Chương 3: Các giải pháp tạo động lực cho lao động trong Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh vật tư thiết bị - VVMI
3.2 Một số giải pháp tạo động lực cho lao động trong Công ty
3.2.3 Kiến nghị với Nhà nước
Thứ nhất, Nhà nước cần có cơ chế tạo điều kiện cho sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề trong việc đào tạo nguồn nhân lực.
Đã có rất nhiều doanh nghiệp phải lên tiếng về trình độ của người lao động.
Mặc dù đã qua đào tạo nhưng các doanh nghiệp vẫn phải mở lớp đào tạo lại. Như vậy, để có được một lao động có nghề thực sự thì hằng năm, cả Nhà nước và các doanh nghiệp đều phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để đào tạo. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện thực trên là các trường, cơ sở đào tạo nghề vẫn chưa có một giáo trình thống nhất, dạy lí thuyết nhiều hơn thực hành. Trong khi đó học nghề nhất thiết đòi hỏi phải thực hành nhiều. Có như thế, khi bắt tay vào công việc thực tế, người lao động mới không bị bỡ ngỡ, nhất là khi tiếp xúc với các loại trang thiết
bị, máy móc hiện đại, công nghệ cao. Vì vậy. Nhà nước cần phải có một cơ chế tạo ra sự liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Sự liên kết giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp là nhân tố quan trọng hàng đầu. Khi đã có sự liên kết các doanh nghiệp, các học viên có điều kiện tiếp xúc với máy móc, trang thiết bị... có liên quan tới công việc sau này. Điều này làm giảm đi các khoản chi phí đào tạo lại của các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo không phải bỏ tiền ra mua các máy móc, thiết bị, phương tiện hiện đại để phục vụ cho đào tào và điều quan trọng là người lao động khi ra trường có tay nghề vững vàng có thể đáp ứng ngay nhu cầu của doanh nghiệp, khi đó người lao động cảm thấy tự tin, phấn chấn hơn trong công việc và tạo ra năng suất lao động cao hơn. Các cơ quan chức năng của Nhà nước có trách nhiệm gắn kết các cơ sở dạy nghề với nhau cũng như giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp
Thứ hai, Nhà nước cần có chính sách, quy định bảo vệ quyền lợi cho những cổ đông nhỏ là người lao động trong các công ty cổ phần.
Các doanh nghiệp sau khi tiến hành cổ phần hóa thì thường những người có tiền thâu tóm cổ phiếu nhiều nhất là các thành viên ban lãnh đạo doanh nghiệp, kế toán trưởng, trưởng các phòng, ban... Thực trạng đó đẩy những NLĐ nghèo trở thành người làm thuê trong doanh nghiệp mà mình đã có nhiều năm gắn bó. Tỉ lệ nắm giữ của thành viên HĐQT lớn giúp quyết định của Cty nhanh chóng hơn. Song, lợi ích của cổ đông thiểu số ít được quan tâm và đảm bảo. Pháp luật Việt Nam nên có quy định cho phép cổ đông thiểu số có quyền kiện thành viên HĐQT để bảo vệ lợi ích thiểu số của mình trong trường hợp lợi ích này bị xâm phạm. Do vậy, phải có quy định tăng thêm trách nhiệm pháp lý bảo vệ quyền của những cổ đông nhỏ.
Theo quy định của Nhà nước, đối với người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc. Chủ trương bán cổ phiếu ưu đãi cho người lao động vừa để họ gắn bó lâu dài với DN, có thu nhập cao hơn vừa để thực hiện quyền làm chủ. Nhưng những lao động nghèo, do không đủ tiền mua thường bán lại quyền ưu đãi cho người khác, hoặc mua và chuyển nhượng ngay sau đó để "ăn non". Việc người lao động bán cổ phần cho
người khác, lúc đó người lao động sẽ không còn là cổ đông của công ty nữa và họ là những người rất dễ bị sa thải. Vì vậy, Nhà nước cần có quy định hạn chế người lao động trong công ty cổ phần bán cổ phần cho người khác.
Đi kèm với đó là phải công khai minh bạch. Luật Doanh nghiệp đã có nhiều tiến bộ song còn những điều cần phải hoàn thiện hơn trong trường hợp này, điều lệ Công ty qua đó cũng cần quy định chặt chẽ hơn nữa. Ở đây không chỉ có trách nhiệm pháp lý. Việc đối xử giữa các cổ đông trong Công ty hiện nay cần đặt ra vấn đề đảm bảo lợi ích cho các cổ đông nhỏ. Cổ đông lớn lớn và Cổ đông nhỏ cùng bỏ vốn vào Công ty, họ cần thấy lợi ích và quyền lợi được đối xử như nhau. Việt Nam cần áp dụng những quy định bắt buộc và luật hóa những quy định này để đảm bảo công bằng cho các Cổ đông.