Tổng quan nghiên cứu về năng lực cạnh tranh

Một phần của tài liệu Nghiên cứu năng lực cạnh tranh của ngành hàng không dân dụng việt nam trong lĩnh vực vận chuyển hành khách (Trang 23 - 28)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÀNH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG

1.1. Tổng quan nghiên cứu về năng lực cạnh tranh

Năng lực cạnh tranh, cũng giống cạnh tranh, là một khái niệm đa chiều, được hiểu và vận dụng dưới những góc độ khác nhau tùy vào người vận dụng và hoàn cảnh vận dụng. Có bốn cấp độ NLCT khác nhau nhưng có mối quan hệ tương quan và gắn bó mật thiết với nhau gồm: NLCT cấp quốc gia, NLCT cấp ngành, NLCT cấp doanh nghiệp, và NLCT cấp sản phẩm. Thuật ngữ “năng lực cạnh tranh” có nguồn gốc từ tiếng La-tinh: Competere, nghĩa là tranh giành nhau, chỉ ra sự tham gia vào một cuộc cạnh tranh để giành thị trường.

Về phương diện lý thuyết, khái niệm về “năng lực cạnh tranh” được đề cập đến như một trong những khái niệm sơ khai nhất của học thuyết kinh tế. Nền tảng cho các định nghĩa và học thuyết về năng lực cạnh tranh đã được hai nhà kinh tế học Adam Smith (1776) và David Ricardo (1817) đề cập đến từ thế kỷ XVII và vẫn tiếp tục được các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học nghiên cứu và bổ sung cho phù hợp với tình hình kinh tế của mỗi thời đại, mỗi khu vực, mỗi lĩnh vực. Bởi vậy, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một khái niệm tổng quát và nhất quán nào về “năng lực cạnh tranh” được thừa nhận rộng rãi trong giới khoa học.

Trong tác phẩm “An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations” (1776), mặc dù Adam Smith không nhắc đến thuật ngữ “năng lực cạnh tranh”

hay “thương mại quốc tế” nhưng ông đã đề cập rất nhiều đến “đặc quyền”. Trong tác phẩm này, Adam Smith đã nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp sẽ sử dụng

những đặc quyền riêng của mình để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm với giá thành thấp nhất. Ông cho rằng, việc phân chia lao động và chuyên môn của một quốc gia theo hướng tối ưu nhất để cung cấp sản phẩm và dịch vụ với giá thành thấp hơn các quốc gia khác là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mang lại lợi ích cho quốc gia. David Ricardo (1817) sau đó bổ sung cho lập luận của Adam Smith và đưa ra nguyên tắc “lợi thế so sánh” để đề cập đến việc một quốc gia sẽ được lợi khi chuyên môn hóa sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng mà quốc gia đó có thể sản xuất với chi phí thấp hơn các quốc gia khác. Đồng thời, một quốc gia cũng sẽ được lợi nếu nhập khẩu các mặt hàng mà quốc gia đó có thể sản xuất được nhưng chi phí cao hơn các quốc gia khác.

Năm 1990, M. E. Porter đã đề cập và phân tích năng lực cạnh tranh các quốc gia và cấp ngành trong cuốn sách “Lợi thế cạnh tranh quốc gia”. Với một câu hỏi cốt lõi “vì sao một số nước thành công trong khi số khác lại thất bại trong cạnh tranh quốc tế?”, M.

Porter cho rằng “trong thời đại của chúng ta, năng lực cạnh tranh đã trở thành một trong những mối quan tâm chính đối với chính phủ và các ngành công nghiệp ở bất kỳ quốc gia nào”. Từ những nhận định trên, M. Porter đã đi sâu nghiên cứu những nền móng của sự thành công kinh tế của các doanh nghiệp và quốc gia, tìm câu trả lời cho câu hỏi “vì sao một quốc gia có thể trở thành quê hương của các doanh nghiệp thành công trên bình diện quốc tế trong một ngành công nghiệp?”. Nghiên cứu của M. Porter, được tiến hành trong vòng 4 năm trên 10 quốc gia có hoạt động thương mại quan trọng (Đan Mạch, Đức, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ), với mục đích tìm hiểu vì sao các quốc gia lại giành được lợi thế cạnh tranh trong các ngành công nghiệp cụ thể, với trọng tâm nghiên cứu là quá trình giành giật và duy trì lợi thế cạnh tranh ở những ngành và phân đoạn ngành công nghiệp tương đối tiên tiến.

Kết quả nghiên cứu của M. Porter đã đưa ra một mô hình mới cho phép phân tích và giải thích nguồn gốc lợi thế cạnh tranh của một quốc gia trong một ngành nhất định, Thông qua mô hình này, M. Porter đã giải thích tại sao một quốc gia có thể thành công trong một ngành công nghiệp trong khi quốc gia khác lại không thành công. Theo mô hình này, việc định hình môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy hay kìm hãm việc tạo lập lợi thế cạnh tranh phụ thuộc vào bốn yếu tố, là bốn thuộc tính lớn của một quốc gia, bao gồm: (i) vị thế của quốc gia về các yếu tố sản xuất đầu vào như lao động, cơ sở hạ tầng cần thiết cho cạnh tranh trong một ngành công nghiệp nhất định; (ii) đặc tính của cầu trong nước đối với sản phẩm hoặc hàng hóa của ngành đó;

(iii)sự tồn tại hay thiếu vắng những ngành công nghiệp phụ trợ và liên quan có tính chất cạnh tranh quốc tế ở quốc gia đó; và (iv) những điều kiện trong một quốc gia liên quan

đến việc thành lập, tổ chức và quản lý doanh nghiệp cũng như đặc tính của cạnh tranh trong nước. Bốn yếu tố này, kết hợp với nhau tạo thành một “tinh thể kim cương” bền vững, là cần thiết nếu muốn giành được và duy trì thành công cạnh tranh trong các ngành công nghiệp. Bên cạnh bốn yếu tố chính, lý thuyết của M. Porter còn nêu ra hai yếu tố là (i) những sự kiện khách quan và (ii) vai trò của chính phủ cũng có ảnh hưởng đến việc tạo ra hay dịch chuyển lợi thế cạnh tranh trong các ngành cộng nghiệp nhất định. Lý thuyết này của M. Porter đã mở ra một cách nhìn tổng thể hơn về năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp của các quốc gia trong bối cảnh mới của môi trường cạnh tranh toàn cầu.

Trên tạp chí Journal of Marketing năm 1993, các tác giả Sundar G. Bharadwaj, P.

Rajan Varadarajan và John Fahy đã thiết kế mô hình khái niệm và đưa ra các đề xuất liên quan đến việc tạo dựng lợi thế cạnh tranh bền vững trong lĩnh vực dịch vụ. Các tác giả tập trung vào các yếu tố kỹ năng và nguồn lực đặc biệt của các tổ chức, doanh nghiệp làm nền tảng phát triển lợi thế cạnh tranh bền vững trong lĩnh vực dịch vụ. Đồng thời, các tác giả cũng tập trung làm rõ các ảnh hưởng tổng hòa trong đặc điểm của dịch vụ, ngành công nghiệp dịch vụ, và các doanh nghiệp trong một ngành đến các kỹ năng và nguồn lực này. Nghiên cứu chỉ ra rằng các yếu tố như giá trị thương hiệu, hiệu ứng truyền thông và khả năng phán đoán xu thế đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên nghiên cứu cũng chỉ ra mặt hạn chế trong việc xây dựng thang đo các thuộc tính xã hôi, tâm lý và hiện tượng, cần được nghiên cứu sâu hơn trong các nghiên cứu sau này.

David P. Lindahl và William B. Beyers (1999) tập trung phân tích các yếu tố cấu thành của năng lực cạnh tranh tại các doanh nghiệp dịch vụ, sự khác nhau của năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và ảnh hưởng của các yếu tố này tới kết quả kinh doanh. Các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh được các tác giả đề cập bao gồm chất lượng, giá cả, tính sáng tạo và đổi mới, sự linh hoạt, chuẩn xác về giờ giấc và độ phong phú của các sản phẩm dịch vụ. Sử dụng mô hình năng lực cạnh tranh của M. Porter, các tác giả đã thành công phần nào trong việc phân loại kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dựa vào sự khác nhau giữa các đặc điểm về tuổi, loại hình doanh nghiệp và quy mô doanh nghiệp. Từ đó, các tác giả phát triển mô hình mở rộng các yếu tố liên quan đến năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động bao gồm các yếu tố như tính sáng tạo, khoảng cách địa lý, khả năng nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, và khả năng ứng biến với nhu cầu của khách hàng.

Nghiên cứu của Phạm Thị Quý (2005) tiếp cận năng lực cạnh tranh trên ba cấp độ gồm quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, trong đó đặt giả thiết rằng năng lực

công nghệ có tác động rất lớn đến sức cạnh tranh của hàng hoá, đổi mới công nghệ cho phép nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, giá bán hoặc tạo ra nhiều sản phẩm mới có tính năng tác dụng ưu việt hơn, đa dạng hơn so với đối thủ cạnh tranh. Thông qua việc phân tích một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh trên ba khu vực thị trường chính của sản phẩm thuỷ sản Việt Nam (Mỹ, Cộng đồng Châu Âu, Nhật Bản), kết luận được đưa ra là mặc dù doanh thu xuất khẩu tại các thị trường này liên tục tăng nhưng chưa ổn định, khả năng cạnh tranh trên các thị trường chưa cao, mà một trong những nguyên nhân đó là chất lượng sản phẩm, đặc biệt là việc đảm bảo các chuẩn mực về vệ sinh an toàn thực phẩm. Như vậy, nghiên cứu này mới chỉ đề cập đến năng lực cạnh tranh thông qua các dấu hiệu cạnh tranh của sản phẩm, do đó chưa làm rõ được sự ảnh hưởng của các yếu tố lợi thế khách quan mà ngành chế biến thuỷ sản Việt Nam có thể tiếp cận, mà chính những yếu tố này mới có thể tạo nên sức mạnh cạnh tranh tổng thể của ngành.

John Cantwell (2006), nghiên cứu năng lực cạnh tranh dưới ba cấp độ là cấp quốc gia (national level), cấp ngành (industry level), cấp địa phương và doanh nghiệp (regional and firm level) và ảnh hưởng của đổi mới công nghệ tới các cấp độ năng lực cạnh tranh. Với việc phân tích so sánh năng lực cạnh tranh giữa các quốc gia, giữa các ngành và giữa các tập đoàn lớn nhất thế giới, các kết luận được rút ra là khả năng cạnh tranh có nguồn gốc từ việc tạo ra những khả năng khác biệt cần thiết cho việc duy trì sự tăng trưởng trong một môi trường cạnh tranh quốc tế. Trong nghiên cứu này, các tác giả đã tiếp cận năng lực cạnh tranh của ngành dưới góc độ tổng thể, tức là năng lực cạnh tranh của toàn ngành với tư cách là một ngành của quốc gia này trong tương quan cạnh tranh với các quốc gia khác. Điều này đã cho phép các tác giả nhấn mạnh vai trò của các yếu tố lợi thế của quốc gia trong việc tạo dựng và củng cố năng lực cạnh tranh của một ngành. Với cách tiếp cận này, những kết luận của nghiên cứu mang lại nhiều ý nghĩa hơn trong việc định hướng tổng thể, đưa ra các chính sách phát triển hiệu quả một ngành trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.

Trong nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp, Sajee B.

Sirikrai và John C. S. Tang (2006) đã chia các chỉ tiêu có thể dùng để đánh giá năng lực cạnh tranh một ngành công nghiệp thành 2 nhóm: nhóm chỉ tiêu tài chính và nhóm chỉ tiêu phi tài chính. Mặc dù từ trước đến nay các chỉ tiêu tài chính như lợi tức đầu tư và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản vẫn được xem là đại diện cho năng lực cạnh tranh, tuy nhiên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và điều kiện hội nhập kinh tế và mở cửa ngành hàng không như hiện nay thì các chỉ tiêu phi lợi nhuận cũng không kém phần quan trọng. Một số chỉ tiêu phi lợi nhuận được đề cập bao gồm: chỉ số hài

lòng khách hàng (Sharma & Fisher, 1997; Tracey, Vonderembse & Lim, 1999); thị phần (Anderson & Sohal, 1999; Li, 2000; Sharma & Fisher, 1997); tăng trưởng thị phần (Tracey et al., 1999); khả năng cạnh tranh tổng thể (Anderson & Sohal, 1999; Lau, 2002); doanh số bán hàng (Anderson & Sohal, 1999; Li, 2000); tăng trưởng doanh số (Lau, 2002; Sharma & Fisher, 1997); mức độ thành công của các kế hoạch (Gordon &

Sohal, 2001); và năng suất lao động (Noble, 1997; Ross, 2002; Sharma & Fisher, 1997).

Việc vận dụng đồng thời cả 2 nhóm chỉ tiêu tài chính và phi tài chính trong phân tích năng lực cạnh tranh ngành sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn cảnh hơn về ngành, từ đó tạo ra hệ thống đo lường hiệu suất chính xác hơn.

Nghiên cứu của L. Lakhai (2009) đã chỉ ra rằng việc cải thiện chất lượng và hiệu quả là một cách hữu hiệu để duy trì năng lực cạnh tranh và tăng cường hiệu suất của doanh nghiệp. Nghiên cứu đã khái quát hóa và phát triển được khung liên kết giữa chất lượng, năng lực cạnh tranh và hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp. Dữ liệu phục vụ nghiên cứu được thu thập từ 74 doanh nghiệp tại Tunisia và các mối quan hệ được đề cập đến trong khung liên kết đã được kiểm định bằng cách sử dụng mô hình phương trình cấu trúc. Kết quả nghiên cứu khẳng định nâng cao chất lượng có thể dẫn đến tăng cường năng lực cạnh tranh và cải thiện hoạt động của doanh nghiệp.

Bùi Đức Tuân (2010) đã đề cập tới 10 tiêu chí năng lực cạnh tranh ngành (1-tỷ lệ đóng góp của “Năng suất yếu tố tổng hợp”, 2-năng suất lao động, 3-năng suất vốn, 4-biến động mức giá thực, 5-đầu tư cho nghiên cứu và triển khai, 6-kỹ năng của lực lượng lao động, 7-thị phần xuất khẩu, 8-thị phần nhập khẩu, 9-hệ số xuất-nhập khẩu, 10-các chỉ số về đầu tư trực tiếp ngước ngoài), trong đó áp dụng 5 tiêu chí năng lực cạnh tranh ngành thủy sản (1-tỷ trọng đóng góp của TFP, 2-năng suất lao động, 3-kỹ năng của lực lượng lao động, 4-thị phần xuất khẩu, 5-chỉ số đầu tư trực tiếp nước ngoài), 5 yếu tố lợi thế cạnh tranh quốc gia theo mô hình kim cương của Michael E. Porter (1-các điều kiện về yếu tố sản xuất, 2- các điều kiện về nhu cầu trong nước, 3-các ngành hỗ trợ và liên quan, 4-chiến lược doanh nghiệp, cấu trúc và cạnh tranh trong nước, 5-vai trò chính phủ) và 2 yếu tố cạnh tranh quốc tế (1-nhu cầu thế giới đối với các sản phẩm của ngành và 2-cạnh tranh quốc tế) để phục vụ nghiên cứu về “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chế biến thủy sản Việt Nam”. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngoài năng suất, còn có các yếu tố khác có thể được sử dụng để thể hiện năng lực cạnh tranh của ngành. Theo tác giả, trong điều kiện cạnh tranh quốc tế, năng lực cạnh tranh của ngành được thể hiện trên nhiều mặt, trong đó quan trọng là những yếu tố cạnh tranh xuất khẩu và yếu tố đầu tư nước ngoài. Những lợi thế tự nhiên truyền thống như tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động dồi dào và rẻ,… không còn là yếu tố lợi thế quyết định đến lợi thế cạnh

tranh quốc gia nữa. Thay vào đó, môi trường cạnh tranh trong nước, nhu cầu thị trường nội địa và lợi thế cạnh tranh quốc gia được coi là nền tảng và có ảnh hưởng quan trọng đến việc tạo dựng và duy trì năng lực cạnh tranh của một ngành.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu năng lực cạnh tranh của ngành hàng không dân dụng việt nam trong lĩnh vực vận chuyển hành khách (Trang 23 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(220 trang)
w