CHƯƠNG 3: BÚT PHÁP TRỮ TÌNH TRONG THƯỢNG KINH KÝ SỰ
3.2. Ngôn từ, hình ảnh
3.2.2. Hình ảnh phong phú, giàu chất thơ
Bút pháp trữ tình của Thượng kinh ký sự còn được thể hiện ở ngôn ngữ giàu chất thơ. Ngay từ đầu tác phẩm, Lê Hữu Trác đã cho người đọc thấy được sự mượt mà trong từng câu văn: “gặp lúc trời xuân sáng láng, hoa cỏ tốt tươi, mấy cây ở trước sân nhà U trai của tôi nở hoa, kết quả, tuyết rủ hương bay… Trong cái ao ở mé tây vườn, đàn cá tung tăng ra đớp những vành trăng nhấp nhô trên sóng. Chim oanh qua lại, vun vút như thoi đưa, bay vào lùm cây mát rượi” [72- 13]. Ngoài những bài thơ thể hiện cảm xúc và tâm hồn đa cảm của thi nhân, chất thơ trong Thượng kinh ký sự còn được thể hiện hết sức đặc sắc thông qua bức tranh thiên nhiên. Dưới con mắt của thi nhân, thiên nhiên trên đường thượng kinh mang vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ: “Đêm ấy, thuyền đi dưới trăng. Hai bên bờ vắng ngắt. Chỉ nghe tiếng chó sủa theo. Một vầng trăng sáng vằng vặc lòng sông. Hai bên bờ, nước lên chờ khách sang sông. Chuông nện chùa xa văng vẳng; sương che cây, cỏ mịt mù. Mấy ngọn đèn chài hiu hắt, một đôi cò trắng đuổi nhau…” [72- 19]. Những câu văn miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên nơi sông nước gợi cho người đọc thấy hình ảnh lãng mạn của con thuyền trôi bồng bềnh dưới ánh trăng sáng, khói sóng mịt mờ, huyền ảo như lạc vào miền cổ tích. Những câu văn vừa có tính gợi hình lại có tiết tấu nhịp nhàng khiến đoạn văn không đơn thuần tả lại cảnh trên đường đi mà nó còn có sức gợi, có nhịp điệu, có sức lôi cuốn người đọc. Ngòi bút của Lê Hữu Trác còn thể hiện sự tài hoa khi miêu tả cảnh thiên nhiên chốn kinh thành bằng những câu văn mang đậm chất thơ. Cảnh thiên nhiên nhất là thiên nhiên trong phủ chúa khác hẳn vẻ đẹp hoang sơ trên đường đi. Thiên nhiên nơi đây có sự tác động của con người. Với tâm hồn tinh tế, sâu sắc và đa cảm, tác giả sử dụng hết sức hiệu quả nhôn ngữ đậm chất thơ góp phần tạo
sức hấp dẫn cho tác phẩm. Ở kinh thành, trong những đêm khuya thanh vắng
“đối diện đàm tâm” với vầng trăng: “Trên không, vầng trăng chiếu sáng như bạc, hoa cỏ trước sân hạt sương trĩu nặng, hương đưa ngào ngạt”. Những lúc như vậy, tấm lòng Lãn Ông lại nhớ tới quê nhà, nhớ tới lời thề với núi cũ trăng xưa. Ngôn ngữ trong Thượng kinh ký sự không chỉ giàu chất thơ mà còn giàu hình ảnh.
Bảng thống kê hình ảnh so sánh trong một số tác phẩm ký trung đại Việt Nam
Tác phẩm Hình ảnh so sánh Số trang
Niên phả lục 0 302
Thượng kinh ký sự 25 200
Vũ trung tuỳ bút 27 215
Tang thương ngẫu lục 22 203
Nhìn vào bảng thống kê, có thể thấy, Niên phả lục là tác phẩm ký dưới dạng phả nên vẫn bị ràng buộc bởi quy định của loại hình văn học chức năng.
Bởi vậy, “người cầm bút không thể chạy theo mạch cảm xúc của mình” [45- 46]
nên hơn 300 trang sách không có hình ảnh so sánh nào. Thượng kinh ký sự, Vũ Trung tuỳ bút, Tang thương ngẫu lục là những tác phẩm ký giai đoạn sau sử dụng khá nhiều hình ảnh so sánh nhờ vậy câu văn trở nên sinh động hơn.
Tuy nhiên, những hình ảnh so sánh trong Thượng kinh ký sự còn giúp tác giả thể hiện thái độ, tâm trạng của mình trước sự vật, sự việc. Ví dụ khi vào trong phủ chúa, tác giả miêu tả cung cách sinh hoạt với một loạt hình ảnh so sánh:
“cáng chạy như ngựa lồng”, “quân sĩ qua lại như chợ”, “người có việc quan qua lại như mắc cửi”…. Những hình ảnh so sánh này đã giúp người đọc hiểu hơn về cuộc sống giàu sang, cung cách sinh hoạt cầu kì của giai cấp thống trị phong kiến thời Lê - Trịnh. Lê Hữu Trác lui về ở ẩn, không màng danh lợi nhưng lại bị triệu lên kinh chữa bệnh cho cha con chúa Trịnh, trong lòng ông thực không muốn. Những ngày tháng phải rời xa nơi ẩn cư, sống ở nơi phồn
hoa đô hội tác giả thấy mình bị bó buộc. Nhà văn sử dụng hình ảnh so sánh để nói về tâm trạng buồn chán khi phải sống những ngày tháng ngột ngạt, tù túng: “Bấm đốt tay tính lại, đã ba mươi năm nay…chẳng khác như một người tù” [72- 64], “Tôi như con chim trong lồng” [72- 110. Ông coi “giàu sang như đám mây bay” thì trách gì lại ví mình như chim lồng cá chậu khi phải chờ đợi ở kinh thành gần mười tháng trời. Cách sử dụng biện pháp so sánh cho thấy chủ quan của tác giả, làm cho câu văn sinh động hơn, góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm.
Ngoài việc sử dụng hình ảnh so sánh, trong Thượng kinh ký sự, Lê Hữu Trác còn sử dụng những hình ảnh ẩn dụ. Vào phủ chữa bệnh cho cha con chúa Trịnh, tác giả chứng kiến cuộc sống cực kì xa hoa, tráng lệ không đâu sánh bằng. Dưới con mắt của lương y, những người đứng đầu đất nước hiện ra là những con bệnh gầy gò, ốm yếu. Nguyên nhân của căn bệnh lại do cuộc sống xa hoa đó gây ra. Tác giả cũng nhận ra hiện thực của cuộc sống xa xỉ được làm nên nhờ mồ hôi, xương máu của nhân dân. Ông sử dụng hình ảnh ẩn dụ:
“Mình thực làm tôi tớ cho cái xác thịt” [72- 172] nhằm nói về sự thối nát, mục ruỗng của vua quan thời Lê – Trịnh. Tác giả đau xót nhìn đất nước sẽ ra sao khi những người đứng đầu chỉ là những con bệnh, quan lại vô dụng, bất tài. Bị triệu lên kinh, ông mong sớm thoát khỏi sự ràng buộc của công danh để được trở về với cỏ cây núi cũ. Sau bao ngày mong đợi, ông cũng được toại nguyện nên tâm trạng như: “chim sổ lồng, cá thoát lưới” [72- 194]. Hình ảnh này đã diễn tả sự vui mừng của tác giả khi thoát được sự ràng buộc của danh lợi, giữ được tâm hồn thanh cao và trở về vui thú cùng cỏ cây nơi ẩn cư.
Cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh của Lê Hữu Trác trong Thượng kinh ký sự cho thấy tác giả hoàn toàn làm chủ ngòi bút, cái tôi cá nhân được bộ lộ rõ nét. Khi tác phẩm đã khép lại rồi, người đọc vẫn thấy “hình tượng Lãn Ông hiện lên sừng sững. Đấy là một thi nhân, một ẩn sĩ thanh cao, một
danh y lỗi lạc đã đặt mình ra ngoài vòng cương toả, nghe tới hai chữ
“công danh” thì sợ đến “dựng cả tóc gáy” bởi mắc vào rồi “trời cứu cũng không thoát được” [45- 51].