108 - 111)

Chương 5. PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH HỢP ĐỒNG MUA BÁN

5.2. Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG)

5.2.4. Giao kết hợp đồng

Quy trình giao kết: Chào hàng ==> Chấp nhận chào hàng ==> Giao kết hợp đồng Trình tự giao kết hợp đồng trong CISG: là trình tự giao kết hợp đồng vắng mặt, tức là 2 bên không hề gặp mặt nhau vẫn giao kết hợp đồng, do vậy cần phải tuân thủ trình tự hết sức nhiêm ngặt để đảm bảo hợp đồng đã được giao kết.

Công ước Viên 1980 về Hợp đồng Mua bán Hàng hoá Quốc tế của Liên hợp quốc (CISG), được thông qua năm 1980, đến nay đã gần 40 năm nhưng vẫn chưa 1 lần bổ sung, sửa đổi. Hiện nay CISG vẫn được đánh giá là bộ quy định về hợp đồng rất hiện đại, lô-gic, dễ hiểu và hợp lý, nó phân chia nghĩa vụ của các bên 1 cách hết sức công bằng và khách quan, và đặc biệt CISG sử dụng những từ ngữ, thuật ngữ rất gần gũi với đời sống thương mại quốc tế.

Chính vì vậy mặc dù CISG là 1 văn bản có tính liên chính phủ do 1 tổ chức công là Liên hợp quốc đưa ra, nhưng lại được rất nhiều thương nhân nhận định nó như là 1 tập quán, tức là nó quá gần gũi với đời sống của doanh nghiệp. Lý do là thực chất CISG cũng được xây dựng từ những tập quán.

5.2.4.1. Chào hàng a. Khái niệm chào hàng

Chào hàng là 1 đề nghị ký kết hợp đồng của 1 người gửi cho 1 hay nhiều người xác định (Điều 14 CISG).

Điều kiện của chào hàng: Bản chào hàng phải nêu được nội dung cơ bản của hợp đồng: nêu rõ hàng hóa, ấn định số lượng, giá cả, phương thức giao nhận, … 1 cách trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc quy định thể thức xác định những yếu tố này và phải có địa chỉ người được chào hàng xác định. CISG không yêu cầu nhất thiết phải ấn định giá cả thì hợp đồng mới có hiệu lực. Một chào hàng được coi là đủ chính xác, khi bao gồm các điều khoản ấn định giá cả một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Việc gửi bảng giá, ca-ta-lô và đặt quảng cáo, cũng như các việc tương tự khác, về nguyên tắc, không phải là chào hàng.

b. Các loại chào hàng

- Căn cứ vào giá trị của chào hàng, có 2 loại chào hàng: + Chào hàng không thể hủy bỏ (khoản 2 Điều 16):

(i) chào hàng chỉ rõ thời hạn xác định để gửi chấp nhận, hay bằng cách khác, rằng nó không thể bị thu hồi, hoặc:

(ii) nếu 1 cách hợp lý người được chào hàng coi chào hàng là không thể thu hồi được và đã hành động theo chiều hướng đó

Như vậy, trong thời hạn xác định để gửi chấp nhận, người chào hàng phải giữ lời hứa của mình.

+ Chào hàng có thể bị hủy bỏ: các chào hàng ngoài chào hàng không thể bị hủy bỏ. - Căn cứ vào tính chất của chào hàng, có 2 loại:

+ Chào hàng ban đầu: là chào hàng đầu tiên đưa ra

+ Hoàn giá chào (Điều 19 CISG): là chào hàng thứ phát, tức là chào hàng thứ 2 sau chào hàng đầu tiên. Là sự phúc đáp của người được chào hàng với mục đích muốn giao kết hợp đồng nhưng đưa ra thay đổi, bổ sung 1 số điều khoản cơ bản của chào hàng.

Ví dụ: doanh nghiệp A gửi chào hàng bán sản phẩm giày cho doanh nghiệp B với giá là 12$ / đôi. Doanh nghiệp B trả lời rằng cam kết sẽ mua hết chỗ giày của A với điều kiện giá là 10$ / đôi. Khi đó chào hàng ban đầu của A (với giá 12$ / đôi) đã hết giá trị pháp lý, nội dung cơ bản của hợp đồng sẽ là nội dung trong bản Hoàn giá chào của B.

Đồng thời vai trò của A và B đảo ngược, B trở thành người chào hàng với bản Hoàn giá chào; còn A trở thành người nhận chào hàng. Và A có quyền từ chối / chấp nhận bản Hoàn giá chào. Nếu A chấp nhận thì coi như hợp đồng đã được ký kết.

c. Giá trị pháp lý của chào hàng

Thời điểm phát sinh giá trị pháp lý của việc chào hàng: khi người được chào hàng chấp nhận chào hàng.

Trong thực tế có phát sinh trường hợp phải hủy thư chào hàng. Nguyên nhân hủy thư chào hàng: đã gửi chào hàng, nhưng sau đó lại gặp đối tác khác trả giá cao hơn; hoặc do sự kiện bất khả kháng không thể có hàng để bán như đã cam kết.

Thư hủy chào hàng chỉ có giá trị nếu tới tay người được chào hàng trước hoặc cùng lúc người được chào hàng nhận chào hàng thì chào hàng sẽ hết giá trị pháp lý.

Tình huống: A gửi thư chào hàng cho B vào ngày 1/3, trong thư chào hàng nêu thời gian chấp nhận chào hàng là 15/3.

B nhận được thư chào hàng của A vào ngày 8/3.

1/ Nếu thư hủy chào hàng của A đến tay B vào ngày 10/3. thì thư hủy có hủy được chào hàng không?

2/ Nếu thư hủy đến vào ngày 16/3, thì thư hủy có hủy được chào hàng không?

Kể cả đối với chào hàng không thể hủy bỏ, nếu hết thời hạn được ấn định trong chào hàng về việc gửi chấp nhận chào hàng mà người được chào hàng không gửi chấp nhận chào hàng thì chào hàng tự hết hiệu lực.

Đối với chào hàng có thể hủy bỏ, người chào hàng có thể hủy chào hàng nếu Thư hủy tới tay người được chào hàng trước khi người này gửi chấp nhận chào hàng.

5.2.4.2. Chấp nhận chào hàng a. Khái niệm

Khoản 2 Điều 19 Công ước Viên 1980 (CISG): Chấp nhận chào hàng là sự trả lời của người được chào hàng với mục đích giao kết hợp đồng và có thể chứa đựng những điều khoản bổ sung nhưng không làm thay đổi nội dung cơ bản của chào hàng.

Điều kiện của chấp nhận chào hàng:

+Bên nhận chào hàng phải đồng ý vô điều kiện với những nội dung cơ bản của chào hàng (hàng hóa, số lượng, giá cả, đồng tiền thanh toán): có thể thay đổi hoặc bổ sung điều khoản nhưng chỉ ở những điều khoản không cơ bản (vì nếu thay đổi điều khoản cơ bản thì sẽ trở thành Hoàn giá chào).

+ Nếu chào hàng đưa ra thời hạn để chấp nhận chào hàng thì thư chấp nhận chào hàng phải được gửi trong thời hạn chấp nhận đó.

+Nếu chào hàng không bằng văn bản, tức là chào hàng bằng lời nói (qua điện thoại) thì chấp nhận chào hàng phải được trả lời ngay lập tức

+ Chấp nhận chào hàng phải được thể hiện dưới dạng mà người chào hàng có thể nhận biết được. Thực tế có xảy ra trường hợp bên chào hàng tuy nhận được thư chấp nhận chào hàng nhưng lại cố tình coi là không nhận được (để từ chối giao kết hợp đồng)

Chú ý: im lặng không được coi là đồng ý. Theo CISG thì có trường hợp im lặng là đồng ý, có trường hợp là không đồng ý.

b. Giá trị pháp lý

Chấp nhận chào hàng phát sinh giá trị pháp lý vào thời điểm người chào hàng nhận được thư chấp nhận chào hàng.

5.2.4.3. Thời điểm phát sinh giá trị pháp lý của Hợp đồng

Giá trị pháp lý của hợp đồng phát sinh tại thời điểm người chào hàng nhận được chấp nhận chào hàng.

Chấp nhận chào hàng có thể bị hủy nếu Thư hủy chấp nhận chào hàng được gửi tới người chào hàng trước hoặc cùng lúc với thư chấp nhận chào hàng.

Một phần của tài liệu Giáo án luật thương mại quốc tế (Trang 108 - 111)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w