Pháp luật Việt Nam điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế

Một phần của tài liệu Giáo án luật thương mại quốc tế (Trang 122 - 129)

Chương 5. PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH HỢP ĐỒNG MUA BÁN

5.5. Pháp luật Việt Nam điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế

Pháp luật Việt Nam điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như Bộ luật dân sự 2015, Luật thương mại

43 UNIDROIT Principles of International Commercial Contracts 2010, UNIDROIT, Rome

2005, Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005, Luật quản lý ngoại thương năm 2017 và các văn bản hướng dẫn.

Khoản 1 Điều 2 Luật thương mại 2005 quy định điều chỉnh “Hoạt động thương mại thực hiện ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp các bên thoả thuận chọn áp dụng Luật này hoặc luật nước ngoài, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng Luật này”.

Khoản 3 Điều 4 Luật Thương mại quy định: “Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự.”

Như vậy, giao dịch mua bán hàng hoá quốc tế trước hết sẽ được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự. Bộ luật dân sự đề ra những quy tắc chung nhất về hợp đồng như hình thức hợp đồng, các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng, v.v…

Điều 12 và Điều 13 Luật thương mại đều quy định rằng các bên sẽ bị ràng buộc bởi những thói quen được hình thành giữa các bên, và những tập quán thương mại mà các bên đã biết hoặc phải biết, đối với loại hợp đồng trong hoạt động thương mại cụ thể. Điều 13 cũng chỉ ra thứ tự áp dụng hai nguồn luật này, theo đó thói quen hình thành giữa các bên sẽ được ưu tiên áp dụng so với tập quán thương mại.

5.5.2. Khái niệm hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế

Luật thương mại không trực tiếp định nghĩa hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế.

Thay vào đó, Luật này liệt kê những hoạt động được coi là hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế tại Điều 27, đó là xuất khẩu, nhập khẩu, tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu.

Xuất khẩu hàng hoá là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam - được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật (Khoản 1 Điều 28 Luật thương mại).

Nhập khẩu hàng hoá là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam - được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật (Khoản 2 Điều 28 Luật thương mại).

Tạm nhập, tái xuất hàng hoá là việc hàng hoá được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam - được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật, vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam (Khoản 1 Điều 29 Luật thương mại).

Tạm xuất, tái nhập hàng hoá là việc hàng hoá được đưa ra nước ngoài hoặc đưa vào các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam - được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật, có làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam và làm thủ tục nhập khẩu lại chính hàng hoá đó vào Việt Nam (Khoản 2 Điều 29 Luật thương mại).

Chuyển khẩu hàng hoá là việc mua hàng từ một nước, vùng lãnh thổ để bán sang một nước, vùng lãnh thổ ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam (Khoản 1 Điều 30 Luật thương mại).

Từ những khái niệm trên, có thể thấy rằng hàng hoá phải là (i) động sản; và (ii) có thể dịch chuyển qua biên giới. Mua bán bất động sản với người nước ngoài không thuộc nhóm hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế.

5.5.3. Hình thức của hợp đồng

Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lí tương đương. Điều 15 Luật thương mại quy định theo đó các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kĩ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận là có giá trị pháp lí tương đương văn bản.

5.5.4. Giao kết hợp đồng

Luật thương mại không quy định về giao kết hợp đồng, vì những nội dung này đã được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự. Hợp đồng được giao kết và các bên sẽ bị ràng buộc khi chào hàng được chấp nhận. Các quy tắc về chào hàng và chấp nhận chào hàng này khá tương tự với các quy định của CISG. Trừ một số điểm khác biệt sau đây:

Một là, khi người bán gửi chào hàng cho người mua, người mua có thể gửi chấp nhận chào hàng với sự sửa đổi một số nội dung của chào hàng. Theo CISG, nếu những sửa đổi/bổ sung này là “cơ bản”, thì sẽ trở thành một “chào hàng mới” như quy định tại khoản

3 Điều 19 CISG. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam đòi hỏi rằng chấp nhận chào hàng phải vô điều kiện. Nói cách khác, chấp nhận chào hàng phải “chấp nhận toàn bộ nội dung” của chào hàng. Điều 392 Bộ luật dân sự quy định rằng mọi sửa đổi/bổ sung đối với đề nghị giao kết hợp đồng (chào hàng) hình thành nên một “chào hàng mới”.

Thông thường, im lặng không được coi là chấp nhận. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 393 Bộ luật dân sự công nhận im lặng là chấp nhận, nếu các bên thoả thuận với nhau hoặc có thói quen được xác lập.

Khoản 1 Điều 400 Bộ luật dân sự quy định thời điểm chấp nhận chào hàng có hiệu lực là thời điểm bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời chấp nhận chào hàng.

5.5.5. Nội dung của hợp đồng

Pháp luật Việt Nam không quy định hợp đồng nói chung và hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế nói riêng không nhất thiết phải có những điều khoản này. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây: (i) Hàng hoá; (ii) Số lượng và chất lượng; (iii) Giá cả và phương thức thanh toán; (iv) Thời hạn, địa điểm thực hiện; (v) Nghĩa vụ của các bên; (vi) Trách nhiệm của các bên; (vii) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; (viii) Phương thức giải quyết tranh chấp.

Đồng thời, pháp luật Việt Nam cũng đưa ra các phương pháp giải quyết trong một số trường hợp nhất định, khi hợp đồng thiếu những điều khoản cụ thể.

- Trường hợp hợp đồng không quy định giá cả, mặc dù thực tế ít khi xảy ra, Điều 52 Luật thương mại quy định giá của hàng hoá sẽ được xác định theo giá của loại hàng hoá đó trong các điều kiện tương tự về phương thức giao hàng, thời điểm mua bán hàng hoá, thị trường địa lí, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá cả.

-Trường hợp không có thoả thuận về địa điểm thanh toán, Điều 54 Luật thương mại yêu cầu người mua sẽ phải thanh toán tại một trong những địa điểm sau: (i) Địa điểm kinh doanh của bên bán được xác định vào thời điểm giao kết hợp đồng, nếu không có địa điểm kinh doanh thì tại nơi cư trú của bên bán; hoặc (ii) Địa điểm giao hàng hoặc giao chứng từ, nếu việc thanh toán được tiến hành đồng thời với việc giao hàng hoặc giao chứng từ.

-Trường hợp không có thoả thuận về thời gian giao hàng, người bán phải giao hàng trong một khoảng thời gian hợp lí sau khi hợp đồng được giao kết. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam không đưa ra các tiêu chí xác định thế nào là ‘thời gian hợp lí’.

5.5.6. Chuyển giao rủi ro

Pháp luật Việt Nam cho phép các bên phân bổ rủi ro giữa hai bên và tự xác định thời điểm chuyển giao rủi ro.

+ Trong trường hợp không có hoả thuận cụ thể, Luật thương mại quy định chuyển giao rủi ro từ người bán sang người mua khi người mua nhận hàng tại địa điểm giao hàng.

+ Nếu không có thoả thuận cụ thể về địa điểm nhận hàng, thì rủi ro sẽ chuyển sang cho người mua khi người mua nhận được giấy tờ sở hữu hoặc giấy tờ xác nhận việc chiếm hữu hàng hoá của mình.

+ Nếu người mua không phải là người nhận hàng từ người bán, thì rủi ro sẽ chuyển cho người mua khi hàng hoá được giao cho người vận chuyển đầu tiên.

Trong các trường hợp khác, chuyển giao rủi ro theo quy định của pháp luật Việt Nam khá giống với CISG.

5.5.7. Thực hiện hợp đồng

Tương tự như CISG, pháp luật Việt Nam quy định nghĩa vụ cơ bản của người bán và người mua trong việc thực hiện hợp đồng. Nhìn chung, các bên có quyền được nhận từ hợp đồng những gì mà họ mong muốn. Một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng, và bên vi phạm sẽ phải chịu chế tài nặng nhất như huỷ hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng, nếu vi phạm đó là vi phạm cơ bản. Pháp luật Việt Nam định nghĩa vi phạm cơ bản hơi khác so với CISG. Khoản 13 Điều 3 Luật thương mại quy định

vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Mục đích giao kết hợp đồng đôi khi không tương đồng với những gì mà bên bị vi phạm có quyền được nhận như quy định tại Điều 25 CISG.

5.5.8. Các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng

Khi một bên vi phạm hợp đồng, bên kia có quyền yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc phục vi phạm. Các biện pháp này được liệt kê tại Điều 292 Luật thương mại là:

Buộc thực hiện đúng hợp đồng; Phạt vi phạm, Bồi thường thiệt hại; Tạm ngừng thực hiện hợp đồng; Đình chỉ thực hiện hợp đồng; Huỷ hợp đồng; và các biện pháp khác theo thoả thuận giữa các bên.

- Buộc thực hiện đúng hợp đồng: Bên bị vi phạm đòi thực hiện biện pháp buộc thực hiện đúng hợp đồng, nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ.44

- Phạt vi phạm: Đây là điều khoản bắt buộc phải đưa vào Hợp đồng nếu muốn phạt bên vi phạm. Nếu trong hợp đồng không có điều khoản phạt thì không thể phạt được. Pháp luật Việt Nam yêu cầu các bên phải đưa vào hợp đồng điều khoản phạt với mức phạt không quá 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm (Điều 301 Luật thương mại).

- Bồi thường thiệt hại: pháp luật Việt Nam không yêu cầu mức bồi thường thiệt hại phải không vượt quá thiệt hại mà bên vi phạm lường trước, hoặc phải lường trước, vào thời điểm giao kết hợp đồng, trên cơ sở những dữ liệu mà anh ta đã biết hoặc phải biết, như quy định tại Điều 74 CISG. Pháp luật Việt Nam cho phép bên bị vi phạm đòi bồi thường tất cả các thiệt hại, bao gồm giá trị hàng hoá bị thiệt hại, thiệt hại trực tiếp và lợi ích trực tiếp mà bên bị vi phạm lẽ ra được hưởng nếu vi phạm không xảy ra. Điều đó có nghĩa là yêu cầu ‘lường trước được’ là yêu cầu không bắt buộc.

44 Ví dụ, khi bên bán giao hàng thiếu thì bên mua sẽ yêu cầu bên bán giao hàng đủ; hoặc khi bên bán giao hàng có khuyết tật thì bên mua có quyền yêu cầu khắc phục những khuyết tật này hoặc giao hàng khác thay thế.

Bên

vi phạm không thể dùng tiền hoặc hàng khác loại để thay thế, trừ trường hợp có sự đồng ý của bên kia.

-Tạm ngừng thực hiện hợp đồng; Đình chỉ thực hiện hợp đồng: Pháp luật Việt Nam cho phép bên bị vi phạm yêu cầu tạm dừng thực hiện hợp đồng, chấm dứt hợp đồng hoặc huỷ hợp đồng khi xảy ra những điều kiện tạm dừng thực hiện hợp đồng, chấm dứt hợp đồng hoặc huỷ hợp đồng theo thoả thuận của các bên, hoặc khi một bên vi phạm cơ bản hợp đồng.

Như vậy, các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam không áp dụng với những vi phạm dự kiến như CISG.

- Huỷ hợp đồng: bên bị vi phạm có quyền yêu cầu huỷ một phần hoặc toàn bộ hợp đồng. Việc huỷ một phần hợp đồng không làm ảnh hưởng tới hiệu lực của những nội dung còn lại của hợp đồng.

Bên bị vi phạm chỉ có quyền đòi áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng cùng với chế tài phạt và bồi thường thiệt hại. Việc đòi bồi thường thiệt hại không cản trở bên bị vi phạm yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc phục khác.

Câu hỏi

1. So sánh Incoterms 2010 và Incoterms 2020.

2. Nêu điểm tương tự giữa CIF và FOB.

3. Nêu điểm khác nhau giữa CIF và DAT.

4. So sánh các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng trong CISG và trong Luật thương mại Việt Nam.

5. Nêu quy trình giao kết hợp đồng theo CISG.

6. So sánh quy định về bất khả kháng theo pháp luật Việt Nam và theo CISG Bài tập

(1) Anders, một công ty được thành lập tại Đức chào hàng cho Egberts, một công ti được thành lập ở Hà Lan, một lô hàng cà phê. Anders thông báo Egberts bằng văn bản rằng thời hạn cho Egberts để chấp nhận chào hàng là ba tháng. Một tháng sau khi chào hàng cho Egberts, Anders có cơ hội bán hàng cho Christensen, một công ty Đan Mạch với mức giá cao hơn nhiều. Anders hủy bỏ chào hàng cho Egberts. Tuy nhiên Egberts chấp nhận chào hàng sau khi Anders đã hủy nó.

(2) Người bán Hoa Kỳ bán 1000 MT khoai tây FOB Tokyo cho người mua Nhật Bản.

Người mua chỉ định tàu SS Sunset để nhận hàng tại cầu cảng. Tuy nhiên, do một con tàu khác dỡ hàng chậm nên SS Sunset không cập cảng được, phải thả neo ở ngoài cầu cảng.

Người bán phải dùng sà lan để chuyển khoai tây ra chỗ tàu neo đậu. Khi công-ten-nơ hàng qua lan can tàu thì dây cẩu đứt, công-ten-nơ rơi xuống sà lan và làm sà lan lật úp. Toàn bộ

khoai tây bị rơi xuống biển. Người mua kiện người bán không giao hàng. Hỏi: Người bán có phải chịu trách nhiệm không?

Hỏi: Trong tình huống này, liệu hợp đồng đã được giao kết hay chưa?

(3) Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa bên VN và Singapore xảy ra tranh chấp trong khi dỡ hàng tại cảng đến, hàng bị rơi từ cần cẩu xuống nước, xác định rủi ro thuộc về bên mua hay bên bán trong các dạng hợp đồng: FOB, CIF, DPU, DAP?

(4) Hợp đồng xuất khẩu gạo giữa bên VN và bên Singapore xảy ra tranh chấp, trên đường vận chuyển từ VN sang Singapore gạo bị ngấm nước biển và hư hại. Xác định rủi ro thuộc về bên mua hay bên bán trong các dạng hợp đồng: FOB, CIF, DPU, DAP?

(5) Một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa bên VN và Singapore xảy ra tranh chấp khi dỡ hàng từ phương tiện chuyên chở ra bến tại cảng đến, người chuyên chở yêu cầu thanh toán các chi phí phát sinh ngoài hợp đồng vận tải. Xác định chi phí thuộc về bên mua hay bên bán trong các dạng hợp đồng FOB, CIF, DPU, DAP?

(6) Một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa A và B theo đó hàng hóa được chuyên chở theo lộ trình A - C - B. Tại cảng C, khi dỡ hàng từ phương tiện cũ sang phương tiện vận tải mới thì hàng bị rơi xuống nước. Xác định rủi ro thuộc về bên nào trong các dạng hợp đồng FOB, FAS, CFR, DDP?

(7) Một hợp đồng mua bán quặng FOB – Cảng X – Incoterms 2010 được giao kết giữa A và B. Khi hàng được vận chuyển từ cảng X đến cảng Y, bên B đã giao kết hợp đồng CFR-Float (giao hàng nổi) với bên C, bán lại toàn bộ số hàng hóa trên. Tuy nhiên, ngay sau đó có tin quặng ngậm nước và bị chìm, rủi ro xảy ra trước thời điểm bên B giao kết hợp đồng với bên C. Xác định rủi ro thuộc về ai, A, B hay C?

Một phần của tài liệu Giáo án luật thương mại quốc tế (Trang 122 - 129)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w