CHƯƠNG 2: BÚT PHÁP TRỮ TÌNH TRONG THƯỢNG KINH KÝ SỰ
2.3. Cái nhìn sâu sắc, hài hước trước bức tranh hiện thực trong phủ chúa
Sau một thời gian vượt sông núi, kinh thành Thăng Long cũng hiện ra trước mắt Hải Thượng Lãn Ông. Kinh thành không phải quê hương nhưng đối với tác giả thì nó cũng không hề xa lạ vì cậu Chiêu Bảy đã gắn bó suốt một thời tuổi trẻ ở nơi đây. Khi ấy ông đang say mê với lí tưởng “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Sau bao năm, nay có dịp quay lại, Lê Hữu Trác không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi của cảnh vật nhất là khi được tận mắt nhìn thấy quang cảnh phủ chúa. Tác giả không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh xa hoa, tráng lệ nơi đây và ông cũng thể hiện thái độ mỉa mai, châm biếm trước cung cách sinh hoạt trong phủ chúa.
Trước mắt ông quang cảnh phủ chúa hiện ra thật xa hoa, lộng lẫy: “đâu đâu cũng là cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương” [72- 45]. Khi tiến vào bên trong phủ, tác giả ngắm nhìn cái điếm “hậu mã quân túc trực” làm bên một cái hồ, “có những cái cây lạ lùng và những hòn đá kỳ lạ” [72- 47]. Những công trình bên trong phủ kiến trúc “lượn vòng, kiểu cách thật là xinh đẹp”, đến những lần cửa, “những dãy hành lang quanh co nối nhau liên tiếp” [72- 45] rồi qua “cửa lớn” sau điếm
“Hậu Mã” là đến nhà “Đại đường”, “quyền bổng”, “gác tía” “thật là cao và rộng”, chỉ nghe tên đã thấy xa hoa lộng lẫy… Tất cả đều là vàng son lấp lánh, lầu gác nguy nga, trướng gấm lụa là vây bọc kín các ngả, các phía, chỗ nào cũng ánh lên màu sơn son thiếp vàng của “những đồ đạc nhân gian chưa từng thấy” [72- 48]. Trước vẻ xa hoa tráng lệ đó, Lê Hữu Trác phải thốt lên: “mình vốn con quan sinh trưởng ở chốn phồn hoa, chỗ nào trong cấm thành mình cũng từng biết. Chỉ có những việc ở trong phủ chúa là mình chỉ mới nghe nói đó thôi. Bước chân đến đây mới hay cái cảnh giàu sang của vua chúa thực khác hẳn người thường!” [72- 45 – 46]. Bằng những lời văn miêu tả chưa đủ, tác giả còn sử dụng hình thức văn xuôi đan xen với thơ để diễn tả tâm trạng ngạc nhiên trước cảnh giàu sang nơi cung vua phủ chúa (lược phần phiên âm):
Lính nghìn cửa vác đóng nghiêm nhặt, Cả trời Nam sang nhất là đây!
Lầu từng gác vẽ tung mây,
Rèm châu, hiên ngọc, bóng mai ánh vào, Hoa cung thoảng ngạt ngào đưa tới, Vườn ngự nghe vẹt nói đôi phen.
Quê mùa, cung cấm chưa quen,
Khác gì ngư phủ đào nguyên thuở nào!
[72- 47]
Đã có một thời, cậu Chiêu Bảy từng theo cha học ở kinh thành, những năm tháng đó, cậu đã được nghe nói nhiều đến những lâu đài, lầu gác nguy nga, đồ đạc đều sơn son thiếp vàng trong phủ chúa nhưng chưa một lần được tận mắt nhìn thấy. Sau một thời gian theo đuổi mộng công danh không thành, Lê Hữu Trác lại theo nghiệp đao cung nhưng nhận ra hiện thực xã hội thối nát, chiến tranh vô nghĩa chỉ khiến máu chảy, đời sống nhân dân cực khổ vô cùng. Tác giả đã về ở ẩn và nhờ có “duyên” với nghề thuốc ông đã theo học và quyết chí trở thành một thầy thuốc giỏi để cứu người. Ông xa rời chốn phồn hoa đô hội, lánh xa con đường công danh nên khi nhận được chiếu chỉ của chúa Trịnh Sâm, tác giả lo sợ vô cùng. Sống ở nơi núi rừng, quen với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, giản dị, nay được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp lộng lẫy nơi phủ chúa, tác giả không khỏi choáng ngợp như lạc vào chốn thần tiên mà ông chỉ coi mình như “kẻ quê mùa” chưa một lần biết đến nơi đó.
Ông ngạc nhiên khi bên ngoài đời sống nhân dân vô cùng đói rách, cực khổ mà trong phủ chúa cái gì cùng vàng son lấp lánh, thừa thãi. Phải chăng những vàng son đó được làm nên từ mồ hôi và xương máu của nhân dân.
Những người được coi là cha mẹ của dân chỉ biết đến “việc xây dựng đền đài” còn đời sống nhân dân ra sao thì họ không cần quan tâm. Lê Hữu Trác đã từng trực tiếp tham gia quân đội nên thấu hiểu được nỗi đau của cảnh
“nồi da xáo thịt” khiến nhân dân vô cùng cực khổ. Trước cảnh lộng lẫy trong phủ chúa, ông không khỏi ngỡ ngàng và ẩn sau đó là thái độ phê phán kín đáo đối với triều đình Lê – Trịnh. Cuộc sống xa hoa đó cũng chính là nguyên nhân của căn bệnh của Thế tử Trịnh Cán sau này và sâu sa hơn là của triều đình Lê -Trịnh.
Cùng với Thượng kinh ký sự, Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh của Phạm Đình Hổ và Chuyện cũ trong phủ chúa của Nguyễn Án cũng viết về thói ăn chơi xa xỉ của những kẻ trong vương phủ. Có khi chỉ là một ý “thích chơi đèn
đuốc” mà chúa tạo ra cả một lệ chơi cực kỳ tốn kém hàng năm. Ngòi bút tài tình của Nguyễn Án đã lưu lại cho người đọc hôm nay thấy được một cách rõ ràng và sống động cuộc vui trung thu náo nhiệt của những người trong phủ chúa: “Mỗi năm đến tết trung thu, từ trước mấy tháng, chúa phát gấm trong cung ra để làm hàng trăm hàng nghìn cái đèn lồng, cái nào cũng tinh xảo tuyệt vời, mỗi cái giá đến vài chục lạng vàng...”. Nguyễn Án đã phản ánh chân thực hiện thực của thói ăn chơi xa xỉ của vua chúa thời Lê – Trịnh. Đây được coi là tài liệu lịch sử góp phần bổ sung vào những phần trống vắng trong lịch sử nước nhà. Còn trong Vũ trung tuỳ bút, Phạm Đình Hổ đã nói: đời chúa Trịnh Sâm, “việc xây dựng đền đài cứ làm liên tục…Có khi lấy cả cây đa to, cành lá rườm rà, từ bên bắc chở qua sông đem về” [30- 21]. Chúa tham lam tận độ, thu lấy “không thiếu một thứ gì” những loại trâm cầm dị thú, cổ mộc, quái thạch và chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian. Như vậy, cả Lê Hữu Trác, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án đều sống vào giai đoạn thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, thời kỳ xã hội có nhiều biến động. Bằng ngòi bút của mình, các tác giả đều có điểm chung là phản ánh được hiện thực thối nát của xã hội phong kiến đương thời, thói ăn chơi xa xỉ của các bậc vua chúa. Cuộc sống xa hoa của các bậc đế vương đối lập hoàn toàn với đời sống nghèo đói, thiếu thốn của dân tình bên ngoài. Các tác giả đã nắm bắt được hiện thực đương thời, ghi lại để trực tiếp phản ánh trong văn của mình. Đó chính là điểm mà văn học giai đoạn này khác giai đoạn trước. Lê Hữu Trác, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án vốn là những công tử trong chốn lầu gác nhung lụa, chỉ biết có đèn sách bút nghiên, sôi kinh nấu sử. Thời “loạn” đã ném họ ra ngoài thực tế cuộc sống, “quăng quật” họ trong những biến chuyển vũ bão của lịch sử, họ tiếp xúc trực tiếp với thực tế cuộc sống nhiều hơn, vốn sống gia tăng lại thêm mối quan tâm chú ý ghi chép thực tiễn đang chi phối các nho sĩ đã làm thay đổi đáng kể nội dung phản ánh của văn chường. Cả ba tác giả không chỉ nêu lên hiện thực xã hội thối nát thời vua Lê chúa Trịnh mà qua đó còn thể hiện
thái độ phê phán đối với thói ăn chơi xa xỉ của bọn vua chúa quan lại. Tuy đều phê phán nhưng cách thức phê phán của ba ông lại khác nhau. Lê Hữu Trác có dịp trực tiếp được ngắm nhìn quang cảnh xa hoa, lộng lẫy trong phủ chúa nên ông cũng bộc lộ trực tiếp tình cảm, suy nghĩ của mình. Tác giả phản ánh thói ăn chơi xa xỉ của vua chúa nhưng dưới con mắt nghệ sĩ, ông không phủ nhận vẻ đẹp vô cùng tráng lệ nơi đây. Chính điều này làm nên chất trữ tình rất đậm cho Thượng kinh ký sự và làm cho nó có nét riêng khác với Vũ trung tuỳ bút và Tang thương ngẫu lục. Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án chỉ nhìn và ghi lại sự việc hoặc nghe kể lại nên thái độ, suy nghĩ thể hiện gián tiếp.Trong Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh và Chuyện cũ trong phủ chúa, các tác giả không có được những dòng bộc lộ tâm trạng trực tiếp như ở Thượng kinh ký sự. Hơn nữa, cả Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án đều là những nhà nho có tài, mong muốn mang tài năng của mình ra giúp nước và để lại tên tuổi cho đời nhưng hiện thực xã hội rối ren nên hai ông không thực hiện được ước vọng đó và trở thành những nhà nho thất thế. Các ông rất bất mãn với hiện thực xã hội đương thời. Nên khi viết về hiện thực đó, ngòi bút của các ông sắc lạnh và nhìn sự việc dưới con mắt của Nho gia. Trong khi Lê Hữu Trác vẫn nhìn thấy cảnh đẹp thiên nhiên nơi phủ chúa thì Phạm Đình Hổ chỉ thấy: “Mỗi khi thanh vắng, tiếng chim kêu vượn hót tràn khắp bốn bề hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa gió táp, vỡ tổ tan đàn”[30- 21].
Bằng cách miêu tả khá tỉ mỉ, Lê Hữu Trác còn cho người đọc thấy cung cách sinh hoạt trong phủ chúa hết sức cầu kì.
Vào phủ chúa, tác giả không chỉ được chứng kiến cảnh giàu sang nơi đây mà ông còn nhận thấy không khí trang nghiêm bao trùm khắp vương phủ.
Đến phủ chúa phải có thánh chỉ, có thẻ mới được vào. Trong phủ có cả một guồng máy phục vụ đông đúc các quan lớn nhỏ với đủ các chức sắc: từ ông quan đầu triều Hoàng Đình Bảo, đến vệ sĩ canh giữ cửa cung, quan truyền chỉ, Hậu mã quân, các tiểu hoàng môn, thị vệ, quân sĩ. Bộ máy quan lại
được chúa Trịnh sắp xếp như trong cung vua, thậm chí còn hơn cung vua vì vua Lê lúc này chỉ như bù nhìn còn thực quyền mới nằm trong tay chúa. Sự trang nghiêm đó còn thể hiện qua cách xưng hô, bẩm tấu đều phải kính cẩn, lễ phép. Chúa được gọi là Thánh thượng, lệnh chúa ban xuống được xem là Thánh chỉ, ngọc thể của chúa được coi là Thánh thể…rồi gặp Thế tử phải lạy bốn lạy. Chúa đã truyền lệnh kể cả quan đầu triều Quận Huy Hoàng Đình Bảo đến tên phu cáng đều răm rắp thi hành. Không khí khiếp sợ quyền uy bao trùm khắp phủ chúa, bao trùm khắp nước Nam, khiến Hải Thượng Lãn Ông ẩn cư tận Hương Sơn, nhận lệnh chỉ của chúa phải theo cáng ra kinh đô ngay. Những lễ nghi, khuôn phép ấy càng chứng tỏ cuộc sống xa hoa hưởng lạc, sự lộng quyền và uy thế nghiêng trời của nhà chúa.
Mặc dù không trực tiếp nói lên sự bất mãn đối với hiện thực xã hội đương thời nhưng những chi tiết miêu tả khách quan của Lê Hữu Trác đã cho chúng ta thấy được tác giả đang phơi bày hiện thực xã hội thối nát lúc đó.
Một nước vừa có vua vừa có chúa, vua tồn tại chỉ là bù nhìn, là con rối để chúa giật dây. Dưới ngòi bút của Lê Hữu Trác, người đọc thấy một không khí khẩn trương, hình ảnh nhộn nhịp đang diễn ra trong phủ chúa. Để dẫn người vào phủ có một “tên đầy tớ chạy đằng trước hét đường”, lính đem cáng đón người thì “chạy như ngựa lồng” khiến Lãn Ông được đón vào chữa bệnh, ngồi trên cáng mà như chịu một cực hình: “tôi bị xóc một mẻ, khổ không nói hết”. Khi vào trong phủ, Lê Hữu Trác được chứng kiến không khí sinh hoạt tấp nập: những “người giữ cửa truyền báo rộn ràng”, “người có việc quan qua lại như mắc cửi”, các danh y của sáu cung, hai viện được tiến cử từ mọi nơi ngồi chờ đợi, túc trực ở “phòng trà”, các phi tần chầu chực quanh thánh thượng, người hầu đứng xung quanh thế tử.. Nhưng ẩn sau không khí đó là hình ảnh vị chúa con: “tinh khí khô hết, da mặt khô, rốn lồi, gân thời xanh, tay chân gầy gò” [72- 52] và chỉ biết đến việc “ông này lạy khéo”.
Đến đây, sự hào nhoáng, trang nghiêm, nhộn nhịp trong phủ chúa như bị
vỡ bung ra khi hình ảnh của vị chúa con – chủ nhân tương lai của đất nước là một cậu bé còm nhom, mắc bệnh do: “ở trong chốn màn che trướng phủ, ăn quá no, mặc quá ấm” [72- 51]. Cuộc sống của những con người trong phủ chúa khác lạ với cuộc sống của con người thường nhật. Ban ngày cũng ngồi trong phòng tối, thắp nến, cung nhân hầu hạ xúm xít hai bên… Các quan lại, danh y thì tất bật đi lại hầu hạ cho vị chúa con ốm yếu, họ không có việc gì khác ngoài đi lại trịnh trọng. Lê Hữu Trác không phải nhà văn trào phúng nhưng ông đã phát hiện ra chất hài từ những mâu thuẫn giữa cái vỏ bên ngoài và cái thực chất bên trong. Ông miêu tả phủ chúa càng giàu sang, nghiêm trang, nhộn nhịp bao nhiêu thì càng làm nổi bật lên được hiện thực rỗng tuếch. Sau lớp vàng son lấp lánh thì: “những khuôn măt lừng danh đương thời song chẳng phải uy nghi lẫm liệt trong vai chúa tể muôn dân của họ, mà hiện nguyên hình ra những con người tầm thường, lo âu, đau đớn, bệnh hoạn. Chúng ta thấy một Trịnh Sâm ốm yếu, nằm mệt lả trên võng, son phấn lụa là vây quanh, một Trịnh Cán rốn lồi, gân xanh, chân tay gầy khẳng, có quan bồng đi chơi trong cung. Chúng ta thấy một Hoàng Đình Bảo cả ngày lật đật giữa Hậu mã điếm và Tử các, bồi hồi muốn xỉu khi hay tin bệnh tình thế tử nặng. Ngoài ra, ra quá ngoài phủ chúa, là cái xã hội công khanh dưới chế độ Trịnh phủ. Đây là cụ Quận Tào mà tư thất kiến trúc nguy nga với cảnh trí chẳng kém gì vương phủ. Đây là quan Tham tụng đã hồi hưu mà phòng trong còn ngổn ngang hầu thiếp, cho nên ốm bệnh và phải cầu đến Lãn Ông. Xuống dưới là cái xã hội tao nhân mặc khách của đất Thăng Long ngàn năm văn vật” [48]. Họ ít đàm luận về quốc gia trọng sự, về thế đạo nhân tâm, mà chủ yếu đến thăm danh sĩ “ở ẩn” rồi xướng hoạ thơ văn. Người và cảnh là những tia hồi quang của xã hội thượng lưu thời bấy giờ. Bên trong cái hào nhoáng vàng son đấy là sự mục ruỗng, thối nát của xã hội phong kiến giai đoạn suy tàn. Dù có cố che đậy bằng cái vỏ hào nhoáng thì cũng không che được bản chất thối nát,
mục ruỗng bên trong. Ví như phòng thuốc dù có gọi là phòng chè thì nó vẫn là thuốc. Trịnh Cán dù có được bao bọc bởi lụa là, gấm vóc, cung nữ hầu hai bên cũng không che nổi thân thể bệnh tật, còm nhom.
Trước cảnh giàu sang trong vương phủ, tác giả bộc lộ thái độ ngỡ ngàng khi được tận mắt ngắm nhìn sự xa hoa, lộng lẫy trong phủ chúa. Ẩn sau những lời thán phục trầm trồ về vẻ đẹp đó, Lê Hữu Trác ngầm cho người đọc thấy thái độ phê phán đối với thói ăn chơi hưởng lạc vô độ của vua quan triều đình Lê – Trịnh. Tác giả miêu tả cung cách sinh hoạt của những con người trong vương phủ thật nhộn nhịp, cầu kỳ, khác cuộc sống bình thường. Ông cũng cho người đọc thấy bên trong cái hào nhoáng, lộng lẫy, nhộn nhịp đó là sự mục ruỗng, thối nát của một triều đại đang suy tàn.
Lê Hữu Trác cũng kín đáo chỉ ra nguyên nhân sụp đổ của xã hội phong kiến Lê – Trịnh là chính do thói ăn chơi đó.
Tiểu kết:
Như vậy, bút pháp trữ tình được thể hiện qua hình tượng tác giả đã làm nổi bật lên chân dung của một con người nghệ sĩ say mê trước vẻ đẹp thiên nhiên. Thiên nhiên như người bạn tri âm để tác giả gửi gắm nỗi lòng. Bên cạnh đó còn là hình ảnh của một vị lương y tài năng, đầy trách nhiệm và giàu tình thương. Đến kinh đô, hình ảnh những người thuộc tầng lớp quý tộc từ vua chúa đến quan lại dưới con mắt của vị lương y hiện ra chỉ là những con bệnh ốm đau, quặt quẹo. Với trách nhiệm của người thầy thuốc, Lê Hữu Trác vẫn mang hết tài năng của mình để cứu chữa, nhưng tác giả không khỏi đau xót cho một đất nước mà những người đứng đầu chỉ là những con bệnh. Ông cũng chỉ ra nguyên nhân bị bệnh chính do cuộc sống xa hoa, truỵ lạc. Đọc Thượng kinh ký sự, ngoài hình tượng của một thi nhân, một vị lương y ta còn thấy nổi bật lên hình tượng một nhà nho ẩn dật, với tâm hồn thanh cao.