1.4 Các hình thức tạo động lực cho lao động trong các doanh nghiệp
1.4.1 Các hình thức tạo động lực bằng vật chất
Tiền lương là một hình thức thù lao lao động, đó là số tiền mà doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trả cho người lao động theo số lượng và chất lượng lao động của học đã đóng góp. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, tiền lương là công cụ chủ yếu làm đòn bẩy kinh tế. Thông qua tiền lương, các nhà quản lý có thể khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động, khuyến khích tinh thần trách nhiệm đối với họ.
Để phát huy được những tác dụng cơ bản này thì tiền lương cần phải đảm bảo các yêu cầu sau: Đảm bảo tái sản xuất lao động và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; làm cho năng suất lao động không ngừng nần cao; đảm bảo tính đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu. Tiền lương là mối quan tâm hang đầu của mọi người lao động. Một chế độ tiền lương đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu có tác động trực tiếp tới động cơ và thái độ làm việc của họ, đồng thời làm tăng hiệu quả của hoạt động quản lý.
Thực tế trong các doanh nghiệp nước ta hiện nay, thì tiền lương là nhân tố chính tác động đến động lực lao động. Do vậy để đảm bảo có thể tạo động lực cho người lao động tiền lương phải đảm bảo 3 nguyên tắc sau:
Nguyên tắc cân bằng thị trường: Nguyên tắc này đảm bảo sự ngang nhau của tiền lương trả cho người lao động giữa các doanh nghiệp. Sự khác nhau này được dựa trên cơ sở giá cả thị trường. Nếu không có sự cân bằng này nó sẽ ảnh hưởng đến cung cầu về lao động giữa các doanh nghiệp cũng như cung cầu hàng hoá trên thị trường.
Nguyên tắc cân bằng nội bộ: Trong một doanh nghiệp thì nguyên tắc này đảm bảo phải trả lương ngang nhau cho những lao động như nhau, nó dùng thước đo hao phí lao động để đánh giá, so sánh và thực hiện trả lương. Đây là một nguyên tắc rất quan trọng đảm bảo sự công bằng bình đẳng trong trả lương, làm cho người lao động hài lòng với kết quả của mình đem lại, xoá đi những bất hợp lý. Điều này sẽ có sức khuyến khích rất lớn đối với người lao động.
Nguyên tắc cân bằng chi trả: Nguyên tắc này nói lên sự giao động cùng chiều giữa kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty với tiền lương trả cho người lao động.
Nếu kết quả sản xuất kinh doanh tốt lợi nhuận tăng thì tiền lương cho người lao động cũng phải được tăng lên, có như vậy thì người lao động sẽ thấy được sự đóng góp cũng như thành quả lao động của mình đạt đến đâu và được đền đáp như thế nào. Điều này sẽ giúp họ ngày càng phấn đấu làm việc tốt hơn.
1.4.1.2 Thưởng
Tiền thưởng là một dạng khuyến khích tài chính được chi trả một lần (thường là vào cuối quý hoặc cuối năm) để thù lao cho sự thực hiện công việc của người lao động. Tiền thưởng cũng có thể được chi trả đột xuất để ghi nhận những thành tích xuất sắc như hoàn thành dự án công việc trước thời hạn, tiết kiện ngân sách hoặc cho các sáng kiến cải tiến có giá trị. Tiền thưởng cũng là một trong các hình thức khuyến khích trực tiếp có hiệu quả đối với người lao động. Kết hợp với tiền lương, tiền thưởng góp phần thỏa mãn nhu cầu vật chất cho người lao động. Ở một chừng mực nào đó, tiền thưởng còn có tác dụng khuyến khích về tinh thần.
Tiền thưởng khuyến khích người lao động quan tâm đến sản xuất, tiết kiệm lao động sống, lao động vật hoá đảm bảo yêu cầu về chất lượng sản phẩm, thời gian hoàn thành công việc.
Phần thưởng: Cũng giống như tiền thưởng, phần thưởng là thù lao cho những thành tích tốt của người lao động nhưng được trả dưới dạng vật chất như: một kỳ nghỉ phép, vé du lịch, một chiếc xe máy…
Thưởng ngoài tác dụng bổ sung thu nhập cho người lao động nó còn là phương tiện để đánh giá công lao, sức lao động, tinh thần trách nhiệm, thành tích của người lao động đối với công việc được giao. Hình thức thưởng làm cho người lao động thấy mình được quan tâm hơn và đó là động lực lớn để người lao động gắn bó với công ty. Ngược lại nếu việc đặt ra các chỉ tiêu, điều kiện xét thưởng không phù hợp sẽ làm giảm tác dụng của nó.
1.4.1.3 Các chương trình phúc lợi
Phúc lợi là phần thù lao gián tiếp được trả dưới dạng các hỗ trợ về cuộc sống cho người lao động, bao gồm tất cả các khoản thù lao tài chính mà người lao động nhận được ngoài các khoản thù lao tài chính trực tiếp. Trong hầu hết các tổ chức, người quản lý đều nhận thấy sự cần thiết phải cung cấp các loại bảo hiểm và các chương trình khác liên quan đến sức khoẻ, sự an toàn, các bảo hiểm và các lợi ích khác cho người lao động.
Phúc lợi đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cuộc sống cho người lao động, làm tăng uy tín của doanh nghiệp trên thị trường, làm cho người lao động phấn chấn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động sẽ thúc đẩy và nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, còn giúp giảm bớt gánh nặng của xã hội trong việc chăm lo cho người lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Phúc lợi gồm hai phần chính: Phúc lợi bắt buộc và phúc lợi do các tổ chức tự nguyện áp dụng, một phần nhằm kích thích động viên nhân viên làm việc và một phần nhằm duy trì lôi cuốn người có tài về làm việc cho tổ chức.
Phúc lợi bắt buộc là khoản phúc lợi tối thiểu mà các tổ chức phải đưa ra theo yêu cầu của pháp luật. Ở Việt Nam, các phúc lợi bắt buộc bao gồm 6 chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động: Trợ cấp ốm đau, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, hưu trí, thai sản, tử tuất, thất nghiệp.
Phúc lợi tự nguyện là các phúc lợi mà các tổ chức đưa ra tuỳ thuộc vào khả năng kinh tế của họ và sự quan tâm của người lãnh đạo ở đó. Bao gồm các loại sau:
Các phúc lợi bảo hiểm: Bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm mất khả năng lao động.
Các phúc lợi bảo đảm: Bảo đảm thu nhập, bảo đảm hưu trí
Tiền trả cho những thời gian không làm việc như nghỉ phép, nghỉ giữa ca, giải lao, vệ sinh cá nhân, tiền du lịch…
Các loại dịch vụ cho người lao động: dịch vụ bán giảm giá, mua cổ phần của công ty, giúp đỡ tài chính của tổ chức, trợ cấp về giáo dục, đào tạo, chăm sóc y tế
tại chỗ, thư viện, phòng đọc, tư vần cho người lao động, các chương trình thể thao văn hoá, dã ngoại, chăm sóc người già và trẻ em, nhà ở, trợ cấp đi lại.
Những chương trình phúc tự nghuyện có tác dụng khuyến khích nhân viên làm việc, an tâm công tác và gắn bó với cơ quan nhiều hơn.